5 ngôi sao trên bầu trời Văn nghệ…
Sau gần 10 năm với 2 Ban Vận động thành lập Hội được hình thành và làm tròn trọng trách của mình trước tỉnh, tháng 7 năm 1987 Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Bắc Thái chính thức thành lập. Trước đó, các ủy viên thường vụ của Hội lâm thời phải đi khắp các địa bàn trong tỉnh để vận động những nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ… vào Hội. Những hội viên đầu tiên (hội viên sáng lập) chỉ khoảng 70 người gồm một số chuyên ngành như văn học, kiến trúc, hội họa...
Ngày ấy, người sáng tác trong tỉnh rất hiếm. Có những người chỉ được đăng báo một truyện ngắn hoặc vài bài thơ là đã có thể trở thành hội viên của Hội, nhưng cũng có những người đã có tiếng vang trên toàn quốc, những tên tuổi mà chúng ta không thể quên. Họ là những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn học nghệ thuật lúc bấy giờ và cho đến tận hôm nay. Đó là nhà văn Vi Hồng, nhạc sĩ Đỗ Minh, nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài cùng 2 nghệ sĩ múa, NSND Lê Khình và NSƯT Vương Thào. Đây là 5 cây đại thụ của nền VHNT Thái Nguyên có vinh dự được nhận Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Tôi là người may mắn được nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với tất cả 5 “ngôi sao” xứ Thái ấy trong một thời gian rất dài, đặc biệt nhà văn Vi Hồng và nhạc sĩ Đỗ Minh còn là những người bạn vong niên. Tiếc rằng, nay 4 ông đã về chốn vĩnh hằng (trừ NSND Lê Khình năm nay đã bước sang tuổi 88, còn khỏe mạnh). Hôm nay, nhớ về các nhà văn, nghệ sĩ lớn ấy của tỉnh, tôi như được sống lại cùng những tháng ngày gian khổ và vinh quang nhất trong cuộc đời của họ.
NHÀ VĂN VI HỒNG
Nhà văn Vi Hồng
Khi đã bắt đầu quen thân nhau, xuất bản được cuốn sách nào Vi Hồng đều tặng tôi. Về phía mình, tôi luôn coi anh là người anh trong văn nghiệp.
Về đời tư cũng như đời văn, Vi Hồng vất vả đủ đường. Câu chuyện ngày học phổ thông anh phải vượt hàng trăm cây số đường rừng để đến với trường Lương Ngọc Quyến đã được anh mô tả trong cuốn tự truyện “Đường về với mẹ chữ” (tác phẩm đoạt giải nhất Cuộc Vận động Sáng tác cho Thiếu nhi 1996 - 1997 của nhà xuất bản Kim Đồng, đồng thời cũng là một trong hai tác phẩm xét trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012) làm cho người đọc sởn tóc gáy về sức chịu đựng phi thường của con người. Về đường sáng tác, người không biết sẽ tưởng Vi Hồng là một nhà văn luôn thuận thảo, suôn sẻ. Không đâu. Con đường của Vi Hồng vô cùng gập ghềnh, nếu không muốn nói là có lúc tưởng như “không còn đường về quê mẹ”. Ngày ấy, Vi Hồng có tặng tôi một tập truyện ngắn in chung với vài tác giả khác. Tôi đã đọc phần truyện của anh một cách kĩ lưỡng và thích thú bởi giọng văn đẹp, đầm ấm và đặc biệt là nguồn văn hoá dân gian Tày - Nùng được anh đưa vào tác phẩm một cách khá nhuần nhuyễn. Gặp nhau, chúc mừng sự thành công của tác giả. Tưởng anh phấn khởi, nào ngờ nét mặt anh rầu rầu: “Tôi đang bị cạo vì tập truyện ngắn ấy đấy”. Nghe anh giải thích tôi mới hiểu thì ra anh bị một vài người có thế lực nào đó ở Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc, do suy diễn, định kiến cho rằng anh nói xấu Đảng, nói xấu Nhà nước. Vào những năm tháng ấy mà bị “trên” chụp cho cái “đại mũ” ấy thì đồng nghĩa với con đường treo bút, thậm chí còn tệ hại hơn. Tôi hết sức ngạc nhiên vì không hiểu sao một người cầm bút hiền lành chân chất và giàu lòng nhân ái như Vi Hồng mà lại có thể gặp hoàn cảnh éo le đến vậy. Nhưng thật may mắn cho Vi Hồng, anh được đồng chí lãnh đạo cao nhất của Khu lúc bấy giờ giải oan. Nếu không, có lẽ chưa chắc đã có một Vi Hồng mang vinh dự về cho tỉnh bằng một Giải thưởng Nhà nước sau này.
Từ ngày được vào Hội Nhà văn (năm 1980), sức viết của Vi Hồng thật… kinh hoàng. Tôi phải dùng từ ấy là vì theo dõi tác phẩm của các nhà văn trên toàn quốc lúc bấy giờ, tôi thấy không mấy người, trước hết là về số lượng tác phẩm, được xuất bản nhiều như Vi Hồng. Chỉ khoảng hơn chục năm, Vi Hồng đã cho xuất bản tới 20 đầu sách, chủ yếu là tiểu thuyết dày hàng ba, bốn trăm trang. Anh làm việc suốt ngày đêm. Đến chơi với anh, lúc nào tôi cũng nghe thấy tiếng máy chữ cần mẫn trong căn nhà tranh rách nát.
Những năm tháng ấy, Vi Hồng viết liên tục. Do sức khoẻ kém, Vi Hồng không có điều kiện đi thực tế nên nghe được ai kể gì anh đều ghi chép để chờ thời cơ đưa vào tiểu thuyết. Chính vì điều này mà Vi Hồng từng bị rày rà đôi chút. Đó là khi tiểu thuyết “Người trong ống” của anh vừa ra đời đã bị một giám đốc bệnh viện cho rằng anh viết về ông, vu khống đời tư của ông. Nghe đâu vị lãnh đạo này đã kiện lên tận Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (vì cuốn sách do Nhà Xuất bản Lao Động ấn hành). Thực ra, Vi Hồng không hề biết mặt và đặc biệt là chẳng thù ghét gì vị giám đốc bệnh viện nọ. Những tình tiết vô tình trùng lặp có lẽ do anh “nhặt” được đâu đó trong đời sống thường nhật mà thôi. Tất nhiên, văn học chỉ là văn học nên anh không sao cả. Nhưng tôi biết, từ đó mỗi khi ốm đau, anh luôn phải tránh vào cái bệnh viện ấy.
Có người cho rằng văn chương của Vi Hồng hay “chọc ngoáy” nên không được thiện cảm của giới lãnh đạo. Điều này hoàn toàn không đúng với sự thật. Chính đồng chí Nông Đức Mạnh hồi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái đã là người can thiệp, giúp đỡ để vợ Vi Hồng chuyển công tác từ Cao Bằng về Bắc Thái. Khi Vi Hồng ốm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngô Hai đã hai lần đến tận nhà Vi Hồng để thăm hỏi động viên. Căn nhà cấp bốn sau này Vi Hồng có điều kiện xây cất cũng có sự góp phần của Tỉnh uỷ Bắc Thái. Khi Vi Hồng từ trần, lễ tang anh, từ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân đến các ban ngành trong tỉnh đều đến phúng viếng trang trọng.
Đời văn của Vi Hồng đã trải qua cả vinh quang và cay đắng. Anh được trao Giải thưởng Nhà nước, tuy chỉ là truy tặng, nhưng đó là niềm tự hào không chỉ riêng anh và gia đình mà còn là niềm vui của tất cả những người cầm bút ở Thái nguyên. Những người bạn tâm giao của anh đều hiểu rằng, giải thưởng này, vinh dự này, không chỉ trao tặng cho những tác phẩm của Vi Hồng, mà còn trao cho một tinh thần sáng tạo quên mình của một nhà văn đã vượt qua bao chông gai, gian khổ của đời người để đến với văn chương.
NHẠC SĨ ĐỖ MINH
Nhạc sĩ Đỗ Minh
Cuối năm 1980, được điều chuyển công tác về Ban Thành lập Hội Văn học nghệ thuật Bắc Thái, tôi mới được tiếp xúc với nhạc sĩ Đỗ Minh. Những điều tôi tưởng tượng về ông suốt mấy chục năm qua khá chính xác: Cao lớn, trắng trẻo, hào hoa, trầm tĩnh. Khi Hội Văn học nghệ thuật lâm thời được thành lập, thật may mắn, nhạc sĩ Đỗ Minh và tôi lại cùng là Ủy viên Thư kí của Hội. Từ đó, mỗi tháng tôi lại có dịp được họp hành, làm việc cùng ông. Công tác với ông trong ban lãnh đạo hội suốt hơn chục năm, có một điều làm tôi không thể quên được là trong tất cả các hội nghị (kể cả các hội nghị khá “nóng”) tôi chưa thấy nhạc sĩ Đỗ Minh tỏ thái độ căng thẳng với ai mặc dù ông là một người rất thẳng thắn và đầy nhiệt huyết.
Sau nhiều năm làm Phó Hiệu trưởng Trường Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc, tham gia 3 khoá Ban Thư kí, Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Thái, nhạc sĩ Đỗ Minh về nghỉ hưu tại ngôi nhà bé nhỏ của gia đình, nằm khiêm tốn ở ven thành phố Thái Nguyên, cuối một xóm nhỏ có cái tên nghe thật tĩnh lặng: xóm Chùa Phù Liễn.
Ngày ấy, do rất quý trọng Đỗ Minh, tôi đã nhận lời viết về ông cho một tờ báo trung ương. Nhờ vậy mà tôi có dịp hiểu kĩ hơn về nhạc sĩ đáng kính này.
- Tôi viết ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” vào năm 1951 tại xóm Chòi thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đúng như nhan đề bài hát, tôi viết để chào mừng Đảng ta trong Đại hội toàn quốc lần thứ II, chính thức tuyên bố Đảng ra công khai, tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến cứu nước. Và, chú có tin được không, hồi ấy trình độ nhạc lí của tôi không đáng là bao.
Sau vài lời giãi bày, mắt ông chợt nhoà đi và nói với tôi bằng một giọng đầy xúc động rằng, ông viết ca khúc ấy hoàn toàn không từ những nốt nhạc mà lại được bắt đầu từ những hình ảnh người dân vùng Hải Triều, Hải Hậu, Nam Định quê ông chết đói đầy đường đầy chợ. Những cảnh tượng đau thương ấy cứ u ám và trở thành một cảm giác bi lụy không thể xoá nhoà trong tâm trí ông. Nhưng rồi, hình ảnh hào hùng của lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong ngày 19/8 trên khắp miền đất nước và những chiến công oanh liệt của cuộc kháng chiến do Đảng lãnh đạo toàn dân đang đi dần đến thắng lợi đã như một làn gió mới thổi vào tâm hồn ông. Và thế là lời ca bỗng dưng được tung cánh bay lên: “ngàn triệu dân siết tay nhau, đứng quanh Đảng Cộng sản Việt Nam…”. Ông nói thêm, chính bởi vì vậy mà cho đến tận bây giờ, mỗi lần nghe lại bài ca ấy, ông lại thấy hiện lên ngay trước mắt mình cảnh những người dân quê ông vượt qua đói khổ, thương đau, vai sát vai bước trên đường tranh đấu.
Tôi tin những điều ông nói. Đó là sự ám ảnh của tác phẩm mà dường như chỉ riêng tác giả mới có được.
Ông kể tiếp cho tôi nghe một chuyện mà như ông nói thì đây là lần đầu tiên tiết lộ: Vào ngày mới hoà bình lập lại, đoàn ca múa Trung Quốc sang biểu diễn ở nước ta đã dàn dựng ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” rất quy mô. Sau khi biểu diễn ở Hà Nội và nhiều tỉnh khác, đoàn về biểu diễn tại Thái Nguyên. Người xem chật cả sân vận động.
- Bác được mời tới xem ở một vị trí long trọng chứ? - Tôi hỏi Đỗ Minh.
Ông cười, nói một cách vui vẻ:
- Không! Ngày ấy người ta không mời xã giao như các cuộc biểu diễn bây giờ. Tôi cũng mua vé và cùng hàng vạn người đứng xem ở dưới sân vận động. Khi ca khúc kết thúc, những tiếng vỗ tay vang lên tưởng chừng không muốn dứt. Không ai biết là tôi đứng ở một góc sân lén lau nước mắt. Vì tự hào thì ít thôi chú ạ, cái chính là vì những hình ảnh người Hải Hậu quê tôi lại hiện về, như lúc nãy đã nói với chú đấy…
Đỗ Minh là người sáng tác không nhiều. Ngoài việc sáng tác, ông còn nghiên cứu và giảng dạy. Nhiều cuốn sách của ông đã trở thành những tài liệu quý đối với nhiều thế hệ học sinh và những người yêu âm nhạc dân tộc. Ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” đã từng được hàng chục triệu người hát và biết đến. Trong số đó, có nhiều người biết Đỗ Minh là tác giả và cũng nhiều người không hề biết. Nhưng có một nhà văn từng nói, đã có những tác phẩm nằm lòng trong người dân cả nước nhưng cái tên tác giả lại không được nhớ đến. Và nhà văn ấy cho rằng đó mới chính là những tác phẩm thực sự nổi tiếng - nổi tiếng đến mức… vô danh.
Và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đã được trao cho nhạc sĩ Đỗ Minh vào năm 2001, chính là sự khẳng định giá trị của tác phẩm mà ông đã dành tặng công chúng. Vinh dự của nhạc sĩ, đồng thời cũng là niềm tự hào của chúng ta… Ngày 11 tháng 4 năm 2008, trái tim người nhạc sĩ tài danh ấy đã ngừng đập. Ông đã lặng lẽ bước vào cõi vĩnh hằng. Nhưng trong trái tim của triệu triệu người dân Việt Nam vẫn mãi còn một “Vừng trời đông” toả sáng.
NHÀ ĐIÊU KHẮC HỨA TỬ HOÀI
Nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài
Khoảng những năm 1991 - 1992, khi những bức phù điêu của anh liên tục ra đời và được tham dự Triển lãm Toàn quốc với nhiều tiếng khen thì cái tên Hứa Tử Hoài mới thực sự được giới mỹ thuật nói riêng và giới văn học nghệ thuật nói chung ở Bắc Thái biết và khâm phục. Riêng tôi, những tác phẩm được ra mắt trong những năm ấy của anh đã để lại một ấn tượng sâu sắc. Không hẳn vì đó là những tác phẩm chiếm được giải cao mà còn ở những lí do khác.
Thông thường, vào thời kì ấy các họa sĩ chỉ nặng ca ngợi một chiều hoặc hướng tới những đề tài lớn chứ ít động đến nỗi đau, những mất mát... Hứa Tử Hoài lại hoàn toàn khác. Những con người bé nhỏ, dưới đáy, những mặt trái, những bi kịch của cuộc đời chính là một trong những đối tượng trong tác phẩm của anh. Triết lí hội họa của anh là trong hùng có bi, trong vui có buồn, trong vẻ vang có thương đau, trong đổ vỡ có dựng xây, trong mùa đông có mùa xuân… Chưa một lần tuyên bố nhưng một điều nhận thấy khá rõ ràng là tư tưởng nghệ thuật của anh gần gũi với triết lí của Thiền tông.
Sau này tôi mới biết Hứa Tử Hoài không phải người Bắc Thái. Anh sinh năm 1942 ở Tràng Định - Lạng Sơn, là người dân tộc Nùng. Hứa Tử Hoài là một người trầm lặng, ít giao lưu đến mức hơi thái quá. Những đám tụ tập bạn bè, thậm chí kể cả các cuộc họp không mấy bổ ích, không bao giờ thấy anh có mặt. Anh cũng rất ít khi nói trước đám đông, đặc biệt là nói về mình. Hình như mọi tinh hoa của anh đều dồn cho công việc sáng tạo.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm Son sly của anh sánh vai cùng tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy ở Việt Nam cho thấy một Hứa Tử Hoài đã có vị trí như thế nào trong nền mỹ thuật nước nhà.
Khách tham quan Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên, mấy ai quên được những bức tượng và phù điêu bằng các chất liệu đồng, gỗ, đá của anh như Bác Hồ với thiếu niên vùng cao, Lễ hội đua voi, Phiên chợ vùng cao… với những kích thước lớn trên vòm, trên tường của Bảo tàng. Nhưng, điều mà Hứa Tử Hoài tâm đắc nhất chính là những tác phẩm về số phận con người trong chiến tranh.
Những tác phẩm về đề tài này như: Bi hùng, Mạnh hơn bom đạn, Ký ức chiến tranh… của anh đều đoạt giải cao trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc.
Đặc biệt, Ác mộng - tác phẩm đoạt Giải Nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1996 là “Sự dồn nén, cô đọng suốt cả cuộc đời nghệ thuật của mình mới có được”. Đã có lần anh đã thổ lộ bằng vài lời ngắn ngủi như vậy.
Diễn tả những mất mát trong chiến tranh, Hứa Tử Hoài thường sử dụng rất hiệu quả những “khoảng rỗng” trên thân tượng. Đó là những khoảng rỗng không lời nhưng chứa đầy ngôn ngữ nghệ thuật. Nói cách khác, Hứa Tử Hoài đã tìm được triết lí cho những “khoảng rỗng”. Ở đấy, hàm chứa một cách sâu sắc những khổ đau và khát vọng, những bi thương và bất khuất, những kiêu hãnh và xót xa, những vinh quang và cay đắng. Đó là tất cả những gì mà dân tộc đã phải trải qua trong cuộc chiến tranh cứu nước đầy gian khổ.
Có lẽ cũng bởi vậy mà hầu hết tác phẩm về đề tài chiến tranh của Hứa Tử Hoài đều mang hơi thở hiện đại, toát lên tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi dự trại sáng tác Mỹ thuật Véc-mong do một tổ chức mỹ thuật có uy tín của Hoa Kỳ tổ chức, Hứa Tử Hoài đã hoàn thành ba tác phẩm Ký ức chiến tranh, Rét và Đi câu. Cả ba tác phẩm kích thước rất nhỏ nhưng đều nói về những vấn đề lớn của thời đại, đó là lòng yêu hòa bình, là khát vọng xua đi bóng đen của chiến tranh…
Bẵng đi một thời gian tôi không có dịp tới thăm căn gác xép - nơi có cái “xưởng mỹ thuật” nhỏ của Hứa Tử Hoài. Hôm trở lại, thật bất ngờ và xúc động, thấy anh đang gấp rút hoàn thành xê-ri tượng anh tạm đặt tên là Bác Hồ ở ATK Định Hóa. Nhóm thứ nhất có chủ đề Bác ung dung trên yên ngựa gồm 5 bức liên hoàn diễn tả hình ảnh Bác cưỡi ngựa trên đường đi họp, đi công tác với phong thái ung dung, tự tại. Nghe tôi hỏi về ý tưởng sáng tạo, Hứa Tử Hoài bảo: “Tôi nghĩ, Bác Hồ ung dung trên yên ngựa chính là hình ảnh đẹp nhất, điển hình nhất trong những ngày Bác ở ATK Định Hóa. Tuy diễn tả hình ảnh Bác trong chiến tranh nhưng ý tôi lại muốn nói đó chính là một biểu tượng lớn của hoà bình”.
Trong chuyến thăm anh lần ấy, Hứa Tử Hoài có nói với tôi bằng một giọng đầy nghiêm cẩn: “Tôi định tới đây, sau khi sắp xếp lại một số công việc cần thiết, tôi muốn kết hợp với anh để thực hiện một việc quan trọng”. Tôi hỏi việc gì, nhưng anh chưa muốn nói. Nể bạn nên tôi cũng không hỏi thêm.
Vậy mà ngày 15/4/2008, Hứa Tử Hoài đã đi xa. Sau hơn bốn mươi năm lao động quên mình, đã để lại một lượng tác phẩm khá đồ sộ. Nhưng với riêng tôi, chừng như anh vẫn còn dan díu một câu chuyện (hẳn cũng quan trọng) chưa thực hiện được. Vậy là, đúng như ai đó đã nói: Người nghệ sĩ lớn chính là người cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn gửi lại cho đời sau một công việc chưa kịp làm.
BIÊN ĐẠO MÚA - NSND LÊ KHÌNH VÀ NSƯT VƯƠNG THÀO
Biên đạo múa - NSND Lê Khình
NSƯT Vương Thào
Rất nhiều năm cùng trong Ban Chấp hành Hội và cũng gặp nhau khá thường xuyên, nhưng vì khác về chuyên ngành nên tôi không hiểu nhiều về Biên đạo múa - NSND Lê Khình. Tuy nhiên, ông là người rất nổi tiếng trong giới nghệ sĩ múa của tỉnh và cả nước nên chiếm được cảm tình và sự khâm phục của tôi và bạn bè văn nghệ.
Sắp bước vào tuổi 90 nhưng trông ông vẫn sung sức. Lê Khình là người trầm tĩnh, đặc biệt là rất ít phô diễn về nghề nghiệp. Có lẽ ông chỉ thực sự “bùng nổ” khi bắt tay vào công việc. Tôi chưa có lần nào được vinh dự mục sở thị những chương trình ông biên đạo và dàn dựng, nhưng được bạn bè cho biết, lúc ấy ông như nhập đồng. Hình như đó chính là tư chất và tài năng số một của người nghệ sĩ chân chính.
Lê Khình bước vào con đường nghệ thuật múa khi đã 19 tuổi. Nhưng cuộc đời làm nghệ thuật của ông khá hanh thông, luôn được sự động viên, giúp đỡ của lãnh đạo và đồng nghiệp. Từ diễn viên múa ông được học tập để trở thành biên đạo múa. Những ngày tháng ấy, Lê Khình được tiếp xúc với rất nhiều dòng múa trong nước cũng như quốc tế như: dân gian, ba lê cổ điển, hiện đại phương Tây… Ngày ấy, các biên đạo múa còn trẻ thường chọn con đường phát triển tài năng bằng con đường hiện đại, nhưng ông lại khác. Ông đã quyết định theo dòng múa dân gian, đặc biệt là của các dân tộc ít người: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Lô Lô, Mông… Có lẽ đã chọn hướng đi đúng đắn cho con đường nghệ thuật của mình mà con đường sáng tạo của ông rất dài rộng. Gia tài của ông hiện nay đã có tới 200 tác phẩm múa sống lâu bền. Có những tác phẩm dựng đã mười lăm, hai mươi năm mà vẫn không hề mai một. Chẳng hạn như tác phẩm “Múa hội Kỳ Yên”, “Tổ khúc múa then”, đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001; hay “Những bông đỏ của rừng” (2004), vào những năm gần đây, tham gia hội diễn múa dân gian quốc tế vẫn đoạt Huy chương Bạc…
Trong nghề, Lê Khình nổi tiếng là một biên đạo múa rất “khó tính”. Trong tư duy sáng tạo, ông có con đường riêng cho mình. Trong khi không ít các biên đạo múa luôn hời hợt trong việc đổi mới nghệ thuật, có xu hướng muốn xóa nhòa ranh giới giữa hiện đại và cổ điển một cách dễ dãi theo kiểu “mỳ ăn liền” thì Lê Khình lại hết sức coi trọng điều này, Ông từng nói: “Thực ra nếu chỉ giữ nguyên những điệu múa dân gian đơn giản, nghèo nàn thì cũng không ai xem cả. Điều đáng trách là giới trẻ bây giờ họ không đi sâu sát đồng bào. Họ thích hiện đại vì nó nhanh, dễ… việc này đáng lo ngại, cũng là điều tôi trăn trở nhiều năm rồi. Hiện nay bài hát nào cũng có thể dựng múa. Có khi một bài hát mang đậm chất dân ca của một dân tộc mà các hoạt cảnh múa lại là ballet... Phải hiểu rằng sự phá cách và sáng tạo cần có giới hạn của nó. Bởi nghệ thuật múa dân gian và múa đương đại hiện nay đang song hành cùng nhau, nếu làm không khéo sẽ sai lệch màu sắc dân gian. Tôn trọng bản sắc, sáng tạo mà lưu giữ đậm chất dân tộc. Có thể có người nghĩ tôi tự làm khó mình, nhưng tôi lại nghĩ đó là cách tôn trọng nghề nghiệp và tôn trọng chính mình”.
So với bạn bè, Lê Khình thành danh rất sớm. Được phong tặng các danh hiệu ngay từ thế kỷ trước: Nghệ sĩ Ưu tú (1988), Nghệ sĩ Nhân dân (1997), và cùng với NSƯT Vương Thào được Giải thưởng Nhà nước năm 2001. Tôi muốn nhấn thêm một chi tiết: Với hai nghệ sĩ múa nổi tiếng trên cả nước này, giới nghệ thuật Thái Nguyên thường nhắc tới như một cặp bài trùng. Nhắc đến tên người này luôn phải kèm theo tên của người kia, như sự không thể thiếu một trong hai. Có điều ấy, một trong những lí do là cả hai ông đều người dân tộc Nùng, cùng sinh năm 1934, đặc biệt cả hai đều có chung một chí hướng, niềm say mê đề tài miền núi và dân tộc Việt Bắc và đều có những thành tựu lớn trong sự nghiệp sáng tác.
Cũng giống như NSND Lê Khình, NSƯT Vương Thào luôn giành được nhiều huy chương vàng, bạc trong các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Những điệu múa như: Múa lên nương, Múa Trống Dao, Múa Cầu Mưa, Múa Gậy Tiền đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Riêng tác phẩm múa “Vui hội ngày xuân” do ông biên đạo sau này đã trở thành vũ điệu tập thể trong các ngày hội văn hóa dân tộc hoặc các tiết mục như “Vũ điệu nàng then”, “Múa lân”, Múa trống Dao”, “Những cô gái Dao Thanh Y”… vẫn được các nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa tỉnh diễn đến tận bây giờ. Hơn mười lăm năm tham gia lãnh đạo Đoàn Ca múa Dân gian Việt Bắc - một đoàn nghệ thuật đặc trưng cho nghệ thuật dân gian các dân tộc trong khu vực miền núi phía Bắc, với cương vị là phó đoàn phụ trách nghệ thuật, rồi trưởng đoàn, ông đã góp một phần không nhỏ trong việc phát hiện, đào tạo những tài năng nghệ thuật ca múa là con em các dân tộc trong vùng. Sau ngày về hưu, Vương Thào đã có sáu năm làm cộng tác viên của Nhà Văn hóa tỉnh Thái Nguyên. Ông đã dàn dựng, phục dựng hàng chục tiết mục khai thác từ chất liệu dân vũ các dân tộc khu vực Việt Bắc. Hiện nay nhiều đoàn vẫn biểu diễn các điệu múa do NSƯT Vương Thào sáng tác. Tác phẩm của ông vẫn sống mãi trong đời sống nghệ thuật và trong lòng đồng nghiệp.
Sự nghiệp của hai Nghệ sĩ múa Lê Khình và Vương Thào khó có thể kể hết bằng vài trăm từ. Chỉ biết rằng, những phần thưởng cao quý của Nhà nước; sự nể trọng, đánh giá cao mà đồng nghiệp và giới chuyên môn dành cho các tác phẩm của hai ông, chính là sự ghi nhận sâu sắc những năm tháng hoạt động sáng tạo nghệ thuật của hai nghệ sĩ múa bậc thầy này.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...