Mục tiêu lớn trong tầm tay
VNTN - Sự kiện công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh vừa được UBND tỉnh tổ chức tuần qua đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội. Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu đến năm 2020 Thái Nguyên có trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và xứng đáng là trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc?
Từ những đột phá lớn
Những câu hỏi đặt ra không phải không có cơ sở bởi đây là mục tiêu rất lớn không dễ một sớm một chiều có thể hoàn thành. Trong khi đó, dù xuất phát điểm là cái nôi của ngành luyện kim, có ngành công nghiệp nặng phát triển rất sớm, nhưng thực tế mấy chục năm liền công nghiệp ở địa phương vẫn ì ạch như con ngựa già đuối sức. Gang thép từng là niềm tự hào của Thái Nguyên, gắn liền với tên tuổi "thành phố thép" nhưng nhiều năm vướng vào vòng thăng trầm luẩn quẩn, giờ vẫn chưa thoát khỏi bế tắc. Khu công nghiệp Gò Đầm - T.P Sông Công hôm nay - trước là cái nôi của ngành cơ khí chế tạo nay tuy có sự chuyển dịch song vẫn bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu các ông chủ nước ngoài... Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào đó thì quả là phiến diện bởi hiện nay ngành công nghiệp địa phương đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ trong nội ngành với nhịp độ ngày một sôi động hơn.
Công nghiệp của tỉnh đang dịch chuyển sang hướng công nghiệp công nghệ cao.
Một góc Khu công nghiệp Điềm Thụy với các dự án phụ trợ quy mô lớn
Chúng ta đều biết rằng, mục tiêu phát triển Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là trung tâm vùng không phải đến nay mới đặt ra mà từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 nội dung này đã được đưa vào Nghị quyết. Như vậy, khi Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt (tháng 2-2015) thì ít nhất chúng ta đã có gần 5 năm thực hiện mục tiêu quan trọng này.
Ngay trong ngày diễn ra Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác với 5 doanh nghiệp có dự án đầu tư vào tỉnh gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim; Công ty TNHH Thương mại công nghệ và Môi trường Nhật Anh; Công ty TNHH Việt Nhật; Công ty CP Kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội; Công ty may thời trang DG Việt Nam. Tại đây, UBND tỉnh cũng trao Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư cho 10 doanh nghiệp khác, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp Thái Nguyên. |
Trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Ngọc Long cho rằng, "dù còn nhiều việc phải làm nhưng những gì chúng ta thực hiện được thời gian qua đã tạo ra đột biến lớn, rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại...". Khi được hỏi về sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp với giá trị sản xuất năm nay dự ước đạt 365 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm trước, ông Dương Ngọc Long khẳng định, đây là thành quả của cả quá trình nỗ lực không chỉ trong quy hoạch, định hướng mà còn trong quản lý, điều hành của chính quyền.
Phải thừa nhận, việc quy hoạch và định hướng là rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh từ năm 2010 đã chú trọng đến "...ưu tiên đổi mới công nghệ và công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh...". Với định hướng đó, trong giai đoạn 2010-2015, chúng ta đã tạo được bước đột phá khi xây dựng thành công Khu công nghiệp Yên Bình và sự có mặt của Tập đoàn Samsung - nhà đầu tư hàng đầu đến từ Hàn Quốc. Đây được xem là tiền đề quan trọng mở ra chiến lược phát triển mới cho ngành công nghiệp của tỉnh - công nghiệp công nghệ cao.
Chúng ta đã xác định rất rõ quan điểm, muốn phát triển đột phá về công nghiệp theo hướng hiện đại thì vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ luôn phải được quan tâm hợp lý. Sau nhiều năm chuẩn bị và triển khai, đến nay một số dự án tạo đà đã hoàn thành và tiếp tục đầu tư mở rộng. Các dự án có thể nhìn thấy ngay như: Dự án Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 3 cũ; Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1 công suất 115Kw; Mở rộng Nhà máy nước sạch Thái Nguyên; Xây dựng Nhà máy nước Yên Bình công suất 1.500m3/ngày, đêm... Ngoài ra, Điện lực miền Bắc đang cải tạo, nâng cấp các tuyến đường điện trong tỉnh, trong đó đầu tư đường dây 220kv nối từ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) sang huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công phục vụ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Phải thừa nhận 5 năm qua, việc ngành công nghiệp của tỉnh có được bước đột phá lớn là do làm tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và thu hút đầu tư. Chúng ta đã lập được kỷ lục trong mời gọi đầu tư, đáng chú ý là sự có mặt của Tập đoàn Samsung với Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao, mức đầu tư trên 6 tỷ USD. Samsung vào Thái Nguyên đã kéo theo hơn 50 dự án vốn trực tiếp nước ngoài và trong nước đến đầu tư tạo thành chuỗi các dự án phụ trợ khổng lồ dần lấp đầy một số khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh là Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công. Đến nay, tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh đã vượt mức 7 tỷ USD, giúp Thái Nguyên lọt vào tốp 10 địa phương có kết quả thu hút đầu tư lớn nhất cả nước. Từ đó, tạo nên giá trị sản xuất công nghiệp tăng vọt. Nếu năm 2010, sản xuất công nghiệp của chúng ta mới đạt giá trị 25 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2014, giá trị đã tăng lên 175 nghìn tỷ đồng và dự ước năm nay đạt 365 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng từ 240 triệu USD năm 2013 lên xấp xỉ 9 tỷ USD năm 2014 và thực tế năm 2015 là 17,5 tỷ USD...
Trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được Chính phủ phê duyệt, giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất chính là huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Bởi chỉ có nguồn lực đủ mạnh mới có thể mang lại những thành công trong đầu tư. Vậy, tỉnh ta sẽ huy động và bố trí từ những nguồn lực nào trong giai đoạn tới?
Phương án huy động nguồn lực được tỉnh xác định gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay ODA, vốn FDI, vốn doanh nghiệp trong nước và trong nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, trong những năm qua tỉnh ta huy động khá tốt nguồn lực ngoài ngân sách, trong đó đáng chú ý là nguồn lực trong dân, trong doanh nghiệp. Năm 2013 và 2014, thu hút đầu tư toàn xã hội của tỉnh có mức tăng trưởng cao. Năm 2013 tăng 85%, trong đó vốn ngân sách giữ ở mức ổn định với tăng trưởng hàng năm chỉ từ 5% đến 10%. Các năm tiếp sau nguồn vốn huy động tăng mạnh hơn, trong khi vốn ngân sách vẫn chiếm một lượng rất nhỏ.
Tỉnh ta đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về quỹ đất, bố trí để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án quy hoạch, phát triển các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và phát triển kết cấu hạ tầng, sau đó xác định nguồn tiền đất của doanh nghiệp thực hiện để đối trừ với cơ sở hạ tầng đã đầu tư (hình thức đầu tư BT). Trong những năm qua, phương án huy động này được thực hiện khá hiệu quả, hầu hết các nhà đầu tư đều tự bố trí kinh phí thực hiện dự án.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 4.500 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký khoảng 40.000 tỷ đồng; có trên 655 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký gần 15 tỷ USD. Mỗi năm đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng và tạo vị trí việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động… Trong thu hút đầu tư, ngoài chú trọng vốn đầu tư FDI, những nhà đầu tư trong nước cũng được quan tâm đặc biệt. Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Nguyên, Giám đốc Doanh nghiệp Trung Thành - ông Nguyễn Xuân Tốt cho hay, sở dĩ chỉ số PCI của tỉnh ngày một thăng hạng cũng bởi năng lực điều hành của chính quyền được cải thiện. Thông qua 2 dự án gần đây của doanh nghiệp chúng tôi mới thấy tốc độ giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh nhanh và thông thoáng gấp nhiều lần trước đây.
Theo nhận định của các chuyên gia, những năm tới, tỉnh ta vẫn sẽ là địa chỉ đỏ thu hút các nhà đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn và các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn thực hiện các dự án. Trong đó, ưu tiên thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng phục vụ công nghiệp... Có ý kiến đánh giá và gợi mở về tình hình đầu tư phát triển công nghiệp ở tỉnh giai đoạn tới, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tỉnh cần lựa chọn thu hút một số dự án lớn, trọng điểm nhằm kéo các dự án vệ tinh vào tỉnh giống như đã làm với Samsung. Mặt khác, cần đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp chuyên sâu cho từng lĩnh vực, từng nhà đầu tư. Quan tâm đến phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở tận dụng sức lan tỏa của các nhà đầu tư lớn; cải tạo và hoàn thiện cơ sở hạ tầng mềm (trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí...) xung quanh các khu công nghiệp tập trung.
Các dự án công nghiệp kêu gọi đầu tư những năm tới của tỉnh gồm: Hạ tầng các Khu công nghiệp Sông Công II, Nam Phổ Yên và Công nghệ cao T.P Thái Nguyên; Đầu tư xây dựng hạ tầng các Cụm công nghiệp; Tổ hợp công nghiệp - nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình; các dự án công nghiệp chế tạo máy, điện tử, gia công kim loại, cơ khí lắp ráp; các dự án chế biến sâu khoáng sản; các dự án sản xuất vật liệu xây dựng; các dự án luyện kim, sản xuất kim loại... |
Như vậy, đích để thực hiện mục tiêu lớn của tỉnh đề ra không còn xa và khả năng cán đích cũng rất khả thi. Lúc này điều cần nhất là sự quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, tập thể, cá nhân.
Trường Lâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...