Nạn đói năm Ất Dậu – nỗi đau lịch sử
VNTN - Trong rất nhiều những thành tựu, đặc biệt là sau 30 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Thế nhưng, những người trẻ hôm nay ít ai biết rằng lớp cha ông đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử vĩ đại của 70 năm trước cũng chính là những người vừa phải trải qua một cơn nguy biến khôn lường và thảm khốc trong lịch sử dân tộc Việt Nam - hơn 2 triệu đồng bào Việt Nam - chính xác là ở miền Bắc Việt Nam - chết đói năm 1945 vì sự cai trị và bóc lột của chủ nghĩa thực dân, phát xít.
“Nỗi đau lịch sử nạn đói năm 1945” do Báo Tuổi trẻ và Nhà xuất bản trẻ ấn hành năm 2007.
Kì 1: Nỗi đau lịch sử
Đừng hỏi bố mẹ các em đâu, chết đói cả rồi
Xác chồng chất lù lù như đống rác. Đó là những câu thơ trong bài thơ “Đói” của thi sĩ đương thời Bàng Bá Lân trước thảm trạng của đồng bào mình mà mỗi khi đọc lên vẫn rưng rưng nước mắt.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp không những không bảo hộ được nhân dân Việt Nam như họ vẫn thường rêu rao mà đã từng bước đầu hàng và dần dần cấu kết với phát xít Nhật để đàn áp nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh "một cổ hai tròng", vừa bị thực dân Pháp đàn áp, vừa bị phát xít Nhật hành hạ. Từ khi đặt chân đến Đông Dương, phát xít Nhật thi hành hàng loạt chính sách đánh vào nền kinh tế: buộc thực dân Pháp phải ký kết nhiều hiệp ước yêu cầu cung cấp lương thực, giao nộp lúa, gạo cho Nhật hàng năm; cấm vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc, đặc biệt là chính sách bắt dân nhổ lúa trồng đay lấy nguyên liệu phục vụ cho chiến tranh đã đẩy nhân dân Việt Nam đến nạn đói thảm khốc năm 1945.
Mặc dù năm 1944, Việt Nam vỡ đê và bị mất mùa nhưng thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn phải cung cấp cho Nhật hơn 900.000 tấn gạo để nuôi chiến tranh. Có những năm phải cung cấp trên một triệu tấn (năm 1943: 1.125.904 tấn). Việc vận chuyển thóc gạo từ miền Nam ra đã bị Nhật cấm vận, cùng với việc vơ vét thóc gạo ở miền Bắc đã làm cho giá thóc gạo tăng cao quá sức chịu đựng của người dân, nhiều người không đủ sức mua và phải chịu cảnh chết đói.
Mút vỏ ốc thối nhặt được trên đường ở Thành phố Nam Định
Nạn đói đã diễn ra ở 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị trở ra, trọng điểm là các tỉnh đồng bằng, nơi dân số tập trung đông như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa. Cái đói không buông tha ai, nhưng những người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất là người nghèo, người lao động, làm thuê… Sau này, khi nạn đói lan rộng, có những người mặc dù có nhiều tài sản trong nhà nhưng bán không ai mua nên đã chết đói.
Đồng bào bị đói từ Nam Định, Thái Bình, Phủ Lý, Hải Phòng, Hải Dương
kéo nhau về Hà Nội để xin ăn. Trong lúc ngồi chờ phát chẩn,
nhiều người chưa kịp nhận phần đã lăn ra chết
Thảm khốc chưa từng thấy
Đỉnh điểm của nạn đói là vào tháng 3-1945, từ lúc phải ăn rau dại, củ chuối, vỏ cây, bán dần tài sản trong gia đình để mua lương thực cầm hơi đến lúc không còn gì để bán và không thể mua, rất nhiều người đã ngồi chờ chết. Người ta bỏ làng lũ lượt kéo nhau đi mà không biết đi đâu, kiếm được gì, xin được gì ăn nấy. Vì đông người ăn xin quá nên cũng không có nhiều người có để cho và thế là cứ lả dần đi rồi chết. Trong những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng Võ An Ninh, có những hình ảnh khi người con xin được chén cháo cố đút cho bố nhưng miệng ông đã cứng đờ. Có nhiều gia đình chết cả nhà, có gia đình tứ tán đi các nơi kiếm ăn và sau này cũng chết gần hết, có những dòng họ chỉ còn một vài người sống sót. Cuốn Lịch sử tỉnh Hà Nam Ninh xuất bản năm 1988 cho biết phủ Nghĩa Hưng (Nam Định) mỗi ngày chết 400 người. Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cả vụ đói có 22.908 người chết. Trong 6.161 hộ thì có 1.571 hộ chết không còn người nào. Nam Định chết 212.218 người, Ninh Bình 37.939 người và Hà Nam 53.398 người. Khi người đói lũ lượt kéo về các thành phố lớn ăn xin, lúc đầu chết còn được bó chiếu đem chôn, sau vì nhiều người chết quá nhà chức trách lúc ấy đành phải chất xác lên xe bò và đem hất chung xuống hố. Cá biệt, có những nhân chứng kể lại có người còn thoi thóp nhưng vẫn bị vứt lên xe đưa đi chôn vì “trước sau gì cũng chết”. Tài liệu của Viện Sử học cho biết có nhân chứng kể lại ông làm nghề chở xe ngựa thuê cho chủ, lí dịch thuê xe chở xác chết, một lần ông nghe từ đống xác trên xe có người còn nói rên rỉ trong thùng xe “Tôi vẫn còn sống, đừng vứt tôi ra bãi. Nhưng khi xe ra đến bãi tha ma, tôi ngó vào thùng xe thì không thấy ai còn sống nữa”. Tài liệu của Viện sử học cũng cho biết nhiều nhân chứng sống sót kể lại gặp rất nhiều cảnh thương tâm khi người mẹ đã chết đói nhưng con nhỏ vẫn cố sờ tìm núm vú đã teo đét và cứng đờ, lạnh ngắt của người mẹ để ngậm. Có những đứa trẻ còn thoi thóp đã bị vứt lên xe bò chở xác cùng với người mẹ đã chết để đem hắt ra bãi tha ma…
Tác giả Vespi viết trong một bức thư tháng 4-1945 về thảm trạng nạn đói mà ông chứng kiến "Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc, giơ xương ra và run rẩy. Ngay cả đến những thiếu nữ tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó". So sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của các cuộc chiến tranh Pháp - Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Nạn đói nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chết một triệu người, nước Đức chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn 2 triệu người".
Đất nước ta hôm nay đã đổi thay nhiều, đặc biệt đa số người dân không còn phải chịu cảnh thiếu đói. 70 năm trôi qua, nỗi đau này của dân tộc vẫn còn đó. Nhắc lại tai họa thảm khốc hãi hùng này trong lịch sử để chúng ta mãi mãi không quên quá khứ đau buồn của dân tộc, để lịch sử không điều gì bị lãng quên và để luôn trân trọng với những thành quả của đất nước hôm nay.
Vũ Trung Kiên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...