Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
11:50 (GMT +7)

Những cột trụ của ngôi nhà Văn nghệ

Năm tôi 22 tuổi, được anh trai Nguyễn Minh Sơn, là một trong những hội viên đầu tiên của Hội VHNT tỉnh Bắc Thái xin chú Hà Đức Toàn cho vào làm tại Hội. Mặc dù chú Toàn nhất trí, nhưng vẫn phải có sự can thiệp của chú Chu Cường lúc đó là Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, do bố tôi nhờ. Đó là tháng 11 năm 1992, Hội vừa 5 tuổi.

Năm nay Hội tròn 35 tuổi, tôi muốn kể về những người lãnh đạo của tôi - những cột trụ của ngôi nhà Văn nghệ trong bao năm qua.

Nhà thơ Hà Đức Toàn - Chủ tịch Hội khoá I và II, người vô cùng năng động và có lẽ nóng tính nhất trong số các lãnh đạo Hội. Chủ tịch Toàn luôn quán triệt anh em trong cơ quan: “Hội là gia đình. Đã là gia đình thì nhìn nhau mà làm”. Lúc đầu, tôi cũng thấy lạ về quan niệm ấy, nhưng đi làm một thời gian, tôi đã hiểu, ông có lý. Hồi đó, không khí ở Hội đúng kiểu gia đình thật. Hôm nào phòng Chủ tịch cũng có hội viên đến chơi. Chúng tôi lại “nhận nhiệm vụ” ra quán nước cạnh Hội mua rượu và lạc rang về đãi khách. Cũng có lúc là khách đãi chủ. Chuyện trò rôm rả, đọc thơ, bàn chuyện văn chương rồi cười nói váng cả cơ quan.

Tôi vẫn nhớ giọng nói sang sảng, điệu cười rổn rảng như kim loại va vào nhau... và dáng đi thoăn thoắt, hai tay vung vẩy theo mỗi bước đi của nhà thơ. Nói nhanh, cười to, nghĩ và làm nhanh, nhà thơ Hà Đức Toàn thuộc tuýp người quyết liệt, đã nói là làm, tơ lơ mơ là… “chết” với ông! Đã bao phen tôi sợ xanh mắt trước cơn thịnh nộ của Chủ tịch. Kể ra, có những cơn thịnh nộ hợp lý, ví như khi nhân viên xao nhãng công việc, nhưng cũng có những cơn thịnh nộ không hợp lý, đó là việc nhân viên sơ suất nhỏ khi có khách… Nhưng dù là hợp lý hay chưa, thì mọi người trong cơ quan cũng không ai bận lòng. Bởi tính ông thế, dễ cáu mà cũng dễ quên, to tiếng rồi lại cười xòa, tất cả chỉ cốt sao cho được việc.

Vừa làm Chủ tịch Hội vừa làm Tổng Biên tập, ông cứ mải mốt lo đủ thứ việc. Nay chạy sang Tỉnh ủy - Ủy ban, gặp bằng được lãnh đạo để trình bày, báo cáo, xin chủ trương việc này; mai chạy các nơi lo đầu ra phát hành báo; rồi lại đi cơ sở viết bài… Việc gì Chủ tịch cũng làm, không nề hà và đầy nhiệt huyết, miễn là mang lại lợi ích cho Hội, cho hội viên. Ông có tài làm thơ tình và viết ký cũng giỏi. Có những số báo gần lên trang, thấy chưa đủ bài, thế là Chủ tịch leo phắt lên chiếc xe Minsk của cơ quan, do Dương Quốc Hải cầm lái, đi trọn một ngày, đêm về “cày”, hôm sau đưa sang cho chị Phương Châm mấy tờ giấy A4 viết tay, chữ xấu không tả nổi, để đánh máy. Thế mà chị Châm cũng dịch được hết các tập bản thảo ấy. Tài thật!

Những bài bút ký của ông ra đời như thế. Nào: “Đại Từ, mảnh đất bốn mùa xanh”, “Làng núi Phúc Tân”, rồi “Dòng sông, ngọn núi và con đường”…, bây giờ đọc lại, tôi vẫn thấy hấp dẫn. Ngoài ra, nhà thơ Hà Đức Toàn còn nổi tiếng bởi “tật” không biết ăn thịt, uống rượu khỏe và sống cực kỳ đơn giản…

Giúp việc cho Chủ tịch Hà Đức Toàn thời ấy là nhà văn Hồ Thủy Giang - Phó Chủ tịch Hội. Trái lại với nhà thơ Hà Đức Toàn, Hồ Thủy Giang nói năng nhỏ nhẹ, không thích ồn ào và tuyệt nhiên không biết uống rượu. Với bề dày kinh nghiệm sáng tác, ông được bạn bè nể trọng về khối lượng tác phẩm và số lượng giải thưởng đã được nhận. Biết vậy, ông luôn nhiệt tình hết mình mỗi khi có ai cần hỗ trợ về chuyên môn. Bởi thế, ông thường bận rộn với những “dự án” sáng tác và xuất bản của cơ quan, cũng như bạn bè tin tưởng “giao phó”.

Nhà thơ Hà Đức Toàn

Hồ Thủy Giang cũng rất đơn giản trong cách sống, thậm chí có thể coi là dễ tính, nhưng lại cực đoan. Đã tin ai, quý ai là nhất nhất một lòng và ngược lại. Ông sống hài hòa, cố gắng không để mất lòng ai. Cũng bởi hiền lành nên những gì không vừa lòng, ông đều chọn cách tránh xa để khỏi phải va chạm. Cẩn thận, ân cần nhưng hơi cả nể, Hồ Thủy Giang hầu như không mang lại cho người tiếp xúc cảm giác đang giao tiếp với một lãnh đạo. Thoải mái, chân thành, không câu nệ là điều người ta thường thấy khi tiếp xúc với ông.

Sau khi nhà thơ Hà Đức Toàn nghỉ hưu, nhà văn Ma Trường Nguyên được Đại hội III bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Vị Chủ tịch họ Ma này cũng nổi tiếng hiền lành, dễ tính. Không muốn làm phiền ai và cũng không thích ai làm phiền mình, ngày ngày nhà văn đến nhiệm sở đảm trách việc lãnh đạo Hội. Ông thường giãi bày: “13 năm làm phó giám đốc sở, chỉ tập trung làm chuyên môn, giờ phải làm thủ trưởng thấy nhiều việc thế”. Cái trọng trách của người đứng đầu một tập thể đã chiếm trọn của ông 5 năm trời, khiến ông không sáng tác được tác phẩm nào tung ra văn đàn. Ngày hoàn thành nhiệm vụ, được nhận sổ hưu, ông thở phào: “Từ nay lại được trở về làm những việc mình thích”. Ma Trường Nguyên là thế, không màng danh lợi, không thích đua chen, đủng đỉnh sống và luôn bằng lòng với hiện tại…

Nhà văn Ma Trường Nguyên

Cột trụ thứ ba của Hội là nhà thơ Đàm Thế Du – Chủ tịch khóa IV. Đang làm Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, ông được điều sang làm thủ lĩnh Văn nghệ. Hình như ông cũng buồn, vì đang “thét ra lửa”, hô một tiếng là có hàng trăm người thực hiện, điều kiện làm việc thuận lợi đủ đường. Nay, được tiếng phụ cấp chức vụ cao hơn, nhưng quân cán lèo tèo, điều kiện vật chất hạn chế. Nhưng rồi, ông thích ứng rất nhanh. “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài, biết làm sao được, hội hè là thế”, ông nói với mọi người như vậy và hình như cũng là tự nói với mình. Vốn làm việc lâu trong môi trường chính trị, ông không có cái uyển chuyển, mềm dẻo, dễ dãi như vị tiền nhiệm Ma Trường Nguyên và người kế nhiệm Triệu Văn Doanh, sau này, nhưng những gì có lợi cho Hội, cho hội viên và cho nhân viên cơ quan Văn phòng Hội, ông vẫn đặc biệt quan tâm. Tính ông thẳng thắn, có phần hơi bỗ bã nên thấy gì không phải là nói ngay. Vì vậy, có nhiều người không thích. Thì biết làm sao được, “bách nhân bách tính”, ông vẫn cứ là ông: ngày ngày đến cơ quan rất đúng giờ, thích giao lưu bạn bè, thích làm thơ và tôn trọng nguyên tắc – cái nguyên tắc của một người công tác lâu năm tại môi trường chính trị. Nghỉ hưu, ông bà giao lại ngôi nhà cho con trai trưởng, về quê Từ Sơn, Bắc Ninh sống. Thỉnh thoảng vẫn phóng xe máy lên Thái Nguyên gặp gỡ với bạn bè cho đỡ nhớ, thế nào ông cũng dành chút thời gian ghé thăm Hội.

Nhà thơ Đàm Thế Du

Người thay Chủ tịch Hội Đàm Thế Du là nhà nghiên cứu dân gian Triệu Văn Doanh. Anh Doanh người Tày Chợ Đồn, công tác tại ngành Văn hóa lâu năm. Trước khi sang Hội, là Phó Giám đốc Sở Văn hóa. Triệu Doanh cũng làm thơ, viết ký, tuy không nhiều nhưng được bạn đọc nhớ. Bài thơ “9 bậc cầu thang” và bút ký “Tập làm nông dân” của anh được nhiều người thích, thậm chí thuộc. Có nhiều nét tính cách giống nhà văn Ma Trường Nguyên, Chủ tịch Triệu Doanh không thuộc tuýp người xông xáo thích cọ xát. Anh chỉ giữ quan hệ với một số ít bạn bè thực sự thân thiết, có thể cảm thông. Sống hơi trầm lắng, Triệu Doanh ít bộc lộ cảm xúc, hay nhẫn nhịn nhưng lúc cần cũng không ngại bày tỏ quan điểm và thường thì đến “phút 89” mới “bật” ra những quyết sách của người đứng đầu, khiến người khác bất ngờ. Không ồn ào để gây thanh thế, luôn tôn trọng cộng sự trong công việc, chính là điều mà Chủ tịch Triệu Văn Doanh lựa chọn trong suốt hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội, để Hội phát triển như hôm nay.

Nhà nghiên cứu VHDG Triệu Văn Doanh

Vị Chủ tịch Hội cuối cùng trong bài viết này là nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, đương kim Chủ tịch Hội khóa VII, nữ Chủ tịch đầu tiên của văn nghệ sĩ Thái Nguyên. Nói về lãnh đạo đương nhiệm bao giờ cũng khó, bởi dễ bị cho là nịnh nọt. Nhưng quả thật, từ khi là Phó Chủ tịch – Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên, và bây giờ là người đứng đầu Hội VHNT tỉnh, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh đã dám nghĩ dám làm nhiều việc, làm thay đổi vị thế của Hội.

Trước hết phải kể đến việc chị đã tham mưu và tổ chức thành công Ngày Thơ Việt Nam, nâng tầm thành Lễ hội Thơ Thái Nguyên vào mỗi dịp Rằm tháng Giêng hàng năm. Tiếp đó là việc phát triển tờ Văn nghệ Thái Nguyên lên tầm khu vực, với phương châm Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển. Liên tục cải tiến nội dung và hình thức, đáp ứng được yêu cầu của độc giả, Văn nghệ Thái Nguyên đã được Tỉnh ghi nhận bằng việc đồng ý cho cấp phát tới các Chi bộ cơ sở, làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Rồi trong những năm vừa qua, khi dịch bệnh hoành hành dữ dội khiến cho các hoạt động gần như bị đóng băng, thì Hội Thái Nguyên vẫn tổ chức nhiều hoạt động lớn rất hiệu quả bằng hình thức online. Đó là Cuộc thi Thơ online đã thu hút được hàng nghìn tác giả tham gia; Cuộc thi “Đọc từ trái tim”, Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên” cũng được rất nhiều người trên cả nước hưởng ứng…

Trưởng thành từ cán bộ Đoàn, Nguyễn Thúy Quỳnh luôn có lợi thế về ý tưởng và phương thức tổ chức, kết hợp với tư duy của người sáng tác, trách nhiệm của người quản lý, những điều đó gộp lại tạo nên một Chủ tịch Hội quyết đoán, nhanh nhạy và luôn tiệm cận xu thế chung. Nguyễn Thúy Quỳnh cũng là người nguyên tắc, nhất là trong chuyên môn. Chỉ có chất lượng là thước đo giá trị, ngoài ra không có tiêu chí khác. Điều này giúp cho cán bộ cơ quan Văn phòng Hội tạo được thói quen tốt trong thực hiện nhiệm vụ.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

Ngôi nhà Văn nghệ vững chãi trong hơn 30 năm qua còn có công lao của các Phó Chủ tịch: nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khánh Hạ - Phó Chủ tịch Hội khóa III và các Phó Chủ tịch kiêm nhiệm: Cố nhà văn Vi Hồng; Nhà thơ Ba Luận; Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Khắc Thọ; Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Đình Thành và Nhà giáo Ưu tú Đỗ Quang Đại. Mỗi người một cách, họ đã dành những nhiệt huyết, kinh nghiệm và tình yêu Hội để vun đắp cho ngôi nhà chung này luôn ấm cúng và ngày một to đẹp hơn.

35 năm thành lập Hội, cùng điểm lại vài nét về những vị lãnh đạo qua các thời kỳ. Có thể góc nhìn của tác giả còn khuyết thiếu, chưa trọn vẹn, nhưng tình cảm dành cho Hội và các thế hệ lãnh đạo thì luôn tròn đầy.

Thu Huyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy