Văn xuôi Thái Nguyên nhìn từ 2020 Nhìn lại
VNTN - Tôi có một thói quen khó bỏ là mỗi khi bắt đầu có ý định viết về những thành tựu đạt được trong năm của Chi hội Văn xuôi, tôi lại nhớ về cái mốc cách đây khoảng trên 15 năm. Đó là một thời gian chưa quá xa, cái thời gian từng đánh một dấu buồn tủi cho các cây bút văn xuôi trong tỉnh. Ngày ấy, ai cũng rõ là thời kì bùng nổ của thơ Thái Nguyên. Trong vòng dăm năm mà thơ tỉnh ta đã có tới bốn giải thưởng thơ của trung ương cùng hai người trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của cả nước khi về thăm hoặc hướng dẫn các trại văn học của tỉnh đều đưa ra nhận định: thơ Thái Nguyên đang ở một tầm cao. Còn văn xuôi, trôi tuột như một cái bóng mờ nhạt. Không một giải thưởng, không một hội viên Hội Nhà văn được kết nạp thêm, không một cây bút nào nổi lên đáng kể, các cuốn sách thì ít ỏi… Nhà nghiên cứu Lâm Tiến trong một cuộc hội thảo đã từng có một đánh giá chính xác mà chua chát: “Thập kỉ thứ nhất của thế kỉ 21, một thập kỉ đổi mới đầy triển vọng của văn học cả nước nhưng đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên không có một tiểu thuyết nào ra mắt”. Có lẽ bởi vậy mà cho đến tận hôm nay, nỗi buồn về những năm tháng ấy, nhiều hội viên văn xuôi không thể nào quên.
Các tác giả ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: Đ.T
Nhưng vào khoảng ngót chục năm trở lại đây, mỗi lần được báo Văn nghệ Thái Nguyên phân công viết bài có tính chất tổng hợp thành tích trong năm của Chi hội Văn xuôi, tâm trạng tôi đã có sự giải tỏa và đặc biệt là vào năm 2020 này dường như đã vượt khỏi sự tưởng tượng của tôi và rất nhiều người.
Lời phê phán của nhà nghiên cứu Lâm Tiến, đúng như một nhà phê bình văn học nước ngoài từng nói, đại ý: phê bình giống như một nhát đốt của con ruồi trâu để sáng tác phải bật lên. Dường như câu nói của Lâm Tiến đã có tác dụng khá mạnh đến tinh thần sáng tác của anh chị em văn xuôi Thái Nguyên. Bước sang những năm đầu của thập kỉ thứ hai, có lẽ do tự ái nghề nghiệp, nhà văn Phạm Đức, người chỉ quen viết truyện ngắn đã nổ phát súng đầu tiên bằng cuốn tiểu thuyết “Bão rừng” làm xôn xao dư luận một thời. Tác phẩm đoạt giải Ba của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Và ngay sau đó là các tiểu thuyết “Những người mở đường”, “Mắt rừng”, “Con đường cát bụi”, “Tể tướng Lưu Nhân Chú, “Thái Nguyên - 1917”, “Phượng hoàng núi”, “Cơm áo chợ đời”, “Đèn giời”, “Sóng bên ngày nắng”, “Danh gia đất mỏ”, “Giông gió làng chè”, “Bến Đậu”, “Đồng đội”, “Gió đồng làng Am”, “Chuyện tình Phia bjooc”, “Làng một người”… và gần đây nhất là “Lửa khuất”, “Phố núi” của các hội viên văn xuôi đã lần lượt xuất hiện. Thật khó có thể kể đầy đủ tên những cuốn tiểu thuyết trong vòng ngót mười năm trở lại đây. Nhiều cuốn tiểu thuyết xuất hiện trong thời gian này đã đoạt các giải thưởng quan trọng ở địa phương và trung ương. Và điều đáng nói là hầu hết các tác phẩm trên không phải là những cuốn sách tác giả tự in rồi biếu tặng quanh bạn bè, mà được các thư viện và các quầy sách trong cả nước phối hợp phát hành rộng rãi. Có một số tiểu thuyết đã được các hệ thống phát hành lớn mang yếu tố thị trường như Tiki, Fahasa… bán cạn đến những sản phẩm cuối cùng.
Chi hội Văn xuôi đi thực tế Tây Bắc. Ảnh: Phan Thái
Có thể nói, năm 2020 này đã có sự ra quân ào ạt của các cây bút Thái Nguyên cả về tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, tản văn… Nếu như các nhà văn có tuổi vẫn giữ một phong độ cần thiết như Phạm Đức với hai tiểu thuyết “Đêm bệnh viện”, “Thánh Đuổm Dương Tự Minh” sắp xuất bản; như Nguyễn Văn với tiểu thuyết “Lộ diện” cũng đang trong giai đoạn ra bông ở nhà in thì những tác giả lâu nay đã được khẳng định như Bùi Thị Như Lan, Phan Thái, Minh Hằng, Đào Nguyên Hải… cũng đã và đang ra lò những cuốn sách đầy hứa hẹn. Một chuyện vui nữa là năm 2020 này còn có sự xuất hiện của các cây bút mới, cây bút trẻ như: Hoàng Thị Hiền với “Gửi trăng về núi” (tập truyện ngắn), Trần Thị Nhung, Hoàng Thao với “Bình minh đêm và Giấc mơ màu nắng” (tập truyện ngắn), “Cuối mùa lá rụng” tập truyện ngắn của Mai Linh Lan, tập tản văn “Thì thầm Mưa xuân” của Thanh Xuân…
Nghe tin tôi sắp viết bài mang tính tổng kết về văn xuôi cho Chi hội, nhà văn Bùi Thị Như Lan đã gửi tới một “bản thống kê thành tích” khá… đồ sộ bằng một tinh thần đầy tự hào và vui vui như một lời tâm tình:
Anh Giang ơi, năm 2019 em làm được những việc sau đây: Ra tập truyện "Vòng vía"; Sách dự án “Bảo tồn VHNT các dân tộc Việt Nam” 4 tập; “Chuyện tình Phia bjooc” (Tiểu thuyết), “Mùa mắc mật”(Tập truyện), “Lời sli vắt ngang núi” (Tập truyện), “Những con đường sau lặng im tiếng súng” (Tập bút ký). Cuối năm 2019 đi dự Hội thảo ở Đài Loan về "Văn học Đài Loan - Việt Nam". Năm 2020: Có 8 truyện ngắn, 11 tản văn và 4 bút ký đăng trên báo trung ương gồm: báo Văn nghệ - Hội Nhà văn, Văn nghệ Công an, tạp chí Văn nghệ quân đội, Tạp chí Văn hóa quân sự, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, Báo Lao động cuối tuần, Thời báo kinh tế....
Tiểu thuyết "Chuyện tình phia bjooc" và 3 truyện ngắn được đăng trên tạp chí văn học "Chim Việt Cành Nam" của cộng đồng người Việt Nam ở Pháp.
Hiện nay đang viết tiểu thuyết mới.
Anh Giang ơi, chỉ có vậy thôi ạ.
“Chỉ có vậy thôi”, nhưng nhìn vào bản thống kê thành tích của nhà văn gạo cội này đúng là hoa cả mắt.
Vậy mà hai ngày sau, lại nhận tiếp một thư qua email của Bùi Thị Như Lan: Anh Giang ơi, em bổ sung thêm tin "nóng bỏng" trong hoạt động văn học năm 2020. Em được giải Nhì truyện ngắn trong Cuộc Vận động Sáng tác thiện nguyện về đề tài Hậu chiến tranh do Bảo tàng Chiến tranh Minh Chuyên trao tặng. (Trong cuộc vận động sáng tác thiện nguyện này, Nhà văn Minh Chuyên đã xuất bản 10 tập sách về đề tài hậu chiến tranh do các tác giả gửi tác phẩm tham gia dự thi, được Nhà nước đánh giá cao).
Quả nhà văn Bùi Thị Như Lan đã xứng đáng là nhà văn đầu bảng của người viết Thái Nguyên.
Nhưng các nhà văn trẻ của Chi hội cũng không hề kém cạnh.
Đây là thư gửi người viết bài tổng kết này của nhà văn trẻ người dân tộc Tày Hoàng Thị Hiền:
Cháu gửi bác:
I- Trong năm qua (2020), cháu làm được những việc sau ạ:
Về sáng tác: Giải Ba tập truyện ngắn “Gửi trăng về núi” của Hội Văn học các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.
In 4 truyện ngắn trên các báo: Văn nghệ Thái Nguyên, Cao Bằng,... In trên 20 bài các báo/ tạp chí: Quân đội nhân dân, Non nước Cao Bằng, Văn nghệ Thái Nguyên, Văn nghệ Ba Bể, Tuần báo Thành phố Hồ Chí Minh....
Tản văn: 3.
Giải Vàng tập thể Liên hoan phát thanh toàn quốc tác phẩm: “Đưa Then xuống phố”.
II- Từ 2020 trở về trước thì cháu có 20 truyện ngắn được in; tản văn:10, kịch bản truyền thanh: 2.
Về thơ cháu không nhớ rõ, nhưng chắc cũng trên 150 bài đăng báo và tạp chí ạ.
Và đây là thư của nhà văn trẻ Trần Thị Nhung: Năm nay, cháu không có gì nhiều ngoài những bài đăng các báo ạ: 7 truyện ngắn, 8 bài thơ, 1 tản văn, và ra một cuốn sách chung với chị Hoàng Thao nhan đề “Bình minh đêm và Giấc mơ màu nắng”. À. Năm nay, cháu có một bài giới thiệu sách về cuốn sách: “Đại đội 915 còn mãi với nước non” tham gia cuộc thi sinh viên với văn hóa đọc thời đại 4.0 của trường Đại học Mở Hà Nội, đoạt giải Ba ạ. Không biết có gọi là thành tích văn học không bác nhỉ? Năm trước thì cháu cũng có những bài in báo và có một giải Ba cuộc thi sáng tác Văn học Xứ Thanh ạ.
Và còn nhiều những bức thư như thế. Tôi đăng lại nguyên văn những bức thư trên là bởi muốn lưu giữ lại những niềm vui tươi mới từ chính tâm hồn các bạn và cũng chính từ không khí tươi mới của văn xuôi tỉnh nhà.
Còn nhà văn Phan Thái, Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi thì gửi cho tôi một bản tổng kết rất hoành tráng về những điều đạt được của Chi hội trong năm qua. Trong đó nổi lên một điểm sáng mà hình như chưa năm nào có được: Từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020 hội viên Chi hội đã xuất bản 13 đầu sách với đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tản văn, và đoạt 10 giải thưởng văn học nghệ thuật của địa phương và trung ương. Điều quan trọng hơn là năm nay Chi hội trưởng đã tỉ mỉ phân loại khá rạch ròi nội dung chủ đề từng cuốn sách, ví như “Gửi trăng về núi” của Hoàng Thị Hiền viết về miền núi, “Lửa khuất” viết về công nghiệp, “Apsara dưới trăng” viết về quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, “Linh Sơn tử chiến” về đề tài lịch sử…
Rồi một kế hoạch năm tới cũng đã kịp thời được nêu ra. Có thể tóm tắt:
1- Tiếp tục phát huy khả năng của mỗi hội viên sáng tác thêm nhiều tác phẩm văn học.
2- Phấn đấu năm 2021, Chi hội có ít nhất 10 cuốn sách của hội viên được xuất bản.
Dự kiến sơ bộ:
- Phan Thái: 2 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn.
- Phạm Đức: 2 tiểu thuyết.
- Nguyễn Văn: 1 tiểu thuyết.
- Đỗ Dũng: 2 cuốn.
- Bùi Nhật Lai: 1 cuốn.
- Minh Hằng: 1 cuốn.
- Hồ Thủy Giang: 1 cuốn.
3- Tổ chức sáng tác các tác phẩm văn học về đề tài cách mạng Võ Nhai.
4- Tổ chức bản thảo một cuốn sách của Chi hội tham gia cuộc thi Cây bút vàng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam.
5- Tọa đàm chuyên đề “Nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học”.
6- Tổ chức các buổi ra mắt sách của hội viên trong Chi hội.
7- Tổ chức thăm hỏi các hội viên khi ốm đau.
…
Thực là một kế hoạch của năm tới đầy vất vả và gian khó. Nhưng tôi nghĩ, đó là một bản phương hướng sẽ không chỉ nằm trên giấy. Với một “đội quân” đang thừa thế tiến lên phía trước như Chi hội Văn xuôi thì đây chắc chắn là một kế hoạch trong tầm tay.
Từ đầu bài viết, có lẽ vì quá say với thành tựu mà người viết bài này quên nêu những khiếm khuyết của Chi hội. Tất nhiên, dù có tốt đến bao nhiêu thì những khuyết điểm, nhược điểm là điều không bao giờ tránh được. Tôi nghĩ, nhược điểm chính của các cây bút văn xuôi Thái Nguyên là có thể vì quá ham mê về số lượng mà đã phần nào chưa chú ý nhiều đến chất lượng. Năm qua, tuy đã có những cuốn sách đoạt giải ở trung ương nhưng chưa có tác phẩm nào trở thành hiện tượng của văn chương cả nước. Các tác giả Thái Nguyên vẫn như lẫn lộn đâu đó giữa “dàn đồng ca” của văn chương Việt Nam. Sự cách tân về thi pháp, phương pháp sáng tác điều mà nhiều cây bút của cả nước đang hướng tới cùng sự say mê thì đối với các cây bút của Chi hội Văn xuôi tỉnh nhà vẫn chưa phải là điều quá hấp dẫn.
Chúng ta đang mải mê với các thành tựu mà chưa biết cách tĩnh lại, chậm lại để làm nên những tác phẩm mang dấu ấn thời đại. Một điều nữa, các nhà văn Thái Nguyên chưa thực sự nghĩ suy, đắm đuối với các tác phẩm mang đặc trưng đất và người địa phương, thậm chí có người còn cho rằng Thái Nguyên không có đặc trưng… Thưa các bạn, Thái Nguyên, trong con mắt tinh đời của nhà sử học Trần Quốc Vượng gần bốn mươi năm trước đã được tổng kết bằng vài từ ngắn gọn: Tiếp xúc và hội tụ! Chỉ cần với mấy âm tiết này cũng đủ để cho các nhà văn chúng ta khai thác mệt mỏi hàng mấy chục năm về người Thái Nguyên mà chưa cạn. Rồi Thái Nguyên, với lịch sử truyền thống, lịch sử Cách mạng - Kháng chiến ở Võ Nhai, Định Hóa, Phổ Yên, Phú Lương, Đại Từ… cũng đủ để cho các nhà văn hướng tới vài ngàn trang sách.
Thiết nghĩ, đó chính là thì tương lai của chúng ta. Nhưng tương lai ấy có trở thành hiện thực hay không thì đó lại là trách nhiệm và lòng say mê của đội ngũ văn chương tỉnh nhà, mà động lực chủ yếu chính là Chi hội Văn xuôi của chúng ta.
Dù sao cũng cần chờ đón nó như một niềm hi vọng lớn.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...