Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:20 (GMT +7)

Bí mật về ông chủ Cornille

(Trích trong tập “Những lá thư viết từ cối xay gió”)

Cối xay chạy bằng sức gió của ông Cornille là cơ sở duy nhất còn hoạt động kể từ khi nhà máy nghiền bột chạy bằng hơi nước được lắp đặt. Tuy đã lâu lắm rồi chẳng còn ai mang lúa mì đến chỗ ông nữa, mặc dù vậy cánh quạt cối xay gió vẫn tiếp tục quay. Người ta phát hiện ra rằng ông chủ nhà máy đã biến những túi thạch cao thô thành những bột mì. Vậy là dân làng đã quyết định mang lúa mì vào cối xay gió của ông. Cornille khóc vì sung sướng khi chứng kiến mọi người đã có mặt; ông vẫn luôn tin một ngày nào đó họ sẽ quay lại chỗ ông để xay xát, cho dù ông cũng bắt đầu dần dần mất hy vọng. Suốt quãng đời còn lại của ông Cornille, mọi người trong vùng vẫn tiếp tục đều đặn cung cấp cho ông một phần lúa mì để nhà máy duy trì hoạt động, nhưng khi ông chủ nhà máy qua đời, chiếc cối xay gió cuối cùng cũng đi theo ông.

***

Francet Mamai, một tay chơi sáo thiện nghệ, thi thoảng lại đến chỗ tôi chuyện phiếm, và dùng rượu hâm nóng, một buổi tối nọ, đã kể cho tôi nghe một bi kịch nhỏ của làng mà nhà máy xay của tôi đã là nhân chứng vào khoảng thời gian hai mươi năm về trước. Câu chuyện mà ông kể lại khiến tôi xúc động và tôi sẽ cố gắng thuật lại như tôi đã nghe được.

Độc giả thân mến, xin các bạn hãy để ra một phút để an dụ rằng mình đang ngồi trước một bình rượu thơm và lão nghệ sỹ đang nhỏ to cùng các bạn.

Xứ sở của chúng ta, thưa quý ngài, không phải lúc nào cũng là một nơi chết chóc và không có danh tiếng như bây giờ. Trước đây, ở đó việc buôn bán sản phẩm xay xát đã lớn mạnh, xung quanh cách chỗ này mười dặm người dân từ các trang trại lân cận vẫn mang lúa mì đến nhà máy chúng tôi để xay xát... Xung quanh làng, trên các sườn đồi, nhà máy xay xát mọc lên như mấn. Từ bên này sang bên kia, người ta chỉ thấy các cánh quạt quay tít trong gió mistral(1) bên trên rừng thông, những đàn lừa thồ bé tí trên lưng chất đầy bao túi, lên xuống dọc các con đường; và suốt cả tuần thật vui khi được nghe âm thanh tiếng roi quất, tiếng sột soạt của tấm vải che mui và tiếng quát “đi nào!” của những thợ phụ xay xát... Thường vào các ngày chủ nhật, chúng tôi đến nhà máy xay theo nhóm. ở trên đó, những ông chủ cối xay trả tiền mua rượu nho xạ hương. Các bà chủ thì đỏm dáng như những bà hoàng với chiếc khăn quàng viền đăng ten và những sợi dây chuyền vàng có hình cây thánh giá. Còn tôi thì mang theo cây sáo và chúng tôi cùng nhau nhảy điệu farandole cho đến tận đêm khuya. Bạn biết không, những cối xay gió này là niềm vui và sự thịnh vượng của xứ sở chúng tôi.

Thật bất hạnh, những người Pháp ở Paris lại có ý định lắp đặt một nhà máy nghiền bột mì chạy bằng hơi nước, mọc lên trên đường đến Tarascon. Tất cả đều đẹp, và rất mới lạ! Mọi người đã quen dần với việc giao lúa mì của họ cho các ông chủ nhà máy xay nghiền bột loại này, và đương nhiên những cối xay chạy bằng sức gió tội nghiệp phải nằm im bất động. Trong một thời gian, nhà máy nọ tiếp nhà máy kia thay nhau cố gắng chống lại, nhưng máy xay chạy bằng hơi nước ưu thế hơn, và than ôi! Các máy xay gió buộc phải dừng hoạt động... Chúng tôi không còn nhìn thấy những con lừa thồ bé tẹo đến nữa... Những bà chủ xinh đẹp đã phải bán những cây thánh giá bằng vàng của mình... Rượu nho xạ hương cũng chẳng còn thấy nữa! Và vũ điệu farandole cũng biệt tăm luôn!... gió mistral vẫn thổi đều, nhưng các quạt gió thì đứng yên bất động... Rồi, một ngày đẹp trời, cả công xã đã cho phá bỏ tất cả những nhà máy xay gió lụp xụp kiểu này, thay vào đó người ta trồng những cây nho và cây ô liu vào vị trí của chúng.

Tuy nhiên, giữa lúc khốn cùng, một nhà máy vẫn đứng vững và dũng cảm tiếp tục hoạt động trên mảnh đất của mình trước sự kinh ngạc của những ông chủ nhà máy xay khác. Đó chính là nhà máy của ông Cornille, và là nơi chúng tôi đang vui vẻ hàn huyên vào chính lúc này.

Ông Cornille là một ông chủ gạo có thâm niên trong nghề xay xát, ông đã trọn tình với nghề này suốt sáu mươi năm và nguyện sống chết vì nó. Việc xuất hiện các cơ sở xay xát chạy bằng hơi nước đã khiến ông phát cuồng lên. Trong tám ngày, người ta thấy ông chạy đôn, chạy đáo quanh làng, kêu gọi tập hợp mọi người đến xung quanh mình và hét toáng lên rằng bọn họ muốn đầu độc Provence bằng bột mì làm từ các nhà máy xay chạy bằng hơi nước. “Hãy đừng ai đến đó,” ông nói; những tên cướp này, chúng đã sử dụng hơi nước, một phát minh của ma quỷ để làm bánh mì, trong khi tôi sử dụng gió mistral và gió bấc, là hơi thở của Chúa nhân để sản xuất,…”. Và ông đã tìm những lời hay ý đẹp để ca ngợi máy xay chạy bằng sức gió, nhưng chẳng có một ai thèm để ý đến những lời ông nói cả.

Vậy là, vì buồn chán và tức giận, ông giam mình trong cối xay gió và sống đơn độc như một con thú hoang. Thậm chí, ông cũng chẳng còn muốn giữ bên mình cô cháu gái Vivette, nó đã mười lăm tuổi rồi, từ khi cha mẹ con bé qua đời, bỏ lại mình con bé trên cõi đời này. Cô bé tội nghiệp buộc phải tự kiếm sống, nay đây mai đó làm thuê khắp các trang trại, trung tâm cứu tế, thu hái ô liu, thu hoạch mùa màng. Có vẻ hình như, ông nội của cô bé vẫn còn rất yêu quý đứa cháu gái của mình. Ông thường đi bộ hơn chục cây số dưới ánh nắng chói chang để gặp cô cháu ở trang trại, nơi cô làm việc. Và mỗi khi ở bên cô, ông đã dành hàng giờ liền vừa ngắm nhìn cô cháu vừa  khóc...

Trong vùng, người ta đồn rằng ông chủ sa thải cô bé Vivette ra khỏi nhà máy là do tính keo kiệt. Và điều này làm ông hổ thẹn khi phải để cháu gái mình lang thang từ trang trại này sang trang trại khác, phơi bày sự tàn nhẫn của những giá trị và tất cả nỗi khốn cùng của lớp thanh niên đang sức dài vai rộng. Người ta không thể tìm được lời giải thích khi một người tiếng tăm như ông Cornille, cho đến thời điểm đó, vẫn là một người luôn giữ lòng tự trọng, giờ lại đổ đốn đi trên đường phố như một kẻ bụi đời, chân không giầy, mũ tơi tả, thắt lưng rách rưới....

Sự thật là vào các ngày Chúa nhật, chúng tôi thường thấy ông đi vào nhà thờ hành lễ, những người già như chúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ thay cho ông. Và Cornille cũng tự nhận thấy điều ấy đến nỗi ông không dám  vào ngồi trên chiếc ghế hành lễ nữa. Ông luôn ẩn mình ở phía sâu bên trong, gần chum nước thánh, sát bên những người khốn khổ.

Trong cuộc đời của ông chủ Cornille, có điều gì đó còn chưa thật sáng tỏ. Từ lâu rồi chẳng còn ai trong làng mang lúa mì đến chỗ ông nữa, nhưng kỳ lạ cối xay gió của ông vẫn hoạt động như thường... Vào các buổi chiều, người ta vẫn thường thấy ông trên đường đẩy chiếc xe lừa kéo, bên trên chất đầy những bao lớn lúa mì.

- Chúc ông Cornille buổi chiều vui vẻ! Những người nông dân thường réo gọi tên ông; công việc xay xát vẫn ổn chứ ạ?

- Vẫn thế thôi, các cháu thân mến ạ, ông chủ trả lời với giọng hào hứng. Lạy chúa, công việc ấy với chúng ta thì không thể bỏ lỡ được.

Vậy, nếu ai đó hỏi ông phép mầu nào đã giúp ông có nhiều công việc như vậy, ông đặt ngón tay lên môi và trả lời thành thật: “Suỵt! Tôi làm để xuất khẩu…”. Chưa bao giờ, họ lại có thể bán được nhiều sản phẩm nhiều nhất đến như vậy.

Khi bận mải với công việc xay xát, ông cũng không còn nghĩ tới điều đó. Bản thân Vivette cũng chẳng muốn vào làm ở trong nhà máy…

Mỗi khi chúng tôi lên đó, chúng tôi thấy cửa luôn luôn đóng, những chiếc quạt lớn vẫn chuyển động đều đều, con lừa già đang gặm cỏ trên chỗ đất hoang và một con mèo to gầy đang nằm phơi nắng trên bậu cửa sổ và nhìn bạn với ánh mắt dữ tợn.

Tất cả điều ấy tăng thêm sự bí ẩn và làm cho mọi người phải xì xào. Mỗi người giải thích điều bí mật của ông chủ Cornille theo cách riêng của mình, nhưng điều cốt lõi vẫn chỉ là ở trong cối xay gió này vẫn còn nhiều túi tiền vàng thậm chí số lượng còn nhiều hơn cả túi bột mì.

Hiển nhiên, về lâu dài, mọi thứ cũng sẽ bị phát giác. Và điều bí mật là đây. Vào một ngày đẹp trời, khi tôi thổi sáo cho bọn trẻ khiêu vũ, tôi đã phát hiện ra thằng con trai cả của tôi và cháu Vivette phải lòng nhau. Trong thâm tâm, tôi cũng chẳng bực tức về điều đó, bởi vì sau tất cả thì cái tên Cornille cũng là niềm vinh hạnh đối với gia đình chúng tôi, thứ nữa con chim sẻ xinh đẹp Vivette này chắc chắc sẽ làm tôi rất vui khi tận mắt được thấy nó tung tăng chạy nhảy quanh nhà mình.

Điều cốt lõi là đôi tình nhân của chúng tôi luôn tìm cơ hội được ở bên nhau vì thế tôi muốn giải quyết việc này càng nhanh càng tốt vì sợ để lâu lỡ xảy ra chuyện khó lường nên tôi đã lên nhà máy thưa chuyện với ông Cornille... Chà! Lão già phù thủy này cũng không phải dễ chơi đâu! Nhưng cũng cần phải xem cách ông ấy tiếp đón tôi như thế nào đã chứ! Không thể bắt ông ta mở cửa nhà máy được. Qua lỗ khóa cổng, tôi giải thích cặn kẽ lý do của mình cho ông ta. Và suốt trong thời gian tôi nói, một con mèo gầy nhom, ranh mãnh cứ gào rít lên như ma đói bên  trên đầu tôi.

Lão già không cho tôi thời gian để giãi bày hết câu chuyện, lão còn quát tôi là kẻ bất lương, khuyên tôi hãy quay về với cây sáo của mình; rằng, nếu tôi vội tìm vợ cho con trai, thì có thể đi tìm các cô gái ở trong nhà máy xay... Bạn hãy hiểu cho lúc ấy, máu trong người tôi đã sôi lên khi nghe được những lời nói chẳng mấy tốt đẹp này; nhưng tôi vẫn còn đủ khôn ngoan để kiềm chế bản thân, và bỏ mặc lão già điên khùng này với cái thớt cối xay của lão, rồi tôi quay trở lại để thông báo điều thất vọng của mình với lũ trẻ…

Đôi uyên ương đáng thương không thể tin vào điều đó; cả hai đề nghị với tôi như một đặc ân để cùng nhau được lên nhà máy, thưa chuyện với ông nội... Tôi không đủ can đảm để chối từ, và đúng là một sự liều lĩnh! Thế rồi đôi tình nhân yêu quý của tôi cũng vẫn ra đi.

Đúng lúc ông Cornille vừa mới đi khỏi thì lũ trẻ cũng vừa đến. Cánh cửa được đóng lại với hai lần khóa; nhưng khi ông già đi ra đã để quên chiếc thang ở bên ngoài, và lập tức bọn trẻ nảy ra ý định leo vào bên trong qua cửa sổ để thám thính xem bên trong nhà máy nổi tiếng này có gì...

Thật bất ngờ! Gian kho chứa rỗng tuếch... chẳng có lấy một chiếc vỏ bao, cũng không một hạt lúa mì; mảy may chút bột dính trên tường hay trên mạng nhện cũng không... ngay cả, mùi thơm nóng sốt của bột mì được nghiền bay ra từ máy nghiền, chúng tôi cũng không cảm nhận được... bộ chuyển động phủ đầy bụi và con mèo to gầy đang ngủ trên đó.

Căn phòng ở tầng dưới cũng trong tình trạng nghèo nàn và bị bỏ rơi: một cái giường tồi tàn, vài miếng giẻ rách, một mẩu bánh mì vương trên bậc cầu thang, rồi trong góc có ba bốn chiếc bao vỡ, từ trong đó lòi ra những cục vôi thầu gạch vỡ.

Đó là tất cả bí mật của ông chủ Cornille! Chính loại vôi thầu này được ông chở về trên đường vào buổi tối, để cứu lấy danh dự cho nhà máy và cũng để cho mọi người tin rằng bột mì được làm từ những bao chở về đó...

Nhà máy tội nghiệp! Thương thay ông chủ Cornille! Từ lâu, những ông chủ nhà máy xay gió đã tự mình đánh mất đi những khách hàng cuối cùng của mình. Những quạt gió vẫn quay nhưng cối xay thì trống rỗng.

Bọn trẻ quay trở lại nước mắt giàn giụa kể lại cho tôi nghe những gì chúng đã nhìn thấy. Trái tim tôi tan nát khi nghe chúng nói... Không một phút chần chừ, tôi chạy sang các nhà hàng xóm, tôi thông báo điều ấy với họ bằng những lời ngắn gọn, và chúng tôi đồng tâm phải mang tất cả lúa mì ở trong nhà đến nhà máy của ông Cornille ngay lập tức... Miệng nói và tay làm. Cả làng bắt đầu lên đường, và chúng tôi lên trên đó cùng với đoàn lừa thồ chở đầy lúa mì - một thứ lúa mì thật sự!

Nhà máy được mở toang cửa ra... Trước cửa, ông chủ Cornille ngồi trên một chiếc túi thạch cao, hai tay ôm đầu, đang khóc. Khi trở về, ông mới nhận ra rằng trong lúc vắng nhà có ai đã vào nhà máy của ông và phát hiện ra sự thật bí mật đau buồn đó.

 “Tội cho tôi quá! Ông nói. Bây giờ thì tôi chỉ còn cách chết đi thôi… Thật là xấu hổ cho nhà máy”.

Và ông già khóc thảm thiết, gọi tên nhà máy của mình bằng đủ thứ, ông nói như thể nói với một người bằng xương bằng thịt.

Vào đúng lúc này, những con lừa đã đến sân nhà máy và tất cả chúng tôi bắt đầu hét to như thời hoàng kim của những ông chủ cối xay gió:

 - Này! Lúa mì của nhà máy đây! Này! Ông chủ Cornille ơi!.

Và thế là những bao lúa được chất đống trước cửa và những hạt lúa đỏ au xinh xắn vương vãi khắp mặt đất, bốn xung quanh...

Ông chủ Cornille mắt mở to. Ông nắm trong lòng bàn tay già nua của mình một nhúm lúa mì rồi cùng lúc vừa nói vừa cười, vừa khóc:

 - Lúa mì thật sao!... Lạy Chúa! Loại tốt đấy! Hãy để tôi xem.

Rồi ông quay về phía chúng tôi:

- à! Ông biết rất rõ thế nào rồi các cháu cũng sẽ quay lại với ông… Tất cả những ông chủ xay xát này đều là những tên trộm cắp.

- Chúng cháu muốn mang lúa mì về làng một cách đàng hoàng.

- Không, không, các cháu của ta ơi, trước tiên, có lẽ ta cần phải cho cối xay của mình ăn cái đã… Hãy tính xem! Đã lâu lắm rồi máy xay chưa có gì nghiền cả!

Và tất cả chúng tôi đều rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy ông già tội nghiệp chạy lên, chạy xuống, xé bao, kiểm tra bao hạt, trong khi lúa mì bị nghiền nát và bụi bay mù mịt lên trần nhà.

Đó chính là sự công bằng đã mang lại cho chúng tôi. Kể từ ngày hôm đó, chúng tôi không bao giờ để ông chủ nhà máy xay thiếu việc làm. Rồi, một buổi sáng, ông Cornille qua đời, và những chiếc cánh quạt gió của của nhà máy cuối cùng của chúng tôi cũng ngừng quay, lần này thì dừng vĩnh viễn... Ông chủ Cornille chết, không một ai tiếp tục sự nghiệp của ông ấy. Và thưa quý ngài, quý ngài muốn gì nhỉ!... Mọi thứ trên thế giới này đều có hồi kết, và cần phải tin rằng thời đại của những chiếc cối xay gió đã lùi vào quá khứ cũng giống như thời những chiếc xe ngựa trên sông Rhône, của những pháp viện tối cao và những chiếc áo khoác có in hình những bông hoa lớn.

-------------

(1) Gió Mistral (mistral theo tiếng của vùng Languedocien, mestral theo tiếng Catalan, maestrale theo tiếng Corse) ở Pháp là loại gió lạnh và khô, thổi hầu hết vào các mùa trong năm, nhưng mạnh nhất là vào mùa đông và mùa xuân. Chúng thổi từ phía Tây Bắc hoặc phía Bắc của lục địa Châu Âu dọc theo thung lũng sông Rhône xuống Địa Trung Hải. Gió này cũng ảnh hưởng đến vùng Sardina của Italia (người dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Mối tình si của người thiếu nữ

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 2 tháng trước