Trường Sa: Chuyện kể giữa trùng khơi
Bài 5: Những lớp học đặc biệt trên đảo tiền tiêu
VNTN- Nếu một lần được đặt chân lên các đảo của quần đảo Trường Sa, bạn sẽ khó lòng kìm nén cảm xúc trước khung cảnh mộc mạc mà kiên cường giữa muôn trùng sóng gió. Nơi đây, giữa màu xanh bất tận của biển trời, nổi bật lên hình ảnh những ngôi trường nhỏ bé, nơi những "mầm xanh" của Tổ quốc đang được vun trồng bằng tình yêu và sự tận tụy của những người thầy.
Ngôi trường nhỏ giữa đại dương
Trường Song Tử Tây nằm nép mình giữa khu dân cư trên đảo, đơn sơ với hai phòng học nhỏ sơn màu xanh nhạt. Dẫu giản dị, ngôi trường lại mang trong mình sứ mệnh lớn lao: mang con chữ đến với trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.
Buổi sáng trên đảo, không gian như tĩnh lặng hơn trong tiếng sóng biển vỗ nhẹ vào ghềnh đá. Ánh bình minh rực rỡ dần trải dài khắp sân trường, nơi những tán bàng vuông lay động trong làn gió mát lành từ biển khơi. Tiếng trống trường vang lên không náo nhiệt như đất liền, mà chậm rãi, nhẹ nhàng, hòa quyện với nhịp thở của thiên nhiên.
Những học sinh nhỏ, chỉ hơn chục em, quần áo gọn gàng bước vào lớp dưới ánh nhìn hiền hậu của thầy giáo trẻ. Không có tiếng ồn ào, không bước chân vội vã, chỉ có sự bình yên, nơi từng con chữ được gieo xuống như những hạt giống quý giá giữa đại dương.
Điểm đặc biệt nhất của những ngôi trường trên đảo là mô hình lớp học ghép. Đây có thể là một khái niệm xa lạ với nhiều người ở đất liền nhưng đã trở thành quen thuộc trên hòn đảo tiền tiêu này.
Thầy Bùi Tiến Anh, một giáo viên trẻ, đảm nhiệm việc dạy học sinh lớp 1 và lớp 5 tại Song Tử Tây. Sau khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Khánh Hòa, thầy nhận công tác tại Nha Trang một năm trước khi tình nguyện ra đảo.
Thầy Tiến Anh chia sẻ về những bỡ ngỡ khi mới bắt đầu: “Trong đất liền, một lớp chỉ có một trình độ, nhưng ở đây, chúng em phải dạy cùng lúc nhiều trình độ, từ mầm non đến lớp 5. Ban đầu, em khá lo lắng vì chưa quen với việc này. Sau đó, em liên lạc với các thầy từng công tác tại đảo để học hỏi kinh nghiệm, và dần thích nghi".
Để đạt hiệu quả, thầy giáo Bùi Tiến Anh áp dụng phương pháp dạy tách môn. "Nếu lớp 5 học Toán, cùng buổi đó, lớp 1 sẽ học Tiếng Việt. Khi các em lớp 5 làm bài tập, em quay sang hướng dẫn lớp 1. Nhờ vậy, các em đều có thể tập trung và tiếp thu bài tốt hơn", thầy Tiến Anh chia sẻ.
Ở phòng học bên cạnh, thầy Lê Thanh Chiến đảm nhiệm dạy trình độ học sinh lớp 2 và lớp 3. Đây là năm thứ hai thầy Chiến công tác tại đảo. Nói về các học trò nhỏ, ánh mắt thầy ánh lên niềm tự hào: "Các em ngoan lắm, thông minh và tiếp thu bài rất nhanh, chẳng khác gì các học trò ở đất liền. Ngoài giờ học, các em còn quấn quýt với thầy, giúp chúng em có thêm thời gian bảo ban, hướng dẫn bài về nhà cho tụi nhỏ".
Dạy học ở đảo xa không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, mà còn là hành trình nuôi dưỡng lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh việc thực hiện chương trình giảng dạy theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô còn dành tâm huyết chuẩn bị những bài học ngoại khóa, lồng ghép kiến thức lịch sử địa phương, và tổ chức những buổi thực tế quanh đảo. Qua đó, các em học sinh không chỉ hiểu biết thêm về quê hương mà còn hình thành tình yêu sâu sắc với đất nước, biển đảo của Tổ quốc.
Cũng như trường học trên đảo Song Tử Tây, trường học trên đảo Sinh Tồn chỉ có hai lớp học nhỏ, nhưng chứa đựng cả bầu trời yêu thương và nhiệt huyết của những người thầy, trong đó có thầy giáo Trương Hồng Lĩnh.
Sinh năm 1985, thầy Lĩnh đã có 16 năm gắn bó với trường tiểu học Diên Xuân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Âp ủ lớn nhất từ thời sinh viên của thầy là được ra công tác tại Trường Sa vẫn luôn cháy bỏng. Sau nhiều năm kiên trì gửi đơn tình nguyện, cuối cùng, vào năm 2023, khi bản thân đáp ứng đầy đủ tiêu chí về độ tuổi, trình độ và tư cách đảng viên, thầy đã thực hiện được giấc mơ của mình.
Lần đầu đặt chân lên đảo, thầy Lĩnh không tránh được cảm giác lạ lẫm: Môi trường sống khác biệt hoàn toàn với đất liền, không quán xá nhộn nhịp, không những buổi tụ hội bạn bè quen thuộc. Sinh hoạt hàng ngày cũng thay đổi đáng kể, từ việc ăn uống cho đến đi lại. Lớp học nơi đây không giống như ở đất liền với nhiều thầy cô thay phiên đứng lớp từng môn.
Ở đây, một mình thầy Lĩnh đảm nhiệm tất cả: từ Toán, Tiếng Việt, Khoa học, đến cả Tiếng Anh và Tin học.
Ra đảo, cac thầy như thầy Lĩnh trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn và chăm sóc cây cảnh như một thú vui giúp vơi nỗi nhớ nhà. Thế nhưng, đổi lại, trên đảo cũng có những thứ mà đất liền không có.
Thầy Lĩnh hào hứng kể: không khí trên đảo trong lành khiến con người mình tự cảm nhận được mình khỏe hơn. Đêm trên đảo, trăng to, sáng vằng vặc, điều mà ở trên đất liền không thể nào thấy. Những hộ dân trên đảo thân thiết như người trong gia đình, cùng nhau chăm lo cho lũ trẻ, chia sẻ từng niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống,…
Tôi đến thăm lớp đúng lúc thầy Lĩnh đang dạy các em phần lập trình cơ bản trong môn tin học. "Học sinh ở đây được học đầy đủ nội dung không khác gì so với đất liền", thầy Lĩnh vừa chia sẻ, vừa chăm chú hướng dẫn một em nhỏ trên máy tính.
Lớp học đặc biệt này chỉ có 5 học sinh: 4 em lớp 1 và 1 em lớp 5. Chính số lượng ít ấy lại tạo điều kiện để thầy chăm lo cho từng em một cách kỹ lưỡng, như một gia sư tận tình. Thầy ân cần chỉnh từng nét chữ, rèn từng bài đọc, và không ngại dành cả mùa hè để kèm cặp, kể chuyện, cùng các em luyện viết và học thêm.
“Các cháu ở đây rất hồn nhiên và đặc biệt tự giác. Nhiều cháu mới lớp 1 nhưng đã khiến tôi bất ngờ vì sự tự lập của mình”, thầy Lĩnh tự hào chia sẻ.
Trên đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, lớp học không rộn ràng tiếng cười đùa như nơi đất liền, nhưng lại tràn đầy hơi ấm của tiếng giảng bài vang vọng, hòa cùng ánh mắt trong veo của lũ trẻ, trong xanh như bầu trời trên biển. Tiếng sóng vỗ nhịp nhàng, lặng lẽ làm nền cho sự tận tụy, kiên nhẫn của thầy giáo nơi đây. Giữa đầu sóng ngọn gió, từng con chữ được gieo vào tâm hồn trẻ thơ như những hạt giống hy vọng, vươn mình mạnh mẽ giữa biển khơi bao la, khơi dậy trong các em niềm tự hào sâu sắc về quê hương giữa lòng Tổ quốc.
(Còn nữa)
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...