Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
02:32 (GMT +7)

Tham nhũng khó chống nhưng chống được

VNTN - Tham nhũng là hiện tượng vô văn hóa song hành với lịch sử loài người, có ở tất cả mọi thời kỳ lịch sử, ở mọi quốc gia ở mức độ khác nhau. Ở Việt Nam, nạn tham nhũng có những nét chung của thế giới nhưng có những nét riêng bởi đặc thù của nền văn hóa quy định.

Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa học cho thấy những đặc điểm đó là văn hóa của một nền văn minh lúa nước, là văn hóa làng xã, văn hóa tông tộc và dòng họ(1). Tựu trung lại có những nét riêng khác với văn hoá phương Tây như nhà văn hóa Phan Ngọc cho thấy.

Mỗi cá nhân người Việt Nam gắn liền với gia đình và Tổ quốc, với 3 chữ F  Fate (số phận), Family (gia đình), Father land (Tổ quốc), không có cá nhân cực đoan.

Chỉ nhìn vào bữa ăn hay mâm cơm của người Việt Nam là thấy rõ nếp văn hoá khác biệt với văn hóa nặng cá nhân của người Châu Âu. Bữa ăn của người Châu Âu, mỗi người một đĩa riêng, có sẵn bơ thịt, bánh mì, có forset, dao, thìa riêng, một bát súp múc riêng. Chung nhau chỉ còn lại là cái bàn ăn. Bữa ăn của người Việt Nam thì chung nhau tất cả. Nồi cơm chung để đầu bàn, người mẹ, người vợ hoặc con dâu xới cho cả nhà, đĩa thức ăn chung nhau, mọi người cùng gắp, đĩa rau chung, cùng một bát nước chấm chung nhau...

Mỗi người Việt Nam không chỉ sống cho bản thân mình mà bao giờ cũng vì những người thân thích: ông bà, cha mẹ, vợ con, bạn bè rồi đến những quan hệ xa gần. Bởi vậy "Một người làm quan cả họ được cậy". Lại có một đức tính rất tốt là "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách" nhưng có khi bị hiểu và ứng xử không đúng chỗ. Vì vậy mỗi người Việt Nam không chỉ sống cho anh ta, đầy đủ riêng cho anh ta mà còn phải "thu vén" cho những quan hệ mà anh ta đang sống.

Chưa nói là ra đời trong một nền kinh tế tiểu nông nghèo nàn và lạc hậu, con người sống chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, rất bị động "ơn trời mưa nắng phải thì". Không ai có tài sản to lớn và có truyền thống, "không ai giầu ba họ" cho nên bao giờ cũng thường trực tâm lý “tích cốc phòng cơ", hễ có điều kiện là nhặt nhạnh cho cái "bát nước chấm" trong mâm cơm bao giờ cũng có đủ không chỉ cho bản thân mình mà cho cả gia đình. Ai cũng có tâm lý đó có nghĩa là ai cũng có thể tham nhũng nếu có điều kiện và không được giáo dục văn hóa tốt. Chính vì vậy mỗi cá nhân vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân của nạn tham nhũng.

Cụ Nguyễn Du - "khi viết Truyện Kiều đất nước hóa thành văn" (Chế Lan Viên) đã bắt đầu kiệt tác bằng một vụ tham nhũng. "Thằng bán tơ" vu oan giáng họa cho gia đình Kiều. Để phải: "Có ba trăm lạng việc này mới xong", nàng Kiều đã phải bán mình để lấy tiền đút lót cửa quan, chạy án cho cha thoát tội, khỏi bị đánh đập, tra tấn, để rồi bước vào cuộc đời oan khốc 15 năm trời. Nàng Kiều tài sắc ấy, đầy lòng vị tha ấy, thương người, sẵn sàng hy sinh cả tình yêu, cả thân mình vì người khác ấy nhưng khi số phận run rủi trở thành mệnh phụ phu nhân lại cũng trở thành người ăn của đút lót, nhận hối lộ. Hồ Tôn Hiến chiêu hàng Từ Hải không được bèn "đi cửa sau" đút lót nàng Kiều.

Lại riêng một lễ với nàng

Hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân.

Không chỉ là nhẹ dạ của người đàn bà mà Thúy Kiều cũng đã đắn đo suy nghĩ chán khi nhận của hối lộ. Nàng không chỉ nghĩ đến mình mà còn nghĩ đến mẹ cha:

Cũng ngôi mệnh phụ đường đường

Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha

Và quan trọng hơn là "Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu". Nàng Kiều đã trở thành kẻ tham nhũng, nhận hối lộ một cách tự giác để rồi làm sụp đổ tan tành sự nghiệp anh hùng của Từ Hải.

Như vậy để thấy rằng, con người Việt Nam rất có thể ai cũng là nạn nhân và là nguyên nhân của tham nhũng. Ai cũng có thể vi phạm pháp luật và trở thành nạn nhân của vấn đề này. Đó là chưa nói đến việc người Việt Nam đến hôm nay vẫn chưa quen sống với pháp luật, mà vẫn còn quyến luyến với Phép vua thua lệ làng, với Đã đưa đến trước cửa công. Ngoài thì là lý, song trong là tình (Truyện Kiều).

Một thực tế là nạn tham nhũng hoành hành, dù Nhà nước đã có Pháp luật và nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng hiệu quả rất ít. Thực thi pháp luật là thanh tra, tòa án các cấp nhưng là con người cụ thể. Mà con người, như trên đã nói ai cũng là nguyên nhân và là nạn nhân của tham nhũng nên thật khó mà thực thi. Cũng chính vì vậy mà tâm lý xã hội không nghiêm khắc với tội danh này. Cái tội tham nhũng được coi là "Giặc nội xâm" nhưng không bị dư luận, và tâm lý xã hội lên án, phỉ báng, khinh ghét như tội bán nước, tội ăn cướp, giết người. Lịch sử cho thấy trong quá khứ, thời nào cũng có chuyện tham nhũng, có những ông quan ăn hối lộ, mua quan bán tước được sử sách ghi lại rõ ràng nhưng ngày nay mấy ai nhớ tên tuổi của họ như nhớ một Trần Ích Tắc, môt Lê Chiêu Thống bán nước mà xỉ vả, nguyền rủa hết đời này sang đời khác.

Để chống tham nhũng, cha ông ta có những cách phù hợp dù trong lịch sử pháp luật Nhà nước chưa thật đầy đủ, hoàn thiện. Ấy là bằng văn hoá, Nói cho cùng thì văn hóa mới là cái đầu tiên, là nền tảng vững chắc của xã hội, là yếu tố cơ bản của xã hội. Pháp luật là cái cuối cùng. Văn hoá Việt Nam dạy cho con người nhân nghĩa từ thuở lọt lòng qua lời ru tiếng hát của mẹ, của bà. Thương người như thể thương thân, Lá lành đùm lá rách, Của làm được thì để trong sân, Của phù vân thì để ngoài ngõ, Ăn mày là ai, ăn mày là ta, Đói cơm rách áo thì ra ăn mày. Khuyên con người cung cách ứng xử: Ăn trông nồi ngồi trông hướng. Tham để làm gì: Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng, Chết xuống âm phủ có mang được gì. Và có một hiện tượng như là quy luật, ấy là Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Vơ vét để làm gì, tham nhũng để làm gì mà mình trở nên giàu có bất chính khi xung quanh đồng bào nghèo đói.

Thật ra để tham nhũng được cũng phải mưu mô, thủ đoạn, phải đối phó, phải lừa trên, dối dưới. Nếu kẻ tham nhũng còn lương tâm thì cũng phải dằn vặt, lo lắng vì việc làm bất chính của mình. Ăn cơm nước cáy thì ngáy khò khò. Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy. Nếu văn hóa có đủ cho mọi người thì hạn chế được tham nhũng. Văn hóa phải được xây dựng bằng Giáo dục, Tôn giáo và Pháp luật. Thực tế cho thấy tôn giáo dạy cho con người bớt tham lam và răn đe tội lỗi của con người sẽ bị trừng phạt không chỉ ở thế giới này.

(1) Phan Ngọc, Một phong cách tiếp cận văn hoá.

Nxb. Thanh niên, Hà Nội 2000.

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy