Quân đội tham gia phát triển kinh tế trong thời bình
Lực lượng quân đội là lực lượng đông đảo, trẻ khoẻ, có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ nhất định, có kỉ luật nghiêm minh. Quân đội có nhiều phương tiện kĩ thuật hiện đại, nhiều lĩnh vực, ngành, nghề phù hợp với các lĩnh vực và nghề nghiệp của nền kinh tế. Đây là những điều kiện thuận lợi để quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong những năm qua, quân đội không chỉ phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước mà còn là bộ phận quan trọng góp phần tạo ra của cải vật chất, hàng hoá, dịch vụ cho xã hội, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở những nơi đặc biệt khó khăn, phức tạp, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, thực hiện tốt kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thực tế những năm qua cho thấy, quân đội không chỉ thực hiện tốt chức năng sản xuất mà còn tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, quân đội tham gia vào việc xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài. Bằng các hoạt động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, quân đội góp phần xây dựng lòng tin, tạo sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, quân đội có điều kiện để tăng cường hợp tác với quân đội các nước trên nhiều lĩnh vực như: hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học quân sự, kỹ thuật quân sự; phát triển công nghiệp quốc phòng; trao đổi, tiếp nhận những thành tựu khoa học và công nghệ quân sự hiện đại; nghiên cứu vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí công nghệ cao; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng quân đội trong thời bình; nghiên cứu phương thức tác chiến hiện đại có thể vận dụng trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Mặc dù phải hoạt động trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường và diễn biến phức tạp của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, song các doanh nghiệp quân đội vẫn đứng vững, vừa phát triển sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong quá trình tham gia sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế đã xuất hiện những thương hiệu mạnh của các doanh nghiệp quân đội trong một số lĩnh vực như: xây dựng, bưu chính - viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ cảng biển, đóng tàu biển, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn chiến lược…
Tiêu biểu cho các doanh nghiệp quân đội phải kể đến Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Ba Son, Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội…
Sau 25 năm, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel được coi là doanh nghiệp số 1 Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin, với trên 50.000 trạm thu phát sóng, gần 180.000 km cáp quang, thực hiện quang hóa gần 100% số xã trong toàn quốc. Viettel cũng là doanh nghiệp duy nhất phủ sóng 100% các đồn biên phòng, khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với 670 trạm BTS; triển khai phủ sóng thành công dọc bờ biển dài hơn 3.000 km với cự ly phát sóng cách bờ 100 km, đồng thời phủ sóng 100% các đảo ven bờ, các đảo thuộc vịnh Bắc Bộ, đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Tính đến nay, Viettel đã đầu tư ở 9 nước thuộc 3 châu lục, với tổng dân số 146 triệu người. Tại các quốc gia như Lào, Cămpuchia, Môdămbich, Haiti… các doanh nghiệp của Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới, thuê bao và doanh thu lớn nhất. Ngoài ra, tập đoàn này đã triển khai xây dựng thành công tuyến đường trục truyền dẫn Đông Dương dung lượng 400 Gbps, nối trực tiếp 3 nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia. Mục tiêu phấn đấu của Viettel trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài để trở thành tập đoàn toàn cầu, là 1 trong 10 doanh nghiệp đầu tư viễn thông lớn nhất thế giới.
Toà nhà Viettel Thái Nguyên - Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel
Nguồn: Internet
Tổng công ty trực thăng Việt Nam (VNH) hiện được coi là một trong những nhà khai thác dịch vụ trực thăng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, được khách hàng và đối tác đánh giá cao về chất lượng dịch vụ và cam kết an toàn. Với đội ngũ phi công giàu kinh nghiệm được công nhận là phi công thương mại của Cục hàng không Việt Nam, các trung tâm kỹ thuật hàng không được Tổ chức bảo dưỡng hàng không (AMO) công nhận, cùng đội máy bay trực thăng hiện đại đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hướng dẫn quản lý khai thác máy bay của Hiệp hội các nhà sản xuất dầu khí quốc tế (OGP), Tổng công ty đã và đang cung cấp dịch vụ trực thăng cho trên 50 công ty dầu khí trong nước và quốc tế, bay phục vụ chương trình tìm kiếm mất tích (MIA), bay du lịch, bay tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, bay chuyên cơ, vận chuyển hành khách và hàng hóa, bay quay phim chụp ảnh… Các dịch vụ trực thăng của Tổng công ty đã có mặt nhiều nơi trên thế giới như: Na uy, Malaixia, Ấn Độ, Đông Timor, Cămpuchia...
Tổng công ty Ba Son, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có nhiệm vụ chính trị là đóng mới, sửa chữa và bảo đảm kỹ thuật tàu quân sự và tham gia các hoạt động sản xuất làm kinh tế, hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con với 2 công ty trực thuộc là Công ty đóng và sửa chữa tàu Hải Minh (Nhà máy X51) và Công ty Sơn Hải Âu. Trong những năm qua, trước những biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước, thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, Tổng công ty phải triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, các dự án di dời, đầu tư xây dựng nhà máy ở vị trí mới; mặt bằng nhà xưởng bị thu hẹp, sản xuất tại nhiều vị trí cách xa nhau... nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trực tiếp là Đảng ủy và Thủ trưởng Tổng cục công nghiệp quốc phòng, Tổng công ty luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tốc độ tăng trưởng bình quân từ 25 - 35%/năm, đời sống người lao động từng bước được cải thiện.
Thực hiện Nghị quyết 06 NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của Tổng cục công nghiệp quốc phòng về việc bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội, với sự phát triển về trình độ kỹ thuật, công nghệ, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực... cùng những kinh nghiệm có được trong đóng mới nhiều loại tàu quân sự như: tàu tên lửa HQ-381 (PS500), tàu tuần tiểu cao tốc cho hải quân, tàu tuần tiễu TT200 cho Cảnh sát biển... và nhiều sản phẩm kinh tế khác; Tổng công ty đã được Nhà nước, Bộ Quốc phòng cho triển khai chương trình đóng mới tàu tên lửa 12418 trang bị cho lực lượng hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội (Ngân hàng Quân đội) hiện được công nhận là một trong những ngân hàng lớn ở Việt Nam. Vào thời điểm năm 2009, vốn điều lệ của ngân hàng là 7.300 tỉ đồng, tổng tài sản của ngân hàng hơn 69.000 tỉ đồng, đến nay vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng lên 15.500 tỉ đồng. Hiện nay, Ngân hàng Quân đội đã có mạng lưới khắp cả nước với trên 100 điểm giao dịch và 01 chi nhánh tại Lào. Ngân hàng Quân đội phấn đấu trở thành ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thị trường lựa chọn tại các khu vực đô thị lớn, tập trung vào: Các khách hàng doanh nghiệp truyền thống, các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn; liên kết chặt chẽ giữa ngân hàng và các thành viên để hướng tới trở thành một tập đoàn tài chính mạnh…
Ngoài các doanh nghiệp kinh tế, hiện nay quân đội có 23 khu kinh tế - quốc phòng. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các khu kinh tế - quốc phòng đã giúp dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, xây dựng ruộng lúa nước, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc; hỗ trợ vốn làm nhà và cây con giống, giúp đỡ về kỹ thuật sản xuất, chống di dân và đón nhận dân ở tuyến sau đến định cư, giúp dân ổn định cuộc sống lâu dài; đã phối hợp cùng với các địa phương tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát triển văn hóa - xã hội. Các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao và các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình hạnh phúc, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, kế hoạch hóa gia đình, xóa mù chữ, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ăn ở vệ sinh... được nhân dân trên địa bàn tích cực thực hiện, tạo được chuyển biến mới, góp phần từng bước xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các khu kinh tế - quốc phòng đã xây dựng được hàng chục nhà văn hóa, trạm thu phát truyền hình, đưa hệ thống phát thanh truyền hình về thôn bản; triển khai chương trình quân - dân y kết hợp, tổ chức khám chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt người... góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở địa bàn.
Trên cơ sở quy hoạch và đầu tư xây dựng các cụm, điểm dân cư sát tuyến biên giới, các khu kinh tế - quốc phòng tiến hành tổ chức xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Các khu kinh tế - quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn làm tốt công tác quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội, làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh và tập huấn dân quân tự vệ... Đây là nhân tố nòng cốt góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục và giữ vững ổn định tình hình trên địa bàn, tạo được niềm tin tưởng cho nhân dân các dân tộc và cấp uỷ chính quyền cơ sở...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp kinh tế của quân đội không tránh khỏi những thiếu sót và còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Đó là nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị về hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của quân đội chưa thật đầy đủ. Một số đơn vị chưa coi trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp quân đội chưa cao; hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư còn thấp…
Bên cạnh đó là những biểu hiện chủ quan, giản đơn, mơ hồ, ảo tưởng trong đánh giá tình hình địch - ta; giữa đối tượng và đối tác; giữa mở cửa, hội nhập đầu tư phát triển kinh tế với vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh dẫn tới lơ là, thiếu cảnh giác, mất phương hướng. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm “phi chính trị hóa” quân đội nhằm làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, xa rời bản chất giai cấp công nhân, giảm sút ý chí và sức mạnh chiến đấu.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội đất nước có nhiều phát triển mới, đòi hỏi quân đội phải tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế lên một bước mới. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cần kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố sức mạnh quốc phòng, an ninh, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, thường xuyên cảnh giác với âm mưu thông qua hội nhập quốc tế để thực hiện “diễn biến hoà bình “, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta.
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội. Theo đó, quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp quân đội phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần phát huy tính chủ động, giữ vững và từng bước phát triển vững chắc thị trường truyền thống, đồng thời chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các doanh nghiệp quân đội. Tích cực cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ; không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo cơ sở nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng cả trước mắt và lâu dài.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...