Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
17:23 (GMT +7)

Người trẻ làm trà xưa

Hải ngồi chờ tôi bên bàn trà tre giản dị. Trước mặt tôi, hồ sen mênh mông, lộng gió. Mùa này hồ không rực rỡ bởi ngàn đóa hoa khoe sắc, chỉ còn những chiếc lá phong sương bập bềnh trên nước. Sau lưng tôi, đồi chè trung du mới qua đợt đốn “phớt”, bảnh bao, nếp nang và cứng cáp. Gió đưa hương hoa nhài, hoa sói thoang thoảng khiến không khí thanh khiết và có chút bâng khuâng.

Nhìn bàn trà, tôi biết Hải rất trân quý vị khách hôm nay là tôi. Hai bộ ấm chén Bát Tràng sạch sẽ, phích nước sôi, hũ trà đặt cạnh các trà cụ khác sẵn sàng nghênh đón. Nở nụ cười tươi, Hải nói “cô chờ cháu một lát” rồi chạy lên nhà lấy xuống một bông trà sen còn bám những sợi tuyết đá li ti, để xuống cạnh bàn.

Hải say sưa giải thích với tôi về màu sắc của nước trà nói lên điều gì...
Hải say sưa giải thích với tôi về màu sắc của nước trà nói lên điều gì...

Tinh tế và kỹ càng, đức tính của người làm trà

Tôi thư thái nhìn Hải “dưỡng” ấm chén, “gẩy” trà khô vào ấm, châm nước sôi, đợi vài chục giây rồi rót kiệt nước “cốt” ra chiếc cốc “tống” thủy tinh trong suốt, sau đó đậy kênh nắp ấm. Mùi thơm từ trà khô, trà nước tràn ngập không gian. Đã được dự nhiều cuộc trà, tôi biết, để có mùi hương “dậy” ngào ngạt như vậy, người làm chè phải đủ tinh tế và kỹ thuật cao mới có thể “đẩy căng” hương, trong khi vẫn giữ được độ ngậy, độ sánh của nước và độ đẹp của cánh trà.

Cầm chiếc cốc thủy tinh trên tay, Hải khẽ chao cho tôi nhìn màu nước trà vàng mơ sánh dịu như vệt nắng đầu đông đu đưa trên bông hoa nhài chớm nở. Ấy là màu nguyên bản của trà trung du chính hiệu, màu của nước trà trăm năm trước, thời cụ Nguyễn Đình Tuân, người lập làng Tân Cương, được người Tân Cương tôn làm Thành hoàng làng khi còn sống; thời cụ Vũ Văn Hiệt (còn gọi là cụ Đội Năm, người theo lệnh cụ Tuân về tận Phú Thọ mang những cây chè đầu tiên về trồng trên đất Tân Cương, nên được tôn là Cụ Tổ nghề chè).

 Chờ tôi nhấp ngụm trà đầu tiên, lim dim mắt tận hưởng vị chát nhẹ thấm từ từ trong khoang miệng, Hải hỏi: Cô có thấy mùi trà khác biệt không? Ờ mà có, tôi gật gù, không phải mùi cốm đặc trưng thường thấy, mà phảng phất đâu đây mùi cỏ cây lan từ cuống họng lên sống mũi, mùi của tuổi thơ tôi chạy chơi trên quả đồi đầy hoa sim và quả lạc tiên lấp ló. Lúc này vị ngọt nhẹ từ từ xuất hiện, như tín hiệu bắt đầu một cuộc trò chuyện lắng nghe và thấu hiểu.

  Sau khi uống đủ ba chén trà, thỏa thuê dưỡng mắt bởi màu trà khô, màu nước vàng mơ sóng sánh như mật ong non; thỏa thuê dưỡng mũi bởi mùi thơm hoa cỏ dịu dàng; thỏa thuê dưỡng môi, dưỡng họng và râm ran ngọt hậu tỏa lan, Hải nói: Giờ cháu mời cô uống trà sen. Cháu đợi cô đến mới cho bông trà này ra khỏi tủ lạnh, “căn” thời gian uống xong ấm trà mộc kia thì bông sen vừa độ ráo, tan lớp băng tuyết, mà cánh sen chưa kịp ướt để thấm nước vào trà.

 Và tuần trà thứ hai bắt đầu, với hương sen quyện vị ngậy chát của chè đinh tỏa lan trong ấm chén mới, tâm thế mới.

 Tiếp xúc lâu lâu với người làm trà, tôi nhận thấy họ kỹ lưỡng và tinh tế đến từng chi tiết. Và Hải, chàng trai 9x cũng như vậy. Tôi nói ra nhận xét đó, Hải công nhận: Ngay như mua bộ ấm chén này, màu sắc, chất liệu, hoa văn thế nào, cháu cũng chọn kỹ cho hài hòa với nhau và hài hòa với khung cảnh uống trà. Ngay như việc trồng cây trong khuôn viên vườn đồi, cháu chỉ chọn loài hoa có mùi nhẹ như nhài, sói, hồng, bưởi, mộc, ngâu. Cả khách mua hàng, cháu cũng chọn lọc, nếu thấy người đó không có “duyên” với mình thì đắt mấy cũng không bán. Bạn bè cũng vậy, gặp người hợp chuyện cháu nói cả ngày và ngược lại “cậy răng” không nói. Ai bảo cháu khó tính cũng được, nhưng cháu nghĩ cháu là người kỹ tính. Đó là những đức tính trà “ban” cho người làm trà, cô ạ.

Hải đang chia sẻ với tác giả bài viết về những dự định của mình
Hải đang chia sẻ với tác giả bài viết về những dự định của mình

Trái tim đập ở đồi chè

Tôi bật ra dòng tít trên khi đọc những dòng thư xúc động của Hải in trên bao bì gói chè: “Tôi lắng nghe những mầm Trà non đang thì thầm với nhau về ước mơ vươn xa bất tận. Tôi lắng nghe Tim mình mách bảo về đam mê vô bờ bến với nghề làm Trà truyền thống, bên những đồi Trà xanh đặc sản vùng Tân Cương Thái Nguyên được chăm sóc hữu cơ sinh thái hoàn toàn thuận tự nhiên. Những mẻ trà được làm ra bằng tất cả Tình yêu của tôi đối với Trà…”. Người viết ra những dòng chữ ấy, trên sản phẩm ấy, quả thực phải có trái tim đập ở đồi chè.

Vài năm trước, biết Lê Sơn Hải “bỏ phố về quê” làm trà, tôi đã tìm vào nhà cậu ở xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên).

Cầm tấm bằng Cử nhân Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) năm 2015, chàng trai sinh năm 1992 đưa ra quyết định khiến mẹ cậu là bà Phạm Thị Vân sững sờ: Con về quê làm chè. Mẹ Hải tâm sự với tôi: Chắc người mẹ nào cũng mong con mình được đi đây đi đó, “vào giày ra dép” nhàn hạ, nhưng tôi tôn trọng quyết định của con và sẵn sàng hỗ trợ con thực hiện nguyện vọng.

Về với đồi chè hơn 1ha ông cha để lại, Hải ấp ủ thực hiện mong muốn cháy bỏng: Tìm lại sắc, hương, vị chè thời… các cụ. Như bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ vùng chè, Hải được “uống” trà từ trong bụng mẹ, biết hái chè khi mới đứng lấp ló thân cây. Chiếc chảo gang, lò đất sét và những đêm trắng bố mẹ sao chè bên bếp lửa rừng rực in vào trí nhớ cuả cậu. Từng cánh chè mẹ Hải đùm dúm mang ra chợ bán đổi lấy giấy bút, áo quần, đóng học phí. Cây chè nuôi ước mơ và tương lai của cả gia đình cậu.

Nhưng rồi, Hải chứng kiến vùng chè dần đổi thay. Cây chè lai năng suất cao lấn át dần cây chè trung du truyền thống. Cách làm chè cũng khác, màu nước xanh lạ lẫm, vị ngọt hậu khác thường do một số người làm chè tạo ra có nguy cơ trở thành “gu” uống trà và tiêu chí trà ngon Thái Nguyên.

Phải đưa trà về đúng chất nguyên bản thật thà bằng cách cho rễ chè ăn đồ lành, búp chè trổ dưới không khí sạch, cánh chè chịu nóng, chịu vò, chịu xoắn phải được bung tỏa hương thơm tự nhiên của đất trời thuần khiết. Và cuối cùng, chén trà dâng lên miệng người phải truyền được tấm tình chân chất của người làm ra nó. Quyết tâm ngùn ngụt là thế nhưng khi thực hiện chẳng dễ dàng. Hải xạm xuội bởi lặn lội học hỏi mô hình làm chè hữu cơ, những lần thử nghiệm thất bại trong khi tiền cạn kiệt. Nhưng Hải may mắn được mẹ và các anh chị em trong nhà đồng tâm hiệp lực. Cậu sắp đặt lại vườn tược, tìm nguồn thức ăn cho chè như đỗ tương, phân chuồng ủ mục; các “gia vị” quanh nhà như tỏi, ớt, gừng, rượu… pha trộn để phun đuổi côn trùng. Kiên trì ngày ngày tháng tháng, sau 3 năm, toàn bộ diện tích chè của nhà được Hải cải tạo thành vùng chè hữu cơ. Thấu hiểu từng búp non, từng mùa sâu bệnh, Hải trở thành chuyên gia chăm sóc và chế biến chè.

Tình yêu với trà đã giúp Hải thấu hiểu từng búp non, từng mùa sâu bệnh với mỗi lứa chè
Tình yêu với trà đã giúp Hải thấu hiểu từng búp non, từng mùa sâu bệnh với mỗi lứa chè

Hải “dị” và những cách làm chẳng giống ai

Sở dĩ tôi đặt cho Hải biệt danh Hải “dị” vì thấy ở cậu có chất lãng tử phớt đời và sự bay bổng nghệ sĩ. Bằng chứng là cậu “biến” hơn 1ha ruộng chân đồi thành hồ sen với hệ thống cầu gỗ, lều nghỉ, nhìn từ trên cao xuống như một đóa hoa khổng lồ. Chàng trai 9x học cách gây giống sen Hồ Tây trên đồng đất Thái Nguyên và học cách làm trà sen từ bà ngoại của mình. Cậu trở thành người Thái Nguyên đầu tiên được sống giữa vùng sen ngào ngạt. Vào mùa sen, khi hoàng hôn buông xuống dãy núi Tam Đảo xa xa, sương phủ trắng cánh đồng, là lúc hai mẹ con Hải mặc quần áo chống nước, đeo chiếc gùi tre đựng loại trà được tuyển chọn công phu đi ướp sen xổi. Trà Bạch Hạc và trà đinh là hai dòng trà tinh túy nhất của trà Tân Cương được Hải kì công “bón” vào từng bông hoa sen đang hé miệng. Khi trời tang tảng sáng, những “quả sen trà” lại được cắt mang vào nhà. Chưa kể, dòng trà ướp gạo sen truyền thống với hàng chục công đoạn tỉ mỉ khiến mùa sen cũng là mùa “đêm trắng” của gia đình Hải. Ngoài sen, Hải còn trồng 8 sào hoa nhài, hoa sói, đủ cho cậu làm ra những chén trà hoa ngan ngát hương của “ngày xưa”. Đứng trong vườn hoa phủ lưới của Hải, tôi bỗng nhớ bố mẹ da diết. Thương các cụ xưa muốn có ngụm trà hoa phải giấu bông hoa trong chiếc chén để “đánh lừa” khứu giác. Nay hương hoa ấy đằm sâu trong nước, trong trà, vương vấn trong mũi, trong họng, gợi cả miền ký ức xa xôi.

Bao bì sản phẩm giản dị nhưng không kém phần sang trọng
Bao bì sản phẩm giản dị nhưng không kém phần sang trọng

Gửi tình yêu, trách nhiệm vào từng cánh trà nên Hải bán sản phẩm đầy tự trọng. Cậu không phó thác hàng của mình cho người mua buôn mà “theo” từng khách mua lẻ. Hải biết người uống trà của mình là nam hay nữ, lứa tuổi nào, sống ở đâu… để tư vấn dùng loại trà phù hợp. Mỗi khách hàng vì thế trở thành một bạn trà của Hải. Cái cách bán hàng của Hải cũng không giống ai. Người mua cứ nhận hàng và uống thử đi, nếu thật ưng thì mới chuyển tiền, không ưng có thể đổi hoặc trả lại.

- Em ơi, sao màu nước trà của em “xấu” thế? Anh tưởng nó phải xanh biếc chứ?

- Dạ, đó là màu nguyên thủy, màu thật thà của trà xưa đó ạ. Còn màu xanh đẹp là kết quả của phụ gia, em không làm loại sản phẩm đó.

- Cháu ơi, gói trà Xuân của cháu chắc cũ lắm rồi nhỉ, vì để “tồn” từ mùa xuân cơ mà.

- Dạ không cô ơi, chè hái sau khi “đốn đau” gọi là trà xuân. Còn chè hái sau mùa xuân cháu gọi là chè “lứa” hoặc chè “dậy” (tỉnh dậy sau mùa đông). Cô yên tâm là chè mới ạ.

- Thế trà Thu có phải hái vào mùa thu không?

- Dạ, đó là chè được hái trên diện tích được che phủ lưới, chăm bón bằng đỗ tương ủ, độ dày mỏng của lưới quyết định mùi “mơ màng” của trà nên cháu gọi là trà Thu. Dành cho người không quen uống trà đậm quá, nhưng vị trà vẫn sâu cô ạ…

Tôi nghe “trộm” Hải tư vấn cho khách và đôi chỗ giật mình bởi những kiến thức chỉ người làm chè với tất cả niềm đam mê mới đúc rút ra được.

Với diện tích chè gần 3ha (Hải liên kết với một số hộ trong xã gần 2ha), sản lượng khoảng 1,4 tấn chè khô/năm, giá bán thấp nhất 500.000đ/kg, cao nhất là 10 triệu đồng/kg, chè nhà Hải luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Nhưng Hải không chạy theo năng suất mà tập trung nâng cao giá trị sản phẩm. Cậu tâm sự: Đất đai không sinh thêm, cây chè chỉ cho từng ấy búp và từng ấy lứa trong năm, muốn có nhiều hơn thì phải thu mua nguyên liệu ở ngoài vùng chè Tân Cương, đó là điều cháu không muốn. Hơn nữa, mỗi ngày được làm trà là một ngày hạnh phúc, đó là cái “lãi” vô giá với cháu rồi.

ột góc đầm sen mà Hải đã dành bao tâm huyết gây dựng nên
Một góc đầm sen mà Hải đã dành bao tâm huyết gây dựng nên

Trà Bạch Hạc và câu chuyện tri ân nguồn cội 

Quyết định “bỏ phố về làng” năm 2015, nhưng Hải mất đến 4 năm loay hoay xác định hướng đi. Năm 2019, Hải định vị được “mình là ai” nên “chốt” làm theo cách “đi chậm, làm chắc”…

Là người sinh ra ở vùng chè Tân Cương, Hải tìm hiểu kỹ về cụ Nguyễn Đình Tuân, cụ Đội Năm và lịch sử vùng chè nổi tiếng. Đặc biệt, sản phẩm trà “Cánh Hạc” của cụ Đội Năm giật giải Nhất cuộc thi tại Hà Nội 100 năm trước khiến Hải trăn trở. Để tìm về hương, sắc, vị của trà xưa, Hải quyết định phá 3.000m2 chè lai, chuyển sang trồng chè hạt chọn từ những cây chè thuần trung du có tuổi đời trăm năm, năng suất thấp hơn chè lai nhưng nước đậm thơm ngon. Hải phân tích: Cháu tác động ít nhất có thể vào quá trình sinh trưởng của cây và đặt tên cho sản phẩm là trà Bạch Hạc, tri ân vùng chè tỉnh Phú Thọ, nơi cụ Đội Năm đã “bứng” những cây chè ở đây về trồng trên đất Tân Cương. Cháu xác định đây là giá trị quê hương, những người trẻ như chúng cháu may mắn sinh ra ở vùng đất này phải có nghĩa vụ tiếp tục gìn giữ. Cháu cũng tin chắc rằng, chè Bạch Hạc đã mang được những gì tinh túy nhất của chè Cánh Hạc xa xưa.

Mỗi năm thu được hơn 4 tạ chè Bạch Hạc, Hải đã có “dòng” khách hàng thích hoài niệm, yêu mộc mạc thuần chất. Bạch Hạc bền nước, bền hương, đặc biệt phảng phất mùi của hoa cỏ. Trà đinh Bạch Hạc hiện giá bán 10 triệu đồng/kg; trà tôm nõn Bạch Hạc là 1,7 triệu đồng/kg.

Chỉ chiếc chảo gang đặt trên lò đất sét, Hải kể: Cháu đã làm thử trên chiếc chảo gang kia và cảm phục trình độ làm chè của các cụ. Đặc điểm của chè trung du là nhiều nhựa. Khi ốp nóng, lá chè bết bám chặt vào tay, nếu cứ để thế mà “ốp” dễ dẫn đến cháy chè. Cháu phải ngồi trước quạt điện, nâng tay “hong” và “giũ” chè, thời gian “giũ” và “hong” phụ thuộc vào từng mẻ chè, khó đúc rút thành công thức. Thời các cụ không điện, không quạt, mà các cụ đã làm ra được trà ngon như thế, quả là đáng khâm phục…

 Uống trà, nghe chuyện và đi thăm đồi chè, hồ sen, bãi trồng hoa nhài, hoa sói của Hải, tôi thầm khâm phục chàng trai 9x “miệng nói tay làm”.

Người trẻ làm trà xưa
Những búp chè vươn lên trong nắng sớm

Trước khi chia tay, Hải nói câu này: Nguồn cội và truyền thống là những giá trị luôn cần nâng niu gìn giữ, nhưng cháu nghĩ, các thế hệ làm chè ở Tân Cương cũng xứng đáng được tôn vinh và coi họ là nguồn cội. Các thương hiệu như Hảo Đạt, Tiến Yên, Hạnh Nghìn… đang là thần tượng của chúng cháu. Vài chục năm nữa, những người như chúng cháu sẽ là thần tượng của lớp con cháu sau này. Truyền thống như thế mới được kế tục và vững bền lâu dài, cô nhỉ?

Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói này của Hải. Kể cả bây giờ, khi chia sẻ với bạn đọc câu chuyện của chàng trai đặc biệt này. Và tôi đồng cảm với Hải.

Bút ký. Minh Hằng

 
 
Một góc đầm sen mà Hải đã dành bao tâm huyết gây dựng nên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy