Giải thưởng văn chương: Làm sao để không “mất giá”?
VNTN - Giới văn nghệ Việt Nam, trong đó đông đảo nhất là văn chương, từ bao giờ không xa lạ gì với hai tiếng “giải thưởng”. Nhỏ thì giải thưởng thường niên của hội văn nghệ địa phương, hay giải thưởng định kỳ cấp tỉnh/ thành và thường mang tên nhà văn, nhà thơ làm rạng danh cho quê hương (Giải thưởng Lưu Trọng Lư - Quảng Bình, Phan Ngọc Hiển - Cà Mau, Nguyễn Du - Hà Tĩnh, Nguyễn Quang Diêu - Đồng Tháp, Lê Quý Đôn - Thái Bình, Trương Hán Siêu - Ninh Bình…). Lớn hơn thì giải thưởng khu vực (Giải thưởng Đồng bằng Sông Cửu Long), giải thưởng bộ/ ngành, hội/ đoàn thể, báo/ tạp chí cấp trung ương (Giải thưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Giải thưởng Văn học tuổi 20, Giải thưởng Báo Văn nghệ, Báo Tiền phong, Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội…). Lớn hơn nữa thì Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bên ngoài lãnh thổ thì có Giải thưởng Đồng bằng Sông Mê Kông, Giải thưởng ASEAN… Và lớn nhất là Giải Nobel.
Bìa tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991)
Giải thưởng, đúng theo chức năng xã hội của nó, là kịp thời xướng tên, vinh danh những tác giả - tác phẩm xuất sắc tiêu biểu trong một thời đoạn nhất định, sau khi đã “đãi cát tìm vàng”, “so bó đũa chọn cột cờ”, nhằm ghi nhận nỗ lực sáng tạo của một cá nhân, nhóm cá nhân hay một tập thể, đồng thời kích hoạt, lan tỏa năng lượng và cảm hứng sáng tạo nơi cộng đồng. Giải thưởng uy tín, chất lượng không chỉ làm “sáng giá” cho người/ nhóm người nhận giải, mà còn làm “sang giá” cho cả tổ chức trao giải. Chẳng hạn, đã 30 năm trôi qua nhưng dư âm và từ trường của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 vẫn chưa thuyên giảm. Các tiểu thuyết được vinh danh năm ấy (Thân phận của tình yêu - Bảo Ninh, Bến không chồng - Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma - Nguyễn Khắc Trường) cho đến nay vẫn là niềm kiêu hãnh của giới văn chương khi nói về văn học dân tộc, cũng như nói về giải thưởng. Với nhiều tác giả trẻ thì giải thưởng chính là bảo chứng, là vé thông hành, là động lực cũng là áp lực giúp họ vận công để trường sức mà đi đường dài với văn chương. Văn nghiệp của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, các nhà văn Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy… chính là được khởi dựng từ cái mốc giải thưởng đầu mùa như thế.
Giải thưởng, đúng theo chức năng xã hội của nó, là kịp thời xướng tên, vinh danh những tác giả - tác phẩm xuất sắc tiêu biểu trong một thời đoạn nhất định, sau khi đã “đãi cát tìm vàng”...
Nhiều người kêu là giải thưởng ngày càng trở nên “mất giá”. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trước hết là sự “khiêm tốn” về uy tín nghề nghiệp, sự quan liêu, tắc trách, xuê xoa, dễ dãi của hội đồng trao giải. Chất lượng tác phẩm chỉ có thể định tính, không thể định lượng, mà định tính thì thường đi đôi với cảm tính. Chính cái sự “vô bằng cứ” này của văn chương đã bị người ta lợi dụng, từ đó giải thưởng bị biến thành thứ có thể thương lượng, mua bán, đổi chác… trong một phạm vi cánh hẩu, lợi ích. Nghĩa là những thứ phi nghệ thuật, ngoài văn chương đã nghiễm nhiên chen vào, chi phối giải thưởng. Có người sẽ phản biện, rằng quyết định trao giải thưởng là cả một hội đồng, chứ đâu phải là cá nhân người nào. Vâng, là một hội đồng nhưng thường tiếng nói của chủ tịch hội đồng là tối thượng; là hội đồng nhưng những cá nhân trong hội đồng đó rất dễ đi đến mặc cả, thỏa hiệp ngầm, kiểu tôi đã “chịu” chấp nhận cái giải nhất mà anh khăng khăng bảo vệ rồi thì đến lượt cái giải nhì anh phải “nghe” tôi chứ. Đấy là chưa kể, tác phẩm vào vòng chung kết thường do những vòng dưới đưa lên, mà những người liên quan ở các vòng dưới thì làm sao có thể đọc hết, bao quát hết cơ man là tác giả - tác phẩm trong phạm vi quy định. Và khi lên đến hội đồng chung khảo thì lấy gì để đảm bảo là mỗi thành viên hội đồng đã đọc hết những tác phẩm được dưới tiến cử lên. Vậy nên, thi thoảng lại có tác phẩm được quyết định trao giải ngoài danh sách đề cử “đúng quy trình”. Ấy là khi hội đồng hoặc đang bị chia rẽ, phân tán, bất đồng quan điểm, hoặc không “chấm” được tác phẩm nào trong danh sách đề cử, thì đến phút chót, “trên trời rơi xuống” một tác phẩm ngoài danh sách, và thế là hội đồng nhất loạt “gật” tác phẩm này, có thể là do cái uy danh của người phát hiện và tiến cử, có thể là do hội đồng đã mỏi mệt nên “gật” đại cho xong. Câu chuyện có vẻ hơi buồn cười này đôi khi lại nhờ nó mà giải thưởng “úp lưới” được cuốn sách “nặng kí”, ít nhiều thuyết phục công chúng. Tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013), tập tiểu luận - phê bình Âm thanh của tưởng tượng của Lê Hồ Quang (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015), tập hồi kí Gánh gánh… gồng gồng… của Xuân Phượng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020)… là những tác phẩm vốn dĩ không có trong danh sách do các hội đồng chuyên môn đề cử, nhưng đã “mắc lưới” giải thưởng một cách ngoạn mục như thế. Có người nói vui, rằng được hay không được “ăn” giải đôi khi là do… “cái số” nó thế!
Bìa tập hồi kí Gánh gánh… gồng gồng… của Xuân Phượng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020)
Thảng hoặc người ta lại cảm thán là văn chương nước nhà năm nay “mất mùa” thể loại nọ kia, khi thấy giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn để trống hạng mục nào đó. “Mùa” thì vẫn thế, năm nào cũng bình bình như năm nào, rất hiếm khi xảy ra đột biến, vấn đề là những người liên quan đến công tác trao giải có đủ sức bao quát hết “cánh đồng” văn chương dài rộng bộn bề hay không, và tập thể hội đồng có đủ công tâm, khách quan, trách nhiệm và sự thống nhất quan điểm hay không mà thôi. “Công” lớn nhất của giải thưởng lẽ ra là phát hiện, vinh danh một nhân tố mới mẻ, nội lực sung mãn, để rưới lên cánh đồng văn chương một làn gió trẻ trung, có sức truyền đẩy lớn. Thế nhưng, các hội đồng trao giải thường khi tỏ ra bảo thủ, già cỗi, mặc định, nên thiếu cập nhật, thiếu đổi mới. Chẳng hạn, nhiều người kêu là các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam hầu như “bài trẻ”; đơn cử Giải thưởng thường niên 2020 xướng danh tác giả Nguyễn Văn Dân (sinh năm 1950) với tác phẩm Văn hóa - văn học dưới góc nhìn liên không gian ở hạng mục lý luận phê bình, trong khi cùng năm thì “nổi” lên những cuốn sách cùng thể loại của các tác giả 8x như Những thế giới song hành - từ truyện ngắn đến điện ảnh - Nguyễn Văn Hùng, Những khu vực văn học ngoại biên - Phan Tuấn Anh, Du hành giữa các văn bản - Nguyễn Huy Thiệp xã hội Việt Nam sau 1975 - Nguyễn Văn Thuấn, Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi (văn học và xã hội Việt Nam sau Đổi mới) - Đoàn Ánh Dương…
Đành rằng, việc của dân văn chương là viết, viết như một thôi thúc tự thân, chứ không phải viết để nhận giải thưởng. Nói như Cao Hành Kiện, quốc tịch của nhà văn là văn học. Nói như Lê Đạt, chữ bầu lên nhà thơ. Nói như Hồ Anh Thái, danh thiếp của nhà văn là tác phẩm. Thực tế là rất nhiều tác phẩm được hội đồng trao giải nào đó vinh danh, nhưng liền ngay sau đó tác phẩm trở nên vô danh, mất dấu. Người đọc và thời gian là “hội đồng” trao giải, phân hạng công minh nhất. Tuy nhiên, một tác phẩm nếu được giới chuyên môn và bạn đọc đương thời ghi nhận, lại được thời gian kiểm chứng, lại từng được nhận một giải thưởng uy tín, thì tầm vóc của tác phẩm đó càng được củng cố và khẳng định.
Bất chấp việc nhà văn và người đọc hứng thú hay bàng quan với giải thưởng, bất chấp “được giá” hay “mất giá”, thì giải thưởng vẫn cứ hiện diện như một sự tất yếu trong đời sống văn học. Giải thưởng vẫn cứ là một cái gì đó để công chúng chờ đợi, bàn tán. Ngay đến Giải Nobel văn chương mà còn không khỏi gây tranh cãi, ì xèo, thì giải thưởng văn chương trong nước thường mang đến sự thất vọng cho giới sáng tác và cộng đồng đọc cũng là điều dễ hiểu. Cái được của giải thưởng là làm cho đời sống văn học có dịp mà rộn lên đôi thoáng. Chẳng hạn như về tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn vừa được trao giải Ba Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên vì một tác phẩm hơi “có vấn đề” như thế mà vẫn được trao giải, PGS.TS Phạm Xuân Thạch lại cho rằng đây là tác phẩm lẽ ra phải được nhận giải Nhất, còn nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì chỉ ra rất nhiều “điểm trừ” của tác phẩm này.
Giải thưởng là “một miếng giữa làng”. Giải thưởng văn chương là sự định lượng hóa, vật chất hóa thứ vốn vô định lượng, phi vật chất, có điều tiến trình này được thực hiện bởi một nhóm cá nhân, mà đã là cá nhân thì đầy chủ quan, thiên kiến và giới hạn. Để giải thưởng văn học dần trở nên “được giá”, trước hết cần đến phẩm giá (lương tâm, “đôi mắt”…) của những thành viên hội đồng trao giải.
Khải Hoàng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...