Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
19:26 (GMT +7)

Nguồn lực nào cho việc nâng cấp đô thị Phổ Yên, Sông Công?

VNTN - Huyện Phổ Yên và thị xã Sông Công lúc này đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để đầu tháng 7 tới sẽ chính thức công bố Quyết định nâng cấp thành thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công. Ở vị trí mới, bộ mặt đô thị cũng như cuộc sống người dân địa phương chắc chắn thay đổi theo hướng nâng dần chất lượng. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm hiện nay là nguồn lực nào để đầu tư nâng cấp đô thị?

Phổ Yên và Sông Công đều là hai địa phương có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển và nâng tầm đô thị. Cả hai đều nằm ở phía nam của tỉnh, đầu mối giao thông, giao lưu kinh tế quan trọng của Thái Nguyên với vùng Đông Bắc Bắc bộ. Với Sông Công, lợi thế của thị xã là từ lâu đã được xác định như trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh, đô thị bản lề, trung chuyển kinh tế giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Còn Phổ Yên lại là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Xét về các điều kiện thì cả hai địa phương đều cần được nâng cấp đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh và của cả vùng. So với các huyện, thành khác trong tỉnh, cả Phổ Yên và Sông Công đều đang sở hữu hệ thống kết cấu hạ tầng khá bài bản và hiện đại, trong đó hạ tầng giao thông được xem là ổn nhất với hai tuyến quốc lộ chạy song song gồm Quốc lộ 3 cũ và Quốc lộ 3 mới. Chưa kể các tuyến tỉnh lộ, đường nội thị bố trí với mật độ dày, thuận lợi cho đi lại, giao thương của người dân địa phương. Ngoài ra, các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn của tỉnh đang thu hút một lượng vốn FDI khổng lồ cũng tập trung chủ yếu ở hai địa phương này. Các khu đô thị, khu dân cư hoành tráng cũng dần mọc lên do cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, quy mô dân số chuyển dịch mạnh mẽ... Cùng với đó, theo phân tích chuyên môn, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, đô thị của hai địa phương này đã và đang nảy sinh khó khăn, phức tạp trong công tác lãnh đạo điều hành của chính quyền đô thị trước đó. Vì vậy, việc nâng cấp đô thị là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Điều quan trọng là việc nâng cấp đô thị Phổ Yên và Sông Công đều phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác của tỉnh.

 

Thị xã Sông Công mới đưa vào sử dụng đài phun nước ở khu vực 

quảng trường - hạng mục chỉnh trang đô thị chuẩn bị đón quyết định lên thành phố

Điều mà hai địa phương này có được sau khi nâng cấp là hệ thống hạ tầng đô thị được xây dựng khang trang, hiện đại hơn. Điện, đường, trường, trạm và các công trình phục vụ dân sinh khác chắc chắn được cải tạo, xây mới. Cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế xã hội cũng thay đổi, bộ mặt nông thôn được cải thiện, chất lượng cuộc sống của người dân cũng vì thế mà nâng lên. Người dân được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình phúc lợi xã hội, hưởng các chính sách phát triển đô thị, được sống trong môi trường và không gian đô thị hiện đại, được định hướng và tìm kiếm việc làm phù hợp với môi trường mới. Các dự án đô thị, dân cư đã và đang từng bước tạo cho người dân một môi trường sống lành mạnh, sạch đẹp và văn minh.

Trong một lần trao đổi với chúng tôi khi Sông Công đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chuẩn để trở thành thành phố theo quy định, ông Lê Văn Khôi, Chủ tịch UBND thị xã Sông Công cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện việc quy hoạch các phân khu; xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; đôn đốc nhà đầu tư triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị... Trong đó, tiếp tục đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư vào KCN Sông Công I, xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, xây dựng các hạng mục công trình chỉnh trang đô thị như lát vỉa hè, trồng cây xanh, lắp điện chiếu sáng trên một số tuyến đường nội thị và ngoại thị; đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, cải tạo tuyến đường liên xã, đường tỉnh 262 đoạn qua địa bàn… Bên cạnh đó là triển khai các bước đầu tư dự án nhà thi đấu đa năng thị xã với quy mô 2.000 chỗ ngồi, kinh phí khoảng 80 tỷ đồng; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ để trình UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng Bến xe khách và trạm dừng nghỉ, kinh doanh dịch vụ tổng hợp tại phường Cải Đan. Dự kiến hết năm 2015, thị xã Sông Công sẽ hoàn thành xong 19 dự án, công trình với tổng giá trị đầu tư khoảng 144 tỷ đồng.

Với Phổ Yên cũng vậy, thực hiện mục tiêu trở thành thị xã, thời gian qua huyện đã làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đồng thời thu hút mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, mở rộng không gian đô thị, xây dựng trung tâm thương mại. Huyện đã tập trung giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án lớn là Khu đô thị Yên Bình, Khu đô thị thông minh, khu đô thị Nam Thái và các khu đô thị phía đông Tam Đảo, xây dựng nhà ở công nhân… Bên cạnh đó thực hiện chỉnh trang đô thị, gắn biển tên đường, phố, vệ sinh môi trường. Với chủ trương, lấy công nghiệp làm chủ đạo, trên cơ sở các khu công nghiệp tập trung, Phổ Yên tích cực thu hút đầu tư, trong đó hướng tới công nghiệp công nghệ cao...

Để nâng tầm đô thị, hai địa phương nói trên đều xây dựng các phương án, kế hoạch triển khai, trong đó đáng quan tâm chính là phương án huy động nguồn lực đầu tư. Vấn đề đặt ra là trong khi lượng vốn dành cho nâng cấp đô thị lên tới cả nghìn tỷ đồng thì nguồn vốn bố trí từ ngân sách Nhà nước lại hạn chế. Vậy, nguồn lực chủ yếu nào được huy động?

 

Tuyến Quốc lộ 3 mới chạy qua địa bàn huyện Phổ Yên

sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp huyện trở thành thị xã

 Trao đổi về nội dung này, ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Huyện ủy Phổ Yên chia sẻ: Để hoàn thành 9/9 tiêu chuẩn trở thành thị xã, tổng vốn đầu tư phải lên tới cả nghìn tỷ đồng, trong đó có 2 nguồn huy động chính là từ ngân sách (trung ương, địa phương) và nguồn xã hội hóa. Do ngân sách hạn hẹp nên vốn của Nhà nước chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là vốn ngoài Nhà nước. Thời gian qua, lượng vốn từ ngân sách huyện chỉ khoảng 50 tỷ đồng dành cho đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị; vốn từ ngân sách tỉnh vài trăm tỷ đồng tập trung cho đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông quan trọng. Toàn bộ 80% vốn còn lại được huy động từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và vốn trong dân thông qua chương trình hiến đất, đối ứng... Các nhà đầu tư dự án dân cư, đô thị thường bỏ vốn xây dựng hạ tầng sau đó được địa phương đối trừ hoặc sẽ bố trí cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn và đảm bảo lợi nhuận. Chính điều đó đã giúp ngân sách địa phương bớt gánh nặng.

Đối với Sông Công, ông Nguyễn Khắc Lâm, Bí thư Thị ủy cho biết: Thị xã thực hiện lộ trình nâng cấp lên thành phố đúng vào thời điểm kinh tế suy thoái, nên đã ảnh hưởng đến các nguồn lực đầu tư hỗ trợ hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, trong khi đó nguồn theo phân cấp thu ngân sách của tỉnh cho thị xã còn hạn chế, vì vậy việc dành kinh phí chi cho xây dựng cơ bản, sự nghiệp đô thị cũng không nhiều. Tuy nhiên, thị xã đã và đang nỗ lực huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ quỹ đất, tiếp tục thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để thu hút các nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Tập trung cải cách cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tỉ trọng chi thường xuyên, tăng dần chi cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, tích cực huy động các nguồn lực từ xã hội hóa...

Như vậy, nguồn lực cho việc nâng cấp đô thị Phổ Yên và Sông Công chủ yếu là nguồn xã hội hóa. Hy vọng cấp ủy, chính quyền các địa phương điều hành có hiệu quả việc khai thác nguồn lực này, để hai đô thị mới phát triển xứng tầm với vị thế của mình trong tiến trình phát triển chung của tỉnh.

Trường Lâm  

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy