Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
20:48 (GMT +7)
Trường Sa: Chuyện kể giữa trùng khơi

Bài 4: Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa

VNTN- Trong hải trình đến Trường Sa lần này, chúng tôi đã may mắn được ghé thăm những ngôi chùa trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông. Không phải như những công trình vật chất thông thường, những ngôi chùa ở Trường Sa tựa những "ngọn hải đăng tâm linh" soi sáng lòng người giữa đại dương mênh mông.

Bài 4. Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa
Vẻ đẹp cổ kính của chùa Song Tử Tây

Bước chân lên đảo Song Tử Tây, tôi như lạc vào một bức tranh kỳ vĩ. Chùa Song Tử Tây nổi bật giữa biển xanh bao la và bầu trời xanh thẳm.

Ngôi chùa hiện lên trang nghiêm nhưng cũng đầy gần gũi, như một điểm tựa vững chãi giữa sóng gió đại dương.

Đây là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa, với cửa chùa mở ra hướng biển, mang đến một vẻ đẹp độc đáo mà tôi chưa từng thấy. Tam quan hai tầng, mái ngói cong vút, chính điện vững chãi, tất cả kết hợp hài hòa với thiên nhiên, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.

Dưới bóng cây bồ đề rợp mát, những pho tượng Phật hiền từ đứng lặng lẽ, ánh mắt như dõi theo từng con sóng vỗ về, từng bước chân của những người con xa xứ.

Nổi bật trong chùa là pho tượng Phật ngọc Quan Âm Bồ Tát, món quà quý giá từ Liên đoàn Phật giáo thế giới gửi tặng Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ tướng đã tặng lại chùa, mong muốn đức Phật từ bi phù hộ độ trì cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, khỏe mạnh, và cho đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tượng Phật ngọc cũng là lời nguyện cầu cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng và cùng phát triển, thịnh vượng.

Bài 4. Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa
Chùa hướng cửa ra biển

Lời tâm sự giản dị mà sâu sắc của Đại đức Thích Nhuận Hoàng, trụ trì chùa Song Tử Tây, khiến tôi không khỏi xúc động:

"Ở đây, chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là ngọn đèn sáng giữa biển khơi, là điểm tựa tinh thần cho những người lính và ngư dân nơi đảo xa. Mỗi ngày, chúng tôi chăm sóc từng gốc cây, ngọn cỏ trong khuôn viên chùa. Chúng tôi gìn giữ không chỉ niềm tin mà còn là tình yêu với biển cả, với đất nước. Dưới mái chùa này, dù cách xa đất liền, nhưng lòng người vẫn luôn ấm áp, yên bình. Đây là nơi kết nối tâm linh, mang lại hy vọng và tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo".

Đang cùng cậu con trai nhỏ chăm sóc những mầm cây mới nhú trong sân chùa, chị Nguyễn Thị Lơ dừng tay chia sẻ:

Là cư dân của đảo, đã thành thói quen tôi luôn đợi tiếng chuông chùa ngân lên mỗi buổi sáng như lời chào ngày mới. Đến đây không những giúp tôi cảm thấy lòng mình được an yên hơn mà tôi cảm nhận được sự hiện diện của quê hương trong từng tiếng chuông chùa vang vọng. Tiếng chuông giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà và cảm thấy mình được tiếp thêm niềm tin trong cuộc sống.

Bài 4. Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa
Vẻ đẹp thanh bình của chùa Sinh Tồn khi đêm xuống

Khác với vẻ đồ sộ và uy nghi của chùa Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn như một viên ngọc bình dị, ẩn mình giữa biển khơi, mang trong mình nét đẹp giản dị như một ngôi chùa làng Bắc Bộ thu nhỏ.

Cửa chùa mở ra một không gian tĩnh lặng, nơi mọi thứ đều toát lên sự bình yên, như thể đất trời đã dừng lại, nhường bước cho những tâm hồn đang tìm kiếm sự thanh thản.

Bước qua ngưỡng cửa, bên trái là lầu chuông, nơi mỗi tiếng chuông vang lên lại như xua tan đi những bộn bề của cuộc sống, bên phải là bát hương thờ 64 Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma - những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển xanh, để đất nước này mãi mãi được yên bình.

Tượng Quan Âm đứng hiền từ dưới bóng cây bồ đề xanh tươi, hòa mình trong gió biển, bên cạnh là hàng phong ba rắn rỏi, tất cả tạo nên một khung cảnh vừa thân thuộc, vừa độc đáo, chỉ có thể tìm thấy ở nơi này - Trường Sa.

Mỗi ngày, khi ánh hoàng hôn bắt đầu nhường chỗ cho màn đêm, đúng 18 giờ 30 phút, thầy trụ trì Thích Quy Thái sẽ thỉnh chuông, âm thanh ngân vang trong không gian tĩnh lặng, là lời cầu nguyện cho các linh hồn siêu thoát, cho các chiến sĩ và người dân trên đảo được bình an.

Những ngày lễ, Tết, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cùng nhau tụ họp, ngồi dưới mái chùa, dâng nén nhang thơm lên trời cao, cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho những anh hùng liệt sỹ được siêu thoát, cho những người thân yêu nơi đất liền được mạnh khỏe, bình an. Và, trong lòng mỗi người, cũng có lời cầu mong cho đảo bớt đi những trận cuồng phong, bão táp, để lòng người thêm vững vàng, gắn kết.

Bài 4. Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa
Đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ

Chùa Sinh Tồn không chỉ là nơi cầu nguyện cho quốc thái dân an, mà còn là nơi gửi gắm những nỗi niềm của người dân trên đảo. Mỗi khi có người thân qua đời, họ lại tìm đến chùa, nhờ thầy trụ trì thực hiện nghi lễ cầu siêu, để đưa linh hồn người quá cố trở về với tổ tiên, đất mẹ.

Những buổi lễ tưởng niệm diễn ra trong không gian trang nghiêm, dưới ánh sáng dịu dàng của nến và hương trầm. Tiếng chuông ngân vang, như một lời chia buồn, như một sự an ủi để con người ta vơi đi nỗi nhớ.

Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng dịu dàng từ những chiếc đèn chiếu sáng như phủ lên chùa một lớp áo huyền bí. Đứng dưới tán cây bàng vuông, tôi cảm nhận được mùi hoa nở, hương thơm dịu ngọt như lan tỏa trong gió, hòa quyện cùng mùi hương trầm của nhang.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy Trường Sa và đất liền như gần lại, như chỉ một bước chân thôi là có thể chạm tới. Chính trong giây phút ấy, tâm trí tôi tràn ngập sự bình yên, vững tin vào những điều thiêng liêng, giản dị mà sâu sắc.

Bài 4. Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa
Chùa Sinh Tồn Đông

Điểm cuối cùng trong hải trình của chúng tôi là đảo Sinh Tồn Đông. Ngôi chùa ở đây nép mình dưới bóng những hàng cây phong ba kiêu hãnh, không gian tĩnh lặng đến mức có thể nghe rõ từng tiếng sóng vỗ, từng tiếng gió thì thầm. Những tiếng kinh vang lên, hòa quyện cùng âm thanh của biển cả, mang theo lời nguyện cầu vượt qua mọi sóng gió để Tổ quốc mãi vẹn toàn.

Trong ánh chiều tà, nhìn từ xa, những mái chùa cong vút như cánh chim đang cất cánh, kiêu hãnh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi rời Trường Sa, mang theo hình ảnh những ngôi chùa soi bóng xuống đại dương xanh thẳm, như đang kể lại câu chuyện về con người, về niềm tin bất diệt giữa trùng khơi. Những “mái chùa che chở hồn dân tộc” giữa biển cả mênh mông cũng chính là minh chứng cho sự hiện diện vĩnh cửu của bản sắc văn hóa Việt giữa biển Đông rộng lớn.

(Còn nữa)

Kim Ngân

Bài 3: Đảo xanh giữa đại dương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bài 5: Những lớp học đặc biệt trên đảo tiền tiêu

Hướng về biển đảo quê hương 1 giờ trước

Bài 3: Đảo xanh giữa đại dương

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Bài 2: Nơi máu thắm lá cờ Tổ quốc

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Tết ở Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 năm trước

Yêu biển đảo qua lời thơ, câu hát

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước