Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
22:45 (GMT +7)

Lấp đầy khoảng trống trong văn học thanh thiếu nhi

Thêm một mùa Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi do Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên tổ chức vừa khép lại. Nhưng những hiệu ứng tích cực mà các mùa Trại mang lại vẫn tiếp tục như những vòng nước không ngừng tỏa lan ra xa mãi. Để hiểu hơn về hoạt động ý nghĩa này, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh xoay quanh việc tổ chức Trại, trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên


Trước tiên, xin được chúc mừng Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã tiếp tục tạo ra được những thành công vượt ra ngoài không gian địa lý đối với Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi năm 2022. Thưa nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, tổ chức các trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi vẫn luôn được đánh giá là nhiệm vụ không mấy dễ dàng. Vậy, xuất phát từ đâu, Hội VHNT tỉnh lại liên tục tổ chức được các mùa Trại như thế?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Tổ chức Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi là truyền thống của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Từ khi thành lập, các thế hệ tiền nhiệm của Hội đã rất chăm lo đến lực lượng này. Những năm 90 của thế kỷ XX và liên tục trong hơn 10 năm sau đó, các thế hệ lãnh đạo của Hội, từ những người đầu tiên là nhà văn Hà Đức Toàn, nhà văn Hồ Thủy Giang, tiếp sau đó là nhà văn Ma Trường Nguyên… đều tổ chức các trại sáng tác dành cho đối tượng là các em nhỏ trong độ tuổi từ 9, 10 đến 15 tuổi tham gia học tập.

Một thời gian dài tổ chức được các Trại sáng tác như vậy, Thái Nguyên đã góp được vào đời sống văn chương cả nước những cây bút có uy tín. Đó là những người làm nghiên cứu văn chương có thành tựu, khẳng định được vị trí của mình, nhất là ở khu vực nghiên cứu giảng dạy và báo chí.

Có thể kể đến như PGS, TS. Vũ Tú Anh (Bộ Giáo dục và Đào tạo); PGS, TS. Dương Thu Hằng (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên); nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương (Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh), nhà văn quân đội Nguyễn Minh Cường... là những người được bồi dưỡng qua các trại sáng tác văn học thiếu nhi Thái Nguyên.

Sau đó một thời gian, do có những khó khăn về tài chính cũng như những thay đổi về cơ chế nên nguồn kinh phí tổ chức trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi bị cắt. Hoạt động tổ chức trại sáng tác đã không thể tiếp tục.

Vậy là hoạt động chăm lo, bồi dưỡng các cây bút trẻ đã có thời gian bị ngưng lại, thưa chị?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Trại sáng tác không được tổ chức nhưng việc chăm lo, bồi dưỡng các cây bút trẻ không hề bị dừng lại ở bất kỳ thời điểm nào.

Sau năm 2005, mặc dù Hội không còn tổ chức được trại, nhưng những năm sau đó, Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã bố trí từ nguồn tự chủ của mình để lần lượt mở những lớp bồi dưỡng tác giả trẻ, với danh nghĩa cộng tác viên chuyên ngành văn học. Các lớp được mở ra không nằm ngoài mục đích là phát hiện, bồi dưỡng những em có năng khiếu sáng tác văn chương, khích lệ các em để các em có sự hứng thú và có những thành quả ban đầu trong quá trình sáng tạo. Vì vậy, ngay ở những thời điểm khó khăn, Hội vẫn cố gắng để duy trì hoạt động chăm lo, bồi dưỡng những cây bút trẻ. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo Hội.

Qua những lớp như vậy đã phát hiện, bồi dưỡng được nhiều tác giả trẻ. Nhiều người trong số đó sau này đã lựa chọn văn chương là một trong những lĩnh vực để sáng tạo và cống hiến. Và, lớp tác giả trẻ đó bây giờ đã trưởng thành, nhiều người là hội viên Hội VHNT tỉnh và có những đóng góp xứng đáng trong đời sống văn học trẻ Thái Nguyên đương đại. Có thể kể đến các cây bút trong sáng tác thơ và văn xuôi như: Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy, Hoàng Thị Hiền, Trần Thị Nhung, Nguyễn Bích Hồng... và nhiều tác giả nữa.

Đến 2019, Hội đã đề xuất và được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, đưa vào nhiệm vụ thường xuyên. Đó là hàng năm tổ chức Trại sáng tác dành cho tác giả trẻ và lực lượng sáng tác văn học thanh thiếu nhi.

Với những nỗ lực không ngừng đó, chắc hẳn mỗi mùa Trại đi qua là mỗi dấu ấn mới được xác lập. Chị có thể chia sẻ về một trong những dấu ấn đó?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Cùng với việc Trại được khôi phục, trong quá trình tổ chức, mô hình Trại cũng được hoàn thiện dần. Ban đầu trại dành hoàn toàn cho các em thanh thiếu nhi. Sau đó, chúng tôi nhận ra, không thể chỉ coi thanh thiếu nhi là chủ thể sáng tạo mà cần phải coi văn học về đề tài thanh thiếu nhi là một khu vực rộng lớn hơn cần nhiều người quan tâm hơn. Chưa kể, văn học thanh thiếu nhi cũng đang là vùng lõm trong nền văn học Thái Nguyên. Chính vì thế, đây là khu vực cần nhiều người sáng tạo. Ngay cả những nhà văn đã định hình một lối viết khác cũng có thể tìm cảm hứng trong khu vực này.

Với suy nghĩ đó, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã mở thêm thành phần trại viên, đó là những hội viên, những người có hứng thú sáng tác trong khu vực văn học thanh thiếu nhi, xem thanh thiếu nhi là đề tài để sáng tạo. Khi có thêm người lớn tham gia, tinh thần và không khí của Trại cũng thay đổi. Các thế hệ có sự tương tác, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Người lớn học được ở các em nhỏ sự hồn nhiên, trong sáng, những điểm nhìn thú vị từ góc nhìn của thế hệ trẻ. Còn các em nhỏ học được ở người lớn từ sự trải nghiệm, vốn sống và học được cách tư duy về văn chương vững chãi hơn. Từ đó, việc tổ chức trại có thêm chất lượng, thêm sắc màu và đem lại được cảm hứng cho cả người lớn và con trẻ.

Đặc biệt là kết quả mà các Trại thu về, số tác phẩm được hoàn thiện trong và sau trại tăng lên rất nhiều. Có tác giả tìm được những mạch cảm xúc mà lâu nay họ chưa phát hiện ra. Có những người chưa thành công ở những đề tài khác, gặp được đề tài thanh thiếu nhi, họ được khơi nguồn cảm hứng, khơi gợi nhu cầu và hứng thú viết. Khi tiếp cận đề tài thanh thiếu nhi nhiều người đã có lối đi mới, cách bộc lộ mới, rất trẻ trung và sáng tạo, để từ đó tạo ra những sản phẩm gây bất ngờ ngay cả với Ban tổ chức.

Bên cạnh những thành quả thu được từ mỗi mùa Trại thì điều đọng lại chắc chắn còn là những kỷ niệm, đúng không thưa chị?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Chắc chắn rồi. Với người tổ chức, mỗi lần thiết kế nội dung, chương trình thì đều phải nghĩ ra những hình thức nào đó để gắn kết các thành viên lại với nhau. Đồng thời, phải ứng dụng được đặc thù của việc sáng tạo văn chương thông qua các hoạt động đó.

Tôi còn nhớ, Trại sáng tác năm 2020 có một cuộc thi giữa các nhóm thành viên trong trại. Đó là cuộc thi sưu tầm cây cỏ, hoa lá, côn trùng và kể những câu chuyện về những vật được sưu tầm. Mỗi nhóm đều có cả người lớn và trẻ em. Để thực hiện phần thi này, các thành viên của Trại đã được dừng chân ở Thung lũng Tình yêu (huyện Phú Lương). Tại đây, các nhóm tỏa đi tìm kiếm, người lớn hướng dẫn, bảo ban trẻ nhỏ, rồi cùng chụm đầu bàn bạc để dựng ra những câu chuyện mình cho là hay nhất tham gia cuộc thi. Kết quả, có nhóm đã sưu tầm được tới hơn 60 loại cây cỏ, hoa lá và côn trùng và kể những câu chuyện liên quan đến bộ sưu tầm đó vô cùng thú vị. Qua hoạt động đó, các trại viên đều được bộc lộ trí tưởng tượng, sự hiểu biết của mình, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và tạo ra sự gắn kết giữa các thế hệ.

Trước chuyến đi đó là những ngày mưa lớn, khi xe của Trại đi thăm vùng chè Tức Tranh quay trở về thì bị sa lầy. Chẳng nề hà, những chú, những bác trại viên lớn tuổi như nhà văn Phạm Quý, nhà thơ Nguyễn Minh Trọng, nhà thơ Doãn Long… đã xuống xe giữa trời mưa, lấy đá chèn vào bánh xe để xe tiếp tục lăn bánh được. Hình ảnh của những hội viên lớn tuổi tham gia vào các hoạt động hội và hỗ trợ cho Ban tổ chức thực sự rất cảm động. Và, không chỉ có chúng tôi, những hình ảnh đó cũng làm cho các em nhỏ xúc động và cảm nhận sâu sắc hơn về sự sẻ chia, gánh vác.

Hay là trong Trại sáng tác năm nay, các trại viên được đi thăm Bảo tàng Văn học Việt Nam, Nhà tù Hỏa Lò. Trên đường trở về, có những trại viên đã sáng tác được ngay những câu chuyện, bài thơ có liên quan đến niềm xúc động có được trong chuyến đi. Sự rưng rưng, xúc động trong ánh mắt, hiện lên trên gương mặt của các trại viên đã mang lại cho Ban tổ chức cảm giác không dễ diễn đạt thành lời. Đó có lẽ là cảm giác hạnh phúc khi biết mình đã đưa các trại viên đến đúng nơi mọi người cần, giúp cho trại viên thu nhận được kiến thức từ lịch sử đến văn hóa và quan trọng hơn là nơi đó đã chạm đến trái tim mỗi trại viên.

Chắc hẳn những kỷ niệm mà chị vừa chia sẻ sẽ còn tác động đến cảm xúc và khơi gợi được cảm hứng sáng tạo cho mỗi trại viên sau khi Trại kết thúc. Đã 4 năm kể từ khi trại được khôi phục lại, song trùng với đó là 4 trại sáng tác đã được mở ra. Đáng nói là năm 2021 là khoảng thời gian nhiều hoạt động trong xã hội bị ngưng trệ do dịch COVID-19 hoành hành, thế nhưng Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên lại có một mùa Trại sáng tác vô cùng thành công. Ban Tổ chức đã làm thế nào để tạo ra được kết quả đáng tự hào đó?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi năm 2021 là năm đầu tiên chúng tôi quyết định tổ chức theo hình thức online để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Bây giờ nhắc lại, tôi vẫn như còn cảm giác hồi hộp khi đó. Lý do là bởi, khi ấy Hội chưa tổ chức trại sáng tác online bao giờ. Trên cả nước cũng chưa có địa phương nào tổ chức trại online như thế.

Những người làm công tác tổ chức ban đầu chỉ nghĩ là sẽ ghi bài giảng của giảng viên rồi phát lại cho học viên trong lớp. Nhưng sau đó, chúng tôi cân nhắc lại và thấy rằng, tại sao đã mất công ghi bài giảng lại không làm online luôn. Đặt vấn đề này với các giảng viên, rất may chúng tôi được các giảng viên đồng thuận.

Cũng nhờ làm online mà ở Trại đó chúng tôi có đội ngũ giảng viên ở cả 2 miền đất nước. Đó cũng là lần đầu tiên, tất cả từ Ban tổ chức đến giảng viên và học viên không hề được gặp nhau trực tiếp trong suốt thời gian Trại diễn ra. Chúng tôi chỉ xuất hiện trước mặt nhau trong những khuôn hình nhỏ, nhưng đã tương tác, giao lưu và truyền được cảm hứng rất tốt cho nhau.

Nhờ vậy, Trại không những vẫn được diễn ra như kế hoạch, với những giảng viên rất tâm huyết, giàu kinh nghiệm mà còn phát hiện ra những nhân tố với năng lực sáng tác rất đáng biểu dương. Có thể kể đến như các em Thiên An, Trần Vũ Ngọc Vân… Các em đã góp vào Trại những sáng tác bất ngờ. Đó cũng là Trại đã giúp Ban Tổ chức phát hiện ra những hội viên là người lớn có những sáng tác rất thành công mặc dù trước đó chưa từng viết cho thiếu nhi.

Tổ chức Trại sáng tác online! Có thể thấy Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã rất nhanh chóng nhập cuộc trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số. Đó có phải là thế mạnh của Hội không thưa Nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Ngược lại thì đúng hơn. Đó không phải sở trường của Hội hay Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên ở thời điểm đó. Chúng tôi đã rất lo lắng vì mình chưa từng ứng dụng các phần mềm tổ chức hội họp, cũng chưa số hóa các sản phẩm từ bài giảng đến báo cáo bao giờ. Nhưng chúng tôi chọn suy nghĩ theo hướng vượt lên chính mình. Khi hướng hoạt động theo cách làm mới đó thì đội ngũ của mình có dịp để tự học hỏi, tự nâng cao trình độ. Cùng với đó, chúng tôi đã khai thác thế mạnh của truyền thông để nối dài thông tin cần lan tỏa.

Hội có gặp khó khăn gì không khi thực hiện nhiệm vụ này thưa chị?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Rất nhiều khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt. Trước hết về nhân lực, chúng tôi có quá ít người, trong khi đó, Hội có rất nhiều nhiệm vụ để làm, nhất là để tổ chức các sự kiện. Vì thế, để các hoạt động có được thành công thì đội ngũ cán bộ nhân viên trong cơ quan thường trực Hội vất vả hơn rất nhiều. Nhưng nguồn năng lượng tích cực thu được sau mỗi hoạt động lại chính là động lực để chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị tốt cho sự kiện tiếp theo.

Khó khăn thứ hai là thiết bị. Chúng tôi gần như không có những thiết bị đồng bộ và hiện đại. Trước mỗi sự kiện, chúng tôi chỉ có thể tận dụng, phát huy các nguồn có thể khai thác, xã hội hóa được. Thậm chí huy động cả phương tiện, tài sản cá nhân để sử dụng cho công việc cơ quan.

Dẫu vậy, nhưng như đã nói ở trên, chúng tôi luôn động viên nhau và đã xem khó khăn như cơ hội để đội ngũ trưởng thành. Vì ít người nên mỗi người phải làm nhiều việc, vì phải làm nhiều việc nên sẽ biết và thạo nhiều việc. Từng thành viên của Hội qua mỗi hoạt động đều cảm thấy mình trưởng thành hơn ít nhiều.

Năm 2021, trại được tổ chức online để ứng phó với dịch bệnh. Nhưng sang đến mùa Trại 2022, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên vừa tiếp tục sử dụng hình thức tổ chức online kết hợp offline (trực tiếp), phải vậy không thưa Nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Đúng vậy. Chúng tôi đã phát huy những thành công của Trại năm trước, tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số vào tổ chức Trại sáng tác năm 2022. Đó là tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, kết hợp giữa điểm cầu trung tâm và các điểm cầu địa phương, kết hợp giữa Thái Nguyên và mở rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước.

Nhờ vậy, số lượng trại viên chính thức tham gia Trại năm nay lên tới gần 40 người. Tổng trại viên tham dự Trại là 73 thành viên. Trong đó có 15 tỉnh, thành tham gia.

Hoạt động của trại đã được lan tỏa ra ngoài không gian địa lý. Đồng nghĩa với việc tri thức được truyền tải đi xa hơn, cảm hứng được lan tỏa rộng rãi hơn và cơ hội học tập đến với nhiều người hơn.

Có thể nói, Trại sáng tác Văn học thanh thiếu nhi năm 2022 khiến chúng tôi hài lòng hơn cả. Số tác phẩm có được trước, trong và sau Trại là một minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của Trại. Hiệu quả của việc học còn thể hiện trong từng trại viên tham gia, thông qua sản phẩm trước và sau khi tham gia Trại.

Đã đi được một chặng đường khá dài, vậy đâu là vấn đề đặt ra đối với mỗi trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi, thưa chị?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Nhiệm vụ đặt ra với chúng tôi là vừa làm phong trào vừa phải góp vào đời sống văn chương những nhân tố mới. Đó đồng thời là thách thức dành cho chúng tôi trước và sau mỗi lần tổ chức Trại. Các trại sáng tác được mở ra còn để hướng tới việc cần lấp đầy dần vùng lõm về văn học thanh thiếu nhi, bao gồm cả những thiếu hụt về tác giả và tác phẩm.

Nhưng muốn lấp đầy được vùng lõm đó thì cần phải kiên trì và bền bỉ. Mỗi mùa Trại mới, mục tiêu của những người tổ chức là phải tìm kiếm được những gương mặt mới, những người có năng khiếu trong cộng đồng, để giúp đỡ họ, làm cho năng khiếu đó được tỏa sáng bằng sản phẩm văn chương đóng góp cho đời sống.

Bởi vậy, giữa hai kỳ Trại, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động bồi dưỡng, chăm lo, quảng bá tác phẩm do trại viên của mình sáng tác; làm cầu nối giữa người trẻ với công chúng trẻ; kết nối người trẻ với những nhà văn lớn, tạo ra không gian, môi trường để người viết nuôi dưỡng cảm xúc và bộc lộ tài năng… Bồi dưỡng người viết, nhất là người viết trẻ là con đường rất dài, rất lâu, bởi vậy, chúng tôi xem việc bồi dưỡng đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mọi thế hệ làm công tác Hội.

Tin rằng với tâm huyết, trách nhiệm và khả năng sáng tạo không ngừng của đội ngũ trong cơ quan thường trực, Hội VHNT Thái Nguyên sẽ còn tiếp tục tạo ra những mùa Trại thành công hơn nữa. Xin trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Linh Trà (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy