Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:31 (GMT +7)

Tiếng nói từ cơ sở

Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với các hội địa phương

Nhà thơ Phan Thức (Chủ tịch Hội VHNT thành phố Phổ Yên)

Hội VHNT thành phố Phổ Yên đi thực tế sáng tác tại ATK Định Hóa

35 năm ra đời và phát triển, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả hết sức đáng trân trọng. Trong đó có việc tạo điều kiện để các Hội VHNT các huyện, thành, thị trong tỉnh ra đời và hoạt động từng bước có hiệu quả.

Ngày 20/12/2004, Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành văn bản cho phép thành lập chi hội VHNT tại các huyện, thành, thị trong tỉnh (số 507-TB/TVU). Tiếp đó, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên ban hành hướng dẫn thành lập các Chi hội VHNT huyện, thành, thị. Đặc biệt ngày 28/10/2008, Tỉnh ủy Thái Nguyên có chương trình hành động số 24 thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học trong tình hình mới”. Trong chương trình hành động đó đã xác định: Đến năm 2015, các huyện, thành, thị trong tỉnh có chi hội VHNT.

Việc Hội VHNT được tổ chức ở các huyện, thành, thị là một chủ trương đúng đắn, có tác dụng thiết thực:

Một là: Tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ, những người yêu VHNT (kể cả hội viên cấp trung ương và cấp tỉnh) có một tổ chức gần gũi để sinh hoạt, động viên nhau sáng tạo.

Hai là: Việc khai thác, bảo tồn truyền thống văn hóa, văn nghệ ở những vùng đất lịch sử, những danh nhân ở địa phương có điều kiện để giới thiệu; góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân trong các địa phương.

Ba là: Tạo môi trường thuận lợi cho người sáng tác trưởng thành, phấn đấu trở thành hội viên các tổ chức VHNT cấp trên (sau hơn 17 năm thành lập, Hội VHNT thành phố Phổ Yên đã có 01 hội viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, 08 hội viên được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên).

Trong quá trình hình thành và phát triển, Hội VHNT thành phố Phổ Yên đã thường xuyên nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt, nhất là về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động của lãnh đạo các thời kì Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Đã nhiều lần Hội VHNT tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cho các Hội VHNT địa phương. Tại Phổ Yên, mỗi lần tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, lãnh đạo Hội VHNT tỉnh đã trực tiếp đến truyền đạt những nội dung thiết thực, giúp cho Hội VHNT Phổ Yên từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Có thể nói: Hơn 17 năm xây dựng và trưởng thành, những kết quả hoạt động của Hội VHNT Phổ Yên đều gắn liền với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Hội VHNT tỉnh. Nhân dịp kỉ niệm 35 năm thành lập Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua.

Tuy nhiên, do đặc thù về hệ thống tổ chức, Hội VHNT không có tổ chức ngành dọc như các tổ chức Hội đặc thù khác, nên Hội Phổ Yên nói riêng, các Hội VHNT huyện, thành, thị khác trong tỉnh nói chung chưa thường xuyên nhận được sự chỉ đạo giúp đỡ của Hội VHNT tỉnh. Do đó, cũng ảnh hưởng nhất định đến chất lượng hoạt động chung. Mong rằng tới đây Hội VHNT tỉnh cùng với các Hội VHNT huyện, thành, thị có biện pháp thích hợp để khắc phục những khó khăn này, tạo được sự thống nhất cao, hiệu quả chất lượng hoạt động về VHNT trong toàn tỉnh.

Chung sức vì nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà

NSNA Trịnh Việt Hùng (Chi hội phó Chi hội Nhiếp ảnh)

Chi hội Nhiếp ảnh trong chuyến sáng tác năm 2008

Nhiếp ảnh là chuyên ngành đòi hỏi ở các “tay máy” rất nhiều yếu tố. Ngoài năng khiếu, cần phải có tính kiên nhẫn cao, cảm nhận nhanh, sức khỏe bền, luôn năng động. Nói cách khác, đồng nghiệp vẫn vui đùa “chịu đi, chịu chi, chịu chơi” đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ngày xưa chưa có máy kỹ thuật số, đồ nghề khá lỉnh kỉnh, ngày nay có rồi thì đồ nghề vẫn thế có chăng chỉ bớt đi được một thứ đó là bao đựng phim. Do vậy phần kinh tế dành cho đam mê này không những không giảm mà tăng gấp nhiều lần, bởi máy số giá luôn “ngất ngưởng”.

Thành công hay không lại là chuyện khác bởi máy chỉ là công cụ giúp người chơi thực hiện ý tưởng, con người và may mắn là hai yếu tố luôn đồng hành cho sự thành công của mỗi nhiếp ảnh gia.

Nhớ ngày khởi lập phân hội Nhiếp ảnh thuộc Hội VHNT tỉnh từ thập kỷ 80 thế kỷ trước, chỉ với vài người cầm máy. Ban đầu, chưa định dạng rõ ràng thể loại ảnh chụp, các tay máy khi đó luôn “chân trong, chân ngoài” vừa làm cho cơ quan nhà nước ảnh báo chí, tư liệu, dịch vụ, vừa tranh thủ làm ngoài tăng thu nhập cho gia đình.

Nhờ Hội VHNT tỉnh quan tâm mở các trại, lớp tập huấn nghiệp vụ ảnh nghệ thuật; tạo điều kiện cho một số hội viên đi công tác đến các vùng biển đảo xa xôi như Thổ Chu, Bạch Long Vỹ và Trường Sa; đồng thời tổ chức các cuộc thi, triển lãm ảnh nghệ thuật cấp tỉnh, hỗ trợ Chi hội tham gia Liên hoan triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực, dự thi cấp quốc gia… Đáp lại sự quan tâm đó, các hội viên của Chi hội luôn nhiệt tình trong hoạt động, chia sẻ, giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau, động viên hội viên tham dự tất cả các cuộc thi, một số hội viên đã mạnh dạn gửi ảnh dự thi quốc tế ngoài nước và đạt được những thành tích khá cao, mang về cho tỉnh nhà nhiều huy chương và giải thưởng các loại, đưa Nhiếp ảnh Thái Nguyên lên vị trí cao, luôn nằm trong Top 3 đơn vị đứng đầu khu vực 15 tỉnh miền núi phía Bắc.

Chi hội đã phát triển lớn mạnh về chất lượng tác phẩm cùng số lượng hội viên. Đến nay, Chi hội đã có hơn 40 hội viên, trong đó có 13 hội viên đã được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, 8 thành viên là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đã có ba cuộc trưng bày triển lãm nhóm và cá nhân về Biển đảo Trường Sa với hơn 200 hình ảnh trung thực, sống động giúp công chúng hiểu rõ về quân dân nơi biên cương xa xôi giữa biển khơi luôn khắc phục mọi khó khăn gian khổ, vượt qua bao hiểm nguy để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu. Ngoài ra Chi hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ Hội VHNT giao, hoàn thành trọn vẹn ba cuộc triển lãm ảnh “Hy vọng” do Hội VHNT phối kết hợp cùng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tổ chức. Số ảnh đó được treo tại các khoa, phòng ban tại bệnh viện giúp bệnh nhân, thân nhân người bệnh cùng các thầy thuốc, nhân viên của viện được tham quan vẻ đẹp con người, đất nước Việt Nam qua hình ảnh được các hội viên ghi lại sau những chuyến đi, đồng thời thấy được sự tận tình cứu chữa, chăm sóc người bệnh của các thầy thuốc và nhân viên ngành y thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Tuy nhiên, có đôi điều trăn trở của hội viên nhiếp ảnh cũng như hội viên của các chuyên ngành khác đó là: Cần có một không gian lưu giữ, trưng bày, quảng bá các tác phẩm ảnh về đất và người Thái Nguyên của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Bởi để có một tác phẩm có chất lượng nội dung tốt, giá trị thông tin tuyên truyền, quảng bá cao, tác giả của tác phẩm đó phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian, kinh tế cho lao động nghệ thuật.

Trong mấy năm gần đây vì lý do nào đó Hội VHNT tỉnh đã không tổ chức thi ảnh nghệ thuật, vì vậy phong trào nhiếp ảnh của tỉnh cũng bị ảnh hưởng, kém sôi động. Một số tay máy trẻ từng rất hào hứng hoạt động trước đây nay có người đã buông bỏ. Phần đông hội viên của chi hội đã cao tuổi, sức khỏe không đáp ứng được cho hoạt động, lớp trẻ cũng giảm nhiệt tình, do vậy cần có sự quan tâm, hỗ trợ phù hợp, thực tế hơn từ các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh nhà, tạo điều kiện phát triển cho VHNT của tỉnh trong tương lai.

Song hành và trưởng thành cùng Hội VHNT tỉnh

Nhạc sỹ Phạm Đình Chiến (Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc)

Thấm thoát thế mà đã 35 năm rồi! Một chặng đường tuy chưa thật sự dài nhưng cũng không ngắn để cho ta thấy những bước đi trưởng thành của Chi hội Âm nhạc thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên phát triển cùng những năm tháng đầy gian nan.

Ra đời vào những năm 80 của thế kỷ XX, những năm cả đất nước trải qua muôn vàn gian khó kể cả về kinh tế, chính trị, văn hóa. Sau cuộc chiến tranh chống Mỹ rồi đến chiến tranh biên giới phía Bắc… thế mà “tiếng hát vẫn át tiếng bom”.

Năm 1987, được sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Thái thành lập Hội Văn học nghệ thuật và đi vào hoạt động. Phân hội Âm nhạc cũng được hình thành từ đó.

Nhạc sĩ Đỗ Minh là người dẫn dắt đầu tiên cho Phân hội Âm nhạc dần phát triển, đã tập hợp những nhạc sĩ có tên tuổi thời bấy giờ là các nhạc sĩ Tuấn Long, Vương Khánh Trường, Lê Tú Anh, Trịnh Trúc Lâm. Các nhạc sĩ đã để lại bao tác phẩm với những lời ca và giai điệu đẹp ca ngợi quê hương Bắc Thái và thành phố Thái Nguyên, Đất và Người Thái Nguyên trong những năm gian khó mà bất cứ ai sống vào những năm đó đều cảm thấy tột cùng của sự phát triển văn hóa nói riêng và đất nước nói chung.

Rồi cứ thế, cứ thế, âm nhạc vẫn mãi là nguồn sinh lực và nguồn sống cho mọi đối tượng, mọi thế hệ những con người vươn lên bằng sức sống mãnh liệt, vượt lên trên hết mọi khó khăn để hòa mình với cuộc sống hiện tại, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Bắc Thái khi ấy.

Sau này, đến những năm 90 của thế kỷ XX, đất nước dần đổi mới và phát triển kinh tế văn hóa xã hội, Phân hội Âm nhạc phát triển thêm các thành viên như Văn Học, Phạm Chiến, Vũ Lực, Quang Vĩnh, Khắc Vịnh, Đỗ Đại, Hoàng Dũng. Tất cả họ đều là những nhạc sĩ có lòng đam mê đưa âm nhạc vào cuộc sống con người với đầy giá trị nhân văn, cho mọi người được thưởng thức một giá trị nghệ thuật âm thanh đầy cảm xúc.

35 năm trôi đi, cho đến ngày hôm nay các nhạc sĩ đã để lại trong lòng người dân Thái Nguyên bao lời ca và giai điệu đẹp. Hình ảnh Đất và Người Thái Nguyên được các nhạc sĩ khắc họa bằng những nốt nhạc đầy cảm xúc, những giai điệu trầm bổng chìm trong không gian lúc yên tĩnh, lúc nhộn nhịp của một thành phố đầy chất thơ và đáng sống.

Thực trạng trong Chi hội Âm nhạc hiện nay số hội viên quá ít so với các Chi hội khác do đặc thù của ngành sáng tác âm nhạc. Một số nhạc sĩ đủ tiêu chí là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam là Lê Tú Anh, Phạm Đình Chiến, Đỗ Quang Đại, Vũ Văn Lực. Trước đó, Nhạc sĩ Đỗ Minh là bậc tiền bối cho nền âm nhạc nước nhà và âm nhạc Thái Nguyên. Tuy số lượng hội viên khiêm tốn nhưng số lượng tác phẩm có giá trị nghệ thuật không nhỏ. Các nhạc sĩ luôn có xu hướng viết nên những tác phẩm dâng hiến cho nhân dân món quà từ đáy lòng đầy nhân ái.

Thay mặt cho Chi hội Âm nhạc, tôi xin chân thành cảm ơn các bậc tiền bối đã xây dựng phát triển ngành âm nhạc, chân thành cảm ơn lãnh đạo các cấp và lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật qua các thời kỳ đã cùng chúng tôi trưởng thành đến ngày hôm nay.

Lan tỏa tình yêu đối với thi ca

Ông Việt Bắc (Chủ nhiệm CLB thơ Lục bát trực thuộc Văn phòng Hội)

Một số hội viên của Câu lạc bộ tại Hội thảo Thơ Lục bát Thái Nguyên

Tháng 11/2017, Câu lạc bộ Thơ Lục bát Thái Nguyên có quyết định thành lập và đi vào hoạt động. Là những người yêu thơ lục bát, chúng tôi muốn thơ lục bát Thái Nguyên cùng hòa chung dòng chảy các câu lạc bộ thơ lục bát trên phạm vi toàn quốc, duy trì và phát triển một dòng thơ độc đáo, tiếng nói văn hóa riêng của dân tộc, ngày càng phát huy hết thế mạnh tiềm tàng của nó. Mong một ngày không xa, thơ lục bát Việt Nam được thế giới công nhận là văn hóa phi vật thể nhân loại.

Với tinh thần ấy, câu lạc bộ Thơ Lục bát Thái Nguyên ngay từ khi xây dựng đã có mục đích rõ ràng. Là sân chơi, môi trường để hội viên sáng tác thơ lục bát, coi trọng chất lượng, loại bỏ tư tưởng xây dựng câu lạc bộ chỉ nhằm giải trí vui chơi. Có điều chúng tôi không ngờ là sức mạnh lan tỏa thơ lục bát trên địa bàn tỉnh lại lớn như vậy, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ban đầu chỉ có hơn 100 hội viên, đến nay bước sang năm thứ năm, toàn tỉnh có 280 hội viên, sinh hoạt ở 7 câu lạc bộ lục bát trực thuộc trên địa bàn các huyện và thành phố. Nếu so sánh với các tỉnh thành có phong trào thơ ca... cũng rất hiếm tỉnh quy tụ được lượng hội viên đến với thơ lục bát đông như Thái Nguyên.

Thơ lục bát đã đi đúng hướng, đúng tâm tư nguyện vọng, ăn sâu bám rễ trong tâm hồn mỗi con người, rằng ai cũng có thể làm được đôi ba câu lục bát, sáng tác được thơ lục bát, coi thơ lục bát là món ăn tinh thần, không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Mấy năm qua Câu lạc bộ Thơ Lục bát tỉnh đã tổ chức xuất bản 2 tập thơ Lục bát Thái Nguyên, hàng trăm hội viên trong câu lạc bộ, và hội viên Hội VHNT đã gửi bài tham gia. CLB còn kết hợp cùng Chi hội Thơ (Hội VHNT tỉnh) tổ chức hội thảo chuyên đề thơ lục bát, cho đến nay Thái Nguyên là tỉnh duy nhất trên phạm vi toàn quốc tổ chức hội thảo thơ lục bát cấp tỉnh; kết hợp cùng chi hội thơ tổ chức tọa đàm thơ, giới thiệu thơ lục bát cho hội viên.

Các câu lạc bộ trực thuộc cũng có ý thức và hướng đi cụ thể, tổ chức thi thơ lục bát, tọa đàm, diễn đàn, in ấn xuất bản tập thơ riêng cho từng câu lạc bộ.

Ban chủ nhiệm còn tổ chức mở lớp sáng tác văn học cho hội viên có nhu cầu nâng cao chất lượng sáng tác. Lớp học do nhà văn Hồ Thủy Giang (giảng viên chính) giảng dạy và hướng dẫn, lại được Hội VHNT tỉnh ủng hộ, tạo điều kiện cơ sở vật chất cho lớp... Thành quả là nhiều bài viết từ lớp được đăng tải trên nhiều trang báo trong ngoài tỉnh, đặc biệt trang văn nghệ báo Thái Nguyên số Tết vừa qua, chiếm gần trọn vẹn bài vở là hội viên của lớp và của Câu lạc bộ Lục bát, nhiều học viên còn giành giải cao trong các cuộc thi, trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh.

Câu lạc bộ đã cân bằng tốt mảng sáng tác thơ, và mảng trình diễn nghệ thuật, lấy trình diễn thúc đẩy phong trào sáng tác thơ, quy tụ nhiều nghệ sĩ quen thuộc, từng quen mặt trên các sàn diễn trong và ngoài tỉnh về xây dựng phong trào cho thơ lục bát. Cũng từ hoạt động mạnh mẽ ấy, mà Đài truyền hình tỉnh nhiều lần tổ chức ghi hình, xây dựng các chương trình về thơ lục bát rất công phu, thời lượng phát sóng từ 20 phút trở lên.

Tuy nhiên là câu lạc bộ phong trào, thì không thể so sánh về chất lượng thơ, nhưng với chúng tôi đó là niềm vui, là chỗ dựa tinh thần cho người lao động bình dân, đến với thơ là đến với cuộc sống, giải tỏa bớt nỗi bức xúc, lo lắng hàng ngày với cơm áo mà họ đang gánh chịu.

Nhân kỉ niệm 35 năm thành lập Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, những hội viên Thơ Lục bát xin gửi lời chúc mừng đến Hội. Mong rằng, Hội sẽ tiếp tục là sân chơi bổ ích cho những người đam mê thơ văn chúng tôi.

Bản thân tôi - người đọc lâu năm của Báo Văn nghệ Thái Nguyên, từ khi chuyển đổi sang loại hình tạp chí thì hình thức thậm chí còn bắt mắt hơn, nội dung đa dạng hơn, qua đó giúp tôi học hỏi được nhiều. Ngoài truyện ngắn, các bài ghi chép và các tản văn tôi thích, thì nay cũng bị lôi cuốn bởi chuyên mục Tôi và Thái Nguyên, gần gũi và yêu thương. Là người đọc tôi cảm ơn sự trưởng thành của tạp chí, cảm ơn Hội VHNT tỉnh, cảm ơn tất cả… đã đưa lại cho người yêu văn chương nguồn cảm xúc vô giá!

Tự hào về một Chi hội

Họa sỹ Đào Tuấn (UV BCH Khóa VII)

Chi hội Mỹ thuật đi thực tế sáng tác tại Bắc Sơn, Lạng Sơn. Ảnh: Đào Tuấn

Mỹ thuật Thái Nguyên, ở khía cạnh nào đó có thể xem như một đội ngũ sáng tác khá hùng hậu, ổn định và sự kế thừa luôn tiếp diễn. Tính đến nay, số hội viên gần bốn mươi người, trong đó một phần ba là hội viên trung ương. Trải qua ba mươi nhăm năm kể từ ngày thành lập, kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, ngày nay Chi hội Mỹ thuật luôn xác định để có một tập thể lớn mạnh luôn cần sự đóng góp tích cực của mỗi thành viên, trên tinh thần phát huy sức mạnh tập thể để cùng nhau đi xa hơn.

Đã từ lâu, Chi hội như mái nhà chung, ở đó niềm vui được nhân đôi và nỗi buồn được chia sẻ. Mọi ý kiến đều được tôn trọng, trao đổi trên tinh thần xây dựng và điểm chung nhất là sáng tạo những tác phẩm có giá trị về tư tưởng, giàu tính nhân văn, chứa đựng tinh hoa nghệ thuật mang đậm bản sắc của quê hương Thái Nguyên.

Trong quá trình hoạt động, Chi hội cũng phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng đặc biệt hơn cả có lẽ chính là giai đoạn những năm đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy đối mặt với những thách thức mới, nhưng từ sự đoàn kết, gắn bó của tập thể, trách nhiệm của Chi hội trưởng và nỗ lực của mỗi cá nhân đã cho ra mắt gần 200 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc và hàng trăm bản ký họa trong các đợt đi thực tế

Mỹ thuật Thái Nguyên cũng dần khẳng định được vị thế của mình trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Một số giải thưởng cụ thể: Tác phẩm: “Đợi” của Họa sĩ Dương Văn Chung đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2020; “Thỉnh an” của Hoàng Minh Đức Giải Khuyến khích Triển lãm mỹ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2020; Tranh cổ động của Đào Tuấn Giải Khuyến khích Cuộc thi tranh cổ động về Tuyên truyền - Văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 có 4 tác giả được chọn tác phẩm (Dương Văn Chung, Lê Quang Thái, Hoàng Minh Đức, Trịnh Ngọc Hà). Các tác phẩm được giới thiệu tham dự giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: “Hồn quê” của Hoàng Minh Tiến; “Bóng chiều” của Trịnh Ngọc Hà; “Bóng chiều Tòng Đậu” của Nguyễn Quang Minh; “Chợ phiên Bắc Hà” của Nguyễn Thị Thành; “Ngõ vắng” của Nguyễn Quang Tú...

Tranh bộ “Covid” của tác giả Lê Quang Thái đã tham gia Cuộc thi và triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ 3 - Việt Nam 2020.

Tác phẩm “Lá chắn trắng” của họa sĩ Nguyễn Lộc đã bắt kịp tính thời sự của đại dịch COVID-19. Đây cũng là một trong những bức tranh tham gia chương trình đấu giá 60 tác phẩm nghệ thuật, tiếp sức cho những “chiến binh áo trắng” vượt qua đại dịch COVID-19 do Báo An ninh Thủ đô và Indochineart phối hợp thực hiện năm 2020.

Giải thưởng Hội DTTS Việt Nam tỉnh Thái Nguyên: Giải B - “Vầng dương Việt Bắc” (tác giả Nguyễn Gia Bẩy); Giải B - “Về miền kí ức” (tác giả Trịnh Ngọc Hà)…

Sẽ không có một nền mỹ thuật Thái Nguyên như hôm nay nếu không nói đến trách nhiệm, lòng nhiệt tình của các thế hệ lãnh đạo Hội VHNT tỉnh và Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên (trước đây là Báo VNTN). Bên cạnh đó, sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ luôn là những động lực quý báu dành cho văn nghệ sĩ tỉnh nhà nói chung và Chi hội Mỹ thuật nói riêng.

Thách thức cũng chính là cơ hội, đổi mới là quy luật, tự đổi mới mình, vượt lên chính mình là nhu cầu và cũng là giá trị của mỗi cá nhân. Hy vọng đội ngũ họa sĩ Thái Nguyên đương thời sẽ tích cực, sáng tạo, bắt kịp xu thế chung của cả nước, đóng góp vào đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà những “bảng màu” rực rỡ mang hơi thở mới trên quê hương Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy