Thứ bảy, ngày 11 tháng 05 năm 2024
12:33 (GMT +7)

Xiếc Việt và giấc mơ hóa rồng

Những ngày cuối cùng của năm 2022, Xiếc Việt kỷ niệm 100 năm ngành thành lập với những thành tích vô cùng ngưỡng mộ: 3 huy chương Vàng Liên hoan Xiếc quốc tế được tổ chức tại Việt Nam (với 9 quốc gia tham dự). Trước đó tại Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022 diễn ra tại Liên bang Nga hồi tháng 10, Việt Nam cũng đã giành giải Vàng danh giá với tiết mục “Đu son”. Những thành tích của Xiếc Việt không chỉ đưa Xiếc Việt tỏa sáng mà còn góp phần phát triển nghệ thuật xiếc Việt Nam đến gần hơn với giấc mơ hóa rồng.

Tiết mục “Đu son” giành giải Vàng Liên Hoan Xiếc quốc tế tại Nga

100 năm - một chặng đường

100 năm trước, cùng với sự phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật, Xiếc Việt được biết đến từ các lò luyện xiếc và sự chung lưng đấu cật góp vốn mở các gánh xiếc ở Sa Đéc, Mỹ Tho, Sài Gòn, và một số tỉnh miền Trung… Năm 1922, tại Hà Nội, nghệ nhân Tạ Duy Hiển đã tập hợp một số con cháu trong gia đình, thành lập “Gánh xiếc Việt Nam”. Hơn 30 năm sau, tháng 1 năm 1956, Đoàn Xiếc Trung ương được thành lập, đồng thời lúc đó, cố Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tạ Duy Hiển cũng tái lập gánh xiếc cũ rồi gia nhập Đoàn Xiếc Trung ương, sau này được đổi tên thành Đoàn Xiếc Thống Nhất. Tại thời điểm đó, Đoàn do đích thân cố nghệ sĩ Tạ Duy Hiển làm Trưởng đoàn. Tiếp đến, năm 1959, Đoàn Xiếc Thống Nhất được quốc hữu hóa, trở thành Đoàn Xiếc Nhân dân Trung ương (tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngày nay). Và cố NSND Tạ Duy Hiển (1889 - 1967) được coi là người sáng lập ngành Xiếc Việt Nam hiện đại.

Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ngành Xiếc Việt Nam, những nghệ sĩ, diễn viên đã giành những tình cảm chân thành nhất để ghi nhận và tri ân người đã có công đặt nền móng cho Xiếc Việt, không những vậy, ông còn là người truyển lửa để thế hệ diễn viên Liên đoàn Xiếc nói riêng, nghê sĩ xiếc trên cả nước nói chung yêu và gắn bó với nghề cho dù họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chính ngọn lửa đam mê nghề của cố nghệ sĩ đã tiếp sức cho hậu thế, để hiện thực hóa giấc mơ hóa rồng của Xiếc Việt.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ngành Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Từ năm 2015 đến nay, Liên đoàn Xiếc thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ về tài chính; đặc biệt năm 2020, 2021 là năm rất khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Liên đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ giao và đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh, trên cơ sở đó tiếp tục phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, khẳng định vị thế, tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng trong nước và quốc tế. Chúng ta tự hào và xúc động khi nhớ về những đóng góp lớn lao của cố NSND Tạ Duy Hiển và truyền thống của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Lịch sử truyền thống của đơn vị đã tạo nên nguồn động lực không chỉ trong thi đua sáng tạo nghệ thuật mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.

Nằm trong ngôi nhà chung của các loại hình nghệ thuật đương đại Việt Nam, nghệ thuật xiếc đã tạo nên nhiều thành quả to lớn với hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập toàn cầu hiện nay khi cùng lúc, tại nhiều cuộc “đem chuông đi đấm xứ người” xiếc Việt đều gây được tiếng vang lớn.

Trong cơ chế thị trường như hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các loại hình nghệ thuật đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, trong đó có nghệ thuật xiếc. Đã có không ít người cho rằng, chỉ trẻ em mới bị cuốn hút bởi những tiết mục xiếc thú, xiếc hài… và sự cũ kỹ của sân khấu, của không gian nghệ thuật sân khấu tròn, cả bốn hướng (đông, tây, nam, bắc) đều có khán giả ngồi từ thấp lên cao không khỏi khiến người xem nhàm chán. Lối tư duy cũ mòn ấy đã tác động đến ngành Xiếc, khi có thời điểm các xuất diễn chỉ tập trung vào các dịp Trung thu, Tết Thiếu nhi 1/6 và lưu diễn. Không chịu bó tay trước sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật mới, Xiếc Việt đã chọn con đường tự làm mới mình khi mạnh dạn bắt tay với nhiều loại hình nghệ thuật khác để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới lạ. Hay nói đúng hơn là một chương trình nghệ thuật giải trí chất lượng cao. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đã khẳng định, khi xiếc kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác như ảo thuật, múa, nhảy hiện đại cùng các yếu tố kỹ xảo của sân khấu 4D thì sẽ kích thích thị giác của khán giả.

Với đặc thù sân khấu tròn, Ở giữa sân khấu tròn ấy là một tấm thảm. Chính trên thảm tròn đó là hàng chục tiết mục với màu sắc rực rỡ, lộng lẫy của bao nhiêu bộ phục trang và màu sắc của các loại đạo cụ, do người họa sĩ sáng tạo nên, cùng với ánh sáng được phô diễn một cách rực rỡ… đã thực sự chinh phục được khán giả, đồng thời khẳng định giá trị cũng như đã tạo nên một phong cách xiếc Việt Nam khá độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiết mục biểu diễn xiếc tại Lễ kỷ niệm

Hiện thực giấc mơ hóa rồng

Không cầu toàn, bằng lòng với những gì mình đã có, 100 năm qua, Xiếc Việt đã không ngừng làm mới, thông qua sự bắt tay với nhiều ngành nghệ thuật như múa, ảo thuật, nhảy hiện đại và cả nghệ thuật cải lương… để hình thành các vở diễn vô cùng độc đáo và được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Có thể kể tên một số sự kết hợp như: với Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng và biểu diễn hai vở “Cây gậy thần”“Thượng thiên Thánh mẫu” nằm trong dự án dài hơi “Huyền sử Việt”, “Phù Thủy đại chiến” Và tới đây sẽ là sự kết hợp với nhiều ngành nghệ thuật đương đại khác để trình làng những chương trình nghệ thuật đỉnh cao.

Để Xiếc Việt ngày càng được công chúng đón nhận có những những yêu cầu và thách thức mới, đó là: Cần xây dựng tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng cao nhằm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi hơn nữa nghệ thuật Xiếc Việt Nam với nhân dân trong nước, đặc biệt là đối với khán giả trẻ và khán giả nước ngoài. Ngoài ra với Liên đoàn cần tập trung mọi nguồn lực, phát triển cơ sở vật chất, tăng cường hợp tác quốc tế chủ động vượt qua thách thức trong tình hình mới. Bởi mỗi tiết mục xiếc, không chỉ là sự sáng tạo và biểu diễn riêng biệt của mỗi nghệ sĩ hay một nhóm nghệ sĩ, mà nó còn là đỉnh cao của nghệ thuật dân gian, của nét văn hóa Việt đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngôn ngữ xiếc là ngôn ngữ đại chúng và vì vậy, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng đã cho rằng: Chúng ta có thể dùng xiếc để kể một câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam, tạo ra một món ăn mới cho nhân dân và du khách quốc tế. Bên cạnh những loại hình phổ biến như rối nước, dân ca, dân vũ,… và xiếc trong một chừng mực nhất định đã trở thành sứ giả văn hóa vô cùng hữu dụng.

Tiết mục xiếc thăng bằng của một nghệ sĩ Xiếc Việt biểu diễn tại Phố đi bộ Kim Đồng (Cao Bằng) cuối tháng 9 năm 2022 được đông đảo khán giả Cao Bằng đón nhận. Ảnh: QK.

Để bắt kịp và giao thoa với thế giới, nghệ sĩ xiếc và những sản phẩm xiếc đã có sự thay đổi. Sân khấu xiếc thay vì không có màn, lớp, chương, hồi, không có trang trí từng cảnh thì nay đã có những lớp lang cụ thể. Mỗi sản phẩm xiếc là câu chuyện về văn hóa, là thông điệp cho nghệ thuật, phương thức sống, sự ứng xử giữa con người với con người trong một thế giới phẳng. Và ngôn ngữ xiếc có thể đưa con người xích lại gần nhau không phân biệt màu da, tuổi tác và vùng lãnh thổ.

Hiện nay ngành Xiếc đã và đang xây dựng một lộ trình phát triển phù hợp với nội lực và nhu cầu của công chúng yêu nghệ thuật. Sự đào tạo bài bản, chú ý đến lớp nghệ sĩ trẻ kế cận đang được đẩy mạnh và đầu tư một cách chuyên sâu từ khâu lựa chọn, bồi dưỡng và đào tạo thành nghề cho đến khẳng định tài năng cá nhân nghệ sĩ xiếc tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Do đó, để nghệ thuật xiếc vươn xa và khẳng định vị thế của Xiếc Việt trên trường quốc tế, từng bước tiến gần hơn với giấc mơ hóa rồng, hơn lúc nào hết, ngành xiếc nói chung, các nghệ sĩ xiếc nói riêng cần linh hoạt kết hợp xiếc cùng các loại hình nghệ thuật khác để làm nên một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt Nam chứ không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa tiệc nghệ thuật đương đại hiện nay. Hiện, hướng đi mới của các nghệ sĩ xiếc Việt Nam là thực hiện những tiết mục mang tính thị giác hoặc dàn dựng nhiều chương trình xiếc theo chủ đề như: Chương trình xiếc cho Ngày Thương binh Liệt sĩ; chương trình xiếc mừng Ngày Quốc khánh (2-9) với những suất đầu tư và dàn dựng một cách bài bản. Được biết, ý tưởng kết hợp thậm chí lồng ghép các loại hình nghệ thuật trong đó có xiếc vào các sản phẩm du lịch để kích cầu ngành du lịch, quảng bá nghệ thuật dân gian nói riêng đang được đẩy mạnh. Và nếu làm được điều này thì tin chắc rằng chặng đường phía sau của 100 năm xiếc Việt sẽ nhiều màu sắc hơn với những sản phẩm văn hóa - du lịch có giá trị.

Nguyễn Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy