Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
20:59 (GMT +7)
Trường Sa: Chuyện kể giữa trùng khơi

Bài 3: Đảo xanh giữa đại dương

VNTN- Từ tàu HQ-571, hình bóng xanh ngút của đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông… dần hiện ra trong tầm mắt khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Đó là màu xanh thanh bình giữa biển khơi, màu xanh của những cây tra, bàng vuông, phi lao, và những vườn rau xanh mướt. Thật khó tin, trên những hòn đảo nhỏ giữa biển khơi, nơi thường xuyên đối mặt với hạn hán, bão tố lại có thể xanh đến thế!

 

Đảo xanh giữa đại dương
Màu xanh bên âu cảng Song Tử Tây

Vững vàng giữa sóng gió

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân lên các đảo chính là những Cây Di sản như phong ba, bàng vuông hiên ngang che bóng mát cho quân và dân qua bao cơn bão biển. Với tuổi đời hàng trăm năm tuổi, Cây Di sản trên huyện đảo Trường Sa góp phần như những cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam từ bao đời. Cây bàng vuông, mù u và phong ba là những loài có sức sống mãnh liệt trong môi trường sống khắc nghiệt. Đây cũng là những loài cây đặc thù tạo nên mảng xanh rộng lớn trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Bên cạnh những Cây Di sản là hàng nghìn hàng cây xanh khác ngày qua ngày tỏa bóng mát rộng lớn trên những hòn đảo tiền tiêu.

Đảo xanh giữa đại dương
Cây phong ba - Cây Di sản Việt Nam trên đảo Song Tử Tây

Khí hậu khắc nghiệt nơi đây khiến việc trồng cây xanh vô cùng khó khăn. Có những cây mất nhiều năm chăm sóc mới lớn, nhưng chỉ một đợt bão có thể làm gãy đổ hàng loạt. Sau mỗi cơn bão, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo lại thu dọn, dựng lại và chăm sóc cho cây từng chút một. Nhiều mầm cây mọc lên từ chính vết gãy, vươn lên, mang hình dáng đặc biệt như ý chí kiên cường của những người lính đảo.

Ở Trường Sa, ngoài những loài cây đặc trưng vốn đã quen với điều kiện nắng gió như: Tra, bàng vuông, bão táp, mù u, phi lao..., còn có nhiều loại cây ăn quả như: Xoài, mãng cầu xiêm, thanh long, chuối, đu đủ, dừa, dưa hấu… Đứng ở đây, tôi có thể cảm nhận được hơi thở của đất liền, tình cảm của Nhân dân cả nước dành cho Trường Sa.

Vườn thanh long góp phần xanh hóa đảo Song Tử Tây
Vườn thanh long góp phần xanh hóa đảo Song Tử Tây

Dẫn chúng tôi đi giữa những hàng cây tra rợp bóng, ông Cao Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây, một trong những người gắn bó với đảo lâu năm nhất chia sẻ: Để có được hàng cây này là mồ hôi, công sức của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi đã kiên trì chăm sóc, ươm mầm và nhân giống từng loại cây xanh giữa điều kiện khắc nghiệt.

Nói rồi ông chỉ tay về phía những cây tra còn chi chít “vết thương chưa liền sẹo” bảo: Mấy hôm trước, gió lớn làm cây “ngã”, chúng tôi phải chống cây, buộc cành mong nó hồi phục. Trồng được một cây ở đây đã khó, giữ được cây còn khó hơn nhiều.

Tôi thấy nhiều cành cây bị gió xé toạc, với những vết nham nhở còn lưu lại trên thân cây. Nhiều cành chưa bị gió làm gãy hẳn được cán bộ, chiến “băng bó” mong nó có thể liền lại.

Để tôi có thể hiểu thêm về đảo, trung tá Vũ Mạnh Hải, Chỉ huy trưởng Đảo Song Tử Tây, Lữ đoàn 146 chia sẻ: Không chỉ điều kiện khí hậu thời tiết ở đảo rất khắc nghiệt, mùa mưa gió, sóng có thể đánh trùm lên khiến cây bị gãy đổ, mà việc vận chuyển cây giống từ đất liền ra đảo cũng vô cùng khó khăn bởi sau thời gian dài đi trên tàu, số lượng cây ra đến đảo còn sống cũng giảm đi đáng kể. Thêm vào đó, cây ngoài đảo được trồng trên nền đất san hô khiến khả năng chống chịu của cây bị giảm sút.

Khó khăn nữa là khí hậu từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm trời nắng nóng, khả năng giữ đất, giữ nước trên đảo rất kém nên chúng tôi phải tổ chức anh em luân phiên nhau tưới cây hàng ngày…

Chắt chiu mầm xanh giữa đại dương

Đảo xanh giữa đại dương
Những mầm xanh được gieo trồng từ đôi bàn tay người chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn

Khí hậu khắc nghiệt, bão táp thường xuyên, nguồn nước khan hiếm buộc quân và dân trên đảo phải sáng tạo để duy trì sự sống xanh. Những vườn rau trên đảo được trồng trong chậu tái chế, che chắn cẩn thận. Nhiều đảo không chỉ tự cung cấp rau xanh mà còn trở thành vườn ươm giống, lan tỏa khát vọng xanh hóa khắp Trường Sa.

Có cũng được xem là giải pháp quan trọng nhất, bởi tận dụng nguồn giống tại chỗ sẽ tăng được sức đề kháng của cây. Thượng úy Trần Lê Tiến Dũng, Trợ lý Phòng không trên đảo Sinh Tồn Đông cho biết: “Vườn ươm thanh niên của đảo không chỉ cung cấp giống cây bàng vuông, tra cho đảo mà còn hỗ trợ các đảo khác trong quần đảo Trường Sa. Bàng vuông được xem là biểu tượng của Trường Sa, mỗi năm chúng tôi ươm khoảng 200 - 300 cây”.

Đảo xanh giữa đại dương
Mái nilon được dùng để chắn gió cho những cây non mới ươm, trồng

Đảo Song Tử Tây, năm 2024 cũng đã ươm, trồng được hơn 4.000 cây xanh các loại như phi lao, dừa, tra, bàng vuông, mù u, phong ba, bão táp.

Bí quyết để tạo nên thành quả đó chính là nhờ quá trình trồng cây đã được cán bộ, chiến sẽ và nhân dân trên đảo kết hợp phương pháp truyền thống kết hợp và những cách sáng tạo tùy theo điều kiện ở đảo.

Để trồng được cây xuống, đầu tiên, cán bộ , chiến sĩ và nhân dân trên đảo phải đào hố, thu gom các lá cây có sẵn trên đảo đổ xuống tạo mùn, kết hợp đất trong đất liền chở ra. Khi cây vươn lên thì dùng lưới che chắn đảm bảo không bị gió mùa Tây Bắc hoặc gió mùa Đông Nam thổi vào làm chết cây.

Đảo xanh giữa đại dương
Nước sau khi rửa rau, vo gạo, rửa mặt đều được tiết kiệm lại dùng tưới rau

Đảo Len Đao, Cô Lin hay Đá Thị, những nơi nổi tiếng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nay cũng phủ xanh nhờ sự nỗ lực không ngừng. Chiến sĩ Huỳnh Lộc Thọ trên đảo Len Đao chia sẻ: Nguồn nước ngọt khan hiếm nên chúng tôi chắt chiu từng giọt để tưới rau. Nhờ ý thức tiết kiệm, mỗi năm đảo thu hoạch được hàng trăm kilogram rau xanh, giá đỗ, cải thiện đáng kể đời sống của cán bộ, chiến sĩ.

Cái khó trên đảo không dễ gì kể hết, ví như trên đảo Đá Thị, mỗi năm có hơn 130 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Gió Đông Bắc thổi từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, gió mùa Tây Nam lại thổi từ tháng 5 đến tháng 10. Từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua làm biển động, sóng cao từ 4m - 5m, có những tháng cao điểm mưa to, gió lớn dữ dội hơn.

Đảo xanh giữa đại dương
Cây đã phủ xanh các đảo trên quần đảo Trường Sa

Để tổ chức tăng gia, trồng rau xanh, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ, tận dụng các vật liệu xây dựng thành những vườn rau che đậy chắc chắn, dễ cơ động để tránh 2 mùa gió. Thế nhưng bằng sự kiên trì, bền bỉ, cán bộ chiến sĩ trên đảo đã trồng được nhiều loại rau xanh đáp ứng phần lớn nhu cầu hàng ngày.

Trường Sa hôm nay không chỉ xanh hơn mà còn mang theo khát vọng về một tương lai bền vững. Những mầm xanh trên đảo tựa như ý chí, nghị lực và tinh thần quật cường không chịu khuất phục trước thiên nhiên khắc nghiệt của những người giữ đảo.

(Còn tiếp)

Kim Ngân

Bài 2: Nơi máu thắm lá cờ Tổ quốc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bài 5: Những lớp học đặc biệt trên đảo tiền tiêu

Hướng về biển đảo quê hương 1 giờ trước

Đào phai theo dấu khói

Văn xuôi 14 giờ trước

Tết của ngày xưa…

Văn xuôi 1 ngày trước

Bài 4: Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 1 ngày trước

Đợi Tết

Văn xuôi 2 ngày trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 3 ngày trước