Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
21:21 (GMT +7)

Lạm bàn từ chuyện giá xăng

Trước đây, các chuyên gia kinh tế hay nói một cách hình ảnh rằng, giá xăng dầu là tấm gương soi của kinh tế thế giới, chắc ít ai hiểu cặn kẽ, thì nay có thể thấu hiểu một cách trực diện.

Trong khi người ăn lương khấp khởi mừng vì xăng giảm giá thì các nhà quản lý lại bối rối. Tại kỳ họp thường kỳ cuối tháng 11, có nhiều quan chức lo ngại. Thủ tướng thì nói đến các cân đối vĩ mô, còn Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thì nói cụ thể: Giá xăng thế giới giảm 1 đô la, doanh thu từ bán dầu thô của nước ta giảm đi 1.000 tỷ đồng.

Sau phát ngôn ấy, ngày 4/12, lập tức Bộ Tài chính tăng thuế nhập xăng lên kịch trần. Cái lý của việc này, là tăng thuế để bù vào nguồn thu từ bán dầu thô bị giảm. Quả là miệng nhà quan có gang có thép, và chưa bao giờ cơ quan quản lý giá lại phản ứng nhanh nhậy như vậy. Sau đây sẽ tìm hiểu tại sao các nhà quản lý nhà nước ở nước ta lại phải lo đến như vậy?

Đúng ra, giá xăng giảm, dẫn đến giá các mặt hàng nguyên liệu là sản phẩm dầu mỏ như xăng dầu, nhựa, thuốc trừ sâu, chất dẻo… mà Việt Nam phải nhập khẩu nhiều sẽ giảm giá, tức giảm giá trị nhập khẩu. Nếu tỷ giá ngoại tệ mạnh ổn định, thì cân đối nhập xuất sẽ tiến đến chiều hướng có lợi. Giả sử Việt Nam trong một thế giới thị trường hoàn toàn, thì việc giá dầu thô giảm, hầu như không mấy ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế. Về vĩ mô, người ta quan tâm đến các cân đối vĩ mô, cũng như cá nhân và hộ gia đình quan tâm đến hiệu quả thu chi, chứ mấy ai chỉ tính toán đến nguồn thu, lờ đi nguồn chi như Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Với sản xuất trong nước, đáng lý nhân cơ hội giá xăng và nguyên liệu giảm, lạm phát sẽ giảm, chi phí sản xuất giảm, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi. Như vậy, với một nền kinh tế vận hành theo cơ thế thị trường hoàn hảo thì dầu thô thế giới giảm giá, không phải là điều lo lắng mà là ngược lại.

Tuy nhiên, tại sao các nhà quản lý nhà nước Việt Nam lại lo lắng? Nguyên nhân cụ thể là nguồn chi không giảm được (thu giảm, chi không giảm, nên không cân đối được). Nguyên nhân sâu xa là yếu kém nội tại nền kinh tế, lỗi điều hành, khiến cho dầu thô, xăng dầu giảm, mà giá cước vận tải vẫn y nguyên, cho nên chi phí sản xuất và đầu tư không giảm được. Vì sao? Lật lại lộ trình tăng giảm giá xăng, có thể tìm ra câu trả lời sơ bộ. Khi điều hành tăng giá xăng thì biên độ tăng rất mạnh, khiến cho giá cước vận tải tăng tương ứng (điều bình thường), còn khi giảm giá xăng thì giảm rất nhỏ giọt, hậu quả là giá cước không giảm theo giá xăng (bất thường), tức là quy luật thị trường bất lực.

Như thế, giọt xăng ở Việt Nam là tấm gương soi nền kinh tế, với ý nghĩa nó làm nổi rõ những yếu kém, bất cập của khu vực điều hành quản lý. Giọt xăng quả thật phản ánh sinh động đời sống ở mọi cấp độ.

Về ngắn hạn, có nhiều cách đối phó với những tác động giảm giá dầu thô thế giới. Giảm sản lượng khai thác cũng là một phương án. Nhưng về dài hạn, chỉ có đẩy nhanh đầu tư khoa học kỹ thuật, từ bỏ hướng phát triển dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô, chuyển hướng đến sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, làm cho nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường hoàn toàn, thì mới có cơ hội phát triển bền vững được.

Về quy mô, giá dầu thế giới giảm mạnh, có nguyên nhân nước Mỹ đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác dầu đá phiến, tác động xấu đến những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất nguyên liệu thô (như Nga), làm phức tạp hóa các quan hệ kinh tế chính trị thế giới giữa các nước vốn đã tiềm ẩn một nguy cơ xung đột mới. Việt Nam nằm giữa các khối nước lớn, đây là thách thức mà cũng là cơ hội để chuyển đổi nền kinh tế đến một trình độ cao hơn.

Xuân Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy