Gánh khoai ngày mưa
Những ngày này, thời tiết chốn thị thành đỏng đảnh, lúc nắng lúc mưa. Cuộc sống của những người xa quê như con lại thêm phần lo toan, vất vả. Nhưng điều đó không làm con lo lắng bằng việc nơi quê nhà mẹ cơ cực mỗi ngày. Con được biết, ở quê cũng đang vào mùa mưa bão. Mưa tầm tã ngày đêm, nước thì ngập lênh láng sân nhà khiến cho việc đi lại của người già vô cùng gian khổ. Vậy mà mẹ vẫn đều đặn mỗi ngày gánh đôi thúng khoai ra chợ sớm.
Nhớ hồi con còn nhỏ, chính đôi thúng khoai ấy là nguồn kinh tế nuôi sống cả nhà. Ba về từ chiến trường, chiến tranh cướp mất một chân nên việc đi lại rất khó khăn, nói gì đến chuyện lao động. Bao nhiêu vất vả lo toan chất chồng lên đôi vai nhỏ bé của mẹ. Vậy mà mẹ không một lời than vãn, oán trách, ngược lại còn yêu chồng con hơn cả bản thân mình. Cứ mỗi tối, cả nhà quây quần bên nhau để rửa khoai lang, củ từ, khoai môn và lột vỏ khoai mì (sắn). Rồi mỗi khuya, khi con gà trống trong chuồng còn chưa cất tiếng gáy thì mẹ đã dậy luộc khoai để mang ra chợ bán. Mẹ lục đục, dù nhẹ nhàng nhưng vẫn gây tiếng động đánh thức ba dậy. Thế là hai người ngồi uống trà rôm rả chuyện trò đợi khoai chín tới. Khi khoai thoảng mùi thơm, mẹ dùng đũa xăm một củ, nếu đũa xuyên nhẹ nhàng thì khoai vừa chín tới, phải vớt ra liền. Cũng có đôi lúc mẹ và ba do mải mê nói chuyện mà khoai quá chín, bị khét. Nhưng cũng vì thế mà những củ khoai lang lớp đáy nồi rất ngon, dẻo – vỏ giòn, thơm phưng phức.
Khi nồi khoai nguội, mẹ dùng dao cắt hai đầu khoai từ, khoai lang, khoai môn cho đẹp, sạch sẽ để ba chất vào thúng (thúng được lót một lớp lá chuối xanh mỏng). Riêng khoai mì thì được nấu riêng và để trên mâm vì đã lột sẵn, rất cần sạch đẹp. Bao giờ quang gánh ra khỏi nhà, mẹ đều để lại vài củ cho ba uống trà và cho tụi con ăn sáng đi học. Dù thế, chưa đủ no, sáng tụi con vẫn chịu khó ra chợ tìm mẹ để xin thêm một củ. Hôm nào bán đắt, mẹ dẫn ngay vô nhà lồng chợ đề ăn hủ tíu, bánh canh. Ngày trước tụi con đâu biết mẹ vất vả như thế, nên khi được ăn những món đó là thích thú vô cùng. Thậm chí chúng con còn đòi thêm một vài phần quà mang vào lớp học.
Có những ngày trời mưa bão, chợ quê vắng tanh không một bóng người mua. Chỉ có người bán ngồi buồn thiu ảo não. Mẹ cũng vậy, nhìn mưa rơi mà chẳng nói câu gì. Ngồi co ro trong lòng mẹ, con nghe được tiếng thở dài, dù là rất khẽ. Lúc đó con ngây thơ chưa hiểu được những lo toan, chật vật của người lớn, cứ nghĩ không bán được thì đem về ăn hoặc hư thì bỏ đi. Giờ thì con mới biết, gánh khoai ế đồng nghĩa với việc cả nhà đói. Hôm đó, cả nhà phải ăn khoai trừ cơm. Để mẹ không buồn, ba thường pha trò xoa dịu. Ăn khoai ế không đâm ra ngán, mẹ nghĩ cách quết khoai cho mềm dẻo, dùng với muối mè và dừa nạo. Thỉnh thoảng ăn thấy cũng ngon đáo để. Ăn khoai thường rất lâu đói nên ba hay nói đùa: “Nhờ có khoai luộc ế mà nhà ta tiết kiệm được tiền mua gạo và thức ăn”.
Rồi những lo toan, vất vả ấy cũng qua đi. Nhờ có gánh khoai của mẹ mà anh chị em chúng con đều được đến trường, tốt nghiệp có việc làm ổn định. Dù nhà không khá nhưng cũng đủ để chăm sóc, phụng dưỡng mẹ và ba đến hết cuộc đời này. Giờ thì mẹ đã già yếu rồi, gối mỏi tay run, vậy mà sáng nào người ta cũng thấy mẹ gánh thúng khoai ra chợ. Người ngoài nhìn vào có thể lầm tưởng con cái bỏ bê cha mẹ tuổi xế chiều, không lo phụng dưỡng. Nhưng họ nào có biết, mẹ lại muốn lao động. Đơn giản vì mẹ nhớ nghề, chỉ có người già mới hiểu được hoàn cảnh này. Mẹ nói một cách nhất quyết: "Mẹ già tuổi chứ không già sức. Mẹ ở không khó chịu lắm, muốn ra chợ để gặp mặt mọi người. Các con tưởng mẹ già rồi vô dụng sao?". Cả nhà buộc lòng phải chiều theo ý mẹ cho vui.
Sáng nay, trời thị thành lại tiếp tục mưa bão dầm dề. Đài báo ở quê cũng có mưa to. Nghĩ đến gánh khoai của mẹ, chợt nước mắt con rơi như mưa trút…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...