Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
13:01 (GMT +7)

Con Mèo – Đối tượng cảm hứng cho họa sĩ

Con Mèo đã gắn bó với con người từ rất lâu đời (khoảng 9.500 năm), là một trong những loài vật được con người thuần dưỡng từ rất sớm (thời kỳ Ai Cập cổ đại - cuối thiên niên kỉ IV TCN). Trong mười hai con giáp thì con mèo được đại diện cho năm Mão (卯). Theo nhà sử học người Pháp (Philippe Papin) cho rằng âm đọc của chữ “mão” (卯) trong tiếng Hán gần giống với “mèo” cho nên người Việt đã lấy năm Mão là năm Mèo. Ở Trung Quốc con giáp ứng với năm Mão lại là con thỏ.

Mèo - con vật quen thuộc của nhiều gia đình, với họa sĩ cũng là một đề tài thú vị. Không phải ngày nay mà từ rất lâu rồi mèo đã được đưa vào tác phẩm hội họa, điêu khắc. Tưởng chừng hình tượng con mèo mới chỉ xuất hiện trên những tranh dân gian của Việt Nam và Trung Quốc. Ngày nay, “thế giới phẳng” nhờ công nghệ số bùng nổ, dường như xóa đi mọi ranh giới, con người biết nhiều hơn về sự tồn tại, quy luật và sự phát triển của tự nhiên… Và chúng ta biết hình tượng con mèo đã xuất hiện rộng rãi trong hội họa thời kỳ cổ đại.

Ở thế kỷ XIV trước Công nguyên, ta đã thấy chú mèo xuất hiện bên trong lăng mộ của vua Nebamun; hay chiếc quách của Hoàng tử Thutmose. Ở Ai Cập thời kỳ cổ đại có một số tượng mèo được làm tượng thờ. Cụ thể, người Ai Cập thờ nữ thần Bastet - vị thần mang hình dáng con người và có đầu mèo. Đây là một trong những vị thần bảo hộ được người Ai Cập tôn sùng và thờ cúng rộng rãi nhất. Theo quan điểm xưa người dân nơi đây coi con mèo như thần linh. Nếu bất cứ người nào dù vô tình hay cố ý gây ra cái chết của một con mèo đều bị phạt rất nặng.

Cho dù bức tranh bên trong lăng mộ của vua Nebamun không còn được nguyên vẹn nhưng ta vẫn thấy được thần tướng của chú mèo nghiêm nghị - mang nhiều nét hoang dã. Với tư thế ngồi thẳng, đuôi cuốn cong vểnh phần cuối ra sau, “tay phải” đang cầm một vật hình chiếc lá dựa như lưỡi đao chĩa về phía con rắn đang oằn mình bò tới. Vị trí con mèo ở đây như một người canh giữ bảo vệ cả về phần xác lẫn thần của Nebamun. Bức tranh giữ được sắc màu bền là vậy, phải chăng người xưa đã dùng màu bột chế từ tự nhiên. Vàng nâu chế từ đất nung, sỏi son lấy từ đáy sông. Màu đen chế từ than… chất kết dính có thể là nhựa cây hoặc lòng đỏ trứng gà. Chất liệu mà tổng hợp của bột màu, lòng đỏ trứng gà, nước… còn được gọi là Tempera phổ biến ở thế kỷ XV, nó là tiền thân của sơn dầu ngày nay. Cùng hình tượng mèo ngồi như vậy, nhưng ở chiếc quách của Hoàng tử Thutmose thì mèo lại có vai trò khác. Hai chân trước chống thẳng, đầu hướng thẳng trước bàn bày lễ vật, dường như mèo đang đóng vai trò người làm phép chốn linh thiêng.

