Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
21:37 (GMT +7)

Chuyện… chữ “nguyên”

Thật ra, về mặt chữ nghĩa, thì chả có gì phải bàn, nhưng về mặt xã hội có những chuyện liên quan đến nó, thì lại đáng bàn.

Ở nước ta có lẽ có cả vạn người đang mang chữ “nguyên”. Người “nguyên” chức này, chức kia. Dù chức nào thì khi rời nhiệm sở, họ đều được coi là “hạ cánh an toàn”, thanh thản về với cuộc sống đời thường. Với những người này thì bên cạnh chữ “nguyên” kèm chức vụ, được đảm bảo bằng chính sách, họ còn có chữ “nguyên” nữa, là sự nguyên vẹn về phẩm chất cách mạng, nguyên vẹn về sự tôn trọng và quí mến của nhân dân. Tiếc thay một số vị có chữ “nguyên” đã tự làm mất mình ngay từ khi họ còn đương chức và cả khi đã “hạ cánh” khiến dư luận bất bình. Họ là ai? Câu trả lời cũng khó mà cũng dễ. Khó bởi đã có cả triệu người kê khai tài sản mà có lộ ra ai làm giàu bất chính đâu, nhưng dân thì lại biết rất rõ ai sống thế nào, ai giàu lên nhanh chóng mà không từ nguồn thu chính đáng.

Gần đây báo chí đã “đụng” đến một số vị có chữ “nguyên”. Có vị nguyên là người đứng đầu một ngành ở trung ương, có vị nguyên là người đứng đầu cơ quan hành chính một thành phố lớn… Nói chung các vị này đều thuộc diện “ở trên trông xuống, người ta trông vào”. Trên trông xuống thấy gì là việc của trên, còn nhân dân trông vào thì các vị không còn là tấm gương sáng như ngày nào. Có vị đã bằng nhiều cách, cùng lúc hưởng nhiều ưu đãi về nhà đất ở nhiều địa phương; có vị hết tiêu chuẩn thuê nhà công vụ mà vẫn kéo dài gần chục năm không trả. Cái giá mà vị này thuê cả ngôi biệt thự chỉ 500 nghìn/tháng, tương đương giá một chỗ trọ sinh viên loại bình thường, trong khi ngôi nhà ấy người nước ngoài từng thuê 5 nghìn USD/tháng.

Qua vài vụ việc trên, cho thấy:

Một là, cần bằng nhiều cách hạn chế lòng tham. Một người quen sống trong môi trường có đặc lợi mà tự thân thiếu kiềm chế, thì lòng tham càng nặng nề hơn người khác. Để khắc phục điều này, ngoài việc giáo dục đạo đức cách mạng, cần cải thiện môi trường theo hướng giảm bớt những đặc lợi ngoài chính sách chung. Nói “đặc lợi” nghe có vẻ to tát, nhưng một người đã có nhà ở, lại được thuê chỗ ở khác, với giá chỉ khoảng 0,5% giá thị trường thì khó có tên gọi khác sát hơn. Vậy xin đừng làm cho những cán bộ vốn xuất thân từ nhân dân mà lại xa dân bởi những ưu đãi này nọ.

Hai là, mọi người cần nghiêm túc lắng nghe dư luận. Trước đây, dư luận luôn là một kênh thông tin để mọi người xem xét và chỉnh sửa mình. Bây giờ có vẻ người ta không còn sợ dư luận nữa. Sự thật là, khi người ta bất chấp dư luận, thì xã hội sẽ mất đi một chiếc “phanh” quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của con người, trên cơ sở tự giác của họ. Chúng ta hy vọng cơ chế giám sát của nhân dân sẽ sớm cụ thể hóa để góp phần vào việc này.

Ba là, muốn chống tiêu cực phải hành động đồng bộ. Qua mấy vụ việc gần đây, người ta hình dung ra một “quy trình” gồm 3 khâu liên hoàn là: Dư luận - Báo chí - Cơ quan chức năng. Báo chí nhờ sát dân mà có được những thông tin tin cậy. Khi báo chí lên tiếng, vừa là tạo điều kiện, vừa là “sức ép” để cơ quan chức năng vào cuộc. Và, chỉ có cơ quan chức năng mới kết thúc được sự việc. Xem vậy thì vừa qua báo chí đã là một mũi tấn công có hiệu quả trên mặt trận chống tiêu cực và suy thoái đạo đức rồi.

Xin trở lại chữ “nguyên”. Ai rồi cũng đến ngày được nhận chữ này. Thêm một chữ “nguyên” về làng, về phố là thêm một người đã hoàn thành nhiệm vụ trở về với cuộc sống nhân dân. Thế nên, một chữ “nguyên” gần dân, lung linh tỏa sáng sẽ có ý nghĩa hơn mọi chữ khác đặt trong những ngôi nhà sang trọng, kín cổng cao tường. Suy cho cùng, thì chữ gì cũng cần giữ được cái đạo lý gốc, ấy là lẽ sống ở đời.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy