Thứ tư, ngày 02 tháng 04 năm 2025
02:29 (GMT +7)

Đào Thanh Tịnh và nghiệp y võ

Y Võ Bảo Lâm Đường được xây dựng và thành lập năm 2004.  Mục tiêu Y Võ Bảo Lâm Đường hướng đến là trao truyền rộng rãi võ cổ truyền Việt Nam, kết hợp rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe và dùng các bài thuốc nam trị bệnh cứu người. Võ sư cao cấp, lương y Đào Thanh Tịnh chia sẻ: Trong thực hành võ học và y học, Y Võ Bảo Lâm Đường đề cao 5 đạo: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Vậy nên luyện võ để tu tâm, chữa bệnh cứu người để tích đức. Dù 2 việc võ và y có khác nhau, song bổ trợ tích cực cho nhau, nhưng cốt lõi ở đó là tinh thần văn hóa dân tộc.

Võ sư cao cấp Đào Thanh Tịnh luôn quan tâm đến việc dạy trò về đạo làm người quân tử
Võ sư cao cấp Đào Thanh Tịnh luôn quan tâm đến việc dạy trò về đạo làm người quân tử

Con đường võ học

Tổ đình Võ phái Bảo Lâm Đường nằm khiêm tốn trong ngõ 18, đường Tân Quang, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên). Người lập nên Tổ đình này là Trưởng môn, võ sư cao cấp Đào Thanh Tịnh, 56 tuổi. Quắc thước, vạm vỡ, vững chãi như cây lim, cây táu trên rừng; khi luyện công phu lại mạnh như hùm beo, song tính lại ôn hòa dễ mến. Chính vì thế môn phái ông sáng lập thu hút được đông đảo học trò ở các lứa tuổi, từ cụ già ở tuổi “Thất thập cổ lai hy” đến trẻ em chưa đủ tuổi vào học lớp 1.

Võ sư cho biết: Tùy theo độ tuổi, thể trạng sức khỏe và khả năng thích ứng của mỗi người, từ đó Võ phái có giáo trình hướng dẫn phù hợp cho các môn sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau… Chứng kiến các trợ huấn luyện viên tận tụy hướng dẫn, uốn nắn cho môn sinh từng động tác cơ bản như về các thế tấn, đường quyền, kỹ thuật điều khí trong cơ thể mới thấy võ học là một sự khổ luyện cả về thể xác và tinh thần. Nhưng đổi lại là rèn dạy nên những con người có thể lực khỏe khoắn, sức bền bỉ, đức tính nhẫn nhịn, kiên trì, thậm chí luôn chịu thua thiệt.

Nhìn võ sư, Trưởng môn phái múa thanh long đao loang loáng, các học trò phấn khích, răm rắp tập luyện với mong muốn sớm hoàn thiện các bài quyền thuật và sử dụng thành thạo các loại binh khí như: kiếm, côn, đao, kích… để về sau có cơ hội duy trì, phát triển và bảo tồn võ cổ truyền dân tộc. Thực tế đã có hàng nghìn nam, phụ, lão, ấu đến đây bái sư luyện nghệ, trong số họ có người nay đạt đẳng võ sư, hoặc lĩnh đủ nghệ để lập võ đường cho riêng mình. Nhiều người vào phục vụ trong lực lượng vũ trang khi thực hiện nhiệm vụ thấy tự tin, bản lĩnh hơn trong thời điểm đối diện với tội phạm.

- Anh có biết bài hát “Hà Tây quê lụa” không?. Vẫn đeo những vòng sắt trên tay để luyện công phu (2kg/vòng, 6 vòng/tay), bất chợt võ sư hỏi tôi:

 - Có chứ. Tôi trả lời: Trong bài có câu “Cô gái suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”, vùng đất quê lụa Hà Tây xưa (nay là Hà Nội)…

- Đúng vậy. Không chỉ nổi tiếng về sự gan dạ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, mà còn là vùng đất vua Quang Trung đã dừng chân nghỉ ngơi khi dẫn quân tiến ra Bắc (1/1789) đánh giặc Mãn Thanh, giải phóng thành Thăng Long, vùng đất vua Quang Trung cho binh tướng dừng chân, thao luyện trước khi hạ thành Thăng Long…

Võ sư cao cấp Đào Thanh Tịnh tại Tổ đường Võ phái
Võ sư cao cấp Đào Thanh Tịnh tại Tổ đường Võ phái

Cậu bé Tịnh cũng như các bạn đồng ấu ngày ấy thích đánh trận giả, học võ để hết bệnh sài đẹn, có thân hình nở nang để ngày sau phụng sự đất nước. Những thế võ, miếng võ cổ truyền học được từ các đàn anh trong làng đã ngấm vào máu thịt, cả lúc ngủ cũng nghĩ tới các đòn thế ở những tình huống giả định khác nhau.

17 tuổi, Đào Thanh Tịnh - chàng trai Cầu Giẽ lên thị xã Hà Đông học trung cấp kinh tế, chuyên ngành kế toán và học thêm nghề nhiếp ảnh. Vừa học, vừa kiếm sống, bận rộn mấy anh vẫn dành thời gian tập luyện võ thuật mỗi ngày. Khi hoàn thành chương trình trung cấp kế toán và có nghề ảnh trong tay, anh bắt đầu với hành trình qua nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trên hành trình ấy anh gặp thêm những bậc thầy võ thuật, được chỉ bảo thêm những bài võ cổ truyền cũng như những ngón đòn tuyệt đỉnh của võ học.

Anh kể: Đã là người học võ, đương nhiên có nhiều bạn võ đến xin thử sức. Một người bạn ở tỉnh Quảng Bình làm ăn rất khó khăn vì bị các đối tượng ngoài xã hội dọa nạt. Tôi đã vào đó giúp bạn giải quyết êm đẹp. Nhưng không phải bằng những ngón đòn công phu, mà bằng cách thu phục nhân tâm.

“Tứ hải giao huynh đệ”, đâu cũng là bè bạn, người luyện võ thường có tâm niệm quảng đại như vậy. Chính vì thế mà đi đến đâu anh cũng có bạn võ, bạn văn. Anh chia sẻ: Ở đời biết tha thứ, bỏ qua cái xấu của người khác là cách giúp người mắc lỗi sửa chữa sai lầm. Nhất là trong võ học: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”. Tôi luyện võ nhưng chưa bao giờ dụng võ với người yếu thế hơn mình.

Cả khi đạt đẳng Võ sư cao cấp, anh vẫn thường nói với học trò của mình: Kiến thức võ học mênh mang như biển cả, càng học, càng thấy mình nhỏ bé. Cũng vì nghĩ suy như thế nên khi còn trẻ, nghe ở đâu có thầy giỏi võ là anh tìm đến xin làm đệ tử. Một chiêu thức cũng là thầy, một lời khuyên cũng là thầy. Nghe lời khuyên của bạn làm ăn, năm 1994 anh đến Thái Nguyên mở đại lý buôn bán ắc quy, kiêm thêm nghề chụp ảnh đám cưới và tiếp tục tầm sư học võ đạo. Anh tâm sự: Võ môn nào cũng có tinh túy và thể hiện được tuyệt đỉnh công phu. Ví như võ tổng hợp của bộ đội đặc công thường có những đòn hiểm hạ gục đối phương trong chớp mắt. Còn võ cổ truyền Việt Nam thiên biến vạn hóa, uyển chuyển linh hoạt giúp người rèn luyện nâng cao thể lực, phản xạ mau lẹ nên được coi là di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Cũng những ngày đầu lên Thái Nguyên lập nghiệp, anh mở lớp dạy võ cổ truyền Việt Nam với khát vọng được cống hiến khả năng của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn tinh hoa võ thuật Việt. Địa điểm thuê mượn lúc ở sân Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, khi ở Nhà thi đấu thể dục - thể thao tỉnh. Võ sinh theo lớp ban đầu có dăm ba bạn nhỏ, nhưng tôi thấy vui vì chí ít cũng có người đam mê võ cổ truyền của dân tộc mình.

“Vạn sự khởi đầu nan”, thế là quý vì đã có học trò hằng ngày theo anh tập luyện những bài quyền thuật từ đơn giản và học tiếp lên các thứ bậc cao hơn. Rồi câu chuyện võ cổ truyền theo học trò lan tỏa về các ngõ phố. Một số võ sinh ở môn phái khác cũng đến đăng ký học võ cổ truyền với ý thức học để gìn giữ tinh hoa võ môn dân tộc. Và như người đi đường dài, cần mẫn, kiên trì, không gấp gáp, nhiều võ sinh đã đạt tới đỉnh cao nhất định của công phu, trở thành cộng sự đắc lực giúp anh mở rộng võ đường.

Để võ đường hoạt động ổn định, năm 2002 anh lập Tổ đình võ phái. Dù ở trong ngõ nhỏ, nhưng Tổ đình thu hút được nhiều người tìm về tham gia học võ, luyện tập công phu nâng cao thể trạng sức khỏe. Khát vọng được cống hiến, truyền dạy tinh hoa võ cổ truyền Việt Nam của anh được hiện thực hóa bằng việc trao truyền cho các thế hệ những bài quyền thuật và bí kíp đỉnh cao của công phu võ môn. Góp phần lan tỏa tinh thần thượng võ và bảo tồn, phát triển di sản văn hóa của dân tộc.

Võ sư cao cấp Đào Thanh Tịnh với bài: “Thiên long đại đao”
Võ sư cao cấp Đào Thanh Tịnh với bài: “Thiên long đại đao”

Y - Võ song hành

Phàm là người luyện võ thâm hậu thường hiểu biết sâu sắc về hệ thần kinh, huyệt đạo trên cơ thể người. Trong quá trình tập luyện thân thể bị trầy xước, bầm dập là điều khó tránh, chính vì thế các sư phụ trong võ đường thường là người am hiểu về bài thuốc nam để chẩn trị vết thương cho đệ tử và chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Y võ Bảo Lâm Đường là một trong những cơ sở như thế.

Việc kết hợp rèn luyện võ thuật với chữa bệnh được Bảo Lâm Đường thực hiện song hành. Nhưng võ sư cao cấp Đào Thanh Tịnh, Trưởng môn phái không đặt chữ Võ lên trước, mà coi trọng, đề cao chữ Y. Vậy mới thành Y Võ. Dù thành tựu trong nghiệp võ của mình anh gặt hái được khá nhiều thành công. Bằng chứng là những tấm Bằng khen được treo kín một khoảng tường nhà Tổ đình võ phái do Cục Thể dục thể thao; Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và của UBND tỉnh trao tặng cho anh về các thành tích liên quan đến võ thuật. Cùng đó là hàng trăm tấm huy chương Vàng, Bạc, Đồng các môn sinh giành được từ các đấu trường danh giá trên toàn quốc.

Cởi phục võ, Võ sư cao cấp Đào Thanh Tịnh là lương y
Cởi phục võ, Võ sư cao cấp Đào Thanh Tịnh là lương y

Trong Luận văn võ học của mình anh cũng đề cao 5 đạo làm người quân tử là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Quan điểm học võ là để tu tâm, dưỡng tính, còn dạy võ là dạy đạo làm người. Chính vì thế võ đường có nhiều bạn trẻ khi đến học có mang theo suy nghĩ tiêu cực, như học võ để trả thù, thậm cho một dự định thiếu lành mạnh. Nhưng chỉ sau một thời gian rèn luyện đã biết buông bỏ sân hận, sống bao dung, vị tha và luôn có tinh thần sẵn lòng giúp đỡ người khó khăn hoạn nạn.

Với anh, y và võ cùng là duyên nghiệp. Gia đình làm nghề đông y nên từ nhỏ anh đã làm quen với các cây thuốc nam. Lớn hơn một chút anh được ông nội hướng dẫn việc nhìn mặt bệnh nhân mà chẩn đoán ra bệnh, rồi kết hợp các loại cây, lá, rễ, củ thành bài thuốc nam chữa bệnh hiệu quả. Còn nghiệp võ, đi đến đâu anh cũng gặp bạn để học hỏi, giao lưu trau dồi nghiệp nghệ. Cả khi đạt chuẩn võ sư, rồi võ sư cao cấp anh vẫn tích cực tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện về võ cổ truyền, nhất là các lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Ủy ban Thể dục thể thao tổ chức. Về y thuật anh tích cực tham gia một số lớp đào tạo chuyên sâu của Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên. Học châm cứu với thầy Nguyễn Tài Thu. Học lớp y sỹ y học cổ truyền Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác (Hà Nội). Anh chia sẻ: Võ cổ truyền Việt Nam giống như một con đường lớn, đi mãi cho đến hết đời người vẫn chưa thấy điểm cuối. Đông y cũng thế, biến hóa linh hoạt, cùng một thứ bệnh nhưng mỗi người lại cần có bài thuốc điều trị khác nhau. Ví như có người mang thân nhiệt, người có thân hàn, dựa trên cơ sở đó mà tăng, giảm từng loại cây thuốc.

Đứng trước các học trò anh là võ sư cao cấp. Khoác áo blu trắng anh hiện thân là thầy thuốc đông y. Mọi việc rõ ràng, mạch lạc nhưng tình cảm chan hòa gần gũi. Trong hành Y, ngoài việc tự tay điều chế thuốc chữa bệnh, anh trực tiếp điều trị cho bệnh nhân và bà con trong vùng có nhu cầu. Bằng phương pháp kết hợp luyện khí công, nội công, khai thông huyệt đạo, vật lý trị liệu và sử dụng cây thuốc nam, Y - Võ Bảo Lâm Đường đã giành lại sự sống khỏe mạnh cho nhiều bệnh nhân. Cụ Đồng Minh Tôn, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) là một trường hợp như thế. Khi gia đình đưa đến trị bệnh thần kinh tọa, cụ không tin mình sẽ bình phục lại sức khỏe như bình thường. Nhưng sau nửa tháng châm cứu, bấm huyệt, uống thuốc nam kết hợp luyện tập võ công, cụ lành bệnh và bái sư học võ. Thấy sức khỏe cải thiện nhanh chóng, cụ vận động các thành viên Câu lạc bộ Xe đạp của phường Quang Trung về Y Võ Bảo Lâm Đường cùng tham gia luyện tập, rèn luyện sức khỏe làm gương cho con cháu. Trong số đó có cụ Hà Văn Năng, cùng phường. Cũng từ đó Câu lạc bộ Xe đạp đổi tên thành Câu lạc bộ Xe đạp - Võ thuật.

Nay cụ Tôn 92 tuổi, cụ Năng 82 tuổi, 2 cụ đứng ra lập Tổ Võ phường Quang Trung, tập hợp được gần 30 võ sinh đều dặn thao luyện vào buổi sáng các ngày trong tuần. Cụ Năng cho biết: Rèn luyện võ cổ truyền, ngoài nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật còn thể hiện được tinh thần văn hóa dân tộc… Còn anh Trần Tuấn Anh, xóm Lược, xã Phục Linh (Đại Từ) đang điệu trị bệnh tại Y Võ Bảo Lâm Đường cho biết: Từ hơn 1 năm nay tôi đứng lên, ngồi xuống rất khó khăn do bệnh đau lưng. Tôi vào đây điều trị được 1 tuần thì việc vận động thân thể trở nên dễ dàng hơn.

Là Võ sư cao cấp, song ông luôn gần gũi, uốn nắn cho học trò các bài quyền thuật cơ bản của Võ cổ truyền Việt Nam
Là Võ sư cao cấp, song ông luôn gần gũi, uốn nắn cho học trò các bài quyền thuật cơ bản của Võ cổ truyền Việt Nam

Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân trong, ngoài tỉnh, có cả người nước ngoài tìm đến Y Võ Bảo Lâm Đường để chẩn, trị bệnh và theo học võ công. Các bệnh Y Võ Bảo Lâm Đường đặc trị như: Tọa cốt thống, tê liệt thần kinh, tai biến não bị liệt, thoái hoá xương khớp, dạ dày, đại tràng, viêm xoang và bệnh về đường hô hấp...

Theo dòng chảy thời gian, Y Võ Bảo Lâm đường ngày càng có nhiều người tìm đến luyện võ và chẩn trị bệnh. Nhiều học trò đã mở được y - võ riêng như võ sư Phan Văn Khôi, Chủ nhiệm Võ đường Kim Sơn Tự. Chuẩn võ sư Trần Hồng Anh, Chủ nhiệm Võ đường Hồng Anh Thiếu Lâm; Chuẩn võ sư Trần Quốc Hữu, Chủ nhiệm võ đường Bảo Châu; Chuẩn võ sư Trần Thanh Quỳnh, Chủ nhiệm Võ đường Bảo Quang; Huấn luyện viên Phạm Quang Tùng, chủ nhiệm một số câu lạc bộ... và nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao phường, xã và một số trường học trên địa bàn tỉnh cũng đến Y Võ Bảo Lâm Đường tầm sư học đạo, hoặc mời thầy về truyền dạy các bài tập phù hợp với các độ tuổi.

Y Võ Bảo Lâm Đường đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong xã hội. Nổi bật là việc tham gia trao truyền, phát triển võ cổ truyền Việt nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và ở lĩnh vực y học. Đặc biệt Bảo Lâm Đường đang cùng các môn phái võ cổ truyền Việt Nam đồng hành cùng tỉnh nhân lên tinh thần thượng võ đất thép gắn với văn hóa xứ trà Thái Nguyên. Cùng hướng đến một Thái Nguyên mạnh khỏe, cường thịnh và hạnh phúc.

Phạm Ngọc Chuẩn

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy