Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
20:10 (GMT +7)

Điện ảnh Việt: Đừng nghĩ “rực rỡ” mà ảo tưởng “bình minh”

Sau Lễ trao giải Cánh diều lần thứ 19 vào tháng 9/2022 tại Nha Trang - Khánh Hòa, với chủ đề chính “Tiếp gió biển cho cánh diều bay cao”, phim “Đêm tối rực rỡ” (đạo diễn Aaron Toronto - quốc tịch Mỹ) giành Cánh diều vàng, phim “Bình minh đỏ” và “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác” giành Cánh diều bạc trong hạng mục phim truyện điện ảnh. Nhưng cũng từ giải này nhìn tổng quan điện ảnh Việt Nam trong năm 2021 - 2022, đã thật sự “rực rỡ” cho một “bình minh” sau thảm họa COVID-19 hay chưa?

Cảnh trong phim “Đêm tối rực rỡ”

Với những tác phẩm phim truyện điện ảnh đề cử cho mùa giải Cánh diều, gồm 5/11 tác phẩm tham gia: Bẫy ngọt ngào, Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, Đêm tối rực rỡ, Bình minh đỏ, Phượng cháy, đã có sự “hụt hơi” cả số lượng và chất lượng. Có thể những “di chứng” nặng nề của dịch bệnh chưa đủ thời gian vực dậy, nhưng đồng thời qua đó có thể thấy “sức khỏe” của điện ảnh Việt chưa khả quan lắm, phần lớn là những tác phẩm có chất lượng thấp, thậm chí khiến người xem phải thở dài vì nhiều vấn đề yếu kém.

“Đêm tối rực rỡ” có thật rực rỡ?

Phim điện ảnh Đêm tối rực rỡ của đạo diễn Aaron Robert Toronto (quốc tịch Mỹ), một phim remake - phim làm lại từ một bộ phim trước đó đoạt Cánh diều vàng lần thứ 19 của Hội Điện ảnh Việt Nam, ngoài ra còn thêm các giải cho hạng mục biên kịch, quay phim, diễn xuất. Kết quả không thực sự bất ngờ, vì rõ ràng so với 10 phim tham dự khác, phim khá hơn. Khi ra rạp tháng 4/2022, phim đã nhận được khá nhiều lời khen từ giới phê bình lẫn khán giả, bởi đề tài vừa rất thân thuộc với văn hóa Nam Bộ, vừa nói được vấn đề xã hội đang quan tâm, bạo lực gia đình.

Chuyện phim xoay quanh đêm tang gia của một gia đình ở miền Nam, khi các thành viên quây quần bên nhau cũng là lúc mâu thuẫn xảy ra giữa các thế hệ. Từ đó, kịch bản cài cắm thông điệp về bạo lực gia đình, vai trò của tình thân và cách chữa lành nỗi đau.

Cho dù ở góc độ nghề, phim có rất nhiều phân cảnh không rõ yếu tố điện ảnh, mà nặng phần sân khấu, hay diễn xuất của diễn viên cũng có phần nghiệp dư, nhưng Đêm tối rực rỡ với nội dung đó, đã “thắng” các phim còn lại có nội dung khá nhạt nhòa, nhàm chán, các sáng tạo nghệ thuật điện ảnh chưa rõ nét. Hai phim Cánh diều bạc cũng chưa thật sự hay, thậm chí có phim còn bị một nhà lý luận phê bình phim chê là “kéo lùi điện ảnh Việt Nam về 30 năm trước” bởi cách làm phim quá cũ, đề tài không mới, câu chuyện không hấp dẫn.

Các phim tham dự, như phim được giới thiệu là sinh tồn, Rừng thế mạng - Trần Hữu Tấn đạo diễn, nhưng triển khai nội dung lộn xộn, kịch bản kém thuyết phục khi tạo tình huống không hợp lý, tính cách nhân vật xây dựng quá đà, nhiều chi tiết gây tranh cãi như cảnh nhân vật chính thủ dâm trong rừng. Nhà không bán - Hoàng Tuấn Cường đạo diễn, kịch bản có nỗ lực làm mới nhưng nhiều điểm trừ, từ cách khai thác đề tài còn cũ, đạo diễn lạm dụng yếu tố hài, chưa kiểm soát tốt kỹ thuật lẫn diễn xuất hợp lý. Phim Người lắng nghe: Lời thì thầm - Khoa Nguyễn đạo diễn, cũng không khá hơn, khai thác đề tài trị liệu tâm lý nhưng nội dung hỗn độn, dài dòng, tham tình tiết, đạo diễn dẫn dắt câu chuyện không hấp dẫn dù là phim có yếu tố kinh dị, sử dụng thủ pháp cũ kỹ để hù dọa khán giả.

Hai tác phẩm Chìa khóa trăm tỉ Nghề siêu dễ - đều do Võ Thanh Hòa đạo diễn, cũng lại là phim remake. Dù doanh thu phòng vé khả quan, nhưng tính sáng tạo tương đối thấp so với mặt bằng chung trong hạng mục, quy tụ phần lớn diễn viên hài. Chìa khóa trăm tỉ chỉ dừng ở mức phim chiếu Tết, xem giải trí cho vui, Nghề siêu dễ thì lại có những thay đổi nội dung quá đà so với nguyên tác, gây nhiều cảnh hài vô lý. Bẫy ngọt ngào - đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư, pha trộn giữa một chút chick flick (dòng phim dành cho phụ nữ) và một chút giật gân, nhưng kịch bản và cách khai thác chủ đề còn nhiều điểm phi lý, nhất là cái kết phá hỏng hoàn toàn câu chuyện. Phim Cơn giông - đạo diễn Trần Ngọc Phong, một phim có nhiều cảnh quay đẹp về thiên nhiên rừng ngập mặn, nhưng câu chuyện kể về đất và người Cà Mau thập niên 1980 -1990 nhiều điểm thiếu hấp dẫn, không thật.

Điều đáng nói ở đây, giải Cánh diều vàng cho phim Đêm tối rực rỡ, đã như một sự minh chứng điện ảnh Việt thật sự chưa thể “rực rỡ”. Một phim kịch bản remake của nước ngoài, đạo diễn người nước ngoài, và như thế chất “thuần Việt” của điện ảnh Việt đã tạm thời bị thua trên ngay sân nhà.

Điện ảnh Việt đã “bình minh” chưa?

Điện ảnh Việt cho dù đã bắt đầu khởi sắc sau dịch bệnh, nhưng chưa thực sự hồi sức sau những ảnh hưởng nặng nề. Cách đây 3 năm, từ 2019 trở về trước, mỗi năm có từ 30 - 40 phim ra rạp, nhưng từ năm 2020, thị trường phim Việt ra rạp tương đối ảm đạm, số lượng rất ít, nhiều dự án phập phù không lên lịch chiếu được, mỗi tháng có lác đác một vài tác phẩm nhưng phần lớn các phim đều không hòa vốn, chưa nói đến chuyện “thắng” lượng vé như mong muốn của nhà sản xuất.

Kịch bản cũ kỹ, nhiều lỗi, thậm chí phim ra rạp thời khó mà đầy tai tiếng lùm xùm từ việc dính bản quyền cho đến việc gây tai tiếng vì các nguyên mẫu của phim, là một trong những lý do khán giả dần quay lưng với phim nội địa.

Ra mắt dịp Tết, phim 1990 - đạo diễn Nhất Trung, quy tụ bộ ba những cái tên có lưu lượng fan khá cao là Lan Ngọc, Nhã Phương và Diễm My 9X, nhưng khi ra mắt phim lại bị chê nhiều hơn khen, phần lớn đánh giá thấp kịch bản quá cũ đến nhàm, mô-típ gợi giống phim truyền hình Ba mươi chưa phải là hết của Trung Quốc, diễn xuất của các ngôi sao đều rời rạc, kéo chất lượng đi xuống. Là một trong những dự án được đầu tư đình đám nhất năm 2022 (đã được nhấn nhá từ năm 2019), Em và Trịnh - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, thu hút khá nhiều quan tâm, trông đợi của khán giả, nhưng với một kịch bản dàn trải, phim gần như không làm bật những nét chính về cuộc đời nhạc sĩ họ Trịnh, chưa kể diễn viên diễn xuất chưa ra nhân vật, và những lùm xùm xung quanh phim. Một số phim khác thì kịch bản khá kém, nên dù dàn diễn viên có là sao, gồng mình diễn, vẫn không thể kéo phim đến khán giả.

Trong năm 2022, cũng chú ý với hàng loạt dự án phim kinh dị ra mắt, như Bóng đè, Chuyện ma gần nhà, Cù lao xác sống, Vô diện sát nhân… Chỉ riêng trong danh sách đề cử Cánh diều lần thứ 19, có đến 3/11 dự án kinh dị gồm: Rừng thế mạng, Nhà không bán, Người lắng nghe: Lời thì thầm, và gần nhất là phim Mười: Lời nguyền trở lại. Số lượng phim kinh dị tăng lên không đồng nghĩa với chất lượng đảm bảo, phần lớn các tác phẩm nói trên đều nhận nhiều lời chê về kịch bản, nội dung, diễn xuất, chưa nói đến phần kỹ xảo cũng không thật gây ấn tượng cảm xúc.

Ngay cả với phim hành động được cho là khá nhất trong phim ra rạp Lật mặt: 48h - đạo diễn Lý Hải, phim dù có những màn hành động đẹp mắt thì phim cũng chỉ thuần giải trí, theo mô-típ anh hùng cá nhân, thiện thắng ác, và việc trắng tay trong giải Cánh diều, chứng tỏ tổng thể phim chưa đến mức chất lượng.

Còn phim hành động được quảng bá rầm rộ là 578: Phát đạn của kẻ điên - đạo diễn Lương Đình Dũng, vừa được chọn đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự Oscar 2022 tranh hạng mục phim nói tiếng nước ngoài, nhưng phim bị chê tơi tả khi ra mắt, được cho là chất lượng kịch bản kém, cách dàn dựng rời rạc, nhiều lỗi, nội dung ngớ ngẩn, khó hiểu khi bắt nhân vật chính phải đối diện với kẻ thù này đến kẻ thù khác, chỉ để khoe những màn đánh đấm, rượt đuổi vô nghĩa. Phim có kinh phí lên đến 60 tỷ đồng, là “bom tấn” hành động với sự tham gia của ê-kíp nước ngoài, từ đạo diễn hành động Hàn Quốc Oh Sea Young, diễn viên Pháp gốc Việt Alexandre Nguyễn, nhưng phần hành động trong phim được đầu tư, lại không tạo được cảm giác hồi hộp, gay cấn cần có. Kết quả là phim khi ra rạp, rơi vào tình trạng lỗ nặng vì chỉ đạt doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng.

“578: Phát đạn của kẻ điên” luôn quảng bá rầm rộ (poster của phim)

Chúng ta vẫn chưa làm hài lòng khán giả ngay trên sân nhà trong những đề tài có thể gọi là dễ thực hiện nhất trong điện ảnh. Ví dụ với phim hài, loại phim thường “đắt khách” của điện ảnh Việt thì cũng thua không thể so với phim ngoại. Theo nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt: “Cái duyên dáng và hài hước của phim Việt đang giống hài kịch, kịch bản không chặt chẽ và thực lực của diễn viên không tốt. Từ đó dẫn đến việc xem phim hài Việt Nam giống web drama hoặc hài kịch trên sân khấu hơn là phim điện ảnh”. Lý giải việc phim Việt thất bại trên chính sân nhà, anh Nguyễn Phong Việt cho biết khâu sản xuất phim của nước ta đang rất yếu: “Tại Việt Nam, ba yếu tố quan trọng nhất làm nên một bộ phim là kịch bản, diễn viên và đạo diễn có chất lượng đều không cao. Điều này dẫn đến việc dù chúng ta có làm những bộ phim với đề tài rom-com vẫn khó đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả”.

Ngoài ra, các nhà làm phim Việt luôn có xu hướng gắn thông điệp lớn lao vào phim, trong khi chất lượng tác phẩm không tương xứng. Kể cả bộ phim được cho là thành công nhất trong năm 2022 là Em và Trịnh, doanh thu cũng chỉ dừng lại ở mức 100 tỷ đồng, trong đó kinh phí đến 60 tỷ đồng, chưa kể chi phí cho các chiến dịch quảng bá phim, đồng nghĩa với việc phim tạm hòa vốn. Các phim khác ra rạp trong năm nay như Mỹ nhân thần sách - 168 triệu đồng, Kẻ thứ ba - 1 tỷ đồng, Mưu kế thượng lưu - 1 tỷ đồng, Người tình - 1,2 tỷ đồng... đều bị xem là thất bại.

Phim Việt mùa cuối năm còn chật vật hơn nữa, cho tới lúc này các dự án phim vẫn cứ phập phù, các nhà sản xuất vẫn khá e dè vì khả năng thu hồi vốn bấp bênh. Chưa kể năm 2023 cũng chưa thấy nhiều tín hiệu lạc quan với nhiều dự án phim còn đang đóng băng, bởi các nhà sản xuất gần như đang cạn kiệt vốn liếng nên dè dặt thực hiện dự án mới, nên đừng nghĩ điện ảnh Việt “rực rỡ” mà ảo tưởng sẽ “bình minh”.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 2 tuần trước