Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
21:34 (GMT +7)

Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020: Thỏa ước mơ “an cư lạc nghiệp”

Lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu; quyết định Chế độ thù lao hàng tháng đối với thành viên đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã… Song có lẽ, vấn đề được nhiều người đón nhận bằng thái độ vui mừng hơn cả, là Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.


Đối tượng hướng đến của Chương trình là những người có công với cách mạng; các hộ nghèo khu vực nông thôn; cán bộ, công chức viên chức, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sỹ và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…; sinh viên, học sinh các trường chuyên nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người khuyết tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam…), với các hình thức mua, thuê mua, thuê.

Người lao động ở trong những dãy nhà thế này sẽ có cơ hội

được sống trong những khu nhà ở xã hội hiện đại, văn minh.

Trên quan điểm thực hiện chủ trương xóa bao cấp và thực hiện chính sách xã hội hóa về nhà ở, thông qua cơ chế tạo điều kiện của Nhà nước trên cơ sở sử dụng tiết kiệm các nguồn lực; bảo đảm sự bền vững, gắn với việc bảo tồn, phát huy di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; đảm bảo có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, giữ gìn sự cân bằng sinh thái, Chương trình Phát triển nhà ở của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ngoài việc quan tâm triển khai các chính sách thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển, còn là tập trung thực hiện các chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng, nhằm góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2012, diện tích nhà ở bình quân trên toàn tỉnh đạt khoảng 21,48m2/người, cao hơn so với bình quân chung của cả nước (19m2/người); tuy nhiên số nhà đơn sơ của tỉnh ta lại cao hơn một số tỉnh lân cận (tổng diện tích nhà ở trên toàn tỉnh khoảng 24.708.110m2, trong đó nhà ở kiên cố là 15.810.085m2, nhà bán kiên cố là 6.898.588m2, nhà thiếu kiên cố là 1.520.628m2 và nhà đơn sơ là 478.809m2). Mục tiêu phấn đấu của Chương trình đề ra là, năm 2015 đạt diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,48m2, và đến năm 2020 là 26,61m2/người, với tổng diện tích 1.091.062 m2 bằng 12.836 căn hộ. Giai đoạn 2020 đến 2030, phấn đấu đạt diện tích nhà ở bình quân đầu người là 30m2, với chất lượng đảm bảo yêu cầu sử dụng, phù hợp với quy hoạch.

Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh sẽ tạo cho địa phương một không gian đô thị văn minh, hiện đại bằng cách hạn chế tối đa việc giao đất để các gia đình tự xây dựng nhà ở, dành quỹ đất cho cây xanh và các sinh hoạt công cộng khác tại đô thị, hình thành không gian đô thị hiện đại. Tại khu vực nông thôn thì gắn với mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới của tỉnh, với kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa xây mới và chỉnh trang cái hiện có, chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của các vùng miền…

Để thực hiện tốt Chương trình phát triển nhà ở, tỉnh có chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở. Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách, về quyền sử dụng đất, về thuế và hỗ trợ ưu đãi vay tín dụng, vv…

Trong những năm qua, tỉnh ta cũng đã thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ tạo dựng nhà ở cho các đối tượng: người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung và người thu nhập thấp tại đô thị cũng đã được tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, so với nhu cầu nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội tại thời điểm năm 2014, thì con số vẫn còn quá lớn (xem tại hộp thông tin), vì vậy khi biết đến Chương trình phát triển nhà ở này, nhiều người đã không giấu nổi niềm vui.

Anh Lê Anh Quân, đang làm việc tại Phân xưởng A, công ty TNHH GLONICS Việt Nam (thuộc CT Bujeon Hàn Quốc) nói: “Được tỉnh quan tâm lo chỗ ở cho thì còn gì bằng. Nếu vậy thì chúng tôi sẽ không phải lo lắng, mất thời gian đi tìm chỗ trọ, mất thời gian chuyển đi chuyển lại, rồi lại còn vấn đề an ninh trật tự, cảnh quan môi trường nữa chứ. Nếu được ở trong những khu nhà ở xã hội, tôi nghĩ sẽ tốt hơn rất nhiều về chất lượng công trình, về phúc lợi xã hội, sẽ có những khu vui chơi giải trí cho công nhân thực sự được nghỉ ngơi sau giờ làm việc để tái tạo sức lao động, chứ không đơn thuần chỉ về nhà để ngủ như hiện nay. Như vậy thì chúng tôi sẽ rất yên tâm làm việc”.

Cặp vợ chồng viên chức trẻ Nguyễn Thanh Tâm và Phạm Văn Vũ ở thành phố Thái Nguyên cũng không ngần ngại bộc bạch: “Nếu vậy thì ước mơ được sở hữu một căn hộ của riêng mình đối với những gia đình trẻ với mức lương ít ỏi như chúng tôi sẽ rất có thể trở thành hiện thực, chúng tôi mừng lắm! Hai bên gia đình chúng tôi đều không dư giả gì, thì biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh đi thuê phòng trọ như hiện nay đây. Mong cho Chương trình sớm được thực hiện”.

Bà Phạm Thị Thanh, trú tại xã Minh Đức, huyện Phổ Yên, có con trai đang làm tại Công ty May Shinwon (Sông Công), thì nghèn nghẹn: “Có nhà ở cho công nhân thì còn gì bằng. Con trai tôi vẫn phải đi về mỗi ngày, mười mấy cây số đấy. Bình thường chả sao, nhưng hôm làm tăng ca, cháu về muộn, tôi cứ lo lo là. Như đêm qua, 12 giờ đêm cháu mới ra khỏi nhà máy. Giá có gian nhà tập thể, thì có phải cháu đỡ phải về nhà trong đêm không!”.

Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống thì giấc mơ về nhà ở của rất nhiều người sẽ không còn là quá xa vời. Các cụ nhà ta có câu: “An cư lạc nghiệp”. Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ thỏa ước mơ an cư của mọi người dân Thái Nguyên trong những năm gần đây.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy