Thứ tư, ngày 02 tháng 04 năm 2025
02:34 (GMT +7)

Tuổi trẻ và khát vọng cống hiến

Đang ở trong độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời, khi trong tim tràn đầy nhiệt huyết, trong mắt lấp lánh ước mơ, những đoàn viên thanh niên của tỉnh Thái Nguyên mang trong mình tinh thần trách nhiệm, luôn sẵn sàng cống hiến vì cộng đồng. Đó là những chàng trai tình nguyện lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc; là cán bộ, chiến sĩ trẻ kiên cường nơi biên giới, hải đảo, ngày đêm giữ vững chủ quyền biển đảo dân tộc; là những sinh viên dù mang trong mình khiếm khuyết nhưng vẫn mạnh mẽ hiến máu cứu người; là những đoàn viên thanh niên tình nguyện, mang yêu thương đến khắp mọi miền đất nước.

Có vợ, con song Lý Bảo Đoan, sinh năm 2005, xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) sẵn sàng lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc
Có vợ, con song Lý Bảo Đoan, sinh năm 2005, xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) sẵn sàng lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc

Tình nguyện nhập ngũ

Những ngày đầu năm, hoa đào bung nở khoe sắc rực rỡ khắp mọi miền quê, hơn 2.100 tân binh của tỉnh Thái Nguyên nghiêm ngắn, chỉnh tề trong bộ quân phục còn thơm mùi vải mới, háo hức lên đường tòng quân hôm 13/2 (16 Âm lịch). Mỗi chàng trai ở độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều mang trong mình trái tim nhiệt huyết, với khát vọng đứng trong hàng ngũ Quân đội, Công an, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc.

Vũ Anh Quyền, sinh năm 2005, ở xóm Mỏ Đá, xã Linh Sơn từ bé đã có ước mơ được cống hiến sức trẻ trong quân ngũ và cảm thấy đó là niềm vinh dự, niềm tự hào của bản thân và gia đình. Vì vậy, trong đợt tuyển quân năm 2025, Quyền đã viết đơn nhập ngũ với mong muốn môi trường quân ngũ cũng sẽ giúp em hoàn thiện bản thân hơn, trưởng thành hơn. Em viết trong đơn tình nguyện: “Bản thân tôi sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, tôi rất mong được đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam để góp một phần sức trẻ của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi xin cam kết sẽ chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật và đơn vị trong quá trình rèn luyện”.

Trong hơn 2.100 thanh niên nhập ngũ năm 2025 của tỉnh Thái Nguyên, có nhiều thanh niên là cử nhân, kỹ sư, công nhân có thu nhập ổn định nhưng sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo, tổ chức đoàn thể của Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ tặng hoa chúc mừng, động viên tân binh Nguyễn Đức Mạnh của Công ty trước ngày lên nhập ngũ
Trong hơn 2.100 thanh niên nhập ngũ năm 2025 của tỉnh Thái Nguyên, có nhiều thanh niên là cử nhân, kỹ sư, công nhân có thu nhập ổn định nhưng sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo, tổ chức đoàn thể của Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ tặng hoa chúc mừng, động viên tân binh Nguyễn Đức Mạnh của Công ty trước ngày lên nhập ngũ

Mong muốn được rèn luyện và trưởng thành trong quân ngũ, đồng thời muốn cống hiến một phần thanh xuân thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc có lẽ không chỉ là suy nghĩ của riêng Quyền mà còn là quyết tâm của 440 thanh niên tình nguyện viết đơn nhập ngũ và hơn 2.100 tân binh trên địa bàn tỉnh khi lên đường nhập ngũ mùa Xuân năm 2025. Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong số thanh niên của tỉnh Thái Nguyên trúng tuyển nghĩa vụ năm 2025 có trên 40% là con em người đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Sán Chí… Càng trân trọng hơn là, cơ bản các thanh niên dân tộc thiểu số đều tình nguyện viết đơn nhập ngũ, gương mẫu chấp hành Luật nghĩa vụ quân sự (NVQS). Điển hình là Nguyễn Tiến Viên, chàng trai dân tộc Tày ở xóm Cây Hồng 2, xã Động Đạt (Phú Lương).

Gia đình Viên có ông nội là cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những câu chuyện ông kể về những trận chiến cam go, những đồng đội đã hy sinh và những ngày tháng gian khổ đã truyền cho Viên niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước. Ngày qua ngày, câu chuyện của ông như ngọn lửa thắp sáng trong Viên, khích lệ em tham gia NVQS để cống hiến cho đất nước. Vì vậy, mùa tuyển quân năm 2025, Viên viết đơn tình nguyện và trúng tuyển NVQS.

Ông Nguyễn Tiến Tình, ông nội của Viên chia sẻ: Đã từng là người lính vào sinh ra tử nên khi nghe cháu nội muốn trở thành bộ đội, tôi nhất trí ngay và động viên cháu vững vàng tinh thần, vào môi trường quân ngũ hãy phấn đấu, rèn luyện tốt. Tôi mong không chỉ riêng cháu mình và tất cả những thanh niên của Thái Nguyên lên đường tòng quân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, hoàn thành tốt trách nhiệm và nghĩa vụ với Tổ quốc.

Còn Viên thì bảo: Tôi luôn tự hào có ông nội là cựu chiến binh đã đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi cũng trân trọng và biết ơn lòng yêu nước, tinh thần cống hiến, không quản ngại vất vả, hy sinh của ông cùng bao thế hệ cha ông đi trước đã chúng tôi có cuộc sống hòa  bình, độc lập tự do hôm nay. Tôi hiểu rằng, NVQS không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là một vinh dự, một trách nhiệm thiêng liêng đối với mỗi công dân. Bởi vậy, tôi quyết noi gương ông, nối tiếp truyền thống của những người đi trước để đóng góp một phần thanh xuân của mình vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài Quyền, Viên, còn rất nhiều những thanh niên lên đường nhập ngũ năm nay tôi không thể liệt kê hết trong bài viết, có người là đoàn viên, có người là cử nhân, kỹ sư, công nhân có thu nhập ổn định, hay có vợ con, hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân là lao động chính nhưng khi nhận quyết định nhập ngũ họ đã sẵn sàng gác lại việc riêng để lên đường tòng quân với mong muốn cống hiến nhiều hơn sức trẻ cho Tổ quốc. Và trong mỗi trái tim chàng trai ở tuổi xuân phơi phới đó, chúng tôi đều cảm nhận được là một tình yêu nước, yêu quê hương, yêu dân tộc nồng nàn cùng ý thức tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của thế hệ trẻ.

Trung úy Trần Hải Anh, sinh năm 1997, nhà ở thị trấn Đu (Phú Lương) luôn tự hào vì mình đã tình nguyện thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng tại quần đảo Trường Sa. Trong ảnh: Trần Hải Anh (bên phải), trong ca tuần tra, canh gác đêm ở đảo Trường Sa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Trung úy Trần Hải Anh, sinh năm 1997, nhà ở thị trấn Đu (Phú Lương) luôn tự hào vì mình đã tình nguyện thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng tại quần đảo Trường Sa. Trong ảnh: Trần Hải Anh (bên phải), trong ca tuần tra, canh gác đêm ở đảo Trường Sa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Gác tình riêng thực hiện việc chung

Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vừa qua, chúng tôi đã gặp 3 chàng trai quê ở Thái Nguyên đang thực hiện nhiệm vụ ở đây. Ở đảo Đá Tây, Trung úy Trần Văn Hoàng, sinh năm 1995, quê ở xã Lâu Thượng (Võ Nhai) chào đón chúng tôi như người thân lâu ngày mới gặp. Anh Hoàng đã có vợ và con gái được 2 tuổi, đang ở cùng bố mẹ anh ở quê nhưng từ năm 2023 đến nay, anh nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa thường xuyên phải xa gia đình. Dưới tán bàng vuông xanh mát trên đảo, anh Hoàng tâm sự: Xa quê, xa gia đình ai cũng nhớ chứ, nhưng bản thân tôi và có lẽ là với nhiều người lính hải quân khác, đảo là nhà, biển cả là quê hương và trách nhiệm của chúng tôi là xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi hiểu, đây cũng là niềm vinh dự tự hào của người lính.

Cũng như anh Hoàng, với khát vọng cống hiến đầy tự hào, Trung úy Trần Hải Anh, sinh năm 1997, nhà ở thị trấn Đu (Phú Lương) khi đang công tác ở một đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh đã không ngần ngại viết đơn xung phong, sẵn sàng rời xa đất liền để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng nơi đầu sóng từ tháng 7/2024. Hiện, anh là nhân viên của Trung đội kỹ thuật ở đảo Trường Sa. Hải Anh tâm sự: Lựa chọn công tác tại quần đảo Trường Sa - vùng biển xa xôi, cũng là một phần máu thịt của Tổ quốc với tôi là lựa chọn có ý nghĩa nhất của tuổi thanh xuân. Thật vui vì gia đình, người yêu tôi ủng hộ, luôn động viên, khích lệ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tại đảo Trường Sa, tôi còn gặp đồng hương Phan Văn Khởi, sinh năm 2003, nhà ở phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên), chiến sĩ đang làm bộ phận hậu cần trên đảo. Trò chuyện cùng Khởi, tôi được biết thêm một thông tin thú vị: Anh trai của Khởi là Phan Văn Khải năm 2019 - 2020 cũng thực hiện nhiệm vụ tại đảo Trường Sa. Tuyệt vời nữa là Khải đã phấn đấu rèn luyện tốt, còn vinh dự được kết nạp Đảng tại Đảo đúng dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác khi vừa tròn 20 tuổi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Đảo, anh đã ôn luyện và thi đỗ, hiện đang là sinh viên năm thứ 4 Trường Sỹ quan lục quân. Được tiếp thêm động lực và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ từ anh trai, nên năm 2024, Khởi đã đăng ký thực hiện nhiệm vụ ở đây.

Chia sẻ về quãng thời gian quân ngũ, Khởi tự hào bảo: Hồi trước ở nhà, em là một thanh niên nghịch ngợm, còn làm bố mẹ phiền lòng. Giờ ở quân ngũ, em được rèn luyện kỷ luật, ý chí vững vàng, mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết đồng đội và nhất là tình yêu nước và trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc được bồi đắp mỗi ngày. Xa quê, xa bố mẹ, lại thấy thương bố mẹ thật nhiều!

Trò chuyện với Hoàng, Khởi, Hải Anh và cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi hiểu, lựa chọn đó của các anh không chỉ là trách nhiệm của một người lính, mà còn là niềm tự hào của tuổi trẻ – dám dấn thân, dám hy sinh vì quê hương, đất nước. Các anh đã chứng minh rằng, dù trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng là khát khao cống hiến của thế hệ trẻ.

Cán bộ đoàn thanh niên phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên) đến tận nhà người dân hỗ trợ cài đặt, tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và cài đặt chữ ký số công cộng
Cán bộ đoàn thanh niên phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên) đến tận nhà người dân hỗ trợ cài đặt, tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và cài đặt chữ ký số công cộng

Yêu thương là cho đi nhiều hơn

Qua mạng xã hội Facebook, tôi biết đến Nguyễn Phúc Đức, chàng trai sinh năm 1997, khoa Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Đức có vẻ mặt khôi ngô, nụ cười tươi tắn khiến ai gặp lần đầu cũng ấn tượng. Em hiện là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học, luôn phát huy vai trò của một đảng viên trẻ, gương mẫu, trách nhiệm và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới mọi người, nhất là những bạn trẻ.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Kha Sơn (Phú Bình), năm học lớp 6, Đức không may gặp tai nạn và mất đi cánh tay phải. Nhiều năm sau đó, Đức luôn sống khép mình vì mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết của bản thân. Chỉ đến khi hòa mình vào các hoạt động tình nguyện cùng bạn bè, các anh chị đoàn viên thanh niên, Đức mới thấy cuộc sống thật sự ý nghĩa. Năm 2016, lần đầu Đức tham gia hiến máu tình nguyện và cảm nhận được niềm hạnh phúc của người đón nhận những giọt máu nghĩa tình mình trao đi, nhất là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Từ đó đến nay, chàng trai trẻ này đã có 32 lần hiến máu tình nguyện. Không chỉ hiến máu, Đức còn là tấm gương lan tỏa cho các sinh viên, cho cộng đồng hiểu hơn về việc hiến máu tình nguyện với thông điệp: “Mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”. Em là người lên kế hoạch, trực tiếp tham gia tổ chức hoạt động của Hành trình đỏ, Sắc màu tình nguyện rồi làm Chi hội phó Chi hội thanh niên Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên.

Nguyễn Phúc Đức, sinh viên Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã có 32 lần hiến máu tình nguyện
Nguyễn Phúc Đức, sinh viên Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã có 32 lần hiến máu tình nguyện

Ngoài tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện, Đức còn là một cán bộ Đoàn, Hội gương mẫu, năng nổ của lớp của trường, luôn tích cực hăng hái đi đầu trong các hoạt động phong trào từ thiện, nhân đạo. Là chàng trai có lực học khá, Đức đã dành danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Thanh niên sống đẹp 2024”, được tuyên dương là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ gặp mặt biểu dương, cũng nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, bộ ngành ghi nhận. Với những nỗ lực trong học tập và hoạt động tình nguyện, Đức vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào đầu năm 2024. Tự hào là một đảng viên trẻ có hoài bão, ước mơ và khát khao được cống hiến, em chỉ mong mình sẽ thật khỏe mạnh để theo đuổi được ước mơ của mình, có một công việc ổn định và tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng.

Đức nói: “Em luôn nghĩ rằng, bản thân khuyết tật nhưng vẫn may mắn hơn  rất nhiều người khác. Được sống khỏe mạnh, được mọi người trân trọng, được nỗ lực mỗi ngày để học tập và có cơ hội tham gia các hoạt động tình nguyện, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, em thấy rất hạnh phúc. Em cũng muốn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực này tới các bạn trẻ, nhất là những bạn không may mắn bị khuyết tật giống mình hãy bước qua rào cản của tự ti, mặc cảm để sống mạnh mẽ hơn, có ích hơn, giá trị hơn”.   

Câu chuyện của Đức hay những thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ, những chiến sĩ kiên cường bám biển bảo vệ chủ quyền, những đoàn viên ngày đêm miệt mài trên hành trình thiện nguyện… đều đã và đang viết tiếp câu chuyện về một thế hệ trẻ sống có lý tưởng, trách nhiệm, dám dấn thân vì cộng đồng, vì đất nước để góp phần dựng xây tương lai. Mỗi người trẻ, bằng những hành động nhỏ đều đã và đang tạo nên một Tổ quốc tốt đẹp hơn, vững mạnh hơn! Và khi tôi ngồi viết bài này, chợt nghe tiếng loa từ tổ trưởng tổ dân phố thông báo nhân dân đúng 20 giờ đến ngay nhà văn hóa tổ dân phố để được các đoàn viên thanh niên hướng dẫn cài đặt Sổ tay điện tử trên ứng dụng VNeID và chữ ký số công cộng. Chợt hình dung ra những sắc xanh quen thuộc của áo đoàn thanh niên tình nguyện ngày đêm mà mình bắt gặp trên khắp mọi đường của Tổ quốc. Trong lòng tôi bỗng ngân lên câu hát mà bao thế hệ thanh niên tự hào cất vang: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”…

Minh Hiếu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy