
Góc biếm họa số 5 (2025)

VNTN - Trong kỷ nguyên số, khi trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là câu chuyện của tương lai mà đang len lỏi vào từng khía cạnh cuộc sống, Thái Nguyên đã và đang từng bước đưa công nghệ này đến gần hơn với mọi người dân. Chương trình “Bình dân học AI” đã ra đời như một sáng kiến giúp người dân từ nhiều lứa tuổi, đặc biệt là lao động trong độ tuổi từ 15 đến 60, tiếp cận và áp dụng AI vào cuộc sống và công việc. Được xây dựng trên nền tảng của phong trào "Bình dân học vụ" lịch sử, chương trình không chỉ là việc cung cấp kiến thức công nghệ mà còn là một chiến lược thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số tại địa phương.
Từ phong trào "Bình dân học vụ" đến “Bình dân học AI”
Chương trình "Bình dân học AI" được xây dựng với cảm hứng từ phong trào "Bình dân học vụ" năm 1945, khi cả nước đã đồng loạt ra quân xóa mù chữ cho toàn dân.
Chương trình “Bình dân học AI” đã ra đời như một sáng kiến giúp người dân từ nhiều lứa tuổi, đặc biệt là lao động trong độ tuổi từ 15 đến 60, tiếp cận và áp dụng AI vào cuộc sống và công việc.
Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc trang bị kiến thức về trí tuệ nhân tạo cho người dân trở thành một yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực làm việc và phát triển cộng đồng.
Chương trình được thực hiện thành công góp phần àn thành các nội dung, nhiệm vụ của Đề án phát triển Năng lực số giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Với 3 mục tiêu chính là: Kết nối với kho tri thức nhân loại thông qua AI; Hình thành văn hóa “AI xứ Trà” và hình thành tư duy "AI First" (ưu tiên AI) và văn hóa ứng dụng "AI xứ Trà" trong giải quyết vấn đề, giúp cộng hưởng trí tuệ cá nhân của mỗi người với trí tuệ nhân tạo. Qua đó, cải thiện năng suất, chất lượng công việc bằng AI, mở ra các cơ hội làm việc mới chưa từng có, tăng khả năng tiếp cận tri thức, nâng cao chỉ số hài lòng, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh.
Chương trình đã đề ra 6 mục tiêu cụ thể. Trong đó, tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đều ban hành kế hoạch, tổ chức phát động tham gia chương trình “Bình dân học AI”; hình thành mạng lưới triển khai chương trình từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, 100% các cơ quan, đơn vị thành lập nhóm cán bộ/công chức/viên chức nòng cốt lan tỏa chương trình trong cơ quan, đơn vị mình, qua đó giúp cán bộ, công chức, viên chức được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc.
Bình dân học AI đưa ra mục tiêu phấn đấu 80% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công tác quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh. 80% người trong độ tuổi lao động được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng AI cơ bản online; 50% người lao động có khả năng sử dụng các kỹ năng AI cơ bản.
Song song với đó, xây dựng mạng lưới giảng viên cộng đồng đến từng xã, phường, thị trấn. Hình thành văn hóa ứng dụng "AI xứ Trà" trong toàn tỉnh.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, ngay từ những ngày cuối cùng của năm 2024, chương trình đã được triển khai sâu rộng đến các địa phương, trường học, doanh nghiệp và cộng đồng. Những buổi học thử nghiệm ban đầu đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, tạo tiền đề cho việc mở rộng quy mô người học.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, chương trình “Bình dân học AI” không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức lý thuyết về AI. Điều quan trọng hơn là giúp người dân, đặc biệt là lực lượng lao động, có thể ứng dụng AI vào công việc và giải quyết những vấn đề thực tế trong đời sống hàng ngày. Định hướng của chương trình là khuyến khích tư duy “AI First” và hình thành văn hóa “AI xứ Trà,” nơi công nghệ được coi là công cụ nâng cao hiệu quả công việc và phát triển kinh tế.
Dù thời gian triển khai chưa lâu, song chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Người dân khắp nơi trên địa bàn tỉnh, ở các độ tuổi khác nhau đã tham gia vào các khóa học từ cơ bản đến nâng cao về AI. Những lớp học không chỉ giới hạn trong các cơ sở giáo dục mà còn lan rộng đến các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với công nghệ.
Những lớp học không chỉ dừng lại ở kiến thức lý thuyết, trên thực tế nó đã giúp người dân có thể áp dụng ngay lập tức AI vào những công việc hàng ngày. Những học viên nòng cốt sau khi hoàn thành khóa học không chỉ là người học mà còn trở thành những người dẫn dắt, mở rộng lớp học tại các địa phương, đơn vị giúp lan tỏa kiến thức đến cộng đồng.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đào tạo được 300 học viên nòng cốt cấp tỉnh. Các học viên đã tổ chức mở rộng đào tạo tại các địa phương, lan tỏa kiến thức AI sâu rộng trong cộng đồng.
Cộng đồng lan tỏa kiến thức
Một trong những điểm sáng của chương trình phải kể đến là nhóm học tập trực tuyến “Xứ trà học AI” trên Facebook. Đây là nơi người dân có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng AI vào thực tiễn công việc. Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm đã thu hút trên 5,2 nghìn thành viên và trở thành một trong những cộng đồng học tập trực tuyến lớn nhất tại tỉnh Thái Nguyên.
Đến nay, lớp học tại nhóm “Xứ trà học AI” đã ghi nhận: gần 4.000 bài viết chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, trên 22.000 lượt thích thể hiện sự hưởng ứng nhiệt tình và khoảng gần 5.000 bình luận cho thấy tinh thần thảo luận sôi nổi.
Các thành viên trên nhóm hàng ngày tích cực tương tác, luyện tập với AI theo hướng dẫn của trí tuệ nhân tạo tại hệ thống LuyenAI.vn.
Chưa hết, nhóm Bình dân học AI-TN trên Zalo đến nay cũng đang có trên 300 thành viên cùng nhau học tập.
Chị Nguyễn Hợi, một chủ tiệm tạo mẫu tóc nằm trên đường Phùng Chí Kiên hào hứng chia sẻ: Tôi đã không biết rằng AI có tác dụng ghê gớm với công việc của mình như thế. Cho đến khi tôi được một người bạn giới thiệu tham gia nhóm “Xứ trà học AI”, tôi đã học được rất nhiều điều. Thiết thực nhất là tôi đã có thể dùng AI tạo ra các mẫu tóc giả định cho khách hàng của mình xem trước. Từ đó, cả tôi và khách hàng của mình sẽ biết được khuôn mặt của từng người hợp với kiểu tóc nào để đưa ra quyết định được đúng đắn nhất.
Nói về những tác dụng của AI trong cuộc sống thì khó có thể kể hết được, bởi sự đa dạng và phong phú của nó. Chị Nguyễn Thu Huyền, giáo viên trường PTTH Ngô Quyền, TP. Thái Nguyên chia sẻ: “AI giúp tôi tiết kiệm thời gian trong việc soạn ra những bài giảng hấp dẫn, đọc sách một cách nhanh hơn, nắm bắt mọi thông tin một cách dễ dàng hơn. AI còn hỗ trợ học sinh trong việc tự học, tra cứu thông tin và rèn luyện kỹ năng tư duy. Có những học sinh trước đây rất nhút nhát, ngại đặt câu hỏi trên lớp, nhưng nhờ các công cụ AI, các em có thể tìm hiểu trước ở nhà, từ đó tự tin hơn khi đến lớp. Tôi thấy rằng, nếu biết tận dụng đúng cách, AI sẽ là cánh tay đắc lực của cả thầy và trò, mở ra một cách tiếp cận giáo dục hiện đại, gần gũi và hiệu quả hơn.
Từ khi được tiếp cận với những kiến thức về AI, chị Đỗ Thị Phương, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình cảm thấy công việc kinh doanh của mình nhàn hơn rất nhiều. Trước đây, các buổi chụp sản phẩm để chị có thể đăng lên các nền tảng mạng xã hội quảng cáo tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Từ khi lĩnh hội được các kiến thức về AI chị Phương như có thêm một trợ thủ đắc lực mà không cần trả tiền công…
Những kết quả trên thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng: Lớp học AI tại Thái Nguyên không chỉ là một khóa đào tạo, mà đang trở thành một biểu tượng của sự đổi mới, tinh thần cầu tiến và quyết tâm chuyển đổi số. Học không phải chỉ để biết, mà để làm, để hướng dẫn lại và để dẫn dắt cộng đồng.
Đồng chí cho rằng, nếu thực hiện tốt, Thái Nguyên hoàn toàn có thể trở thành tỉnh đầu tiên xây dựng hệ sinh thái học AI bình dân.
Đây sẽ là một bước tiến lớn, giúp nâng cao năng lực số toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Trong tương lai gần, với đà phát triển này, Thái Nguyên có thể trở thành một hình mẫu điển hình về ứng dụng AI trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu.
Trong thời gian tiếp theo, Thái Nguyên sẽ tiếp tục hoàn thiện đào tạo các học viên nòng cốt cấp tỉnh và mở rộng đào tạo tại các huyện, thành phố theo mô hình "mỗi học viên nòng cốt mở 2-3 lớp học mới". Đồng thời, thành lập và duy trì mạng lưới giảng viên cộng đồng tại từng xã, phường.
Với sự quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh và sự đồng lòng của người dân, chương trình "Bình dân học AI" hứa hẹn sẽ là một nền tảng quan trọng giúp Thái Nguyên trở thành địa phương đi đầu trong ứng dụng AI một cách sáng tạo, hiệu quả trong công việc và đời sống hằng ngày. Đây được kỳ vọng là chìa khóa để Thái Nguyên bứt phá trên hành trình chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Có thể thấy, chương trình "Bình dân học AI" tại Thái Nguyên đang mở ra những cơ hội mới cho người dân, không dừng ở việc học hỏi và áp dụng công nghệ mà còn trong việc cải thiện năng suất công việc và phát triển nghề nghiệp. Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn để có thể đạt được những mục tiêu, kỳ vọng đề ra nhưng với sự quyết tâm của chính quyền và sự hưởng ứng của cộng đồng, Thái Nguyên đang từng bước chuyển mình trong kỷ nguyên số.
Bình Yên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...