Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
13:15 (GMT +7)

Ngày mới ở Cao Biền

Khi thời khắc hết năm càng đến gần, theo một thói quen đã cũ, tôi tự hỏi mình muốn đến nơi nào nhất. Không giống như mọi lần, sẽ có vài 3 cái tên chạy xẹt qua não bộ khiến tôi phân vân. Lần này chỉ có một cái tên duy nhất: Cao Biền. Có lẽ, điều tôi muốn biết nhất là cuộc sống của người dân ở lưng chừng núi cao này thay đổi ra sao sau một năm ánh sáng của điện lưới Quốc gia về tới bản.

Bình yên trên non cao

Theo hướng xã Cúc Đường đi Vũ Chấn (huyện Võ Nhai), còn cách trụ sở UBND xã Vũ Chấn chừng 1km, tôi quặt tay lái vào con đường bên phải, nhằm hướng Cao Biền. Vài hạt mưa lất phất rơi từ nền trời âm u xám xịt. Tôi bắt đầu lo lắng, bởi cách đây đúng một năm, tôi đến Cao Biền cũng trong 1 ngày mưa. Khi ấy nền đường đất như có ai đổ mỡ. Chiếc Wave “chiến” của tôi vốn đã chinh phục không thiếu cung đường khó nào từ Mỏ Nước, Bản Tèn (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ) đến Lũng Cà, Lũng Hoài (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai)… cũng bị đường lên Cao Biền “làm khó”. Cứ đi vài trăm mét, chúng tôi lại phải dừng xe để cậy những tảng đất đỏ khè bám chặt vào cả 2 bánh xe. Nếu không chúng sẽ vô hiệu hóa hoàn toàn khả năng tạo ra ma sát từ những đường rãnh nhà sản xuất đã chế tạo ra cho các loại lốp xe. Lên được đến trung tâm xóm, cụm phanh từ chiếc xe phát ra mùi khét lẹt như chực bốc cháy ngay tắp lự.

Nhưng rồi những lo lắng ấy của tôi chẳng mấy chốc đã tan biến khi những hừng sáng đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên bầu trời trước mặt. Sự thay đổi của thời tiết nhanh đến mức tôi nghĩ chắc ông mặt trời vừa bị “giật mình thức giấc”. Nghĩ đến đó rồi tự cười cho cái suy nghĩ quá đỗi trẻ con của mình.

Đi chừng gần chục cây số từ đường rẽ, con đường đến Cao Biền bắt đầu đón khách bằng các dải cua tay áo. Các đoạn cua dày đến mức, người ngồi trên xe máy vừa kịp lấy thăng bằng sau cú “ôm cua” bên trái đã ngay lập tức phải nghiêng người để “ôm cua” bên phải. Tuy thế nhưng “người bạn đồng hành” của tôi hôm nay nhàn nhã hơn nhiều. Cả tuyến đường hơn 10 cây số là đường đất trước đây đều đã được bê tông hóa.

Nỗi lo lắng tan biến, chẳng mấy chốc tôi đã có cảm giác mình đang được đi một tua du lịch, khám phá. Hai bên đường rặt những bông hoa lau phết trắng từ rìa đường lên tới tận đỉnh đồi. Chốc chốc, trong bạt ngàn màu trắng ấy có những vầng hoa màu nhung tím. Đấy là những bông lau chưa kịp nở, từng ngọn lau vẫn như những mũi tên thẳng tắp hướng lên phía bầu trời. Tôi đã lấy làm tiếc khi mình không phải thi sĩ để nảy ra được những ý thơ hay trước khung cảnh quyến rũ này.

Tết này, xóm ta có điện

Còn đang mơ màng trước cảnh vật vừa mỏng manh, vừa hùng dũng. Tôi cho xe chạy thật chậm khi thấy người đàn ông trạc ngoại lục tuần đang “a lô, ừ ừ, mua rồi, giờ thích nước nóng có nước nóng, thích nước lạnh có nước lạnh”. Tôi có chút tò mò bởi chỉ khoảng 1 năm trước, ở Cao Biền gần như không có sóng điện thoại.

Người đàn ông đó là Triệu Sinh Hương, công dân của xóm Cao Biền. Ông đang nói với người thân việc đã mua chiếc bình nóng lạnh chạy bằng điện. Thứ đồ vật mà hơn 60 năm cuộc đời lần đầu tiên ông được biết đến. Hỏi về “cuộc sống mới” của bà con từ khi có điện lưới Quốc gia, ông Sinh hồ hởi: Bớt khổ nhiều rồi. Có điện rồi mới biết cuộc sống trước kia thiệt thòi thế nào.

Cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể từ khi có điện lưới Quốc gia

Tôi đến nhà Bí thư Chi bộ Triệu Phúc Tiến khi anh đang một mình lúi húi phủ tấm bạt to chừng dăm cái chiếu đôi để đậy đống cây thạch đen vừa thu cuối vụ. Hỏi anh về vụ thu hoạch cây thạch đen năm nay, anh cho biết: Bà con thu đến đâu bán hết đến đó. Chỉ còn lại nhà anh và 2 nhà nữa có mẻ thạch thu muộn nên còn lại khoảng 2 tấn cây khô mà thôi.

Nhưng việc tưởng như “tồn hàng” này lại không khiến anh Tiến và chủ nhân của số lượng cây thạch lo lắng, bởi thông thường, thạch để bán trái vụ (thời điểm vào hè mà chưa đến vụ thạch mới) sẽ được giá cao hơn gấp nhiều lần khi chính vụ (khoảng 55 – 60 nghìn đồng/1kg).

Một điều đáng mừng là năm nay, dù đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo khá nhiều lĩnh vực trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, cây thạch đen của người dân Cao Biền vẫn giữ giá, thậm chí có phần được giá hơn mọi năm. Giá 1kg cây thạch khô dao động từ 35 - 38 nghìn đồng. Mức giá này tuy không khác nhiều so với mọi năm, nhưng vụ thạch năm nay, người dân Cao Biền lời hơn vì không còn phải tự vận chuyển hàng xuống núi giao cho thương lái nữa. Đường bê tông đã có, những chiếc xe tải hạng nặng đã vào tận xóm bốc, xếp hàng.

Theo ước tính của Bí thư Chi bộ Triệu Phúc Tiến, bà con trong xóm đã thu được khoảng 20 tấn thạch xuất bán trong vụ này.

Ở Cao Biền, do địa hình đồi núi cao nên ruộng cấy lúa vô cùng ít ỏi. Nhà nào nhiều lắm may cũng chỉ đủ thóc ăn. Nguồn thu chính của người dân trông cả vào cây thạch và cây hồi. Cao Biền có 48 hộ, ngoài thạch đen, hầu hết các hộ đều sở hữu vài ba trăm gốc hồi lớn, nhỏ. Cây hồi bén rễ ở Cao Biền từ đầu năm 2000. Đây là loại cây gần chục năm mới cho thu hoạch và 3 năm sau bói mới cho sản lượng ổn định.

Vụ hồi tháng 8 vừa qua, mỗi cân hồi tươi có giá 26 – 27 nghìn đồng. Mức giá làm hài lòng những người trồng hồi ở Cao Biền. Tôi nhẩm tính rồi hỏi lại anh Tiến như muốn khẳng định: Tính sơ sơ ra, mỗi vụ gộp cả thạch và hồi, có gia đình cũng phải thu đến tiền trăm triệu chứ không ít?. Bí thư Triệu Phúc Tiến đồng tình: Những hộ có diện tích lớn thì cũng có thể đạt được mức đó đấy. Còn mức vài chục triệu thì không hiếm.

Tôi đùa, vậy là bà con mình giàu “ngầm” nhỉ?. Bí thư Tiến cười: Không hẳn là ngầm mà thực ra là trước đây đường sá quá khó khăn, điện không có nên dù có tiền cũng khó làm cho cuộc sống tiện nghi hơn được.

- Giờ chắc hẳn đã khác nhiều rồi? Tôi hỏi.

- Vâng, mừng cái là từ khi điện lưới Quốc gia về được đến xóm, ở đây đã có sóng 4G, không phải leo lên tận đỉnh dốc giáp địa phận tỉnh Lạng Sơn bắt sóng rơi như những năm trước. Và, hầu hết các gia đình đều mua sắm được phương tiện nghe nhìn như ti vi, đài, rồi tủ lạnh, máy giặt, bình nóng lạnh. Người dân không còn cảnh ăn thịt thật nhiều một ngày rồi nhịn những ngày sau đó.

Có sóng điện thoại giúp người dân Cao Biền thuận tiện trong việc tiếp nhận thông tin và liên lạc. Trong ảnh: Ông Triệu Sinh Hương, công dân xóm Cao Biền vừa kết thúc cuộc gọi với người thân.

Chuyện Bí thư Tiến đang nói tôi hiểu, một năm trở về trước, do không có điện, không có thiết bị bảo quản thực phẩm tươi sống. Trong khi, đường đi khó nên lâu lâu bà con mới đi chợ phiên được một lần. Thường thì ngày đi chợ, gia đình sẽ được cải thiện bằng các món tươi. Nhưng cho dù có nấu chín lên cũng không bảo quản được thức ăn lâu, nên các bữa cơm có thịt rất ít. Nhiều người đã từng chia sẻ với tôi rằng, tiếc nhất là những đợt sau Tết Nguyên đán. Vài nhà “đụng” nhau một con lợn ăn Tết cho tươm tất nhưng hầu như năm nào sau Tết cũng phải đổ bỏ thịt ít nhiều vì bị hỏng.

Năm nay, bà con Cao Biền ăn Tết sẽ vui và sung túc hơn rồi!

Một thông tin nữa từ chàng trai trẻ Triệu Phúc Tiến làm bất cứ ai cũng cảm thấy ấm lòng. Tính đến hết 2021, trừ 2 hộ gia đình thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thì ở Cao Biền không còn hộ nghèo. Tuy nhiên, xét tiêu chí mới của năm 2022, Cao Biền sẽ có 10 hộ nằm trong danh sách.

Bí thư Chi bộ Triệu Phúc Tiến bảo quản số cây thạch đã thu hoạch chờ khi được giá hơn sẽ bán đi.

Những tín hiệu vui

Cái no ấm ấy của bà con dân tộc Dao ở rẻo cao này là phần thưởng xứng đáng cho sự chịu thương, chịu khó của họ. Tôi nghĩ vậy. Nếu như ai hay đến các xóm, bản vùng cao, ở nhiều thời điểm đều dễ dàng để bắt gặp hình ảnh không ít người, nhất là thanh niên rong chơi nhàn tản. Khi được hỏi, họ thường đưa ra lý do là đang thời điểm nông nhàn, lúa vừa cấy, gặt xong nên không có việc gì làm, chẳng hạn. Nhưng đến Cao Biền bất kể vào thời điểm nào trong năm, nếu không phải giữa trưa và buổi tối thì may chăng khách chỉ có thể gặp đám trẻ mà thôi vì người lớn đều ở trên nương rẫy.

Tôi chào tạm biệt Bí thư Triệu Phúc Tiến vì được biết, đàn trâu trên núi đang chờ anh lên thả. Đi chừng thêm hơn 1 cây số, tôi khựng lại vì dòng chữ “STOP” màu đỏ, rất to trên nền đường. Bên cạnh là chiếc lều bạt với vài vật dụng đơn sơ, một chiếc giát giường kê trên mấy thanh củi chắc nịch. Thì ra đây là chốt phòng, chống dịch COVID-19 Cao Biền. Chữ “STOP” kia là tín hiệu báo cho những ai đi từ hướng Ngả Hai, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn qua xóm Cao Biền biết để dừng lại và khai báo y tế. Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên chốt tạm dừng hoạt động từ ngày 1/10/2021. Tuy nhiên, do người dân trong xóm rất có ý thức bảo quản tài sản chung nên mặc dù chốt đã để không mấy tháng nhưng vẫn sạch sẽ và sẵn sàng tái sử dụng bất cứ khi nào cần.

Mặc dù dân số ít và các gia đình phân bổ khá thưa nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn được xóm thực hiện nghiêm túc. Ảnh: Chốt kiểm soát dịch COVID-19.

Loáng cái đã gần 12h trưa, các nhà cửa vẫn khóa im lìm vì trẻ con thì học bán trú tại trường còn người lớn vẫn ở trên rẫy. Xa xa một mái ngói đỏ còn mới coóng nổi bật trên nền xanh của cây lá, trông rất có sức hút. Đến gần hơn còn thấy cả một chiếc téc nước bằng inox sáng loáng. Điều tôi rất ít khi nhìn thấy ở các bản làng vùng cao.

Đang trầm ngâm ngắm nghía ngôi nhà có phần khang trang nhất nhì xóm, tôi nghe tiếng loạt xoạt gần đó. Ồ! Thì ra ngay sau lưng ngôi nhà mái đỏ có một vườn hồi rất rộng. Chủ nhân là anh Triệu Tiến Ngân đang phát cỏ xung quang từng gốc cây. Nhà anh Ngân có hơn 300 gốc hồi. Cây nhỏ, anh trồng được dăm, bảy năm nay, còn phần lớn là những cây đã có tuổi đời hơn chục năm. Vụ vừa rồi, mỗi cây to cho sản lượng khoảng 40kg. Từ nguồn thu này giúp gia đình anh Tết này sắm sửa được thêm nhiều đồ dùng thiết yếu khác.

Tôi hỏi anh Ngân có thấy xóm làng đổi khác gì nhiều không từ khi có điện. Anh Ngân hồ hởi: Khác nhiều chứ. Xóm vui hơn nhiều. Trước cứ bảy, tám giờ tối là nhà nào biết nhà ấy. Tối om om, không đi ngủ cũng chẳng biết làm gì. Còn bây giờ nhiều nhà sắm loa đài hát vui lắm. Khi mà dịch COVID-19 chưa phức tạp, chị em phụ nữ ở xóm thì tối đến ra nhà văn hóa tập văn nghệ. Nhà tôi ở gần nên được nghe hát “miễn phí” thường xuyên. Anh Ngân cười rồi chỉ tay ra phía nhà văn hóa xóm.

Anh Triệu Tiến Ngân chăm sóc vườn hồi của gia đình.

Vị trí nhà văn hóa xóm Cao Biền mới xây ngay sát đường nên đi lại vô cùng thuận tiện. Công trình được xây dựng và hoàn thiện trong năm 2021, có diện tích to gấp 2, 3 lần nhà văn hóa cũ, được sơn màu vàng chanh tươi rói. Anh Ngân bảo: Đấy, cứ mỗi lần đến nhà văn hóa cũng phần nào giúp chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của xóm làng nên vui lắm. Tết này chắc chắn sẽ là một cái Tết vui nhất của người dân Cao Biền chúng tôi.

Nhà văn hóa xóm khang trang là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thường xuyên của người dân trong xóm.

Tôi đưa tay vít cành hồi, hít mùi hương của hoa đã bắt đầu trổ mã với những hình dung về một vụ hồi bội thu sau Tết. Song, trong lòng còn chút thắc thỏm lo âu và thầm mong các cấp quản lý, các cơ quan chuyên môn sẽ trực tiếp về lắng nghe tâm tư của bà con nhiều hơn để giúp bà con gỡ khó.

Người dân Cao Biền chỉ mong có địa chỉ nào để mua cây thạch giống đảm bảo chất lượng và giá thành ổn định. Lâu nay, cây thạch giống người dân chỉ có thể mua ở Ngả Hai nơi mình đi chợ phiên thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn. Nhưng cây giống giá cao và chất lượng không đồng đều, tỷ lệ chết cao. Với cây hồi cũng vậy, do không biết được địa chỉ các vườn ươm nên khi có nhu cầu cây giống người dân rất vất vả trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng chất lượng. Thêm vào đó, điều người dân ở Cao Biền vẫn đang cần đó là kỹ thuật chăm sóc cây để có thể tăng được sản lượng hồi, bởi dư địa để phát triển ở Cao Biền chắc chắn chưa dừng ở đó.

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy