Chúng tôi nói về chúng tôi
Bình thường mới! Bình thường mới!Chúng tôi cũng mới!
Cả về nhân sự lẫn tư duy, thực tiễn, đều đã có đổi mới và tạo ra sự khác lạ “không hề nhẹ”!
Ấy là sự chuyển động của cả tập thể lãnh đạo Hội - Tòa soạn và với mỗi thành viên của Ban Biên tập.
Đầu Xuân Mới, trân trọng giới thiệu niềm hứng khởi của các thành viên trong ngôi nhà Văn nghệ Thái Nguyên!
Khi Covid tấn công Tòa soạn
Trần Văn Thép, Tổng Biên tập
22h54', 17/01/2022, đèn chat group Cơ quan nhấp nháy:
“Báo cáo các sếp, thằng M. nhà em sốt, test nhanh 2 vạch. Cả nhà vừa ngoáy mũi rồi, đang nín thở chờ kết quả. Lạy Giời, Phật phù hộ cho âm tính!”
Đó là tin nhắn của Thư ký Tòa soạn Văn nghệ Thái Nguyên.
Ngay tắp lự, hàng chục tin nhắn dồn dập “thả” vào nhóm. Chủ yếu là động viên, trấn an đồng nghiệp. Cả Chủ tịch, cả Tổng Biên tập, cụ “Chánh”, đến cả các cháu mới “nhập” cơ quan đều bày tỏ lạc quan: “Yên tâm đi”, “Không sao đâu”…
07h2', 18/01/2022, dòng tin của Thư ký lại nổi lên:
“Đ/c Huy vừa điện cho nhà em, người + lại là em chứ Nhà mình ơi. Hức hức...”.
Thật là oái oăm!
Suốt hơn một năm làm báo dưới thời Covid, cả Tòa soạn đã quá quen với các thông tin về dịch bệnh; một số phóng viên còn được trải nghiệm cảm giác khi lao vào tâm dịch; mấy người đã từng bị “nhốt” tại gia vì “dính” F2, thậm chí họa sĩ thiết kế - Đào Tuấn còn được trải nghiệm 1 tuần ở Khu cách ly tập trung vì trở về từ vùng dịch.
Nhưng lần này thì khác. Tòa soạn bị Covid tấn công trực tiếp, vào thẳng trung tâm đầu não!
Theo kế hoạch, ba ngày nữa báo sẽ gửi đi Nhà in. Bảy ngày nữa sẽ tổ chức Tổng kết công tác Hội, khen thưởng, kết nạp hội viên,… dự kiến là có Báo Tết gửi các đại biểu. Chẳng nhẽ…
Trên số báo vừa ra (số 1/2022), chính Tổng Biên tập đã khẳng định trong bài viết của mình: “…khi cơ quan Hội hoặc bộ phận Tòa soạn bị cách ly, khi đó Tạp chí VNTN vẫn phải duy trì hoạt động, chứ không thể tạm dừng xuất bản”.
Có nghĩa rằng, phương án tác chiến đã định hình từ trước, bây giờ chỉ là thời điểm kích hoạt mà thôi!
Cũng thật may mắn: báo đã dần đến công đoạn cuối cùng; và trong “tình hình mới” việc cách ly, điều trị bệnh nhân Covid cũng “thuận” hơn trước rất nhiều, không bị “bế” lên xe cứu thương ngay và luôn như trước.
Và thế là, đằng thì vẫn “chát chít” động viên anh em, nhưng mặt khác, hai lãnh đạo (Hội và Tòa soạn) vẫn inbox bàn cách xử lý.
Phương án được chọn để thực hiện là báo cáo CDC địa phương, đề nghị được test PCR toàn bộ cán bộ, nhân viên 2 cơ quan (trong tòa nhà); cho cách ly trụ sở cơ quan Hội và Tạp chí.
Ba - ri - e cổng bảo vệ được hạ xuống. Khách đến được phân loại, hướng dẫn cụ thể. Gần như toàn bộ cơ quan “bám trụ”, làm việc, nghỉ ngơi ngay tại trụ sở.
Rồi vào lúc 19h21', tất cả thở phào nhẹ nhõm khi Chủ tịch Hội nhắn tin “Giám đốc CDC vừa alo: kết quả lần 1 tất cả là ÂM TÍNH rồi cả nhà nhé!”.
Thế là chúng tôi cứ yên tâm “chong đèn, gõ phím, đọc bông” ở đây cho đến ngày báo ra. Đèn chat lại nhấp nháy, nhưng giờ là í ới gọi nhau ra lấy cơm hộp. Từ sáng, tính trước là sẽ ở tại cơ quan, nên Tổng Biên tập còn nhớ gạn mang đi 1 chai rượu ngâm ổi ngọt lừ, thơm phức, giờ nháy anh em chia nhau xử lý!
…Đêm đêm, tòa nhà trụ sở lại văng vẳng tiếng ghi ta lảnh lót, ca từ của Mùa xuân bên cửa sổ vang lên: Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng/ Cuộc đời còn có cả những nụ hôn!
Đúng là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm báo. Nó đến nhanh, sốc, ưu lo nhưng cũng đầy thú vị, và không phải tòa soạn nào cũng được trải nghiệm!
Chúng tôi đã đi những bước đầu tiên như thế
Thu Huyền, Thư ký Tòa soạn
Năm 2021, có thể nói là một năm đầy cơ hội đồng thời cũng là những thử thách của Văn nghệ Thái Nguyên. Đó là những bước đi đầu tiên trong hành trình mới của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên.
Đầu tiên là việc chuyển đổi loại hình xuất bản từ báo sang tạp chí theo Quy hoạch Báo chí toàn quốc của Chính phủ, thế là phải thay đổi toàn bộ từ nội dung đến hình thức. Nhưng thay đổi như thế nào để vừa giữ được nét “đằm thắm, dung dị” vốn được bạn đọc yêu mến lâu nay, vừa tạo được diện mạo mới “bóng bẩy” hơn, “mặn mà” hơn cho bõ công “lột xác”.
Cả cơ quan “chụm đầu bàn bạc”, phát huy hết sở trường sở đoản để đưa ra những đề xuất hợp lý nhất. Sau nhiều lần lãnh đạo “nhấc lên đặt xuống”, cuối cùng đã thống nhất được phương án tối ưu về thời gian xuất bản, số trang, khổ giấy và những nội dung cơ bản trong mỗi số. Và rồi số đầu tiên bộ mới Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã ra đời, thay đổi hoàn toàn về hình thức, nhưng nội dung thì vẫn tập trung hướng tới phương châm Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển, như bao năm nay Văn nghệ Thái Nguyên vẫn miệt mài chuyển tải.
Cho đến bây giờ, chúng tôi đã có thể tạm yên tâm về một hành trình mình đang thực hiện, tất nhiên không phải đã hài lòng tuyệt đối, nhưng với kinh nghiệm của các đàn anh đi trước truyền lại, chúng tôi sẽ vận dụng hình thức “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vẫn giữ vững hàng lối nhưng không thể để tụt hậu.
Bên cạnh việc chuyển đổi loại hình xuất bản tạp chí in đã cho chúng tôi cơ hội có được một ấn phẩm đẹp hơn, thì việc được nâng cấp Trang thông tin điện tử tổng hợp thành Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử cũng lại là một cơ hội nữa cho chúng tôi. Văn nghệ Thái Nguyên có thêm một không gian rộng hơn, phong phú hơn, hấp dẫn hơn, nhưng cũng đầy mới mẻ đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới của mỗi cá nhân và cả Tòa soạn để đáp ứng yêu cầu công việc. Rất nhanh nhạy và sát sao, lãnh đạo Hội đã tổ chức cho anh em được tập huấn về nghiệp vụ, tham gia chỉ đạo nội dung và có những quyết sách kịp thời để Văn nghệ Thái Nguyên điện tử từng bước bắt kịp xu thế… Tất nhiên, vẫn còn nhiều gian truân, việc đuổi kịp các đàn anh trong nghề còn tốn nhiều thời gian và công sức, song chúng tôi mong và tin rằng, với sự quan tâm, tin tưởng và tạo mọi điều kiện tốt nhất của các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành; sự lãnh đạo sát sao của Hội, Ban Biên tập sẽ nỗ lực hơn nữa vì niềm tin yêu mà độc giả đã dành cho.
Lớn lên dần từ những “lần đầu tiên”
Bích Hồng - Thanh Tâm, nhân viên Văn phòng Hội, kiêm BTV
Vậy là năm 2021 đã khép lại, một năm với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên và bản thân hai chúng tôi cùng các đồng nghiệp của mình đã thật sự bước vào một hành trình mới với nhiều điều mới mẻ - đầy bỡ ngỡ song cũng đầy hứng khởi.
Chân dung Biên tập viên Thanh Tâm (trái) và Bích Hồng (phải)
Đối với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, có thể nói năm qua, để thực hiện “trạng thái bình thường mới”, Hội buộc phải chủ động thích ứng, chuyển đổi hình thức tổ chức các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là việc ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động văn học nghệ thuật. Vậy là một loạt những sự kiện, hoạt động được gắn mác “lần đầu tiên”.
Đó là lần đầu tiên Hội phối hợp với diễn đàn văn chương - Quán Chiêu Văn tổ chức một cuộc thi thơ online, mang tên “Tổ quốc và Mẹ” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên năm 2021. Cuộc thi đã thu hút được hơn 500 tác giả trong và ngoài nước tham gia với số lượng gần 1.000 bài thi, trở thành một sự kiện được báo chí, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh bạn và cộng đồng những người yêu thơ trong cả nước nhắc tới nhiều.
Tiếp theo là hàng loạt các sự kiện, chương trình sau này của Hội, của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên được tổ chức dưới hình thức trực tuyến hoặc ghi hình phát sóng: Gặp mặt kỷ niệm 30 năm Văn nghệ Thái Nguyên xuất bản số đầu tiên (6/1991 - 6/2021); Ra mắt bộ sách tuyển chọn Báo Văn nghệ Thái Nguyên (2010 - 2020); Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi Thái Nguyên năm 2021; Lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí năm 2021; Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên”; Chương trình nghệ thuật “Hoa núi” (giới thiệu, biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của nghệ sĩ Thái Nguyên)…
Không chỉ dừng lại ở sự thay đổi đối với Tạp chí in mà Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử cũng từng ngày thay đổi, tìm hướng đi cho sự phát triển. Những loại hình báo chí đa phương tiện được quan tâm, khuyến khích mọi người thử sức.
Nói đến đây, chúng tôi chợt nhớ về sản phẩm đa phương tiện đầu tay của mình. Đó là vào khoảng những ngày tháng Tư của năm ngoái. Chúng tôi - những “gà mờ” về công nghệ, về đồ họa cũng tập tành làm E-magazine. Chúng tôi chọn phỏng vấn nhà văn Phan Thái - người có nhiều sáng tác về đề tài lịch sử Thái Nguyên. Phần chữ viết (nội dung phỏng vấn) không làm khó chúng tôi. Nhưng phần ảnh, chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của NSNA Khắc Thiện. Công đoạn thiết kế trình bày bài báo dưới dạng đồ họa, sau một buổi được “phụ đạo” bởi Tổng Biên tập Trần Văn Thép, cộng với việc lên mạng tham khảo các bài mẫu, chúng tôi làm tranh thủ, hì hụi suốt một tháng trời. Cuối cùng bài báo cũng hoàn thành. Và đó cũng là sản phẩm E-magazine đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử. Dẫu còn những thiếu sót và hạn chế, song bên cạnh những góp ý, chúng tôi đã nhận được nhiều sự khích lệ, động viên của bạn bè và độc giả. Và sau bài E-magazine đầu tiên ấy, Văn nghệ Thái Nguyên đã có thêm nhiều bài báo thuộc loại hình hấp dẫn, thu hút độc giả. Cùng với đó là các thể loại: infographic, audio, video, podcast, mutext... liên tục trình làng.
Nhớ về những chương trình, hoạt động, bài báo… được gắn mác “đầu tiên”, chúng tôi tự thấy mình đã góp nhặt được thêm những kinh nghiệm, tri thức, để được lớn dần lên từ những “lần đầu tiên” ấy!
Những chuyển mình đầy mới mẻ
Hồng Hạnh, phóng viên, nhân viên truyền thông
Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) trong tôi của một năm vừa qua gói gọn trong 2 tháng chính thức trở thành “người một nhà” với vị trí phóng viên điện tử, người phụ trách mảng truyền thông cho Tạp chí.
Thời đại của cuộc cách mạng về chuyển đổi số, báo chí đứng trước những thách thức rất lớn, VNTN cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy và buộc phải thích nghi nhanh nhạy với thời cuộc. Chúng tôi đã nhận ra và nắm bắt, đẩy mạnh sử dụng mạng xã hội để truyền thông trở thành cách thức mang Tạp chí đến gần hơn với độc giả. Thông qua việc tổ chức các hoạt động chuyên môn (tập huấn, trại sáng tác, biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật…) và đặc biệt là những cuộc thi dưới hình thức online, trực tuyến đã thu hút số lượng đông đảo các thành viên tham gia, tạo ra những lượt tương tác rất lớn từ khắp mọi miền, thậm chí cả những người Việt ở nước ngoài. Đặc biệt trong số đó, “Đọc từ trái tim” cùng “Tôi và Thái Nguyên” là 2 cuộc thi đã thực sự để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp và ấn tượng khó quên. Một lượng công chúng nhất định đã được mở rộng sau những “sự kiện” online, sức lan tỏa từ các bài viết, video trên trên fanpage, diễn đàn và kênh Văn nghệ Thái Nguyên từ các nền tảng mạng xã hội: facebook, youtube đã cho thấy tín hiệu thay đổi đáng chúc mừng của Tạp chí.
Nếu như ví chuyển đổi số là một đường đua thì VNTN vẫn đang xếp sau nhiều cái tên khác đang bứt mình “chạy”. Chúng tôi đang cố gắng nỗ lực để chất lượng, sáng tạo, thú vị hơn ngày hôm qua - một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Một năm nhìn lại, để hy vọng vào 2022 với rất nhiều những bước chuyển mình lớn.
Làm video không khó?
Kim Ngân, phóng viên
Tôi đến với công việc làm truyền hình (video) nó tự nhiên như cái cách mà 2 con người xa lạ bỗng dưng gặp nhau, thân nhau và gắn bó với nhau vậy. Chẳng có sự tính toán, sắp đặt nào trước. Năm 2021, một lần nữa tôi “bén duyên” với việc làm video clip trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cũng theo cái cách tự nhiên ấy.
Hơn 10 năm, cầm máy quay cũng có, viết lời bình, biên tập hay tổ chức sản xuất chương trình cũng đã từng trải qua. Bởi vậy, có thể nói bản thân cũng không còn quá lạ lẫm với công việc này. Tuy nhiên, hơn 10 năm ấy, lĩnh vực tôi gắn bó chủ yếu nằm trong khuôn khổ của thể tài chính luận, thời sự.
Những tháng cuối năm 2021, tôi về “mái nhà” Văn nghệ Thái Nguyên làm công việc của một biên tập viên - phóng viên Tạp chí điện tử. Một trong những nhiệm vụ tôi được giao là phụ trách mảng video trên Tạp chí. Vậy là thêm một lần nữa tôi vô tình “va” phải công việc làm truyền hình trên báo.
Có điều, yêu cầu của các video clip mà Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử hướng tới, bên cạnh các nội dung thông tin còn đòi hỏi phải đáp ứng được tính nghệ thuật. Và, tất nhiên với tôi đó là một thử thách mới, đòi hỏi tôi không thể lặp lại chính mình. Khó khăn bề bộn: nhân lực ít, máy móc, trang thiết bị cơ bản phục vụ làm video gần như không có, chưa nói đến các thiết bị hiện đại mà nhiều cơ quan báo chí sử dụng hiện nay.
Chắc hẳn bạn đọc sẽ khó hình dung được chúng tôi đã làm như thế nào khi không có phòng thu, không có bàn trộn, máy tính và phần mềm dựng hình chuyên dùng… mà yêu cầu vẫn phải đảm bảo chất lượng của tác phẩm. Rõ ràng, làm video ở Văn nghệ Thái Nguyên là gian nan, vất vả.
Nhưng chưa bao giờ khó khăn có thể làm cho người của Văn nghệ Thái Nguyên chùn bước, và chúng tôi cũng không ngoại lệ.
Được sự tạo điều kiện và hậu thuẫn hết mức của Thường trực Hội, lãnh đạo Tạp chí, sự tương trợ của các đồng nghiệp, nhất là hội viên ở các chi hội, với tinh thần và trách nhiệm cao của chúng tôi, những video về “Chân dung hội viên” đã lần lượt “ra lò”.
Với sự nỗ lực, cầu thị và ham học hỏi của mình, chúng tôi tin sẽ trưởng thành hơn và đón nhận được nhiều hơn nữa sự yêu mến của độc giả.
Theo kịp công nghệ để “giữ lửa” nghề
Anh Thắng, phóng viên
Trong năm 2021, tôi chuyển từ bộ phận báo in sang bộ phận Thông tin - Điện tử của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Nhiệm vụ mới đồng thời là thách thức yêu cầu tôi cần phải tác nghiệp nhiều hơn, nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo chính xác và mang lại những tác phẩm báo chí hấp dẫn cho bạn đọc.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành nên các hoạt động đặc biệt là mảng văn hóa, văn nghệ mà tôi thường theo dõi đều phải tạm dừng do không được tập trung đông người. Lượng tin bài có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn. Hơn nữa, báo chí đang bị cạnh tranh nhiều với mạng xã hội. Độc giả có xu hướng đọc ngắn, xem lướt, thích xem hình ảnh đẹp. Để đáp ứng được nhu cầu của độc giả đòi hỏi phóng viên không chỉ sáng tạo các tác phẩm báo chữ viết mà phải học cách truyền đạt thông tin bài báo thông qua các hình ảnh, biểu đồ, video, đồ họa... hấp dẫn. Đây cũng là yêu cầu tất yếu trong hoạt động báo chí điện tử hiện nay.
Tất nhiên, là một phóng viên tôi không thể tách rời xu thế đó. Hơn lúc nào hết, tôi thấy mình cần phải thay đổi linh hoạt để thích nghi nếu không muốn bị tụt hậu.
Vấn đề đầu tiên tôi chú ý đến là tận dụng tối đa các phương tiện tác nghiệp hiện đại và vận dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất tin, bài. Bắt đầu từ việc thay chiếc điện thoại “cà tàng” để có thể tác nghiệp trên đó thay vì chủ yếu để nghe và gọi như trước đây.
Cùng với đó là nghiêm túc tìm hiểu cặn kẽ những tính năng của những phương tiện tác nghiệp sẵn có, như làm chủ công nghệ kết nối mạng để có thể ngay lập tức chuyển về tòa soạn….
Các hoạt động giảm đi nên tôi đã tận dụng quãng thời gian này để học thêm về truyền thông đa phương tiện, sản xuất tin, bài trên smartphone, tìm hiểu thêm về báo chí thời đại 4.0. Có thêm thời gian, tôi lại tranh thủ học thêm tiếng Anh. Với tôi, ngoại ngữ cũng là “chìa khóa” hữu ích để tiếp cận với công nghệ hiện đại, với chuyển đổi số…
Dịch bệnh xảy ra, không thể lúc nào cũng gặp gỡ trực tiếp, nên tôi kết hợp phỏng vấn thông qua hình thức trò chuyện trực tuyến. Do vậy, tôi vẫn có được những tin, bài ăm ắp thông tin và cảm xúc.
Một điều thuận lợi là lãnh đạo cơ quan tôi đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng chuyển đổi số. Công tác chỉ đạo, điều hành công việc được thực hiện online qua các ứng dụng; các cuộc họp, hội nghị được tổ chức trực tuyến linh hoạt. Đồng thời quan tâm mở các lớp học trực tuyến về báo chí hiện đại; có cơ chế khuyến khích với những tác phẩm báo chí đa phương tiện như: E-magazine, video, audio… Tất cả điều đó để khích lệ cho phóng viên chúng tôi sáng tạo, yêu nghề hơn, sát cánh cùng nhau nỗ lực đưa Văn nghệ Thái Nguyên ngày càng “bay xa” hơn trong thời gian tới.
Khó khăn cũng có thể là một cơ hội
Lê Anh Tú, Quản trị viên VNTN điện tử
Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến những hoạt động của toàn xã hội, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cũng là đơn vị chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Nhưng từ ảnh hưởng, khó khăn đó, lãnh đạo Hội đã có những ý tưởng, chỉ đạo sắc bén, lấy khó khăn làm cơ hội. Mặc dù thiếu thốn về trang thiết bị và nhân lực, nhưng lãnh đạo Hội đã chỉ đạo áp dụng công nghệ 4.0 vào việc tổ chức các chương trình bằng hình thức online và trực tuyến.
Cũng chính từ những khó khăn ấy đã giúp tôi phát huy, học hỏi thêm chuyên môn mà mình đã hoặc chưa từng được học. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên ôm chiếc máy quay chuyên dụng trong chương trình livestream trực tuyến Công bố kết quả Cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ”. Do cơ quan không có ai được đào tạo quay phim ngoại trừ Tổng Biên tập, nên trước hôm quay, tôi được Tổng Biên tập hướng dẫn cách sử dụng máy, cách lấy khuôn hình, kỹ thuật zoom, lia. Rồi thì “cắm” chân lên trên hai cái bàn ghép lại ở cuối hội trường để hình không bị vướng vào đầu khán giả!... Nhưng phải nói, cảm giác vẫn lo lắng và hồi hộp vì đây là lần đầu tiên mình “điều khiển” chiếc máy này, mà lại là máy chủ đạo và phát trực tiếp. Tâm lý khá căng thẳng, vì nếu ghi hình để dựng thì lỗi hình có thể sửa, nhưng phát trực tiếp thì hoàn toàn không có cơ hội đó. May mắn chương trình kết thúc thành công, không có lỗi đáng kể, ngoại trừ việc thi thoảng tôi “bắt” nhầm vào khuôn hình của máy cạnh (thường lấy cận hình nhân vật), và đó cũng là bài học kinh nghiệm quý cho tôi.
Tiếp theo là một loạt chương trình online khác được tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử thực hiện. Do số lượng học viên có lúc lên tới gần 200 người, thời gian giảng dạy lên tới 4 tiếng 1 buổi, cùng với chất lượng đường truyền không ổn định do sử dụng chương trình miễn phí, nên tôi lại phải tìm hiểu xem phần mềm nào hợp lý, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của cơ quan. Phòng học trực tuyến không có mạng LAN, bắt wifi thì bị “lác” (lag), cứ ngắt quãng và giật, tôi phải chạy dây mạng từ xa về để đảm bảo đường truyền. Do nhu cầu các buổi học phải ghi lại làm tư liệu cho cơ quan, nên tôi phải chạy 2 máy song song, một máy làm chủ, một máy để ghi hình. Cơ quan chỉ có 1 máy camera, tôi phải đấu nối thêm điện thoại và máy ảnh vào phần mềm để tạo thành webcam cho các góc hình được sinh động. Các chương trình sau đó được tổ chức rất thành công, để lại ấn tượng tốt cho các giảng viên, học viên, công chúng, bạn đọc trong và ngoài nước.
Với cơ quan cũng như với tôi, năm 2021 là năm của những khó khăn do đại dịch gây ra nhưng cũng là năm giúp chúng tôi có thêm những hướng đi mới, những kinh nghiệm mới phù hợp với tình hình chung của toàn xã hội.
Công việc mới - hành trình mới
Ngọc Luận (biên tập viên kiêm nhân viên Văn phòng Hội)
Đã tròn 1 năm tôi về công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Tôi được phân công hỗ trợ công tác kế toán Hội và sửa lỗi morat cho Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên bản in - một công việc hoàn toàn mới đối với tôi. Hai nhiệm vụ ở hai bộ phận Văn phòng và Tạp chí tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau, một bên là chữ nghĩa, một bên chỉ toàn các con số.
Trước khi làm công việc này, tôi cứ nghĩ đây là công việc rất đơn giản, chỉ cần đọc và soát xét lỗi chính tả. Nhưng khi bắt tay vào làm việc trực tiếp, tôi mới thấy cả hai công việc này đều cần sự tỉnh táo, tỉ mẩn, chính xác cao. Đặc biệt là việc sửa morat còn cần có kiến thức về ngữ pháp, chính tả cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài, hiểu biết về các kỹ thuật trình bày báo, biết sử dụng các công cụ/sách hỗ trợ tra cứu khi cần…
Lúc mới nhận công việc, tôi có cảm giác rất áp lực. Áp lực vì việc mới mình chưa làm bao giờ, vì sợ để sót lỗi, hoặc sửa những lỗi không cần thiết. Các đồng nghiệp lớn tuổi chia sẻ với tôi ngay từ buổi đầu tiên: “Em phải đọc thật chậm, đọc kĩ, 1 bài báo bình thường em có thể đọc 5 - 10 phút là xong thì đọc bông em phải đọc hàng giờ đồng hồ”. Hiểu vậy, nên tôi luôn chịu khó đọc thật chậm, soi từng lỗi, cùng với sự giúp đỡ, học hỏi từ các đồng nghiệp trong nhóm đọc bông, tôi đã dần quen với công việc “nhặt sạn” này.
Tổ sửa morat của Tòa soạn VNTN thường chỉ có 3 người, đa phần là kiêm nhiệm thêm các công việc khác của Hội nhưng chúng tôi luôn dành thời gian để đọc soát xét từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của Tạp chí, không bỏ qua một dấu chấm, dấu phẩy nào. Đọc và “nhặt sạn”. Rồi đọc lại bản in thử lần 2, lần 3 đến tận bản in cuối cùng trước khi chuyển cho nhà in để đến tay độc giả.
Qua công việc đọc, sửa morat này tôi cũng đã rèn được tính kiên trì, cẩn thận và học được rất nhiều điều bổ ích từ các bài viết của các cộng tác viên, các đồng nghiệp trong Tòa soạn. Các bài viết đó đã khơi gợi cảm hứng để tôi viết ra bài báo đầu tiên của mình.
Năm 2021 đã khép lại với 24 số Tạp chí VNTN và 1 số phụ trương đặc biệt, tuy vẫn còn sót lại đâu đó một vài “hạt sạn” nhỏ, nhưng tờ Tạp chí VNTN vẫn là một tờ báo với nội dung phong phú, trình bày đẹp được các độc giả gần xa đón nhận. Với công việc của một người “nhặt sạn”, tôi và các đồng nghiệp sẽ cẩn trọng hơn nữa với từng câu chữ trên bản bông, tiếp tục trau dồi chữ nghĩa, tìm hiểu thêm kiến thức để mang đến cho độc giả một tờ Tạp chí VNTN hoàn hảo nhất.
1 đã tặng
0
0
0
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...