Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
10:35 (GMT +7)

Đạo đức nghệ sĩ – không thể là chuyện nhỏ

Gần đây những thị phi trong giới showbiz Việt lan truyền ở cộng đồng cho thấy đã có một sự quá giới hạn trong chuẩn mực đạo đức nghệ sĩ. Và đồng thời việc một số quốc gia châu Á láng giềng thắt chặt nghiêm khắc - “phong sát” các nghệ sĩ vi phạm đạo đức, đang gióng hồi chuông cảnh báo không thể xem nhẹ việc này.


Nghệ sĩ - “người của công chúng”, là giới có công việc đặc thù, tác động, chi phối đến công chúng không chỉ bằng tài năng nghệ thuật, sự phấn đấu học hỏi để không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm của mình mà còn là lối sống, cách hành xử với cộng đồng, những hoạt động ngoài chuyên môn... Đặc biệt, nghệ sĩ có ảnh hưởng sâu rộng đối với công chúng trẻ, ở một khía cạnh, nghệ sĩ là tấm gương để giới trẻ lấy đó mà “theo”, đôi khi còn là mơ ước để phấn đấu. Nên vấn đề đạo đức của người nghệ sĩ không thể xem nhẹ.

“Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ”

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố dự thảo “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ”, gửi tới các cơ quan chức năng và 6 đơn vị trực thuộc Bộ gồm: Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ gồm 3 chương, 11 điều, với kỳ vọng điều chỉnh, tạo cơ sở chuẩn mực đạo đức của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là giới nghệ sĩ showbiz, các nghệ sĩ có danh xưng trong các ngành nghệ thuật…

Dự thảo “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ”, nêu rõ hành vi ứng xử ở đây là những phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài quy tắc ứng xử chung, ban soạn thảo đưa ra các quy tắc cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, khán giả; ứng xử trong công tác xã hội, trên truyền thông và mạng xã hội. Trên cơ sở Quy tắc ứng xử, các đơn vị, hội nghề nghiệp sẽ xây dựng quy định khen thưởng, xử phạt riêng phù hợp với từng đơn vị.

Dự thảo cũng nhấn mạnh những nghiêm cấm về một số hoạt động ngoài chuyên môn, như nghệ sĩ không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm; không thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan; không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật và phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện…

Dự thảo hiện đang được giới nghệ sĩ và công chúng quan tâm. Rất nhiều ý kiến đồng tình bởi hiện đang có những biến tướng trong đạo đức của giới nghệ sĩ Việt. Có nhiều ý kiến cũng cho rằng việc chế tài theo dự thảo là chưa đủ nghiêm để cho thấy đạo đức nghệ sĩ cần phải đặt lên hàng đầu.

Đạo đức nghệ sĩ Việt đang bị thả lỏng

Thời gian qua, nhiều cá nhân hoạt động trong showbiz Việt, thậm chí một số nghệ sĩ danh xưng tên tuổi, đã có hành vi đạo đức lệch chuẩn, không phù hợp với văn hóa văn minh trong cộng đồng, và trên mạng xã hội. Ở góc độ ảnh hưởng, đã có nhiều tác động tiêu cực đến công chúng cũng như sự phát triển văn hóa nói chung trong xã hội.

Cách đây chưa lâu, một loạt nghệ sĩ nổi tiếng giới showbiz, có cả nghệ sĩ được Nhà nước phong danh, có lượng “fan” hùng hậu, đã bị dư luận công chúng phản ứng khá gay gắt, cơ quan quản lý “tuýt còi” khi có hành vi quảng cáo sản phẩm tiêu dùng chưa được kiểm định cấp phép, quảng cáo sai sự thật chất lượng, quảng cáo cho hàng không rõ nguồn gốc,… trên mạng xã hội, bất chấp những hậu quả đến người tiêu dùng, chỉ vì lòng tham. Gần nhất là việc một số nghệ sĩ có tên tuổi trong đợt cao điểm dịch bệnh COVID-19, đã đưa lên mạng những clip - video về các loại dược phẩm chữa trị Covid, đưa những thông tin thiếu kiểm chứng, thậm chí tin thất thiệt về bệnh dịch…

Tương tự, chuyện "rác” trong ca từ âm nhạc, đặc biệt là các ca khúc phát hành trực tuyến hay trên các nền tảng số, đã từng bị dư luận lên án, nhiều trường hợp đã bị buộc gỡ bản thu âm, bị phạt tiền, nhưng mới đây, lại tiếp tục trỗi dậy. Một loạt rapper sáng tác và lưu hành những ca khúc có ca từ phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục truyền thống, xúc phạm tôn giáo... Rồi có nghệ sĩ danh tiếng, ở vị trí làm thầy làm cô, nhưng phát ngôn trên mạng xã hội thì “văng” những ngôn từ khá khiếm nhã, hay nghệ sĩ có chút tên tuổi được ngồi ghế đại diện cơ quan thẩm định nghệ thuật khi không được như ý thì ngông cuồng, không chỉ với đồng nghiệp mà còn tỏ ra thiếu tôn trọng các cơ quan Nhà nước, đoàn thể…

Chưa kể một số nghệ sĩ có lối sống phóng túng thiếu trách nhiệm, gây các scandal trong giới showbiz Việt, điển hình mới nhất là việc một ca sĩ nam “thần tượng” rất vô cảm khi chối bỏ trách nhiệm với con của mình cùng người bạn gái cũ… Hay trong lúc dịch bệnh khốc liệt, có hàng chục ngàn cái chết thương tâm, hàng ngàn trẻ em mồ côi, nhưng vẫn có nhiều nghệ sĩ trong giới showbiz Việt hàng ngày khoe trên mạng những kiểu cách sống xa hoa “sang chảnh”, tiêu xài xa xỉ, ăn uống mỹ vị hàng ngày, tệ hơn là họ còn “mượn” truyền thông để khoe nhà đẹp, tủ giày hàng hiệu, túi xách phiên bản có giới hạn, nữ trang kim cương, xe hơi đời mới…

Đó là chưa kể có một số nghệ sĩ, lợi dụng việc tự do sáng tạo nghệ thuật, mà đưa vào tác phẩm của mình những hình ảnh hay ngôn từ, đặc biệt với phim ảnh, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Quốc gia, thể chế Nhà nước.

Khó có thể kể hết những vấn đề trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ khiến dư luận bức xúc, từ chuyện lên mạng xã hội nói xấu nhau đến chuyện ngồi “ghế nóng” các gameshow mà phát ngôn thiếu văn hóa với thí sinh. Từ việc đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh, đến việc mập mờ chậm trễ, không minh bạch trong kêu gọi từ thiện...

Vụ việc có thể mới nhưng đều là những hành vi mà dư luận, cơ quan quản lý đã lên tiếng nhắc nhở, cảnh báo, thậm chí xử phạt từ lâu, xong hình như chỉ như “nước đổ lá khoai”. Điều này khiến công chúng cảm thấy nhiều nghệ sĩ đang coi những hành vi phản văn hóa như một chiêu trò để gây chú ý, đòi hỏi một biện pháp mạnh hơn để có thể làm trong sạch môi trường nghệ thuật.

Ảnh chụp giao diện báo điện tử laodong.vn (minh họa)

Chế tài phải thật nghiêm minh

Khi đã là nghệ sĩ, là người có ảnh hưởng với cộng đồng, thì trước tiên người nghệ sĩ phải biết chừng mực từ lối sống, cho đến lời ăn tiếng nói khi phát ngôn, cách ứng xử với chính đồng nghiệp của mình, đồng thời phải là người có trách nhiệm cao với xã hội, với hình ảnh đại diện của Tổ quốc… Đưa ra quy tắc ứng xử là một cách mang đến sự bình đẳng trong quản lý và đánh giá các cá nhân trong hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ, bất kể thuộc đơn vị nhà nước quản lý hay không. Đừng bao giờ lấy lý do tài năng để khỏa lấp cho việc vi phạm đạo đức của nghệ sĩ.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội - Kỳ họp thứ 2 Khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đã nêu ý kiến đề xuất nên quy định dừng chiếu hoặc rút giấy phép với tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của các nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức, an ninh chính trị… Cũng tương tự, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế góp ý, cần phải có chế tài như “cấm sóng”, cấm biểu diễn với nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn. Còn theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, thì nêu ý kiến cần nghiên cứu về tính ràng buộc đối với các đối tượng khác nhau, gồm các nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật nhà nước, trong các lực lượng vũ trang... NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, bà quan tâm nhiều đến việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật cũng như cơ quan quản lý nhà nước để làm sao tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn...

Nhìn sang một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, họ xử lý nghệ sĩ vi phạm đạo đức rất nghiêm, không những rút phim ảnh, các chương trình có hình ảnh nghệ sĩ, mà còn cấm vĩnh viễn không được biểu diễn. Gần đây nhất là việc Trung Quốc cho “phong sát”, rút tên trên các nền tảng số, rút tên trong các chương trình truyền hình, “đóng băng” các sản phẩm nghệ thuật, hủy các hình ảnh quảng cáo, hủy các hợp đồng quảng cáo hay tham dự sự kiện… thậm chí truy tố một số nghệ sĩ có lối sống phóng túng, sa đọa, hay bỏ rơi con cái, trốn thuế, phát ngôn gây ảnh hưởng hình ảnh quốc gia trên mạng… Tại Hàn Quốc cũng rất nghiêm trị các nghệ sĩ có lối sống vi phạm đạo đức thuần phong quốc gia, nghiện ma túy, lối sống phóng túng, vi phạm luật,… cho dù đó là nghệ sĩ tên tuổi, danh tiếng, và ngay lập tức họ bị khán giả quay lưng, sau đó có thể là chấm hết sự nghiệp...

Nhưng còn ở Việt Nam thì sao? Lâu nay, chưa có nghệ sĩ nào vi phạm bị “phong sát” như cách nghiêm trị ở quốc gia bạn. Những vi phạm của họ chỉ như một thoáng “ồn ào”, rồi họ vẫn có mặt trong các phim, các show, ngồi ghế giám khảo, lên truyền hình, vẫn cứ ung dung tự tại xuất hiện như chưa hề có việc gì xảy ra.

Quy tắc ứng xử, hiện tại vẫn được ví là “lạt mềm”, liệu có thể giúp môi trường nghệ thuật lành mạnh hơn? Trên các diễn đàn góp ý dự thảo, có thể thấy rõ sự băn khoăn khi “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ” không đề cập tới chế tài xử phạt hành vi vi phạm.

Thiết nghĩ, trong “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ” cần đưa thêm phần chế tài nghiêm minh hơn với những vi phạm đạo đức của nghệ sĩ. Một khi nghệ sĩ vi phạm đạo đức, cần xử nghiêm, với tác phẩm có nghệ sĩ đó tham gia nếu không thay thế được, xóa được, thì sản phẩm đó phải bị “đóng băng” không phát hành ra công chúng - Điều này buộc nhà sản xuất cũng cần nghiêm túc khi lựa chọn nghệ sĩ. Và riêng nghệ sĩ cũng bị chế tài nghiêm như cấm hoạt động có thời hạn hay vĩnh viễn tùy mức độ vi phạm.

Có như thế, hình ảnh nghệ sĩ - người có ảnh hưởng với cộng đồng, công chúng sẽ là hình ảnh đẹp đúng nghĩa.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy