Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:32 (GMT +7)

Khai thác hình thái giá trị cảnh quan kiến tạo giá trị đô thị

Đô thị thành thành phố Thái Nguyên rất cần khai thác nét đẹp của thành phố bên sông Cầu. Ảnh: Việt Hùng

Quá trình đô thị hóa, nước ta từ một nước nông nghiệp đã trở thành nước đang phát triển với một hệ thống đô thị trải dài từ Bắc đến Nam, trong hệ thống đô thị ấy có những đô thị được đánh giá là phát triển tốt, có bộ mặt đô thị đẹp, ví dụ có thể kể đến như các thành phố: Hạ Long, Huế, Đà Nẵng… những đô thị ấy phát triển tốt vì đã tạo dựng cho mình một “Hình thái đô thị” tốt.

Ở trường hợp thành phố Đà Nẵng, điểm nhấn là con người đã ứng xử tốt với hình thái không gian tự nhiên khi tổ chức tuyến giao thông hai bên bờ sông Hàn, các tuyến phố đã hướng mặt ra dòng sông, các kiến trúc kết hợp với dòng sông là các tuyến dạo bộ, là các công viên cùng các điểm kiến trúc nhỏ như: nhà hàng, điểm phục vụ, kiến trúc được nghiên cứu cẩn trọng để làm tăng giá trị của hình thái đô thị, kiến tạo nên sự “Tĩnh” nằm trong chất “Động” của đô thị.

Tương tự như vậy, dòng sông Hương ở thành phố Huế cũng đã làm được điều cần làm khi khai thác giá trị hình thái của dòng sông Hương, Núi Ngự, cảnh quan thiên nhiên… kiến tạo nên giá trị đô thị với độ “Tĩnh” cao, tạo nét riêng cho Huế.

Còn nhiều ví dụ khác nữa!

Khái niệm “Hình thái học đô thị” trong kiến trúc đô thị được dựa trên hình thái không gian tự nhiên và sự kiến tạo hình thái không gian nhân tạo do con người tạo nên.

Hình thái không gian tự nhiên bao gồm: Cao độ của đồi núi, mặt nước… với những giá trị tự nhiên có sẵn do thiên nhiên ban tặng. Những giá trị tự nhiên do con người tạo nên như đắp điều chỉnh cao độ nền, hoặc hạ thấp cao độ tạo không gian mặt nước sông, suối, hồ nước…

Hồ Xương Rồng của thành phố Thái Nguyên tạo nên giá trị của toàn khu đô thị ven hồ. Ảnh: Quang Khải

Quá trình thiết lập đô thị, chủ thể là con người nếu phân tích được giá trị, biết ứng xử hài hòa với thiên nhiên, biết khai thác thế mạnh của hình thái không gian tự nhiên khu vực quy hoạch xây dựng và kiến tạo những không gian tự nhiên nhân tạo phù hợp tạo sức hấp dẫn của không gian, chúng ta sẽ có những đô thị đẹp, đô thị có hồn cốt.

Khai thác hình thái giá trị cảnh quan có những nguyên tắc cơ bản tạo nên giá trị: Thứ nhất, với các địa hình có chiều cao lớn, những vách núi như ở đô thị thành phố Hạ Long; núi lớn, núi nhỏ ở thành phố Vũng Tàu… việc kiến tạo các kiến trúc nên nương tựa vào thiên nhiên; ở các khu vực có diện tích và chiều cao không lớn, các kiến trúc nên theo giải pháp lùi xa, với khoảng đệm là cây xanh, đường giao thông, khoảng xanh. Kiến trúc tựa vào cao độ trong trường hợp này là những kiến trúc nhỏ, hòa với thiên nhiên.

Phân tích trường hợp cụ thể, với núi Chùa Hang thuộc phường Đồng Bẩm thành phố Thái Nguyên, có diện tích và chiều cao không lớn, các tuyến phố ở đây là một dãy nhà lô mặt phố xây tựa vào núi là làm ngược nguyên tắc trên, không tạo được hình thái đô thị có giá trị. Một ví dụ ngược lại, khu vực núi Non Nước của thành phố Ninh Bình, bài toán ứng xử hiệu quả khi các công trình được lùi xa, tạo tầm nhìn thị giác tốt, đảm bảo nguyên tắc khai thác giá trị cảnh quan kiến tạo hình thái chất lượng đô thị.

Trường hợp mặt nước trong đô thị có thể là sông, suối, hồ, mặt biển… các trục tuyến phố về cơ bản phải đảm bảo nguyên tắc là phải nhìn mặt nước, trừ các điểm nhấn (có thể là điểm dừng chân, điểm check in, nhà hàng, khách sạn…) bố cục kết hợp khai thác mặt nước để tăng giá trị khai thác sử dụng và kiến tạo thị giác nâng giá trị kiến trúc đô thị.

Thành phố Đà Nẵng tận dụng giá trị cảnh quan sẵn có của Sông Hàn để có một đô thị đẹp. Ảnh sưu tầm: Nguồn Internet

Tỉnh Thái Nguyên có đô thị thành phố Thái Nguyên là đô thị trung tâm với bề dày phát triển. Hình thái không gian tự nhiên được kiến tạo bởi mặt nước, chủ thể là dòng sông Cầu chảy xuyên suốt chiều dài thành phố, ngoài ra còn có các con suối như suối Mo Linh, suối Mỏ Bạch. Mặt hồ trong đô thị Thái Nguyên chỉ là các hồ nhỏ như hồ nước ở Gia Sàng, hồ nước ở khu vực Nhà văn hóa công nhân Gang Thép, hồ Xương Rồng ở phường Phan Đình Phùng, hồ nước ở phường Hoàng Văn Thụ, khu mặt nước trong khu vực Đại học Nông Lâm, hồ nước trong khu đô thị Danko… Những khu vực mặt nước này tuy nhỏ cũng đã góp phần tạo nên một giá trị cho các khu vực có sự hiện hữu của nó.

Tuy nhiên, đánh giá tổng quan, thành phố Thái Nguyên không sở hữu những mặt nước có diện tích lớn như các đô thị lân cận: Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Đây là một sự thiệt thòi của không gian sống của thành phố Thái Nguyên. Vì vậy, rất cần một sự rà soát, nghiên cứu sâu để kiến tạo nên những không gian mặt nước tĩnh dạng hồ, tạo sự đột phá cho đô thị thành phố Thái Nguyên và phải được đề cập khi lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Nguyên trong giai đoạn tới.

Sông Cầu ở ta với những đặc trưng cơ bản: Cốt nước không ổn định, tại khu trung tâm, vị trí Quảng trường Võ Nguyên Giáp mùa khô mức nước hạ đến cốt khoảng 35m, cốt lũ cao nhất lên tới khoảng 50m. Đây là hạn chế thứ nhất khi phát triển thành phố hai bên sông, hệ thống đê chống lũ phải hình thành hai bên bờ sông kể cả khu vực suối Mo Linh. Và hạn chế này là yếu tố cần ứng xử để giải quyết vấn đề khi tổ chức hình thái đô thị “Nhìn ra sông”. Đê, kè của sông nếu quan niệm là công trình kiến trúc, cũng phải xác định là công trình quan trọng, là đối tượng thi tuyển kiến trúc để chọn ra phương án tốt nhất vừa đảm bảo công năng vừa có hình thái kiến trúc đảm bảo mỹ quan đô thị.

Hạn chế thứ hai, nhiều khu vực giáp bờ sông cao hơn cốt ngập lụt. Đã có nhiều công trình xây dựng qua các thời kỳ, phần lớn đều quay lưng ra sông, không tạo nên được cảnh quan giá trị. Khu vực này cần phải làm cuộc cách mạng như thành phố Lạng Sơn đã ứng xử với sông Kỳ Cùng và các thành phố Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Yên… đã mạnh dạn khi ứng xử kiến trúc phải nhìn ra sông, biển.

Ở một góc độ khác khi tiếp cận một vùng đất để phát triển đô thị, phương pháp thông thường là nhà quản lý, chủ đầu tư, kiến trúc sư phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của vùng đất ấy về hiện trạng tự nhiên (địa hình, địa chất, thủy văn, hình thể không gian…) hiện trạng xã hội (dân cư, công trình kiến trúc hiện hữu, dịch vụ đô thị: y tế, giáo dục, văn hóa, thương mại…) việc kết nối khu vực về giao thông…

Tuy nhiên, kiến trúc quy hoạch là nghệ thuật tổ chức không gian sống cho con người. Vì vậy, khi lập quy hoạch thiết kế một không gian về đô thị, điều quan trọng nhất sẽ tạo nên không gian sống giá trị, mà điều đó xuất phát từ “tầm nhìn” của nhà quản lý, của chủ đầu tư, xuất phát từ “ý tưởng” của kiến trúc sư. Khi “tầm nhìn” và “ý tưởng” tốt cùng với việc thực hiện quy hoạch bài bản và nghiêm túc, chắc chắn chúng ta sẽ có một kết quả tốt, một đô thị đẹp.

Khi tiếp cận lập và phát triển đô thị, ngoài phương pháp mang tính khoa học, dưới góc độ văn hóa, nghệ thuật thì cần phân tích yếu tố hình thái dưới góc độ giá trị “tài nguyên”, giá trị “báu vật” của khu vực. Phân tích yếu tố “tài nguyên” của khu vực trên cơ sở lợi thế (điểm mạnh) về vị trí, tính kết nối, quỹ đất… để tính toán bài toán khai thác hiệu quả nhất về quỹ “tài nguyên”. Điểm cần lưu ý là giữ lại “tài nguyên” cho kế hoạch lâu dài, phù hợp với “tầm nhìn” đã được xác định. Tính toán bài toán khai thác những yếu tố cảnh quan mang ý nghĩa “báu vật” như cao độ đồi, núi, mặt nước (dòng sông, mặt hồ…) giải quyết được hai bài toán tốt sẽ góp phần nâng cao giá trị của đô thị khu vực được lập quy hoạch.

Thành phố Thái Nguyên có “tài nguyên” tự nhiên với diện tích 222km2; có “báu vật” là dòng Sông Cầu, là suối Mo Linh, là núi Tiện, núi Voi, Chùa Hang… với “Chè Thái”, với nền văn hóa giao thoa của vùng Bắc Bộ. Hãy phân tích, ứng xử để chúng ta có đô thị đẹp, văn minh và hiện đại.

KTS. Nguyễn Văn Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Kiên kien****@giaminhmedia.vn

    Bài Này hay