Mèo trong lăng mộ của vua Nebamun

Hình ảnh mèo trong những hoạt động thường nhật như săn bắt những con vật nhỏ, khám phá vùng xung quanh, hoặc cuộn tròn người trong giấc ngủ trưa… ta tường thấy trong hội họa Trung Quốc. Kể cả nghệ thuật thư pháp của Trung Hoa ta cũng thấy rõ điều đó. Chẳng hạn vào thế kỷ 19, Trung Hoa xuất hiện bức tranh thư pháp “Con mèo đen và hoa thủy tiên” (Tác giả có bút danh là Zhu Ling). Bức tranh có bố cục dọc, tác giả tính theo “tỷ lệ vàng”: 1/3 phía trên là hình con mèo nằm cuộn tròn trên phiến đá, 2/3 phía dưới là bờ suối có hoa thủy tiên (tên gọi khác là ly peru). Bức thủy mặc chỉ điểm xuyết chút hồng nhạt ở đá và hoa, hướng người xem cảm giác yên bình, tĩnh tại nhưng lay động bởi tiếng nước chảy róc rách và đu đưa của nhành hoa. Hoa thủy tiên tuy biểu tượng cho sự chân thành, song người xưa có quan niệm hoa đẹp nhưng dễ gây độc cho thú cưng nhất là mèo. Đúng vậy! tác giả đã tạo ra sự tương phản về tâm thức và hình ảnh như đá cứng - nước mềm. Còn chú mèo tụ hội đủ cả cứng và mềm, lúc cương lúc nhu cũng như hoa thủy tiên vậy; hương mát, nhẹ dịu dàng là thế, song nếu có bị vùi dập sẽ phả ra chất phản vệ khiến cho sự “tinh anh” như mèo cũng phải chùn bước.

Khác với tranh “Con mèo đen và hoa thủy tiên” của Zhu Ling thì tranh “Mèo và bướm” của Xu Gu, lại bố cục chú mèo trắng ở 1/3 phía dưới. Dáng mèo đứng bằng 3 chân, một chân co lên, mắt đang dõi theo đàn bướm, đuôi cong lên đu đưa như dụ đàn bướm sà thấp xuống; phía sau hàng rào là khóm hoa cúc vươn cao ngang đàn bướm. Lối tạo hình ẩn dụ - gợi hình hơn là tả, bức thủy mặc “Mèo và bướm” thật sống động. Ta có thể cảm nhận được cả thời gian và không gian trong tranh. Cánh bướm mỏng tang nhòe trong ánh sáng, khiến chúng như đang vờn lượn bên những bông cúc đong đưa. Sự nhấn đậm ở những đám lá ngược sáng, khiến mắt người xem tập trung vào đó, nhìn thoáng qua dường như ta không thấy chú mèo trắng muốt ở phía dưới. Cách nhấn nhá và lơi bỏ khiến nhịp điệu trong tranh được giải quyết mạch lạc. Đó là nét đặc trưng riêng có của bút pháp Xu Gu.

Nhật Bản vẫn có những ấn phẩm in mộc bản là một loại hình được biết đến chủ yếu qua những bản họa nghệ thuật Ukiyo-e (là một trường phái hội họa phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XVII tới thế kỷ XIX tại Nhật Bản). Loại tranh này có nét tương đồng với tranh in khắc gỗ của phương Tây, tuy nhiên kỹ thuật mokuhanga (bản khắc gỗ) sử dụng mực gốc nước - trái ngược với bản khắc gỗ phương Tây, thường sử dụng màu gốc dầu (mực in).

Hình tượng con mèo được thể hiện khá phong phú trong tranh in mộc bản Nhật Bản. Chú mèo xuất hiện bên trong ngôi nhà, là tương tự như đồ vật vậy. Bức tranh Ruộng lúa Asakusa và lễ hội Torinomachi của Utagawa Hiroshige, (1857), tác giả cũng rất chú ý nhiều đến vị trí bố cục chú mèo ngồi bên cửa sổ (ví trí 1/3 chiều ngang khổ tranh) nhìn ra bên ngoài không gian rộng lớn; phía xa xa là núi Phú Sĩ, phía trên đỉnh núi nối thêm cao ngất trời là đàn chim én gợi mùa lễ hội. Điểm sáng của núi Phú Sĩ cho dù mờ hơn hình tượng chính (con mèo), nhưng dường như vẫn cuốn mắt người xem vào điểm đó cắt ngang hướng nhìn của chú mèo đang hướng mắt vào một nơi sôi động của lễ hội Torinomachi (Lễ hội Torinoichi (酉の市) - lễ hội gà trống thường được tổ chức vào tháng 11 hằng năm). Lối bố cục trên thể hiện sự phá thế hướng nhìn tài tình của Utagawa Hiroshige. Mặt khác điểm xuyến hoa văn ở chân tường, và một phần góc nhà đã tạo sự cân bằng về ánh sáng trong tranh, khiến người xem không bị khó chịu bởi nét thẳng chạy vào góc tranh phía dưới (bên phải). Sát dọc lề bên phải tranh, có những mảng chữ nằm trong hình chữ nhật, hình vuông màu đỏ điều là những lời chú giải và ghi danh tác giả đã góp phần làm bức tranh cân bằng cả về màu sắc. Một số tranh khác khắc họa hình ảnh mèo bên cạnh chủ nhân của nó, thông thường là một người phụ nữ đẹp. Một số loại tranh khác, mèo đã được nhân cách hóa như bức “Mèo băng qua đường để ăn” (1830 - 1844) của Utagawa Hiroshige… Bố cục bức tranh chỉ có 3 nhân vật mèo hình người với trang phục kimono tay cầm quạt, cầm ô, dáng vẻ như vũ công vậy.

Một số nơi ở những quán cà phê, mèo cũng là một chủ đề phổ biến của các tấm áp phích. Tương tự trong tranh in mộc bản Ukiyo-e, mèo được thể hiện khá đa dạng. Chú mèo đóng vai trò là chủ thể của tác phẩm, và cũng có thể là hình ảnh làm tăng thêm không gian ấm áp của mỗi gia đình. Tấm áp phích (Affiches) “Tour du lịch mèo đen” của Rodolphe Salis (1896), của Théophile Alexandre Steinlen (1859 - 1923), là một họa sĩ và thợ in người Pháp gốc Thụy Sĩ theo trường phái Tân nghệ thuật của Pháp. Bức tranh đã thể hiện rất rõ ngôn ngữ của tranh đồ họa: những mảng phẳng, màu sắc cụ thể, đường nét chắc khỏe, trọng tâm là chú mèo đen dáng ngồi tĩnh tại trên tấm thảm đỏ. Để tôn hình ảnh mèo là biểu tượng cho nhà hàng của Rodolphe Salis. Dòng chữ “Tournée du Chat Noir de Rodolphe Salis” được xếp không đều tạo thay đổi về bố cục phá đi vẻ tĩnh tại của chú mèo, khiến người xem chú ý hơn. Và đó chính là đặc trưng của tranh áp phích.

Di sản về mèo mà nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam còn lưu giữ được cho đến ngày nay không thể không nhắc đến hai bức tranh “Đám cưới chuột”“Chuột vinh quy”. Hai bức tranh này có bố cục, màu sắc và các tuyến nhân vật khá giống nhau. Nếu ta không đặt hai bức cạnh nhau thì khó có thể nhận ra sự khác biệt. Trước hết ta nhìn điểm giống nhau: thứ nhất cả hai tranh đều bố cục theo phối cảnh ước lệ (trên trước, dưới sau; dưới gần trên xa); thứ hai nhân vật mèo được xếp ở góc trên bên phải mỗi tranh; thứ ba chú rể cưỡi ngựa, nàng dâu ngồi kiệu; và thứ tư trong đám rước đều có lễ vật dâng cho mèo. Điểm khác nhau về hình ảnh trong tranh: thứ nhất tranh “Đám cưới chuột” có 12 con chuột khi đó tranh “Chuột vinh quy” chỉ có 11 con; thứ hai tranh “Đám cưới chuột” chỉ có lọng và biển, còn “Chuột vinh quy” thì có cả lọng, biển và cờ; thứ ba lễ dâng trong “Đám cưới chuột” nhiều hơn và mang hàm ý vật hối lộ, còn lễ trong tranh “Chuột vinh quy” thì chỉ có 1 hàm ý quà mừng. Cả hai loại tranh trên cũng có cả ở Trung Quốc.

Ở nước ta dòng tranh dân gian Hàng Trống cũng có “Đám cưới chuột”“Chuột vinh quy”, nhưng chỉ giống ý tưởng còn cách tạo hình và kĩ thuật in khác nhau. Những quan điểm trước đây ta vẫn cho rằng hai bức tranh “Đám cưới chuột”“Chuột vinh quy” là một, vì sau này nghiên cứu kỹ và dịch đầy đủ các chữ in trong tranh, ta mới thấy ý tưởng của các nghệ nhân dân gian khác nhau.

Mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã có khá nhiều họa sĩ lấy đề tài mèo làm cảm hứng trong sáng tác tranh. Các bậc thầy của nền hội họa Việt Nam có họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Đặng Xuân Hòa… Kế thừa từ mạch nguồn dân gian, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cùng một số họa sĩ Việt Nam trở về cội nguồn dân tộc, tìm kiếm và lưu giữ những mô-típ nghệ thuật thời Đông Sơn, Lê - Nguyễn. Sự chuyển hóa từ dân gian sang ngôn ngữ hiện đại là một bước ngoặt của Mỹ thuật Việt Nam. Nguồn ánh sáng “Dân gian” có phần tâm linh đã chiếu rọi đến tác phẩm Nguyễn Tư Nghiêm tươi xanh hơn, thuần khiết hơn. Tranh “Năm Mão” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm - với lối tạo hình phá cách, song mạch nguồn dân gian Đông Hồ vẫn còn hiển hiện trong đó. Thiết nghĩ, tranh của ông chưa bao giờ đánh mất thực tại khách quan. Cái đường nét “ngây ngô” , “hồn nhiên” ấy lại là sự ngây ngô trầm mặc, hồn nhiên uyên nguyên. Đấy chính là đặc trưng phong cách hội họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Tranh mèo của Nguyễn Sáng

Với họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ hàng trăm bức về mèo, nên được mệnh danh là “vua vẽ mèo” của Việt Nam, bức tranh được đấu vượt mức 100.000 USD, đó là bức sơn mài “Mèo vờn nhau” của Nguyễn Sáng đã được mua với giá kỷ lục 101.000 USD. Bức tranh bố cục đôi mèo đảo ngược đầu đuôi, mỗi con có một dáng vẻ khác nhau. Bức tranh chỉ vẽ đen trắng, lối vẽ khúc chiết, gồ ghề khiến những chú mèo đang trong cuộc tình dường như cục cằn hơn. Cả hai cùng gồng mình thách thức đối phương. Người xưa bảo rằng trong đêm nếu để ý có tiếng mèo gầm gừ như vậy, thì chỉ vài phút sau im lặng, có nghĩa là cuộc tình thành công, chỉ một trăm ngày sau là có đàn mèo con ra đời. Cùng thời với Nguyễn Sáng, nhưng Lê Bá Đảng (1921 - 2015) - họa sĩ người Việt nhưng lại có duyên sống và học tập ở Pháp nên có lối vẽ mèo rất riêng và từ rất sớm. Riêng về mèo thì ông có một lối vẽ rất đặc biệt, phải chăng ông nghiên cứu rất nhiều về tạo hình mèo, nên những con mèo họa sĩ thể hiện rất đơn giản, chỉ vẽ một nét. Nét đó thiết nghĩ, không nhằm tả mèo mà ông vẽ chính là sự chuyển động của mèo chứ không là gì khác.

Tranh Đặng Xuân Hòa

Trong mỹ thuật, mỗi họa sĩ hay nhà điêu khắc đều đi tìm cái riêng cho chính mình, có người thì tìm thấy sớm, có người thì tìm thấy muộn, và có người về già rồi mà vẫn chưa tìm thấy cái riêng có của mình. Thiết nghĩ, nghệ thuật cần lòng kiên nhẫn và đam mê. Hay yêu và say đắm những gì mình đã có và đang có. Chúc một năm Tân Mão sẽ mang đến nhà nhà ngập tràn niềm vui - hạnh phúc!

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy