Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
00:40 (GMT +7)

Nỗi lo “lương chưa tăng giá đã tăng” dịu bớt?

Thu ngân sách cũng chỉ hết tháng 11 đã vượt dự toán, dù số doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động của năm nay tăng đến 9% so với 2013.

Có chứa đựng chút bất ngờ, nhưng những con số trên vẫn khá mờ nhạt trước sự lao dốc của cả giá dầu và lạm phát, hai yếu tố rất nhạy cảm của các nền kinh tế, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Lạm phát cao, người nghèo là khổ nhất

Tại thời điểm này, lạm phát 2014 được dự báo khá chắc chắn là chỉ khoảng 2%, thấp nhất trong 13 năm gần đây và chưa bằng một phần ba của 2013.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 bế mạc vào cuối tháng 11/2014 vừa qua, CPI 2014 được cho là sẽ quanh quanh 5%, tức là gấp hơn hai lần con số dự báo hiện nay. Nhưng thế cũng đủ để cho lạm phát không còn là tâm điểm của các phiên thảo luận toàn thể ở nghị trường như nhiều năm trước nữa, khi CPI luôn ở mức hai con số.

Trong các bản báo cáo của cơ quan điều hành, kiểm soát lạm phát luôn được nhắc đến như thành tích nổi bật trong điều hành kinh tế của 2014. Nhưng đã bắt đầu có những quan ngại khi lạm phát thấp được cho là tác động không tích cực đến cả hoạt động của doanh nghiệp, việc làm, tăng trưởng GDP...

Và bây giờ, khi CPI cả hai tháng cuối năm rất có thể đều giảm và cả năm ước tăng khoảng 2% thì các quan điểm trái chiều càng trở nên rõ nét hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, bối cảnh giảm CPI đang diễn ra không phải do năng suất, chất lượng mà do tồn kho lớn, nợ xấu cao, tổng cầu giảm là điểm nghẽn trong thị trường hiện nay. Chính vì sức mua kém, tổng cầu kinh tế giảm mạnh nên sản xuất đình trệ, giá cả không thể lên được.

Còn cơ quan có trách nhiệm trong điều hành lại cho rằng nhận định nói trên là chưa thuyết phục. Vì, nhu cầu tiêu dùng trong 11 tháng của năm nay ở mức cao hơn các năm trước, bởi thế lạm phát thấp không phải nguyên nhân chủ yếu do sức mua giảm.

Nhưng dù nhìn nhận ở góc nào thì việc CPI giảm quá sâu so với con số được Quốc hội quyết định cũng cho thấy công tác phân tích dự báo của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ tiếp tục có vấn đề, và cũng cho thấy sự phản ứng chậm chạp của các cơ quan chức năng khi dấu hiệu lạm phát thấp xa mục tiêu đã xuất hiện từ đầu quý IV/2014, một vị chuyên gia độc lập bình luận.

Cũng bắt đầu từ nửa cuối của năm 2014 song được cho là sẽ tác động lớn đến tình hình kinh tế 2015 là sự lao dốc của giá dầu. Bởi tỷ trọng khai khoáng đang chiếm khoảng 11% GDP, trong đó dầu thô chiếm khoảng 70 - 80%. Trong khi đó, chi phí khai thác dầu thô ở Việt Nam có những lô đã vượt qua cả giá bán hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế - ước tính, nếu ngành khai thác dầu phải cắt giảm 30% sản lượng thì sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, tăng trưởng GDP có thể suy giảm khoảng từ 0,8 đến 1,2 điểm phần trăm.

Với ngân sách, tính toán sơ bộ cho thấy, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng, giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn khoảng bình quân 70 USD/thùng trong năm 2015, thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng.

Những con số nếu có thành hiện thực thì vẫn là ở thì tương lai, song cũng cho thấy khoảng lặng của nền kinh tế là không hề nhỏ.

Nhưng, ở góc nhìn khác, lạm phát thấp thì trước mắt người dân được lợi. Nỗi lo lương chưa tăng giá đã tăng ít nhất đã dịu hơn trong 2014 và có thể vẫn “êm” ở năm tới. Hình ảnh cả giá và lương đều muốn thần tốc leo lên đỉnh đồi nhưng chỉ có giá chiến thắng còn lương cứ lẽo đẽo theo sau rất có thể sẽ vơi dần tính thời sự.

Còn với giá dầu, khi giá dầu thế giới giảm thì giá xăng dầu thành phẩm cũng sẽ giảm và lại cũng sẽ là người dân có lợi vì Việt Nam vẫn nhập 70% sản phẩm xăng dầu tiêu thụ trong nước.

Về lâu dài, đây chính là cơ hội rất tốt để các mặt hàng sử dụng xăng dầu giảm chi phí nhằm phục hồi sản xuất, có tăng trưởng, có tiền chi vào hoạt động khác, qua đó nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định và lạm phát sẽ được kiềm chế.

Một số chuyên gia còn chỉ ra rằng lạm phát ở mức 2 - 3% là cơ hội vàng để hạ lãi suất cho vay, đưa lãi suất cho vay về ngang bằng với thế giới. Ý nghĩa của việc này không nhỏ chút nào khi mức lãi suất của Việt Nam hiện nay là quá cao, đang là một sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp nội, vốn đang yếu thế hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy