Thứ bảy, ngày 19 tháng 04 năm 2025
14:55 (GMT +7)

Câu chuyện đời lính của bố tôi

Tôi may mắn sinh ra khi đất nước đã hòa bình, không còn cảnh bom rơi, đạn nổ. Trang sử hào hùng của dân tộc mà tôi được học khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc về những gian khổ, hi sinh; những mất mát, đau thương mà cha ông ta đã phải trải qua. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, nối liền hai miền Nam - Bắc, non sông thu về một mối. Độc lập tự do hôm nay đánh đổi bằng máu xương thế hệ đi trước. Tôi càng thêm tự hào vì bố tôi cũng là một người lính Cụ Hồ đóng góp sức lực, tuổi trẻ tham gia chống Mỹ, bảo vệ đất nước.

Bố tôi (bên phải) và chú Sơn – một người bạn chiến đấu thân thiết
Bố tôi (bên phải) và chú Sơn – một người bạn chiến đấu thân thiết

Học xong phổ thông, vừa rời ghế nhà trường, năm 1971, bố tôi từ quê hương Thái Nguyên hăm hở nhập ngũ lên đường Nam tiến đánh Mỹ khi vừa tròn hai mươi tuổi, độ tuổi đẹp nhất, tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết. Bố là bộ đội Quân đoàn 3, là lính trinh sát nhanh nhẹn, quả cảm. Sau 7 tháng huấn luyện và được cử đi học lớp Tiểu đội trưởng, tháng 1 năm 1972, bố tôi trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang phối hợp chiến đấu tại nước bạn Lào, ở đơn vị Trung đoàn 148, Sư đoàn 316.

Trong điều kiện vô cùng gian khổ, khắc nghiệt của mùa mưa, chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 trải qua 4 đợt chiến đấu, giao tranh quyết liệt, bố đã cùng đồng đội kiên cường đánh địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng Cánh đồng Chum, làm thất bại cuộc tiến công quy mô lớn, góp phần cơ bản đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và làm phá sản “Học thuyết Nixon” của đế quốc Mỹ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường C, bố tôi cùng đơn vị trở về Việt Nam tham gia chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bố kể về niềm vui sướng khi cùng đoàn xe tăng bộ đội giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 trong không khí hào hùng, phấn khởi, rợp sắc cờ hoa. Những nụ cười rạng rỡ, những cái ôm, cái bắt tay; những tiếng hò reo chiến thắng không thể nào quên trong kí ức của người lính năm xưa. Gặp lại người bạn đồng hương cùng ngày nhập ngũ sau bốn năm tại Sài Gòn ngày giải phóng, bố tôi và bạn vui mừng khôn xiết, sung sướng ôm chầm lấy nhau, cùng chụp bức hình lưu niệm thời khắc đặc biệt.

Đất nước hoàn toàn độc lập, bố tôi được chuyển ngành đi học trường văn hóa quân đội và thi vào học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1976 kết hôn với mẹ tôi và chuyển ra Bắc, học trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên).

Cuộc đời chinh chiến và hậu chiến thời bao cấp muôn vàn gian khổ, thiếu thốn nhưng bố tôi luôn là một chiến sĩ kiên trung, một thầy giáo hiền hậu, cần mẫn, hết lòng vì sự nghiệp trồng người, được anh em, bạn bè, đồng nghiệp yêu quý, kính trọng. Bố tôi không may mất sớm vì mắc bệnh hiểm nghèo. Ngày tôi còn được ở bên bố, bố thường kể chuyện chiến trường, nói chuyện văn thơ. Bố nhắc đến những nhà thơ, nhà văn tên tuổi mà tôi học trong chương trình cấp 2, cấp 3.

Gia đình tôi: Bố, mẹ và hai em trai. Ảnh chụp tại nhà năm 1992
Bố, mẹ và hai em trai của tôi. Ảnh chụp tại gia đình (xã Động Đạt, huyện Phú Lương) năm 1992

Tôi còn nhớ những trận sốt rét quái ác mà bố phải gồng mình vượt qua. Lúc đó, đắp bao nhiêu chăn cũng không đủ. Người bố cứ run lên bần bật vì rét. Tôi thương bố quá mà không biết làm gì hơn. Mẹ tôi bảo bố bị ảnh hưởng của những trận sốt rét rừng những năm quân ngũ. Tôi vẫn nhớ như in mấy câu thơ bố viết trên đất Lào, bố đọc cho chị em tôi nghe mỗi khi vui vẻ chuyện trò.

Bố tôi có một người bạn rất thân thiết, cùng học phổ thông, cùng nhập ngũ, sau lại cùng học đại học với nhau, đó là chú Hoàng Tam Sơn. Mỗi lần họp lớp hay gặp mặt cựu chiến binh, chú Sơn vẫn thường kể về bố tôi với niềm tự hào: đồng chí Đoàn Minh Tâm là một người hiền lành, sống tình cảm, gần gũi, chan hòa, giản dị; đặc biệt là rất yêu văn thơ và thích đàn hát.

Dịp 30/4 năm trước, tôi được gặp lại và trò chuyện với chú. Với giọng đầy xúc động, chú đọc lại mấy câu thơ của bố tôi:

“Tôi đi trên cao nguyên/Giữa hương đồng cỏ mật/ Nắng thu về trong vắt/ Bầu trời cánh đồng Chum”.

Chiến trường gian khổ, ác liệt, nơi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng với ý chí kiên định, tinh thần quả cảm và hơn hết là tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình, bố tôi đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Và trong những giây phút thư giãn hiếm hoi của người lính, tâm hồn trẻ trung, bay bổng chất thơ của bố đã  vang lên những câu thơ đầy thi vị như thế. Tôi hạnh phúc được thừa hưởng tình yêu văn chương từ bố.

Mẹ tôi chụp ảnh bên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
Mẹ tôi chụp ảnh bên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Cả nước hướng tới kỉ niệm mốc son trọng đại 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), mẹ tôi lại rủ rỉ nhắc về bố, kể chuyện về bố với niềm tự hào. Dịp vào thăm lại Sài Gòn, mẹ tôi chụp ảnh bên chiếc xe tăng tại Dinh Độc Lập. Mẹ vui vẻ nói với tôi rằng đây là chiếc xe tăng năm xưa bố con cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn đấy. Đôi mắt mẹ ánh lên niềm vui rồi lại hướng về phía xa xăm. Có lẽ mẹ đang nhớ bố. Những  người đồng chí, đồng đội của bố người còn, người mất. Những người còn sống cứ có dịp lại gặp gỡ, hàn huyên. Và các bác thường nhắc đến bố tôi. Những câu chuyện về tình đồng đội khiến tôi càng thêm trân trọng những gian khổ, hy sinh của thế hệ cha anh và càng thêm nhớ bố.

Quá khứ ngày một lùi xa nhưng dư âm Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 sẽ còn mãi trong lòng các thế hệ như bản hùng ca theo năm tháng, và những câu chuyện về đời lính của bố tôi sẽ mãi là kỉ niệm đẹp, đáng tự hào.

Đoàn Hạnh

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy