Hãy bắt đầu từ trong chính ngôi nhà mình
Thế giới đã có một ngày 8/3 cho những người phụ nữ. Việt Nam cũng dành một ngày riêng cho phụ nữ 20/10. Đấy là sự thể hiện, quyền bình đẳng của phụ nữ được tôn trọng, được đặt trong chính sách, pháp luật của cả thế giới và mỗi quốc gia.
Nhìn vào thực tiễn nước ta, chúng ta có thể khẳng định phụ nữ Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong gia đình, trong góp phần bảo vệ và dựng xây đất nước. Họ đã được những chế độ, chính sách của Nhà nước khẳng định quyền bình đẳng. Họ đã tự giải phóng mình khỏi các quan niệm, tập tục xưa cũ để hòa vào cuộc sống chung. Trang lịch sử nước nhà đã có Bà Triệu, Hai Bà Trưng cầm quân đứng lên khởi nghĩa chống sự đô hộ của Đông Ngô và Đông Hán. Từ khi đất nước độc lập, chúng ta đã có nhiều người phụ nữ tiêu biểu giữ những vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền của Đảng và Nhà nước. Người phụ nữ đã được học hành, được làm việc với bất cứ công việc nào phù hợp với khả năng của họ.
Hưởng ứng Tuần lễ Áo dài
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian lao của dân tộc, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã tạc vào lịch sử với những hy sinh quá đỗi lớn lao. Có đất nước nào có tới hàng triệu bà mẹ đã trao con cho đất nước để mình cuối đời sống cảnh đơn côi. Có đất nước nào người mẹ già cắm chín bát nhang cho chín người con không trở về. Ở bên một dòng sông, bức tượng người mẹ chèo đò đưa bộ đội qua sông trong những ngày bom đạn còn đó. Rồi bên một cung đường, mười cô gái tuổi đời đôi mươi như vẫn còn đây. Còn rất nhiều, rất nhiều lứa đôi phải chia tay, mòn mỏi đợi trông. Và, rất nhiều người phụ nữ đã phải sống vò võ một mình cùng ký ức xa xăm. Họ đã gánh vác bao công việc những người trai để lại, góp chiến công chung để làm nên một ngày hòa bình cho dân tộc Việt Nam này.
Ảnh: Mai Đồng
Đất nước hòa bình, cuộc sống của dựng xây. Mái trường, công trường, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, ruộng đồng. Nơi nào cũng có bóng dáng của người phụ nữ. Họ là trí thức. Là những doanh nhân. Là những nhà lãnh đạo, là giáo viên, kỹ sư, bác sĩ. Họ là những người thợ, là những người nông dân, là những người buôn bán nhỏ. Ngày đêm cần cù làm nên một sự đẹp giàu chung cho đất nước và sự bình yên, no ấm cho chính gia đình mình. Trong sự nghiệp giáo dục trồng người, chúng ta không thể quên bao lớp giáo viên nữ đã cống hiến tuổi trẻ của mình vì sự phát triển của vùng sâu ở những thời kỳ vạch lá, bám đá lên lớp. Trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, người phụ nữ khoác trên mình bộ blu trắng vẫn là số đông. Họ phải hy sinh nhiều tình cảm gia đình với những phiên trực đêm ngày. Họ là thầy thuốc nhưng vẫn là một người mẹ. Mấy năm dịch bệnh vừa qua, chúng ta càng thấm thía và biết ơn những điều họ hy sinh. Những giằng xé giữa trách nhiệm và tình người đã đè lên vai họ một áp lực vô cùng nặng nề. Rồi trên ruộng đồng, người phụ nữ nông dân một nắng hai sương đưa kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày càng thêm no ấm. Họ đã có học hành, đã làm chủ kỹ thuật gieo trồng nên màu sắc cánh đồng ngày càng phong phú. Có sắc xanh sắc vàng của lúa. Sắc hồng, sắc tím của hoa. Đời người phụ nữ không còn thân cò, thân vạc như câu ca dao ngày xưa nữa. Họ được bình đẳng trong cuộc sống gia đình. Trong những khu chợ tấp nập phố phường, bàn tay người phụ nữ vẫn tất tả đêm ngày. Họ đang gom nhặt một sự bình yên nhỏ bé trong sự choáng ngợp ồn ào. Trong các khu công nghiệp, nhà máy, bàn tay hàng vạn người công nhân nữ đã góp phần để GDP đất nước tăng lên. Như vậy là với thời điểm lịch sử nào, với bất cứ vị trí nào, phụ nữ Việt Nam vẫn xứng đáng với danh hiệu: trung hậu, đảm đang. Họ luôn vươn lên để được tôn trọng để thể hiện vai trò làm chủ của mình.
Có được sự đồng hành của phụ nữ trên con đường phát triển đất nước, chúng ta nhận ra đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm về vấn đề này. Quyền bình đẳng ấy chỉ thực sự có được khi có những cơ cấu, chính sách cụ thể trong từng chủ trương thực hiện. Có được ngày hôm nay cũng nên ngoái lại những ngày xưa để biết bao sự phấn đấu chung cho quyền bình đẳng.
Giọt nắng. Ảnh: Quốc Chính
Chưa xa một thời mà bao tập tục của làng xóm, của một dòng tộc đè lên mỗi mái nhà, mỗi thân phận người phụ nữ, đó là sự trọng nam khinh nữ. Một thời phong kiến mà mái trường không dành cho các học trò là gái bao giờ. Người con gái sinh ra như chỉ làm phận dâu, làm mẹ. Con gái là con người ta, đi làm dâu như một người đi ở. Chỉ người con trai mới có mọi quyết định trong ngôi nhà mình. Thời nay mà nghe một bài hát nói về lời ru, lòng ai cũng xúc động, bồi hồi. Bài hát ấy nói về nỗi vất vả và sự hy sinh của người phụ nữ, nhưng lời ru nối nhau từ bà đến mẹ rồi lại đến con có một nỗi gì khắc khoải, có một nỗi gì trói buộc đến xót xa “Lời ru bay bổng cánh diều. Thân cò lặn lội mấy chiều sang sông. Lời ru, ai đó ngóng trông. Muốn về quê mẹ mà không có đò”. Thân phận người phụ nữ như thân cò, thân vạc lặn lội sớm khuya. Đã đi lấy chồng muốn về quê mẹ mà cũng như cách trở vô cùng. Nỗi buồn ấy nó ám vào lời ru truyền đời thì sâu nặng quá. Chúng ta phải nhắc về những quá khứ ấy để thấy cái đổi thay của ngày hôm nay, mới mừng cho người phụ nữ đang được chính là mình. Mới thấy một thời đại mới đang công bằng nam nữ đi cùng nhịp độ phát triển chung của xã hội đã giải phóng phụ nữ khỏi bao công việc nhọc nhằn sớm tối.
Mẹ. Ảnh: Khánh Vân
Có một nhân tố mấu chốt để cùng cộng đồng và xã hội làm nên một sự bình đẳng công bằng, đó là gia đình. Cho dù chủ trương và chính sách của nhà nước có cụ thể đến đâu mà không có sự chung tay của mỗi gia đình thì chủ trương ấy chỉ là khẩu hiệu. Vẫn còn đâu đó trong tiềm thức của chúng ta, đó là phải có người nối dõi tông đường. Chính lối nghĩ này cũng đã là biểu hiện bất bình đẳng giới. Nó khiến con người vô tình nhúng vào tội ác, hủy đi những sinh linh nữ khi mới hình thành. Việc này xã hội đã cảnh báo, lên án rất nhiều. Xã hội bây giờ mở rộng cánh cửa học đường để mọi con em được đi học, để có việc làm, để có chỗ đứng trong xã hội, có kiến thức cuộc sống, nhưng đâu đó ở miền quê vẫn còn quan niệm, con gái học lắm cũng đi lấy chồng nên không chú trọng.
Ảnh: Việt Hùng
Càng trong xã hội phát triển, ta càng nhận ra rằng: Quyền bình đẳng của người phụ nữ chỉ có trong mỗi gia đình và xã hội khi họ có học thức, có thu nhập của chính mình. Mà những điều ấy có được lại từ nhận thức của mỗi gia đình. Họ tôn trọng nhau, cùng có cái nhìn đúng đắn về xã hội, cùng chăm lo tương lai con cái học hành. Mái ấm gia đình sẽ ấm áp hơn khi người nam biết tôn trọng sẻ chia với người phụ nữ. Cái công việc thường ngày người chồng biết nhặt rau, nấu cơm, rửa bát, lau nhà, giặt giũ khi vợ bận chăm con hay làm việc khác tưởng là nhỏ mọn, nhưng lại là cả một vấn đề nhận thức. Cái quyết tâm cho con gái cũng như trai được học hành tử tế để có thể có một chỗ đứng, một nguồn thu nhập cũng là một nhận thức. Nếu nhìn sâu xa, ta đang tạo sự bình đẳng, tạo sự tự chủ cho con trên mọi lĩnh vực sau này. Bởi vậy, nhận thức và chung tay hành động từ mỗi gia đình sẽ là một biểu hiện tích cực nhất, thiết thực nhất để người phụ nữ thể hiện quyền bình đẳng của mình.
Những ngày tháng Ba đang là mùa xuân. Hoa vẫn đang đua nở muôn màu. Sẽ có nhiều người nam giới mua hoa tặng những người phụ nữ mình yêu. Có một bông hoa người phụ nữ luôn muốn đón nhận, luôn dâng trào cảm xúc trong lòng. Bông hoa ấy không bao giờ phai màu, luôn thơm mãi trong tâm khảm họ. Đó là bông hoa của sự trân trọng, tôn kính và hết mực thương yêu. Bông hoa của những việc làm thiết thực và chân thành nhất trong cuộc sống này.
4/3/2022
Phạm Quý
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...