Dạy thêm, học thêm tràn lan chưa chấm dứt, học sinh vẫn bị cuốn vào vòng xoáy học tập quá tải, phụ huynh gánh áp lực tài chính, giáo viên rơi vào mâu thuẫn giữa sứ mệnh và lợi ích kinh tế. Đã đến lúc cần một tầm nhìn mới, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để chấm dứt tình trạng này. Giáo dục cần trở lại đúng bản chất: kiến tạo những công dân tự chủ, sáng tạo và trách nhiệm với xã hội, nơi mỗi ngày đến trường là một ngày vui; các trường học là những ngôi trường hạnh phúc.

Để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, cần xác định đúng tác hại và hệ lụy của vấn đề này; thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần đồng tâm, đồng thuận, dựa trên quan điểm “5 không, 4 đề cao”, cụ thể là:

 

Không “đánh trống bỏ dùi”: Thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần quyết liệt, liên tục, thường xuyên.

Không thỏa hiệp: Loại bỏ các tư tưởng, lý do không thỏa đáng để duy trì dạy thêm, học thêm tràn lan như “học sinh mong muốn học thêm với thầy, cô giáo đã dạy chính khóa vì chỉ có thầy, cô giáo đang dạy mới hiểu học sinh của mình” hay “không dạy thêm sẽ giảm chất lượng giáo dục”…

Không khoan nhượng: Xử lý nghiêm mọi vi phạm, không có ngoại lệ.

Không biến tướng: Sử dụng các biện pháp để kiểm tra, xử lý và loại bỏ các hình thức “trá hình”, “lách luật” nhằm dạy thêm, học thêm trái quy định.

Không nói khó mà không làm: Dù thách thức lớn đến đâu, ngành Giáo dục phải tiên phong hành động, thể hiện tinh thần đổi mới và trách nhiệm với học sinh, phụ huynh học sinh.

Đề cao vai trò cán bộ quản lý giáo dục: Cán bộ quản lý các cấp đóng vai trò rất quan trọng, chỉ khi cán bộ hiểu, quyết tâm mới chỉ đạo thực hiện đúng, mới tuyên truyền, hướng dẫn việc tổ chức triển khai có hiệu quả.

Đề cao tinh thần tự tôn, tự trọng, truyền thống hết mình vì học sinh thân yêu của thầy, cô giáo: Để chấm dứt dạy thêm, học thêm tràn lan, không chỉ dựa vào các quy định, biện pháp hành chính mà trên hết cần tinh thần tự tôn, tự giác, tự trọng của thầy cô giáo.

Đề cao tính tự giác, tự học của học sinh: Đây vừa là giải pháp vừa là mục tiêu cốt lõi. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “thúc đẩy tự học để học sinh, sinh viên phát triển toàn diện”.

Đề cao mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu “giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW đã bổ sung từ “tăng cường” thành “tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên”.

Như vậy, có thể thấy mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục học sinh, sinh viên.

Hoàn thiện khung pháp lý trong triển khai thực hiện:

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm đã tạo hành lang pháp lý cho công tác tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Bên cạnh việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, cần tiếp tục rà soát, đánh giá các kết quả đạt được cũng như tồn tại hạn chế để nghiên cứu, hướng dẫn, chỉnh sửa thông tư (nếu phù hợp) với mục tiêu hướng tới một nền giáo dục lành mạnh, chất lượng, tất cả vì học sinh.

Các quy định khác như chế độ chính sách đối với nhà giáo cũng cần tiếp tục được quan tâm. Dự kiến Luật Nhà giáo được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp tới sẽ tạo ra những bước thay đổi tích cực về chính sách và vị thế của nhà giáo.

Các địa phương theo thẩm quyền cần chủ động ban hành các chính sách nhằm thu hút, giữ chân và nâng cao chất lượng đời sống giáo viên (như tại TP Hồ Chí Minh, ngoài các khoản lương theo quy định, giáo viên có thể được chính quyền địa phương hưởng tối đa 1,5 lần lương so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ). Cùng với đó, yêu cầu đặt ra với thầy cô giáo là cần tiếp tục nâng cao phẩm chất, trình độ, kỹ năng trong hoạt động dạy học.

Giải pháp về thông tin, tuyên truyền:

Tiếp tục thông tin, tuyên truyền về những hệ lụy, tiêu cực, tác hại của dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định; về các lợi ích của việc xóa bỏ “nạn” dạy thêm, học thêm tràn lan trong việc hình thành năng lực tự học, tự tin của học sinh và hướng tới xây dựng xã hội học tập, xây dựng nhà trường hạnh phúc, môi trường giáo dục lành mạnh để tạo sự đồng thuận, đồng lòng cùng thực hiện.

Phân tích rõ vai trò nền tảng của gia đình cho sự phát triển nhân cách, tri thức và đạo đức của trẻ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội là yếu tố quan trọng giúp hình thành một môi trường giáo dục toàn diện, hỗ trợ học sinh phát triển tốt nhất về trí tuệ, thể chất và nhân cách.

Giải pháp về chuyên môn:

Nâng cao chất lượng dạy và học giờ chính khóa: Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, bảo đảm học sinh được học tập đúng, đủ trong giờ chính khóa theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Đa dạng hóa phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, học qua truyền hình, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ. Tự học không có nghĩa là học một mình mà là biết tự lập kế hoạch, xác định mục tiêu, quản lý thời gian, biết đặt mục tiêu; biết nhờ thầy cô, bạn bè và các công cụ, phương tiện khác hỗ trợ việc học, tự học có hướng dẫn của giáo viên.

Phân công giáo viên đảm bảo định mức tiết dạy theo quy định, ưu tiên phân công phù hợp cho giáo viên dạy cuối cấp để có thời gian hỗ trợ tối đa cho học sinh cuối cấp.

Tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành phẩm chất, năng lực người học; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng trong tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá; đa dạng hóa hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá để tạo cơ hội cho học sinh phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo; thực hiện kiểm tra, đánh giá theo sự tiến bộ của học sinh và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình (không ra đề “đánh đố” - vượt yêu cầu cần đạt, ngoài phạm vi chương trình, chỉ học sinh đi học thêm mới giải được). Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, xét tuyển đầu cấp, thi tuyển sinh vào lớp 10, thi vào đại học phải phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không gây áp lực học thêm cho học sinh.

Thực hiện khảo sát, phân loại trình độ học sinh (mức độ đạt được) để có phương án xếp lớp, xếp giáo viên phụ trách theo đối tượng, trình độ để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; học sinh lớp cuối cấp lớp 5, lớp 9 và lớp 12; không tổ chức ôn tập tràn lan, không đúng đối tượng, không hiệu quả, gây lãng phí.

Chú trọng sinh hoạt chuyên môn cụm trường, liên trường nhằm tăng cường trao đổi, phát huy, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả trong việc dạy học; khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng khai thác thư viện nhà trường; xây dựng mô hình hỗ trợ học tập trong các nhà trường dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo. Tổ chức cho học sinh tự học buổi 2 để tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư cho con người:

Ngành Giáo dục các địa phương cũng cần tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn ngân sách nhà nước và tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng đủ trường, lớp và bảo đảm chất lượng để mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường, giảm áp lực trong tuyển sinh, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư, kiên quyết không để học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục không đường đến trường theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày để học sinh học đủ trong ngày; xây dựng các trường học có chất lượng để ngôi trường nào cũng là trường hạnh phúc, học ở đâu cũng có chất lượng tương đương nhau. Giảm sĩ số học sinh trên lớp theo đúng định mức được nhà nước ban hành; đảm bảo thầy cô giáo có thể quan tâm đầy đủ đến từng học sinh; giáo viên có đủ điều kiện, không gian để sáng tạo nghề nghiệp.

Ngoài ra, cần đầu tư cho đội ngũ giáo viên thông qua việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên, khuyến khích giáo viên tự học, cập nhật kiến thức mới với phương châm “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, AI có thể là trợ giảng, thiết kế giáo án, tạo đề thi, gợi ý hoạt động lớp học, tình huống sư phạm… Thay vì lo lắng AI sẽ thay thế thầy cô giáo thì mỗi thầy cô giáo cần phải tự làm mới mình, thích ứng với AI để làm tốt hơn công việc của mình.

Tăng cường công tác phối hợp và thanh tra, kiểm tra:

Việc quản lý dạy thêm, học thêm không phải là việc riêng của ngành giáo dục. Các cấp, các ngành và người dân cần chung tay phát hiện, xử lý, loại bỏ các hình thức dạy thêm, học thêm không đúng quy định để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn từ nhà trường, gia đình và xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Giải pháp về thi đua:

Tăng cường công tác thi đua dạy tốt giờ học chính khóa; xây dựng phong trào tự học trong học sinh… quyết tâm thực hiện nói không với dạy thêm, học thêm tràn lan, tất cả vì học sinh, vì chất lượng giáo dục, vì tôn nghiêm của ngành giáo dục. Kịp thời phát hiện, tuyên dương khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh.

Chấm dứt dạy thêm, học thêm tràn lan không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là con đường để trả lại giá trị cốt lõi cho giáo dục: Xây dựng những thế hệ học sinh tự chủ, sáng tạo và hạnh phúc. Chấm dứt dạy thêm, học thêm tràn lan là một mệnh lệnh với toàn ngành giáo dục. Đó là mệnh lệnh của tinh thần trách nhiệm, mệnh lệnh của lòng tự tôn, tự trọng, mệnh lệnh để kiến tạo một nền giáo dục thực sự chất lượng, bền vững và nhân văn.

 

Nguồn: nhandan.vn

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục