Thả lỏng cảm xúc để sống và viết
Lớp hội viên đầu tiên của Hội
Nhìn lại chặng đời từ năm 18 tuổi đến nay, tôi giật mình ngộ ra một điều: Hình như “ông trời” đã ràng tôi vào sợi dây có hai chữ văn nghệ. Bởi qua nhiều đoạn đời ngoắt ngoéo, tôi lại đi vào con đường văn nghệ.
Năm 1979, tôi về Thủ đô học đại học, mang theo lời dặn của chú Hoàng Thể, lúc đó là Trưởng ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Bắc Thái. Chú bảo: “Cháu học cho tốt, ra trường về Hội công tác”. Dường như chú nhìn thấy ở con bé tâm hồn “treo ngược cành cây” này chút năng khiếu văn chương nào đó.
Chỉ là lời dặn cho bốn năm sau, nhưng cũng khiến tôi có ý thức viết. Gần 100 bài thơ, truyện vui, tản văn kín đặc cuốn sổ giấy giang đen nhẻm. Trong đó một số bài được đăng trên cuốn tạp chí Văn hóa Văn nghệ của Ty Văn hóa Thông tin Bắc Thái. Chỉ thế thôi, cũng đủ để những cây bút sừng sững văn đàn Bắc Thái lúc đó như các chú: Vi Hồng, Hà Đức Toàn, Ma Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang… quan tâm giúp đỡ, cho tôi tham gia một số hoạt động của Ban Vận động thành lập Hội.
Nhưng “ông trời” không cho tôi đi đường thẳng, mà dắt tôi rẽ ngả khác, cho tôi “cọ xát” thực tế ngành giáo dục với ba năm làm giáo viên ở trường cấp 3 huyện Phú Lương. Quả là những ngày tháng không thể quên với trăng suông, gió núi và học trò nghèo. Quãng thời gian đó trở thành vốn sống để tôi viết về môi trường giáo dục, có nhiều thơ, truyện, ký ở mảng đề tài này.
Năm 1987 và sau này nhiều con số 7 khác rất đáng nhớ với tôi. Năm đó Hội VHNT tỉnh được thành lập và tôi trở thành hội viên, đồng thời là nhân viên chính thức của văn phòng Hội, đúng như mong muốn của chú Hoàng Thể khi xưa. 10 năm ở trong “ngôi nhà” của Hội VHNT đủ “găm” vào ký ức tôi bao chuyện vui buồn. Đó cũng là quãng thời gian tất tưởi, vất vả của tôi. Con nhỏ, lương thấp, cộng với tin đồn Hội sắp bị giải tán khiến tôi thấp thỏm, lo âu.
Tháng 10 năm 1997, rời ngôi nhà Hội, tôi bước vào môi trường làm việc mới khốc liệt hơn. Tôi mang tâm trạng của đứa con gái đi lấy chồng, luôn nhớ về “nhà mẹ” với tình cảm lưu luyến, thân thương. Hai mươi năm “xa nhà”, tôi vẫn kết nối với Hội khăng khít: Là người có mặt ở hầu hết các sự kiện Hội tổ chức; ưu tiên đặt bài và dùng bài các tác giả là hội viên của Hội, giới thiệu đa số các tác phẩm của hội viên trên báo Đảng tỉnh và một số ấn phẩm khác. Có thể nói, một phần trái tim, tâm hồn tôi hướng về Hội, hướng về môi trường văn nghệ. Ở đó tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, chân tình và trọng thị.
Năm 2017, tôi nghỉ hưu. Con người văn chương trong tôi lại được Hội mời gợi. Tôi xác định cho mình chặng đường mới với tâm thế mới: Tích cực học, trang bị nền tảng lý luận văn học, đọc và chiêm nghiệm để tìm ra chỗ đứng phù hợp trong đời sống văn học. Hai mươi năm làm việc ở môi trường với nhiều bài viết “nghiêm cứng” phần nào lấy đi của tôi sự mềm mại của ngòi bút và có phần khắt khe về quan điểm sống. Nhưng quá trình học, đọc, chiêm nghiệm cùng độ chín của tuổi tác khiến tôi dịch chuyển góc nhìn. Tôi thả lỏng cảm xúc để sống và viết, và thấy mình hạnh phúc hơn.
Năm năm trở lại “mái nhà xưa”, tôi thấy rõ sự thay đổi về phong cách làm việc của các nhân viên văn phòng Hội. Họ đa phần trẻ tuổi, nhanh nhẹn, thạo công nghệ, chuyên nghiệp, yêu và có khả năng văn chương. Hội đã có vị thế, có tiếng nói đối với công chúng và với tỉnh. Đó là kết quả của quá trình đổi mới từ trong nội bộ Hội và trong từng con người ở đó.
Với những hội viên như tôi, Hội luôn đồng hành vào lúc cần thiết nhất. Các trại sáng tác, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn sử dụng công nghệ… đều trúng cái tôi cần, được tôi vận dụng hiệu quả không chỉ trong sáng tác. Những gì Hội trao đến cho tôi nhiều hơn rất nhiều cái tôi làm được cho Hội.
Sinh nhật Hội Văn học nghệ thuật tuổi 35 cũng là dịp để tôi nhớ về ký ức tuổi trẻ của mình. Thanh xuân của tôi ở đó với những lần đầu vụng dại: Lần đầu viết báo, lần đầu đi bán báo, lần đầu làm MC dẫn chương trình, lần đầu đi trại sáng tác, lần đầu được giải thưởng, lần đầu “nếm mùi” phản ứng của đối tượng viết bài. Những trải nghiệm lần đầu ấy giúp tôi cứng cỏi hơn ở những bước đi sau.
Từ khi có thời gian gắn bó với hoạt động Hội hơn, tôi xót xa nhận thấy đội ngũ hội viên vơi cạn đi nhiều. Số người được kết nạp từ 35 năm trước đa phần ở tuổi 80 - 90, không còn đủ sức sáng tác, nhiều người đã qua đời. Dẫu biết đó là quy luật nhưng tôi vẫn chếnh choáng buồn. Mỗi người mất đi đều để lại một khoảng trống trên văn đàn và trong lòng người.
Tôi tin tưởng vào lớp hội viên mới. Nhiều người trong số họ tài hoa thấy rõ. Họ sẽ dần thay thế chúng tôi làm nên nền văn học nghệ thuật mới.
Tôi cũng mong tất cả hội viên đều trao tình yêu cho Hội, như là cách chúng ta đã nhận tình yêu từ Hội.
Thả lỏng cảm xúc để sống và viết, đó là cách tôi đi tiếp cuộc đời này cùng văn nghệ.
Minh Hằng (Hội viên Hội VHNT tỉnh từ năm 1987)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...