HƯỚNG TỚI 65 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH, NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN (19/5/1959 - 19/5/2024)
Chiến sỹ Trường Sơn xây dựng đường ống dầu
Trận "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm, từ 19/12/1972 đến 30/12/1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi hơn 100 máy bay của Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52, loại máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất thời bấy giờ. Chiến công vang dội này, làm nức lòng nhân dân cả nước và bè bạn yêu chuộng hòa bình thế giới.
Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, cuối cùng ngày 27/1/1973, bốn bên đã ký Hiệp định ngừng bắn tại Việt Nam.
Chớp lấy thời cơ đình chiến, phía ta tranh thủ tăng cường lực lượng về quân số, vũ khí, khí tài cho chiến trường miền Nam.
Khóa chúng tôi đang học ở Trường huấn luyện Quân khu I, theo chương trình học thì hết năm 1973 sẽ ra trường, nhưng đến tháng 6/1973, trường được lệnh kết thúc khóa học, để các đơn vị về trường lấy quân chi viện cho miền Nam. Lớp đào tạo Tiểu đội trưởng, được phân về các tiểu đoàn huấn luyện tân binh, của Sư đoàn 304B để đón quân huấn luyện đi B (chiến trường miền Nam).
Lớp Trung đội trưởng và Đại đội trưởng được các đơn vị nhận và bổ sung đi B ngay trong tháng 6 và tháng 7 năm 1973.
Ở lớp đào tạo Đại đội trưởng chúng tôi, có hơn 60 học viên, gồm hầu hết là các kỹ sư đã tốt nghiệp đại học và các Trung đội trưởng đã qua huấn luyện tân binh. Ra trường lớp Đại đội trưởng được phong hàm Thiếu úy. Tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Xây dựng thủy điện, nên Bộ Tư lệnh 559 (Bộ đội Trường Sơn) tuyển vào Binh chủng đường ống dầu, cùng với hai kỹ sư nữa là Nguyễn Khuê (quê Cao Bằng) và Nguyễn Khánh cũng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, chuyên ngành Mỏ địa chất, là những chuyên môn cần cho thi công xây dựng đường ống dầu.
Đầu tháng 3/1973, chúng tôi được xe của đơn vị đưa về Bộ Tư lệnh 559 - lúc đó đóng quân ở Kim Giang, quận Đống Đa - Hà Nội. Đây là đại bản doanh của Bộ Tư lệnh 559 - Chỉ huy toàn chiến trường. Bộ Tư lệnh Tiền phương, sau khi giải phóng Đường 9 - Nam Lào, đã chuyển vào xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi được bổ sung vào Phòng thiết kế đường ống, của Binh chủng Đường ống dầu. Trưởng phòng là Thượng tá Hồ Sỹ Hậu, làm việc với nhiều kỹ sư khác và hàng chục chuyên gia Liên Xô. Vì lý do an ninh và bí mật quốc gia, ai làm việc nấy, không tò mò tìm hiểu công việc của đơn vị khác.
Cùng làm việc với tôi là kỹ sư - trung tá Ivanop - chuyên gia người Nga. Ông đã nhiều tuổi, tốt nghiệp ngành dầu khí ở đại học Bacu từ đầu những năm 60 và được cử sang giúp Việt Nam từ năm 1968. Ông là chuyên gia giỏi, trong ngành thiết kế và thi công đường ống dầu của Liên bang Xô viết. Nhóm chúng tôi còn có hơn 30 kỹ sư Việt Nam, là những sỹ quan có quân hàm từ cấp úy đến Thượng tá, đều thuộc Viện thiết kế bộ đội xăng dầu, thuộc đoàn 559.
Bộ đội đường ống được thành lập vào tháng 5/1968, theo nghị quyết của Bộ Chính trị. Trước những diễn biến ở chiến trường, nhu cầu tiếp viện cho miền Nam ngày một tăng cao. Ta đã mở tuyến đường Đông Trường Sơn, vào đến Tây Nguyên. Có thể dùng xe cơ giới vận chuyển hậu cần. Nhu cầu xăng dầu cho xe cơ giới là rất lớn, không thể chỉ dùng xe téc vận chuyển đơn lẻ được nữa, mà phải liên tục có nhiên liệu cho xe ta vào chiến trường.
Ngày đó, lớp sinh viên K10T chúng tôi, có hai sinh viên được phép tốt nghiệp sớm, vào quân đội bổ sung cho bộ đội đường ống là anh Trịnh Tiến Lợi, quê Nam Định và anh Trịnh Xuân Khoa, quê Nghệ An. (Nửa năm sau, đầu năm 1969, được tin anh Khoa hy sinh ở tuổi 22, còn anh Lợi từ ngày nhập ngũ đến nay không có tin tức gì). Chính các anh đã là khóa kỹ sư đầu tiên tham gia xây dựng đường ống dầu từ Bắc vào Nam. Đường ống dầu ở miền Bắc, bắt đầu khởi công có hai nhánh. Nhánh I từ Lạng Sơn, dọc quốc lộ 1A về đến Tổng kho Đức Giang - Hà Nội. Nhánh II từ đảo Cát Bà, theo đường quốc lộ 5 về kho xăng Đức Giang. Đường ống được xây dựng theo thiết kế kỹ thuật của Liên Xô. Toàn bộ máy móc, đường ống dùng cho thi công, vận hành đều là những thiết bị hiện đại bậc nhất thời đó, do Liên Xô sản xuất và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Ống dẫn làm bằng hợp kim nhôm (đuyra - vật liệu nhẹ chuyên sản xuất máy bay), chịu áp lực đến 100Atm (Atmotphe - đơn vị đo áp suất).
Từ Tổng kho xăng dầu Đức Giang - Hà Nội, đường ống vượt sông Hồng, đi thẳng vào miền Nam. Trong thi công đường ống dầu, công đoạn phức tạp nhất là thi công đường ống ngầm dưới lòng sông, lòng suối. Đường ống được lắp ghép trên bờ, dùng dây neo kéo qua sông, sau đó các thợ lặn chuyên nghiệp sẽ gắn đường ống vào đáy sông bằng các thiết bị chuyên dùng. Đây là công việc khó khăn, phải do các chuyên gia và kỹ thuật lành nghề được đào tạo chuyên sâu, mới thi công được.
Đến đầu năm 1973, đường ống từ Lạng Sơn - Cát Bà, đã được lắp đặt đến Quảng Trị, vì sau năm 1972 Quảng Trị đã là vùng giải phóng. Đường ống dầu theo Đông Trường Sơn, dọc đường mòn Hồ Chí Minh, tiến sâu vào chiến trường miền Nam. Đường ống đã vượt sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Gianh. Đây là kỳ tích của bộ đội đường ống. Dưới mưa bom, bão đạn của máy bay Mỹ, bao chiến sỹ đường ống đã hy sinh xương máu và cả tính mạng, vì giải phóng miền Nam, vì mục tiêu cấp “máu” cho chiến trường, để xây dựng nên hàng ngàn km đường ống cấp xăng dầu, kịp thời phục vụ chiến trường.
Thời gian này tôi ở Hà Nội, chỉ cách trường Bách khoa hơn 10km, từ Ngã Tư Sở đi tàu điện, chuyển tàu ở Bờ Hồ là có thể về đến Bách khoa, nhưng vì kỷ luật quân đội, chúng tôi luôn tuân thủ. Sau nửa tháng làm quen với đơn vị và công việc, chúng tôi phải vào chiến trường khảo sát thực địa mà tuyến đường ống sẽ đi qua. Đại đội tôi được phân công khảo sát và thiết kế tuyến Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào.
Từ năm 1971, Chính phủ Lào đã cho phép Chính phủ Việt Nam, mở tuyến vận chuyển Tây Trường Sơn. Bắt đầu từ tỉnh Khăm Muộn - Trung Lào, dọc theo đường 12 qua các tỉnh Savanakhet, Salavan, Sekong - Atopo Nam Lào, nối với vùng Đông Bắc Campuchia, vào Việt Nam ở các tỉnh Kontum, Gialai và Đắc lắc. Từng đoàn xe vận tải cơ giới rầm rập qua Lào vào chiến trường. Có một bài báo sau này đã tổng kết, miền Nam được giải phóng nhờ bốn yếu tố quan trọng:
- Con người là Việt Nam
- Vũ khí của Liên Xô giúp
- Hậu cần do Trung Quốc viện trợ
- Đường vận tải của Lào
Tuyến Đông Trường Sơn là cơ bản đã hình thành từ đầu những năm 60, nhưng việc vận chuyển bị tổn thất rất nhiều, do có thám báo và bị địch bắn phá ác liệt, nên vận chuyển bằng xe cơ giới rất hạn chế. Chỉ sau năm 1971, với chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, biên giới Việt Lào mở cửa, chúng ta bắt đầu dùng xe cơ giới chuyển quân, vũ khí, khí tài, xe tăng, thiết giáp vào chiến trường.
Chúng tôi đi Quảng Bình bằng xe Uoat. Lúc này máy bay Mỹ đã ngừng ném bom theo Hiệp định Pari, nên chúng tôi đi thuận lợi. Sau hai ngày, hai đêm chúng tôi đến Quảng Bình. Trên đường đi, toàn là các hố bom, những cầu cống, những khu dân cư bị bom Mỹ tàn phá vẫn còn đó. Công binh đã bắc cầu tạm cho xe qua sông. Từng đoàn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đang tranh thủ ngày đêm hàn gắn vết thương. Tận mắt chứng kiến đồng bào khu 4 các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chịu bao đau thương, mất mát, chúng tôi càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ:
"Vận nước đã đến rồi
Bình minh chiếu khắp nơi..."
Bài hát “Giải phóng miền Nam” thôi thúc chúng tôi lên đường.
Từ bến Son tuyến đường ống Tây Trường Sơn sẽ sang Lào, công việc đòi hỏi khẩn trương và căng thẳng. Chúng tôi ăn ngủ ngay trong rừng, ven tuyến công trình đường ống sẽ đi qua. Mặc dù không có bom Mỹ, nhưng ngụy quyền miền Nam tăng cường lũ thám báo, biệt kích phá hoại tuyến vận tải Đông - Tây Trường Sơn của ta, nên vẫn có đổ máu và hy sinh. Đại đội I hôm qua, hai đồng chí hy sinh vì vướng mìn của ngụy từ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào còn sót lại. Đại đội tôi hôm nay "chạm trán" với thám báo, may mà phát hiện kịp, các chiến sĩ tiêu diệt được một tên, còn lại chúng bỏ chạy vào rừng.
Tuyến đường ống Đông Trường Sơn lúc này đã vào đến phía Tây Thừa Thiên - Huế. Còn tuyến phía tây qua Lào, đã xây dựng đến Mường Phìn - tỉnh Savanakhet Trung Lào. Đường ống bám theo trục đường 12 của Lào, vượt qua suối sâu, rừng thẳm, vách đá cheo leo, phải đào sâu ít nhất 0.5m, cách đường quốc lộ từ 10 đến 20m và phải được ngụy trang kỹ để biệt kích, thám báo không phát hiện, phá hoại.
Tháng 7/1973, đại đội tôi ở Trung Lào đã có nhiều sáng kiến trong công tác thiết kế. Tôi được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ngày 17/7/1973 tại binh trạm Lằng Khằng tỉnh Khăm Muộn - Trung Lào. Cùng kết nạp với tôi còn có ba đồng chí nữa. Ký quyết định là đồng chí Thượng tá Võ Sở (nay ông mang hàm Thiếu tướng, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam), năm ấy ông là Chủ nhiệm chính trị Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh, đóng quân ở xã Gio An - Gio Linh - Quảng Trị. Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên, theo tôi suốt năm tháng cuộc đời.
Khảo sát tuyến ống đến tháng 12/1973, tôi lại trở ra Bắc, về Kim Giang - Hà Nội, hoàn thành bản thiết kế của mình. Lúc đó tôi mới về trường Bách khoa thăm vợ chưa cưới, đang học năm thứ tư, công việc học tập khá bận rộn. Chúng tôi ở bên nhau vài giờ đồng hồ và bàn bạc về hạnh phúc của hai đứa. Chiến tranh chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Bố mẹ tôi mỗi tuổi mỗi yếu đau thêm, nên gia đình muốn chúng tôi tổ chức đám cưới, trước khi tôi vào Nam đầu năm 1974. Vợ cũng chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp ra trường.
Tết âm lịch Giáp Dần (1974), tôi được đơn vị cho nghỉ phép một tuần, từ ngày 28/12 đến hết mùng 6 tháng Giêng. Tôi đã xin phép đơn vị về cưới vợ, vì hồ sơ của vợ tôi đã gửi từ tháng 12/1973, được đơn vị đồng ý và cử một đồng chí chính trị viên đại đội quê ở Lương Lỗ, gần quê tôi, đại diện đơn vị về dự lễ thành hôn của chúng tôi vào ngày mùng 4 tháng Giêng năm 1974.
Sau lễ cưới được ở nhà thêm một ngày, đến mùng 6 tháng Giêng, tôi hết phép phải về đơn vị. Ngày mùng 7 tôi xuống Kim Giang cùng đơn vị chuẩn bị sang Nam Lào, tổ chức thi công nhánh đường ống Tây Trường Sơn, mà đơn vị tôi thiết kế.
Sau này, Tiểu đoàn trưởng Hồ Sỹ Hậu đã viết tiểu thuyết "Dòng sông lửa" và được dựng thành phim tài liệu "Những người làm nên huyền thoại", được công chiếu trên VTV1 nhân kỷ niệm 60 năm Bộ đội Trường Sơn và 50 năm Binh đoàn đường ống xăng dầu ra đời (18/4/1968 - 18/4/2018). Ông phục vụ trong quân đội ở binh chủng hậu cần xăng dầu cho đến khi nghỉ hưu, hiện tại ông là Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang.
Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, 27/1/1973, phía ngụy quyền Sài Gòn liên tục vi phạm Hiệp định, chúng luôn gây hấn và tranh thủ đánh chiếm vùng giải phóng của ta. Quân Mỹ đã rút khỏi miền Nam Việt Nam, quân ngụy hoang mang vì không có đồng minh giúp đỡ, nên ta chớp thời cơ, tranh thủ dồn sức người, sức của để đưa quân và trang thiết bị, cùng vũ khí và lương thực cung cấp cho chiến trường. Do vậy tiếng súng không ngày nào ngừng nghỉ, các bên đổ lỗi cho nhau vi phạm Hiệp định.
Thời gian này, bộ đội đường ống xây dựng khẩn trương nhất và thuận lợi nhất, đặt được hàng trăm km đường ống, cả phía Đông và Tây Trường Sơn, chỉ trong hai năm 1973 và 1974. Đường ống nhánh Tây Trường Sơn, trên đất bạn Lào do Trung đoàn chúng tôi xây dựng, đã vào đến Kontum nhập vào tuyến Đông Trường Sơn và tiếp tục xây dựng vào Nam Tây Nguyên. Mục tiêu cuối cùng là vào đến chiến khu Lộc Ninh - Bình Phước - Bình Long của mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam.
Cuối tháng 8/1974, do có những thay đổi trong xây dựng tuyến đường ống, tôi cùng với một số cán bộ trở ra Bắc, trao đổi với các chuyên gia. Sau ba hôm ở Hà Nội, tôi lại đi Nam Lào.
Bộ đội đường ống không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng cũng nhiều hy sinh. Sáu năm đường ống dầu từ Cát Bà, Lạng Sơn, Hà Nội đã vào đến Tây Nguyên. Những trang vẻ vang của đơn vị đã ghi những mốc son chói lọi tại trọng điểm Trạ An (Nghệ An), hàng trăm chiến sỹ đường ống đã hy sinh trong một trận bom của máy bay Mỹ đánh vào đội hình năm 1971, dòng sông Trạ An thành "dòng sông lửa". Hàng trăm phuy xăng (loại 200 lít) đang được bộ đội cho vượt sông, thì máy bay Mỹ phát hiện ném bom. Xăng loang khắp mặt nước bén lửa cháy cả một dòng sông. Bao chiến sỹ không kịp thoát đã hy sinh cùng biển lửa xăng dầu.
Những đoạn đường chưa lắp được đường ống, hàng tiểu đoàn bộ đội dùng ba lô, lót nilon vào trong, rồi gùi xăng vào tuyến lửa, xăng thấm ra ngoài làm bỏng rát lưng các chiến sỹ. Vì vậy, việc xây dựng đường ống càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đường ống đến những địa phương nào, là xây dựng ngay những trạm bơm và những kho chứa xăng dầu đến đó. Phải nói rằng, hệ thống đường ống xăng dầu được thiết kế và xây dựng với tốc độ thần kỳ. Đặc biệt là đã vượt qua sự khắc nghiệt thời tiết của Đông và Tây Trường Sơn. Vì lý do an ninh và bí mật quốc gia, chúng tôi không được phép nói về kỹ thuật đường ống xăng dầu với bất cứ ai. Tháng 11/1974, đường ống dầu đã vào đến Bu phơ răng thuộc Lộc Ninh - Nam Bộ. Tháng 3/1975, sau khi giải phóng Tây Nguyên, thế và lực của ta đã hơn hẳn quân ngụy ở các chiến trường. Ngày giải phóng miền Nam đang đến gần. Đơn vị chúng tôi tiếp tục xây dựng đường ống qua Đắc Lắc, dọc đường 14 vào đến Lộc Ninh - An toàn khu của mặt trận giải phóng - và xây dựng tổng kho xăng 37, để tiếp xăng dầu cho trận chiến cuối cùng, đánh vào Sài Gòn nay mai.
Đến tháng 4/1975, đường ống dầu đã vào đến Bù Gia Mập - Bình Long, với 12.525m3 kho chứa xăng, 114 trạm bơm đẩy, 37 tổng kho xăng dầu dọc tuyến nằm trong lòng đất và tuyến đường ống dài hơn 1400km, từ Bắc vào Nam, hình thành nên một hệ thống vận chuyển xăng dầu hoàn chỉnh, song song cả Đông và Tây Trường Sơn, đáp ứng cung cấp nhiên liệu liên tục suốt đêm ngày, cho mọi loại xe cơ giới không chỉ ở chiến trường, mà còn cho tất cả các lực lượng của quân đội ta ở các hướng của chiến trường.
Đây là một điều kiện vô cùng quan trọng, để bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong các chiến dịch lớn và để từng binh đoàn xe tăng, xe cơ giới tiến thẳng vào Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 lịch sử.
Nhằm bảo vệ hệ thống đường Hồ Chí Minh cùng tuyến đường ống xăng dầu Đông - Tây Trường Sơn, Bộ Quốc phòng đã phối thuộc vào chiến trường miền Nam sáu trung đoàn phòng không, trong đó có bốn trung đoàn cao xạ (282, 224, 284, 230), hai tiểu đoàn cao xạ (105, 11) và hai trung đoàn tên lửa ở Quảng Bình và Vĩnh Linh (238, 275). Nhờ đó, quân ta đã bắn rơi hàng ngàn máy bay các loại, từ HU1A, F4, F5 Thần Sấm, Con Ma đến loại chiến lược B52 hiện đại nhất của Mỹ thời bấy giờ, để con đường Hồ Chí Minh và tuyến đường ống xăng dầu được bảo toàn, vào sâu trong chiến trường, làm nên những kỳ tích anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Nghĩ lại những ngày gian khổ năm 1971, 1972 bộ đội đường ống thi công dưới làn mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ. Chúng còn rải rất nhiều "cây nhiệt đới" dày đặc trên các cánh rừng, dọc tuyến đường Đông Trường Sơn. Thực chất đó là một thiết bị thám báo của kỹ thuật quân sự hiện đại. Chúng dài độ 1m, nặng khoảng 5kg, có bốn râu ăngten bung ra như một bông hoa, hễ gặp một sinh vật máu nóng nào trong phạm vi 5m, chúng sẽ báo về trung tâm. Thế là từng đàn máy bay, ít thì "cán gáo" HU1A, nhiều thì F4, F5, F105 đến quần nát cả một cánh rừng. Lúc đầu phía ta bị thiệt hại nhiều, sau đó công binh đã phát hiện và xử lý hiệu quả. Nên gặp "cây nhiệt đới", chiến sỹ ta cứ vặn xoắn các râu ăngten vào nhau là "chập mạch", vô hiệu hóa loại thiết bị thám báo nguy hiểm, bớt đi nhiều thương vong cho bộ đội ta.
Những chiến công, những kỳ tích, những sự hy sinh của các chiến sỹ đường ống dầu nói riêng và của bộ đội Trường Sơn nói chung, đã tô thêm những trang sử chói lọi của Bộ đội Cụ Hồ. Chúng tôi - đồng đội các anh, Tổ quốc và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên!
Năm 1975 tôi đã viết vần thơ:
" ... Có một thời
Những kỹ sư Nga
Và những người lính Việt
Đã làm nên một công trình huyền thoại
Đường ống dầu từ Bắc vào Nam
Dầu từ Hạ Long, Hà Nội
Chảy vào Bình Phước, Bình Long
Để những binh đoàn xe tăng
Tiến vào dinh Độc Lập
Kết thúc cuộc chiến tranh!..."
Chúng tôi tự hào vì được mang danh là Bộ đội Trường Sơn!
Đỗ Thiết Nghi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...