Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
02:04 (GMT +7)

Ba bức thư hay của Cuộc thi “Viết thư mùa dịch”

Cuộc thi “Viết thư mùa dịch” do Diễn đàn văn chương “Quán Chiêu Văn” phát động từ ngày 27/7 đến hết ngày 5/8/2021 đã nhận được 165 bức thư của các thành viên trong và ngoài nước tham dự. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 01 Giải Nhất, 02 Giải Nhì, 03 Giải Ba, 04 Giải Tư và một số giải thành phần.

Ảnh minh họa cho Cuộc thi trên group Quán Chiêu Văn.

Với mục tiêu trao gửi yêu thương, niềm tin và lan tỏa nguồn sống lạc quan, tích cực đến tất cả mọi người trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến căng thẳng, mỗi bức thư đều gửi gắm rất nhiều những nỗi lòng, tâm tư, tình cảm và hy vọng. Dưới đây là ba bức thư hay và ấn tượng trong cuộc thi. Nếu “Thiên thần có bánh” lựa chọn đối tượng gửi thư độc đáo, cùng lối quan sát tinh tế nhằm truyền tải thông điệp đầy tính ẩn dụ rằng: Sự chuyển động hối hả của những bánh xe cứu thương tỉ lệ thuận với sự vất vả, gian nan của đội ngũ y, bác sĩ trên hành trình tuyến đầu chống dịch thì “Tâm thư của một F0” giống như thước phim quay chậm về trải nghiệm của một bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã bản lĩnh vượt qua nhiều thử thách để tự lập, trưởng thành và chiến thắng sự yếu đuối của chính bản thân mình. Ở một góc nhìn khác, “Thư gửi mẹ từ Đức” là những dòng tâm tình đầy thiết tha, khắc khoải của người con đang mưu sinh nơi xứ người luôn đau đáu nghĩ về quê mẹ, khiến ai cũng rưng rưng niềm xúc động…

Trịnh Ðình Nghi

TÂM THƯ CỦA F0

(Giải Nhì. Tác giả Dương Châu Giang)

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Gửi bạn!

Mình không định viết lá thư này đâu, nhưng trái tim không cho phép mình im lặng mãi. Mình không thể ích kỉ khép lòng - khi ngoài kia, cả đất nước đang gồng lên trong cuộc chiến đầy sinh tử. Mình càng không thể dửng dưng khi hai tiếng TÌNH NGƯỜI đang chảy tràn trong huyết quản của đồng bào. Mình viết những dòng này cho bạn khi tạm chia tay hai tiếng F0…

Bạn biết không? Mình là con nhóc nhút nhát nhất thế giới này. Mình học đội tuyển Văn từ khi học cấp hai và yêu Văn mê đắm. Nói thế để bạn hiểu rằng mình là một con bé rất chi mơ mộng. Cô giáo dạy văn của mình từng nói mình mong manh như cánh bướm non. Cô sợ mình sẽ đau khi va đập với những gió giông cuộc đời.

Mình lớn lên trong một gia đình viên chức đủ đầy. Đối với ba mẹ, mình chỉ là một cô công chúa nhỏ, lúc nào cũng phải bao bọc, chở che. Từ nhỏ đến giờ, mình không phải làm việc gì khác ngoài ăn và học. Mình lại biếng ăn, gầy yếu nên ba mẹ càng xa xót, nuông chiều. Không ít lần, ba mẹ lo lắng rồi mình sẽ ra sao khi rời khỏi vòng tay của họ.

Nhưng đó là chuyện cũ.

Mọi thứ đã đổi thay cho đến một ngày định mệnh: sóng thần Covid ập đến nhà mình, phũ phàng cuốn phăng đi tất cả.

Chín giờ tối hôm ấy, khi mình vẫn đang say sưa học online cùng cô giáo dạy Văn, thì mẹ hớt hải chạy vào phòng. Mẹ nói con phải nhanh chóng chuẩn bị đồ để đi ngay. Con đã trở thành F1. Xe ô tô đang đợi ở dưới. Mình bàng hoàng không hiểu chuyện gì còn ngây thơ trả lời mẹ: “Nhưng con… con đang ôn thi đại học mà!”. Mẹ vẫn chưa thôi hoảng loạn, vừa rối rít chuẩn bị đồ, vừa cố nói cho mình hiểu rằng con bị bắt phải đi cách ly, tất cả phải dừng lại.

Thì ra, chú mình làm nghề lái xe Bắc Nam, chú về nhà một ngày rồi lại đi ngay. Bữa đó, chú ghé nhà mình chơi. Thế rồi, từ Sài Gòn báo ra chú đã bị dính Covid. Mình là người duy nhất trong nhà tiếp xúc với chú nên trở thành F1.

Tiếng còi xe inh ỏi. Mình bước lên xe mà mẹ và ba nước mắt như mưa. Thú thực, lúc ấy mình vẫn còn lơ lửng lắm. Mình vẫn nghĩ đang ngồi ôn thi đại học. Nhưng rồi trên đường đi, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mình bắt đầu hoảng sợ. Chiếc xe đưa mình đi đâu thế này? Mình đứng lên nhìn ngược nhìn xuôi, toan xách ba lô tụt xuống mà không thể.

Cũng từ giây phút đó, bao ý nghĩ tăm tối hiện lên trong mình. Mình sợ hãi muốn thét lên. Nhưng rồi mẹ gọi điện, mẹ dặn bình tĩnh chắc chắn sẽ không sao. Điện thoại mẹ vừa tắt, cũng là lúc xe chở mình đến khu cách ly. Không ánh đèn cao áp. Đồng ruộng tối om mênh mông trước mặt hệt như một con quái vật khổng lồ. Mình sợ hãi, tưởng như bị ném xuống vực thẳm tăm tối nhất.

Khu cách ly hiện ra. Buồn. Vắng. Quạnh quẽ. Cô liêu đến tột cùng. Mình bước xuống xe. Ba lô khoác vai. Hôm đó nóng tới ba chín độ mà cả người mình cứ run lên cầm cập. Mình tưởng như mình là kẻ trọng tội đang bị bắt đi đày. Chú cán bộ y tế chắc thương mình quá cũng ái ngại động viên mình rằng sẽ không sao.

Chú dẫn mình tới một căn phòng bảo mình sẽ ở đây cho tới khi có thêm người mới. Mình ngơ ngác. Hiểu ra. Rồi bàng hoàng. Rụng rời như rớt xuống chín tầng địa ngục. Trời ơi! Mình ngủ một mình ở chốn này sao? Chăn, ga, gối, đệm, điều hòa của mình mọi ngày đâu hết cả? Mình càng hoảng loạn hơn khi mình rất sợ ma và bóng tối. Ánh đèn nhợt nhạt ngoài hành lang không sao cưỡng lại được bóng đêm đặc dày vây bủa.

Tút. Tút. Vẫn là cuộc thoại của mẹ. Mình nấc lên: “Con không ngủ một mình đâu!”. Rồi cứ thế mình tu tu khóc. Khóc như một đứa trẻ vì quá ư sợ hãi. Mẹ vẫn không rời điện thoại, rối rít vỗ về trong đau khổ.

Cuộc điện thoại thứ hai của ba. Mình phải giả vờ nín khóc. Ba dỗ dành động viên. Mình lại có thêm dũng khí. Mình vụng về tự sắp xếp mọi thứ. Mệt mỏi và sợ hãi, mình bỏ gối và chăn ra rồi nằm xuống, trùm chăn kín mít. Nhưng nóng quá không sao chịu nổi, mình bỏ chăn xuống, tự nhắc hãy cố lên, mình đâu phải con nít mà để ba mẹ lo lắng nhiều quá thế. Mình nằm đây mà ba mẹ cả đêm không chợp mắt chả phải mình kém cỏi và có lỗi lắm sao. Nghĩ vậy, mình không còn sợ nữa.

Nhưng rồi, chớp giật liên hồi. Lát sau là tiếng sấm ì ùng. Rồi mưa. Mưa như trút. Con quỷ sợ hãi lại ngoi lên. Mình nằm nép sát vào tường. Run rẩy như bé gà con lần đầu lạc mẹ. Mình đứng dậy khép cửa. Bất giác, mình nhìn xuống cổng thấy những chú bộ đội ngủ gục trên bàn. Có chú nằm lăn dưới hành lang mà hình như ngủ quên không biết là mưa ướt. Chẳng gối, chăn gì. Không cả manh chiếu nát. Tự dưng, ý nghĩ mình là gánh nặng cho họ vụt hiện trong tâm trí mình...

Mẹ gọi điện lần thứ ba. Hai giờ sáng. Mình toan nghe máy. Nhưng nghĩ thế nào mình quyết không nghe. Cố lên! Mình sẽ giả vờ như đã ngủ. Ngoài kia sấm vẫn đùng đùng. Mưa liên hồi đập vào cửa sổ. Bấy giờ, mình chỉ mong ba mẹ chợp mắt đi một xíu. Chắc chắn mình làm được, mình sẽ ổn thôi. Nghĩ vậy, mình nhắm mắt…

Sáu giờ sáng. Điện thoại reo. Là mẹ. Mình tính sẽ khoe với mẹ mình đã dũng cảm ngủ qua đêm sấm chớp thế nào. Nhưng kìa, mẹ khóc. Mẹ khóc tu tu như con nít. Đến lượt mình dỗ mẹ. Mẹ mới nói mình đã chuyển thành F0 rồi. Mẹ biết kết quả trước và xin phép nhân viên y tế để mẹ nói với mình. Điện thoại rơi xuống đất. Mình quỵ xuống như con chim nhỏ trúng thương nằm thoi thóp. Mẹ vẫn liên hồi gọi tên mình trong điện thoại.

Mình phải nhanh chóng lên xe chuyển ra thành phố. Chú cán bộ y tế vỗ về, nhưng tai mình cứ ù đi.

Ngồi trên xe. Bao cuộc thoại đổ tới liên hồi. Mình không trả lời. Tuổi mười tám của mình kết thúc ở đây ư? Chuyến đi xa này là vĩnh viễn? Ba mẹ mình sẽ sống sao nếu mình không thể trở về? Giảng đường đại học ở đâu? Thanh xuân của mình phụt tắt? Không! Mình còn chưa dám yêu. Mình còn chưa trả lời cậu ấy…

Nước mắt mình trào ra như mưa. Nó dữ dội và khốc liệt hơn cái đêm giông gió hôm qua. Nước mắt của trời thấm gì với bão tố lòng mình lúc ấy. Mình muốn thét gào!

Xuống xe, mình lủi thủi xách đồ. Theo chỉ dẫn của cán bộ, mình lên tầng sáu. Đi qua tầng một, mình thấy một căn phòng thật lạ. Phòng bày bát hương, bát cơm quả trứng, có di ảnh của người đã khuất. Cô gái trẻ khóc lặng đi. Cô cũng chỉ nhỏ bé như mình. Xung quanh có mấy người mặc bộ đồ bảo hộ cũng đứng yên cúi đầu. Mình hoảng hốt. Rụng rời. Lẽ nào? Nhưng rồi, băn khoăn ấy qua mau. Khi một bác sĩ đi qua ái ngại: “Em ấy lớp mười một. Tình nguyện vào đây phục vụ. Ở nhà ba mất không thể trở về. Bệnh viện lập tạm bàn thờ cho em vái vọng cha.”.

Chiếc ba lô trên tay mình rơi phịch xuống. Tim mình như bị ai bóp nghẹt: “Trời ơi, bạn ấy còn nhỏ tuổi hơn mình. Bạn ấy phải đau đớn vậy sao?”. Mình lầm lũi xách ba lô, đi tiếp. Mình khóc. Nhưng không phải cho mình...

Tới nơi, mình mở điện thoại ra. Chao ơi, cơ man nào là tin nhắn, bao cuộc gọi nhỡ từ gia đình họ hàng, thầy cô, bè bạn. Thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó, các thầy cô giáo dạy mình từ tiểu học, rồi trung học, cô hàng xóm… Mình muốn vỡ òa ra vì xúc động. Ai cũng thương lo cho mình. Ai cũng động viên mạnh mẽ lên. Ai cũng tin mình chiến thắng. Lần đầu tiên trong đời mình nhận được sự quan tâm nhiều như vậy của mọi người, tựa như mình là trung tâm thế giới. Ai ai cũng xót xa thương cảm. Kể cả cô bạn bàn bên hay đố kị, ghét ghen và nói xấu mình. Ai cũng nhắn tin động viên khích lệ. Chưa bao giờ mình nhận được yêu thương nhiều như thế. Nước mắt mình ứa ra vì hạnh phúc.

Nhưng rồi, ngay sau đó, hình ảnh cô bạn quỳ xuống khóc vọng cha lại hiện ra. Mình gạt nước mắt đứng lên, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, rồi gọi điện, nhắn tin trả lời từng người một.

Hai hôm sau. Mẹ điện lên từ khu cách ly. Vậy là cả gia đình mình không một ai còn được ở nhà.

Mình sợ hãi nghĩ đến cảnh tất cả vì mình mà liên lụy. Ông bà nội, cô giáo, bạn bè, bà lão bán rau già yếu… Danh sách F1 đặc dày. Mình ân hận, day dứt. Cảm giác tội lỗi khiến mình không thở nổi.

Ba giờ chiều. Nhân viên phục vụ tới đưa cơm. Mình biếng ăn nhưng vẫn kịp nhận ra dạ dày mình đang sôi lên sùng sục. Nhìn mồ hôi vã ra ướt đầm khóe mắt quầng thâm, mình hiểu họ vất vả thế nào. Mình nghẹn lại. Mình có thể cảm nhận mồ hôi đang tong tong chảy trong người họ khi mình ngồi không mà lưng áo ướt đầm. Mình là bệnh nhân còn được ngồi yên mà nhắn tin, gọi điện, còn được nghỉ ngơi, chăm sóc, hỏi han, còn được buồn phiền, chán nản. Còn họ. Sao họ phải vất vả thế kia? Sao họ phải chạy tới chạy lui tới các phòng phục vụ, mà họ, rất có thể sẽ bị lây Covid?

Bê hộp cơm lên, mình không sao nuốt nổi. Họ vẫn chưa được ăn gì, vẫn đang mải mốt đưa cơm. Mình không phải ruột thịt của họ, không quen thân. Vì sao họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt?

Tự dưng, mình thấy mình thật tệ. Buồn phiền lúc này chẳng phải quá vô duyên? Khóc lóc lúc này chẳng phải là có lỗi?

Nhưng mình vẫn khóc.

Mình khóc vì đôi mắt trũng sâu, võ vàng của bác sĩ điều trị cho mình. Bác ân cần dặn dò, quan tâm mình như con.

Mình khóc vì bê hộp cơm lên mình biết đó là công sức của biết bao người: người nấu nướng, chia cơm, bưng bê lên từng tầng, người nhịn bớt bữa ăn, quyên góp từ củ khoai, quả bí…

Mình khóc vì bao chiến sĩ ngoài kia phải dầm mưa dãi nắng, lả đi vì kiệt sức.

Mình khóc vì những bác lãnh đạo mệt nhoài, căng mình lên chống dịch mà bao đêm không ngủ.

Mình khóc vì những cô điều dưỡng vẫn mỉm cười. Họ đã hát cho bao F0 nghe để quên nỗi buồn, quên nỗi nhớ, mà họ, xa nhà biền biệt, con vẫn còn ẵm ngửa trên tay…

Bạn biết không và mình đã gan góc đứng lên. Mười tám ngày kiên cường tranh đấu, con Covid xấu xa đã phải cúi đầu ngã gục.

Mười tám ngày - mình đã có những trải nghiệm tuyệt vời từng giây vàng ngọc. Mình đã rũ bỏ hoàn toàn con nhóc tiểu thư đỏng đảnh, nhút nhát và yếu đuối. Mình đã đề nghị được giúp cô điều dưỡng, vỗ lưng cho bệnh nhân khi họ vật vã với cơn ho, thắt ngực không thở nổi. Mình lấy cơm, xúc cho bà lão ở giường bên, thậm chí là thay tã giấy cho bà…

Mười tám ngày, mình đã nhận ra bao điều quý giá. Mình tưởng như đó là mười tám năm cuộc đời. Chưa bao giờ mình nhận ra sự sống có ý nghĩa lớn lao nhường ấy.

Mình được ra viện. Ánh mắt người bác sĩ long lanh. Bác khóc. Năm bệnh nhân còn lại trong phòng cũng khóc. Mình đọc được trong giọt nước mắt ấy là niềm hạnh phúc, là quyến luyến khi phải chia tay sau mười tám ngày gắn bó - một khoảng thời gian khắc tạc vào ký ức, không thể có lần hai trong đời.

Không chút dùng dằng, mình thiết tha xin ở lại. Mình xin được ở lại chăm sóc cho chính những bệnh nhân của phòng mình. Lúc đầu bác dứt khoát chối từ vì sợ mình còn yếu, nhưng mình đã thuyết phục khiến bác không thể không chấp thuận. Và những ngày ấy, với mình, đó thực sự là những ngày đẹp nhất của thanh xuân.

Đến giờ này, bạn biết không, căn phòng của mình không còn ai ở lại. Tất cả đã xóa F để đoàn tụ với gia đình.

Mình cũng phải trở về vì kỳ thi đại học đang đón đợi.

Và mình biết, chắc chắn, mình sẽ trở lại. Mình sẽ trở lại đây khi kì thi kết thúc. Bởi có được làm một điều gì đó ở đây, cho những bệnh nhân Covid, mình mới thực sự thấy mình được sống!

Vậy nhé, hẹn gặp lại bạn. Mình sẽ còn biên tiếp lá thư sau - khi mình trở lại bệnh viện dã chiến này.

Thân ái và quyết thắng.

 

 THIÊN THẦN CÓ BÁNH

(Giải Nhì. Tác giả Phùng Thu Huyền)

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thương gửi em - những vòng quay yêu thương không dám mỏi.

Chào em, từ ô cửa trái tim...

Em này, từ ngày người ta mở ra bệnh viện dã chiến gần khu tôi ở, con đường trước nhà vốn tấp nập, bụi bặm, lúc này nhường cho mình em tất tả ngược xuôi. Nếu như ngày thường, tôi sẽ vui lắm khi phố phường bỗng nhiên yên tĩnh và sạch sẽ. Nhưng giờ đây thì không, em ạ. Buồn thương và lo sợ. Lòng lúc nào cũng thấp thỏm không yên. Hằng ngày, tôi vẫn đứng bên cửa sổ, lặng lẽ nhìn em hối hả chạy qua. Có những đêm rất khuya, thao thức nghe tiếng em vang vọng để kêu gọi mọi người, dành một lộ trình tốt nhất cho các bệnh nhân và bác sĩ. Mỗi khi nghe tiếng em dập dồn, khắc khoải, cánh tay tôi nổi da gà từng đợt. Hôm nay cũng vậy, tôi lại gặp em trong cơn mưa tầm tã cuối chiều. Em khoác trên mình chiếc áo trắng trầy tróc mấy mảng sơn, có ký hiệu chữ Thập đỏ chạy ngang qua, mắt chớp, miệng hú vang liên hồi như van nài khẩn thiết: “Xin hãy nhường đường cho tôi”. Tôi lo lắng tự hỏi: “Lại có thêm ca nào rồi chăng?”. Xót ruột lắm, em có biết không?

Người ta gọi em là xe cứu thương…

Và trên mặt trận thời bình chống “giặc” COVID-19 hôm nay, em hoàn toàn là một thành viên đắc lực và không thể nào vắng mặt. Facebook xôn xao “Sài Gòn ốm rồi”. Và Sài Gòn trông cậy nhiều vào em. Em chở trên mình sinh mạng của những bệnh nhân, và những “chiến binh” tuyến đầu diệt dịch. Sứ mệnh của em là vô cùng to lớn. Những vòng bánh xe lăn mãi không ngừng. Nếu việc chở người ngày bình thường quan trọng, cấp bách một, thì giờ đây quan trọng, cấp bách hơn gấp chục lần. Em chở trên mình khát khao sống của bệnh nhân, chở cả niềm hy vọng của gia đình họ. Em chạy đua, chiến đấu với Tử thần để giành giật cho bệnh nhân một giây cuối cùng. Một giây phân cách sự sống và cái chết. Một giây đôi khi chỉ phụ thuộc và gói gọn trong nửa vòng lăn bánh…

Em có mệt lắm rồi, phải không em?

Có khoảnh khắc nào, em được nghỉ ngơi đâu? Em đã vắt kiệt sức mình trong những chuyến hành trình đi tìm tia sống. Dù đi hay về, em luôn trong trạng thái vội vàng, khẩn trương, bánh quay còi hú. Sài Gòn không ngủ, em thức trắng đêm. Những vòng quay không bao giờ dám mỏi, cống hiến bằng tinh thần trách nhiệm và sự yêu thương em dành cho bệnh nhân và những y, bác sĩ đang sát cánh cùng em. Những vòng quay dãi dầu bao mưa nắng. Hơn bao giờ hết, ngay lúc này đây, Sài Gòn cần em, miền Nam cần em, cả nước cần em. Chúng tôi cần em. Xin em hãy vì chúng tôi mà cố gắng thêm chút nữa thôi, em nhé. Tôi biết em cũng đang rất mệt. Phố xá thăng trầm phủ bụi lên em…

Dù em không nói, nhưng tôi vẫn luôn hiểu…

Việc của tôi và những người dân bình thường bây giờ có thể làm chỉ là ở yên trong nhà, nhường đường để em làm việc. Ở yên trong nhà, giảm thiểu công việc cho em. Em áp lực, căng thẳng lắm, phải không? Giữa cái nắng oi bức ngày hè, ngồi yên một chỗ đã thấm mệt, huống hồ phải chạy đôn, chạy đáo tối đa công suất. Tôi biết, em cùng các “chiến binh áo trắng” đã không ngại khó, ngại khổ, lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm, từ phố phường về đến làng quê cứu giúp bệnh nhân. Những cặp bánh vững chãi kiên cường của em cùng những vòng vô-lăng được quay bằng cả trái tim của anh tài xế, sẵn sàng bất chấp mọi địa hình, thời tiết, miễn sao đưa được người bệnh vào bệnh viện nhanh chóng và an toàn nhất. Mỗi ngày cập nhật tin tức là một ngày tôi thêm chộn rộn âu lo. Lo cho gia đình, cho chính mình, cho mọi người xung quanh. Và thấm thía được nỗi gian truân vất vả của em cùng “đồng đội”. Tôi thật khâm phục và biết ơn em…

Em ơi, em có tin về ngày mai không?

Chắc hẳn, phố phường Sài Gòn không con xa lạ với em nữa rồi. Những ngày này, khi chạy trên nhưng con đường vắng, không người, không xe, em buồn thương Sài Gòn lắm nhỉ? Tôi cũng vậy, khi nhìn những con phố vắng hoe, mắt tôi cũng đỏ hoe. Nhưng ngày mai, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng. Tôi luôn giữ niềm tin vào điều đó. Việt Nam thắng cuộc, đơn giản là vì chưa bao giờ chấp nhận bỏ cuộc. Tôi tin em, tin “đồng đội” của em. Chúng ta sẽ vượt qua Covid, bằng sự đồng lòng, bằng niềm quyết tâm, bằng yêu thương, sẻ chia, đùm bọc. Tôi tin rằng những chuyến xe của em sẽ đẩy lùi Covid, và chở bình yên về cho Sài Gòn và cho dải đất hình chữ “S” của chúng ta. Và em sẽ lại được nghỉ ngơi, được thong dong ngắm nhìn những con phố nở đầy hoa và nắng.

Cùng đợi chờ, em nhé!

Việt Nam của chúng ta sẽ lại hân hoan mở cửa đón bạn bè quốc tế. Sài Gòn của chúng ta sẽ lại rộn rã hoa cờ, sẽ mở lòng đón người dân từ khắp mọi miền quê về đây mưu sinh, lập nghiệp. Lũ Covid kia sẽ phải trả lại cho chúng ta những con phố tấp nập người xe, trả lại những khu chợ tưng bừng mua bán, trả lại những công viên dập dờn hoa bướm, những mái tường rộn rã tiếng cười trong trẻo trẻ thơ. Tất cả những gì thuộc về chúng ta, chúng ta sẽ lấy lại hết. Khi đó chúng ta lại có thể hát vang: “Chiều ngõ vắng xôn xao. Có thêm bầy bé gái. Cùng nhảy dây khoe áo. Giăng hoa ngập hồn tôi (*)

Tôi xin phép gọi em là thiên thần được không em?

Nếu như các thiên thần có thể bay trên thiên đường với đôi cánh thần kỳ để mang đến niềm hạnh phúc cho con người, thì dưới mặt đất, trên lòng đường, các em chính là những THIÊN - THẦN - CÓ - BÁNH. Những chiếc bánh xe kiên trì, bền bỉ lăn lộn khắp mọi con đường để mang lại cho bệnh nhân sức khoẻ và tính mạng, mang lại cho người nhà của họ niềm an ủi, động viên. Tôi không giỏi nói những lời hoa mĩ. Chỉ muốn thông qua lá thư này để gửi đến em và những “chiến binh” đang ngày đêm miệt mài chống dịch một lời tri ân chân thành nhất. Và cũng xin lỗi em về những lần tôi ra đường quên đeo khẩu trang y tế, những lần tôi táy máy viết lên Facebook những dòng status tiêu cực, bi quan... Kính chúc tất cả luôn bình an, may mắn.

Sài Gòn, những ngày dành dụm và chia sẻ yêu thương...

------------------

(*): Trích “Ngõ vắng xôn xao” - Trần Quang Huy

 

THƯ GỬI MẸ TỪ ĐỨC

(Giải Ba. Tác giả Trần Thủy)

Cấp cứu bệnh nhân COVID-19 ở Đức. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Mẹ yêu quý của con!

Mấy hôm nay bên con mưa nhiều mẹ ạ. Những cơn mưa bất chợt, mang theo gió lạnh, khiến không gian thật ảm đạm. Con ngước nhìn màn mưa giăng giăng, tí tách, mà dạ bồn chồn. Nơi xa đó, quê hương con, cả nước đang gồng mình chống dịch. Con số hàng ngàn người nhiễm cứ tăng từng ngày, thắt thẻo ruột gan. Trong con như có lửa đốt. Hơn một năm qua, sống ở nơi tâm dịch, chứng kiến bao mất mát đau thương và muôn vàn khó khăn vây bủa. Con hiểu tình cảnh gian nan của quê hương trong lúc này.

Mới đó mà đã gần hai năm mẹ ạ. Cả châu Âu mệt nhoài giữa những lần lockdown kéo dài vô vọng. Tháp Effel cô đơn trong khoảng không gian rộng lớn. Quảng trường đỏ vắng bóng người qua. Những con thuyền ở Venice, nằm sát bên nhau trọn giấc ngủ dài. Phố buồn tênh, chỉ có hàng cây và những cột đèn đường, đứng thở than hứng gió. Mọi người kín mít khẩu trang, lướt qua nhau nặng nề tâm trạng. Tiếng còi cấp cứu hú vang, xé nát đêm đông lạnh lẽo.

Hàng ngày, làm bạn với chiếc điện thoại và tivi, mỗi lần xem tin tức, thấy biểu đồ bệnh dịch đỏ lừ khắp nơi mà bất an vô cùng. Bao giờ sẽ hết dịch, bao giờ sẽ có thuốc và bao giờ cuộc sống trở lại bình thường... là câu hỏi mong mỏi của tất cả mọi người.

Mẹ ơi, con virus nhỏ bé vô hình, đã khiến các cường quốc mạnh nhất phải tê liệt, phải điên đầu tìm mọi cách để kìm hãm và tiêu diệt nó. Nhưng trước khi tìm ra được nguồn vacxin có khả năng giảm sự lây lan của COVID-19, thế giới phải mất gần hai năm trời. Khoảng thời gian đó đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng oan uổng. Chắc mẹ từng xem những chuyến xe đặc nhiệm, chở xác người ra khỏi thành phố Lombardia ở Ý hồi đầu, báo trước một đại dịch nguy hiểm. Những giàn lửa sơ sài được dựng lên ở Ấn Độ để thiêu xác... cháy và cháy... lửa bùng lên trong sự bất lực tột cùng của con người. Vị bác sĩ, mái tóc như bạc thêm, đăm chiêu suy nghĩ khi phải quyết định nhường cho ai máy thở. Những cuộc gọi cầu cứu trong vô vọng. Con trai chở mẹ đang hấp hối trên xe, mà không tìm được nơi tiếp nhận.

Đau xót lắm mẹ ơi!

Hơn 4 triệu người trên thế giới đã phải ra đi vì dịch bệnh quái ác này. Quá tải, thiếu ôxy trầm trọng, không còn giường nằm, thiếu người có đủ chuyên môn y tế, là bài toán hóc búa và đau đầu nhất mà bất cứ quốc gia nào, khi dịch tăng đến đỉnh điểm, đều vướng phải.

Trong lúc ở nơi xa, chúng con đang vật lộn, tìm cách sống chung cùng dịch bệnh, thì thật yên lòng làm sao khi quê nhà vẫn bình an dưới sự lãnh đạo sáng suốt, nhanh nhậy và những ứng phó rất kịp thời của Chính phủ.

Con còn nhớ hồi đầu, mặc dù nước ta chưa có ca nhiễm, nhưng quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng đã được thực hiện triệt để, khách du lịch qua các cửa khẩu đều phải đo thân nhiệt. Trong khi đó ở nước Đức, nơi con ở, mọi người vẫn coi đó là thứ lạ lẫm. Họ phẩy tay bảo Covid là trò đùa chỉ như cúm mùa. Để trả giá cho sự coi thường và chủ quan của mình, là những làn sóng dịch tăng nhanh không tưởng, là những lần lockdown kéo dài làm cho nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng. Không biết bao nhiêu lần, khách hàng hỏi con về tình hình dịch bệnh ở nhà, con đã rất tự hào nói với họ: "Quê hương tôi bình an. Tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở quê hương tôi rất thấp. Mọi người vẫn có một cuộc sống ổn định".

Họ lại hỏi con, tại sao nước ta ở gần Trung Quốc như vậy mà vẫn an toàn, trong khi cả thế giới đang đau đầu vì dịch. Con hồ hởi kể cho họ nghe, về cách phòng dịch triệt để ngay từ khi mới chớm. Cả nước đồng lòng coi chống dịch như chống giặc, truy tìm tận gốc nguồn dịch và những người tiếp xúc, đưa đi cách ly tập trung, phong tỏa ngay ở diện rộng nơi có dịch. Thực hiện triệt để 5K. Những cách đó ở đây làm rất lỏng lẻo và họ đã hiểu, vì sao Việt Nam kìm hãm được COVID-19, họ tỏ ra vô cùng thán phục mẹ à. Cũng đúng thôi, trong khi tại Đức số ca nhiễm lên đến gần 4 triệu và gần 100 nghìn người chết thì ở Việt Nam con số thật quá khiêm nhường. Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất quyết tâm ngăn chặn mọi lối vào của con virut từ xa, nên đã vượt qua được giai đoạn gam go nhất khi dịch bùng phát trên toàn thế giới mà nguồn vacxin chưa hề có. Giai đoạn đó đã khiến các quốc gia bị khủng hoảng, vừa lo chống dịch đang điên cuồng lây lan, vừa lo kinh tế bị suy thoái mà chưa tìm ra lối thoát.

Đến khi chiến thắng tưởng trong tầm tay, nguồn vacxin tin cậy được đưa vào sử dụng. Bên này, chúng con đã được tiêm, cuộc sống dần trở lại bình thường, giấc mơ về thăm mẹ sắp thành hiện thực, thì dịch bùng phát rộng ở quê nhà.

Hôm nào con cũng theo dõi đài báo, thấy cả nước đang nguy nan, thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch, từng đoàn người chạy xe máy rồng rắn trở về quê trong bất an mà con lo lắm.

Bài học từ Ý, từ Mỹ, từ Đức... khi mọi người di chuyển từ tâm dịch trở về nhà, đã là mầm mống cho sự lây lan khắp cả nước vẫn còn đó. Nhưng mẹ ơi, họ chẳng còn sự lựa chọn nào khác, khi công việc không có, tiền thuê nhà hàng tháng vẫn phải trả, bao nhiêu thứ phải lo. Vậy về quê rau cháo nuôi nhau cho qua ngày để chống dịch, cũng là cách suy nghĩ tiết kiệm nhất cho họ.

Sắp tới có thể cả nước sẽ phải đối mặt với đợt bùng dịch ở khắp các tỉnh thành, có thể hệ thống y tế sẽ quá tải, bị đứt gẫy. Con mong mỏi điều đó không xảy ra, nếu tất cả có ý thức tự giác cách ly ngay sau khi trở về từ tâm dịch.

Lúc này là lúc người dân phải thật bình tĩnh, không hoang mang lo sợ. Ai ở đâu thì hãy yên ở đấy. Hạn chế tối đa tiếp xúc. Nếu có bị nhiễm mà biểu hiện bình thường, hãy tự cách li ở nhà và tự điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Ở bên con hơn 70% đã tự chữa khỏi tại nhà, đừng làm gánh nặng cho bệnh viện. Chỉ đến viện khi có bệnh nền hoặc cảm thấy khó thở. Có như vậy, mới giúp y tế không bị bất lực vì quá tải. Hơn một năm chiến đấu với dịch bệnh, đội ngũ y tế và những người phục vụ đã mệt mỏi lắm rồi. Dù họ luôn làm hết mình bằng trái tim nhân hậu, bằng tinh thần quả cảm, đối mặt với hiểm nguy để giành lại sự sống. Họ là những vị anh hùng trong thời kì chống dịch. Nhưng mẹ ơi, họ cũng là con người, sức họ có hạn, đừng để họ bị kiệt sức, lực bất tòng tâm, lúc đó mạng người mong manh vô cùng.

Con thật tự hào khi Việt Nam ta đã thoát qua được 2/3 đoạn đường hầm đen tối, mà thiệt hại ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Cuối đường hầm đã le lói ánh sáng, là nguồn vacxin mà chính phủ đang nỗ lực hết sức để tiếp cận mua được. Chỉ cần cả nước quyết tâm, người dân bình tĩnh, đoàn kết, sẻ chia, sống có trách nhiệm thì ánh sáng bình an sẽ lại trở về, trên từng ngôi nhà thân yêu mẹ ạ.

Ở nơi đây, trải qua hơn một năm chúng con sống chung và thích nghi với dịch. Con bỗng nhận ra nhiều điều, làm thay đổi nhân sinh quan của mình.

Cuộc sống này thật vô thường, bất định, luôn tiềm ẩn những tai họa, nhưng sau một hồi lo lắng ta nên nhìn nhận những nỗi sợ hãi ấy dưới con mắt lạc quan và hy vọng.

Con biết sống tiết kiệm hơn, luôn tính toán chi li thật hợp lý, để phòng khi bất trắc.

Giãn cách xã hội, bỗng cho chúng con cơ hội làm được bao nhiêu việc, mà bình thường đi làm không có thời gian mẹ ạ. Cái khu vườn chưa được quy hoạch gọn gàng, nay đã đẹp lên rất nhiều, nhờ chồng con chịu khó mầy mò thiết kế. Những luống rau cải, rau mồng tơi, rau dền, rau bí cứ xanh mướt vì có tay người chăm sóc, là nguồn thực phẩm sạch tự nhiên, rất tốt cho cả nhà lúc này. Giàn su su, giàn bầu, giàn mướp, những thứ quả hiếm hoi ở xứ người cứ lúc la, lúc lỉu. Hàng ngày, chạy ra chạy vào, thụ phấn cho hoa, đếm quả non mới nhú, tưới tắm cho vườn rau. Con thấy cuộc sống thật nhiều ý nghĩa, chẳng còn lo lắng về dịch bệnh. Vợ chồng Mai An Tiêm đã từng bị vứt ra đảo hoang mà vẫn sống được. Con chợt nghĩ, chẳng may dịch bùng nặng quá, cuộc sống bị cô lập, thì chắc chắn ông trời vẫn cho ta đường sống nếu ta chịu khó và tìm tòi mẹ nhỉ.

Thời gian còn lại, con chế biến cho gia đình những bữa ăn vừa đủ dinh dưỡng vừa tiết kiệm. Con tự mày mò học được rất nhiều loại bánh, để thay đổi khẩu vị, mà các cháu của mẹ rất thích. Con bỗng phát hiện ra mình có một số khả năng, mà suốt quãng đời đã qua, con không nghĩ mình làm được, như viết báo, và đọc truyện trên Quán Chiêu Văn chẳng hạn. Chính mẹ cũng thấy bất ngờ vì con phải không mẹ, một đứa chỉ biết cầm tay khách mài mài, dũa dũa. Đó là động lực, là niềm say mê mới, giúp con luôn tĩnh tâm và bình thản trong đại dịch, dù tiền thuê cửa hàng, tiền bảo hiểm, tiền sinh sống hàng tháng, vẫn phải chi trả đều đều mà chẳng biết thu ở đâu.

Nhưng con luôn suy nghĩ, hãy tin vào những điều tốt đẹp, hãy giữ an toàn cho bản thân và gia đình thật tốt, cũng là đỡ đi một gánh nặng cho y tế và góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Hạnh phúc là khi mở mắt ra mình vẫn được hít thở bầu không khí trong lành thì không nên bi quan, chán nản.

Thưa mẹ, trong đại dịch lần này, điều con trân trọng nhất khi theo dõi tin tức ở quê nhà, là tinh thần hết lòng vì dân vì nước của đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng hỗ trợ, phục vụ cho việc cách ly cũng như phòng chống dịch. Họ không quản hiểm nguy, phải xa gia đình một thời gian dài, ngày đêm vất vả với bộ bảo hộ kín mít, đến bữa ăn cũng vội, giấc ngủ không tròn, lo cho từng bệnh nhân, và những người nghi nhiễm, được ổn định đến ngày trở về. Họ căng mình trên từng chốt dịch, để người dân được bình an. Cả nước Việt Nam biết ơn sự vất vả của họ.

Và trong lúc gian nguy nhất thì tình người mẹ ạ. Chính tình người, như những đốm lửa tí tách, bừng sáng nơi tâm dịch.

Cuộc sống bình thường, người ta vẫn ca cẩm vì tình người thật xa xỉ, hiếm hoi. Nhưng khi dịch đến, chẳng ai bảo ai, họ giúp nhau như một điều hiển nhiên, tất yếu.

Những xe bánh mì 0 đồng, những cây ATM phát gạo, những nơi phát bữa ăn miễn phí của các mạnh thường quân mọc lên khắp nơi, trợ giúp người dân nghèo TP. Hồ Chí Minh qua cơn hoạn nạn. Các khu cách ly, các chốt kiểm dịch đều được bà con gần đó cung cấp thực phẩm thiết yếu. Ngay như ở Quán Chiêu Văn, nơi con rất thích đọc. Ông Trịnh Đình Nghi và Ban quản trị cũng quyên góp được hàng tạ rau xanh, ủng hộ nhanh cho đồng bào vùng dịch. Từng đoàn y bác sĩ và các lực lượng hỗ trợ, xung phong lên đường vì miền Nam yêu dấu. Cả nước sục sôi với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.

Ngày hôm nay thôi, con đã trào nước mắt, nhìn từng đoàn người di chuyển bằng xe máy hơn 1000 cây số để về quê. Họ không hề bị bỏ rơi dọc đường, khi có bao nhiêu người tiếp thức ăn và nước uống cho họ. Chị Đinh Thu Hiền, một nhà từ thiện, đã phát số tiền lớn cho họ làm lộ phí đi về. Yêu lắm những tấm lòng nhân hậu, những nghĩa cử cao đẹp.

Mẹ ơi, dịch còn kéo dài, khó khăn trong cuộc sống sẽ còn nhiều, vì lệnh giãn cách chưa biết khi nào được tháo dỡ.

Giờ đây cần lắm những tấm lòng hảo tâm, những doanh nghiệp, cùng chung lưng đấu cật với chính phủ tháo gỡ khó khăn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Quỹ COVID-19 đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ những tấm lòng Bồ tát, nhưng con tin sẽ còn rất nhiều tấm lòng nữa, sẽ ra tay khi thấy đất nước lâm nguy. Đến đứa trẻ cũng biết trích tiền ăn sáng, người mẹ già nhất quyết chuyển số tiền tiết kiệm mình có được cho quỹ, rồi bao nhiêu hội đoàn trong nước và ngoài nước như chúng con bên này, đều đồng tâm san sẻ tấm lòng của mình cho quê hương đang hoạn nạn.

Tất cả vì Việt Nam yêu dấu, chúng ta cùng chung một dòng máu Lạc Hồng, sẽ cùng tựa vào nhau, đoàn kết sẻ chia, bình tĩnh để vượt qua đại dịch. Con tin với những gì đã giữ được hơn một năm qua, dưới sự dẫn dắt đúng đắn của Đảng và sự đồng lòng của nhân dân. Việt Nam sẽ sớm vượt qua được thử thách này với tổn thất thấp nhất.

Con cầu mong quê nhà sớm khỏe mạnh trở lại, ngày con được về bên mẹ sẽ không còn xa nữa, và bình minh lại rạng ngời trên dải đất hình chữ S thân yêu.

Mẹ hãy luôn giữ gìn sức khỏe mẹ nhé!

2.8.2021

Con yêu của mẹ.

1 đã tặng

0

0

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy