Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
17:05 (GMT +7)

“Hổ tướng” Lê Trung Đình – Người trấn giữ An toàn khu Trung ương

Ông đã có gần 10 năm tuổi trẻ gắn bó với Thái Nguyên trên các cương vị: lãnh đạo nhân dân địa phương giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên, Đại biểu Quốc hội khóa I, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Trong các bản lý lịch và phiếu cá nhân, ông Lê Trung Đình sinh năm 1914, tuổi Giáp Dần, cầm tinh con hổ. Quê hương ông là vùng cửa biển (cửa Càn), làng Yên Mô Càn, nay là thôn Hồng Phong, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Ông Lê Trung Đình (1914 - 1998) - Tư liệu gia đình.

Những công thần khai quốc

Năm 1998, khi bước vào tuổi 80, nhà cách mạng lão thành Nhị Quý - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (8/1945 - 8/1947) khi nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình đã rất tự hào. Ông chia sẻ những suy nghĩ cá nhân như sau:

“12 Đảng viên chúng tôi vượt ngục ở nhà tù Chợ Chu (Thái Nguyên) nay còn sống sót 5 người và 10 đoàn viên thanh niên Dân chủ và Phản đế huyện Nam Trực (Nam Định) chúng tôi còn sống sót 5 người gọi là “Ngũ hổ Bình Tây”. Chúng tôi không có gì phải hổ thẹn với lương tâm người cộng sản và người chiến sĩ cộng sản đã được đào tạo từ nhà ngục Sơn La. Chúng tôi đã xứng đáng với sự quan tâm bồi dưỡng, đào tạo dìu dắt của các bậc thầy và đàn anh chúng tôi ở nhà ngục Sơn La, chúng tôi đã làm nên sự nghiệp, đã trở thành cán bộ lão thành cách mạng: những công thần khai quốc”.

Một trong số 12 Đảng viên vượt ngục ở nhà tù Chợ Chu (Thái Nguyên) đó là ông Lê Trung Đình, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên (8/1945 - 4/1951), Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Thái Nguyên (12/1945 - 9/1960), Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (8/1947 - 10/1947). Trong số 12 Đảng viên vượt ngục Chợ Chu sau này có 4 vị tướng quân đội là Thượng tướng Song Hào (Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), Trung tướng Lê Hiến Mai (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH), Thiếu tướng Tạ Xuân Thu (Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên Quân chủng Hải quân) và Thiếu tướng Trần Thế Môn (Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương). Riêng ông Lê Trung Đình tuy không mang quân hàm cấp tướng nhưng vị “hổ tướng” này đã từng trấn giữ địa bàn một tỉnh An toàn khu Trung ương - đó là Thái Nguyên - với vùng căn cứ địa Định Hóa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập đại bản doanh cùng các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và Quân đội xây dựng trụ sở. Tiếp đó, ông có 10 năm trấn thủ địa bàn các tỉnh Tây Bắc trên cương vị Bí thư Khu ủy (1953 - 1963).

Ông Lê Trung Đình (1914 - 1998) tên thật là Nguyễn Cung. Quê tại xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936.

Sau 8 năm công tác ở Thái Nguyên, từ năm 1953 ông Lê Trung Đình được điều động làm Bí thư Khu ủy Tây Bắc (1953), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khai hoang – trực thuộc Hội đồng Chính phủ (1963), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT) từ năm 1966 đến năm 1975… Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…

Vượt ngục Chợ Chu

Sáng ngày 11 tháng 10 năm 1944, nhóm 12 người tù Chợ Chu (Thái Nguyên), do ông Song Hào, Bí thư chi bộ nhà tù, đã tổ chức và phụ trách vượt ngục thành công. Họ được ông Lê Dục Tôn - cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ và ông Lộc Văn Tư đưa đi về các cơ sở để nhận công tác mới. Ông Lê Trung Đình được phân công ở ngay huyện Đại Từ. Ông về thôn La Phát thuộc xã Khôi Kỳ tổng Đội Cấn 1 (mật danh khi đó), gần thị trấn Hùng Sơn, cùng với các ông Nhất Quý, Phúc Quyền... ở La Bằng, và một số đội viên du kích Tràng Xá, Đình Cả, (Võ Nhai)… xây dựng phong trào cách mạng đêm trước khởi nghĩa toàn quốc.

Từ đầu năm 1945, nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở các địa phương trong cả nước lên nhanh. Khẩu hiệu “Sắm vũ khí đuổi thù chung” sôi nổi. Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (4/1945), tiếp đó là lễ hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân (5/1945) càng khiến lực lượng vũ trang có thêm sức mạnh. Một số địa phương trong cả nước, căn cứ tình hình thực tế đã nổi lên chớp thời cơ giành chính quyền. Khởi nghĩa từng phần đã bắt đầu. Khu Giải phóng 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên được nối liền. Sống trong những ngày tháng sôi nổi ấy, ông Lê Trung Đình đã ví “không khí những ngày tiền khởi nghĩa Tháng Tám 1945 vô cùng khẩn trương, tưởng chừng như một ngày bằng hai mươi năm”.

Tháng 7 năm 1945, ông nhận được chỉ thị của cấp trên phải về gấp Đồng Hỷ đến xã Bình Định thuộc Tân Cương gặp bà Nguyễn Thị Minh Tâm (tức Trịnh Thị Chính), Bí thư Ban Cán sự huyện, để củng cố và phát triển phong trào vì ở đây gần thị xã Thái Nguyên.

Đến Bình Định, gặp bà Tâm, họ cùng nhau bàn bạc, trao đổi ý kiến về công tác lớn cần phải làm. Bà Tâm đã cho liên lạc đưa ông Đình về gấp tổng Tiên Thù (Phổ Yên) gặp bà Vũ Thị Ngọc (tức Vũ Thị San, cán bộ của Xứ ủy) và ông Quang Huy, người phụ trách huyện Phổ Yên. Tiếp đó, bà Vũ Thị Ngọc đưa ông sang Kha Sơn Hạ, Phú Bình, đến một số cơ sở cũ của hai huyện Phổ Yên và Phú Bình để củng cố thêm cho phong trào kháng Nhật cứu nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh

Tháng 8 năm 1945, tình hình rất khẩn trương... Trung ương Đảng chỉ thị phải hành động gấp để chuẩn bị khởi nghĩa từng phần ở những nơi có điều kiện. Lúc này, hầu hết các vùng nông thôn ở Thái Nguyên đều do chính quyền cách mạng quản lý, trừ huyện lỵ Phú Bình, thị xã Thái Nguyên, thị trấn Đại Từ, Phấn Mễ - nơi còn Nhật và chính quyền Nam Triều chiếm đóng. Sau Hội nghị Trung ương toàn quốc họp ở Tân Trào (15/8/1945) cử ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, Trung ương cử ông Võ Nguyên Giáp và ông Trần Đăng Ninh đưa bộ đội Việt Nam Giải phóng quân và đại đội Việt - Mỹ do ông Đàm Quang Trung chỉ huy về giải phóng thị xã Thái Nguyên, làm điểm để rút kinh nghiệm giải phóng đô thị trong phạm vi toàn quốc.

Chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên ra mắt ngày 20/8/1945 tại sân vận động thị xã. Ảnh tư liệu lịch sử.

Tối 18/8/1945, từ Võ Nhai, Đình Cả một đơn vị vũ trang tuyên truyền đột nhập vào Đồng Bẩm, tổ chức biểu tình, tuần hành sang thị xã, rải truyền đơn hô hào nhân dân ủng hộ và tham gia Việt Minh, đánh đổ chính quyền Nhật và tay sai. Tối hôm sau, theo hướng định sẵn, các đơn vị Giải phóng quân đã tập kết ở Thịnh Đán cách thị xã 7 ki-lô-mét. Nhớ lại những ngày khởi nghĩa giành chính quyền, ông Lê Trung Đình kể lại:

“Vào thời điểm này, tình hình càng khẩn trương hơn bao giờ hết. Quân Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Đặc biệt là tình hình thị xã Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ rất sôi động, kể cả các xã phụ cận. Nhân dân rất phấn khởi. Khí thế cách mạng lên rất cao. Hàng trăm thanh niên, đại diện đoàn thể phụ nữ, công nhân viên chức, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ ở thị xã và Tân Cương (Đồng Hỷ) ra Thịnh Đán đón Giải phóng quân. Họ báo cáo tình hình Nhật và dân chúng trong thị xã cho Bộ chỉ huy Giải phóng quân, một số tập trung vẽ bản đồ thị xã cung cấp cho các đơn vị, Bộ Chỉ huy. Một số thanh niên được giao nhiệm vụ hướng dẫn các đơn vị áp sát trại Nhật, dinh Tỉnh trưởng và Trại Bảo an binh”.

Sau này, Bác Hồ từ Tân Trào về Hà Nội có nghỉ lại một đêm ở thị xã Thái Nguyên. Các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đến thăm sức khỏe Bác. Bác hỏi han tình hình và căn dặn: "Phải nhanh chóng củng cố chính quyền tỉnh, huyện, xã... Trước mắt phải sẵn sàng đối phó bọn Tàu Tưởng, sắp đến bọn Pháp có thể quay lại Đông Dương..." (Hồi ký Lê Trung Đình).

Trước 4 giờ sáng ngày 20/8/1945, Bộ Chỉ huy đưa tối hậu thư cho chỉ huy Nhật đóng ở Tòa sứ cũ yêu cầu phải đầu hàng vô điều kiện và nộp đủ vũ khí... Đúng 5 giờ sáng, các đơn vị Giải phóng quân đã áp sát trại Nhật ở Tòa sứ, Trại Bảo an binh, trại lính ở Bến Tượng, khống chế một số điểm lẻ còn trong thị xã; nhưng vẫn bảo đảm cho nhân dân đi lại bình thường trong thị xã. Khi Giải phóng quân bắt đầu nổ súng, lực lượng Bảo an binh, Tỉnh trưởng Thái Nguyên và Tri huyện Đồng Hỷ ra hàng.

Lúc này, Cơ quan chỉ huy của Bộ Tư lệnh Giải phóng quân đóng ở hai địa điểm: bộ phận đóng ở đình Hàng Phố, thị xã Thái Nguyên do ông Võ Nguyên Giáp phụ trách; bộ phận đóng ở Nhà Đèn do ông Trần Đăng Ninh phụ trách. Ông Lê Trung Đình ở đình Hàng Phố đã trực tiếp giúp việc cho ông Võ Nguyên Giáp.

Sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tập I (1936 – 1965), xuất bản năm 2003 ghi cụ thể như sau:

“Ngay chiều ngày 20/8/1945, ta tổ chức một cuộc mít tinh quần chúng tại sân vận động thị xã; đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên, thực hiện các chính sách của Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam. Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch ra mắt trước hàng vạn quần chúng nhân dân”.

Đến ngày 23/8/1945, hội nghị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên họp quyết định thành phần Ủy ban nhân dân tỉnh gồm: Chủ tịch Lê Trung Đình; 3 Phó Chủ tịch là Ma Đình Tương, Đặng Đức Thái, Phạm Đình Huệ; 5 Ủy viên là Lương Đình Oánh, Hoàng Thế Thiện, Chu Quốc Hưng, Lê Phương, Phạm Hoài, Trường Sơn.

Sau đó, ngày 28 tháng 8 năm 1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở sân vận động thị xã Thái Nguyên, nhân dân các huyện trong tỉnh về dự lễ ra mắt chính thức Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh.

Khải Mông

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy