Thứ năm, ngày 03 tháng 04 năm 2025
01:03 (GMT +7)

Thái Nguyên và những người bạn văn chương của tôi

Tháng 7/1971 tôi và mấy ông bạn công tác tại Đoàn Định mức (Tổng cục Lâm nghiệp, lúc ấy chưa có Bộ Lâm nghiệp) nhận quyết định điều động lên Thái Nguyên công tác. Bốn anh em chúng tôi cuốc bộ từ phố Lò Đúc (Hà Nội) đến ga Đông Anh. Vì năm ấy lũ, lụt xảy ra rất to, tàu không vào ga Hàng Cỏ. Hành khách muốn đi về các tỉnh phía Bắc thì phải đi bộ lên mãi tận ga Đông Anh, còn ô tô thì cực kỳ khan hiếm.

Tàu chạy suốt đêm, sáng hôm sau chúng tôi đến ga Đồng Quang. Cuốc bộ vào Ty Lâm nghiệp (đối diện với Trường THCS Chu Văn An bây giờ) nhưng Ty lại sơ tán lên cây số 8 xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương (nay thuộc TP. Thái Nguyên). Vào nộp giấy tờ, nộp tem phiếu, ăn cơm nhà bếp tập thể. Hai hôm sau chúng tôi nhận quyết định phân công, công tác.

Từ trái qua: Các nhà văn Phạm Đức, Nguyễn Anh Đào, Hồ Thủy Giang và Nguyễn Đức Hạnh
Từ trái qua: Các nhà văn Phạm Đức, Nguyễn Anh Đào, Hồ Thủy Giang và Nguyễn Đức Hạnh

Từ một chàng trai vùng biển huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng tôi lên công tác ở vùng miền núi với biết bao bỡ ngỡ. Ấy vậy mà thấm thoắt đã gắn bó với Bắc Thái rồi Thái Nguyên gần năm mươi năm rồi đấy. Lấy vợ sinh con lập nghiệp ở nơi này, tôi coi Thái Nguyên là quê hương thứ hai. Tôi có viết bài thơ Bạn quê tặng nhà văn Hồ Thủy Giang cũng là người Hải Phòng, có câu “Thái Nguyên lập nghiệp làm quê/ Hải Phòng đất mẹ ngày về đã xa…”.

Tôi yêu văn chương từ nhỏ, nhưng chỉ viết báo là chủ yếu, sau này cũng làm thơ, viết truyện. Mãi đến  năm 1980, Công đoàn tỉnh Bắc Thái tổ chức cuộc thi viết về đề tài công nhân, tôi mạnh dạn gửi một số bài thơ dự thi (thơ ngày ấy viết theo lối thơ truyền thống là chủ yếu, chưa cách tân như thơ bây giờ). Không phải là người làm thơ có tiếng, thế mà tôi cũng được giải: Giải Nhì -  không có giải Nhất - với bài thơ Bình minh Lâm trường. Trong lễ trao giải, tôi mới biết và được gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ và nhiều văn nghệ sĩ của Bắc Thái thời ấy: Xuân Cang, Nguyễn Anh Bình, Nguyễn Đức Thiện, Chu Hồng Hải, Trịnh Thanh Sơn, Trần Văn Thước, Trần Trọng Thể (Khu Gang thép); rồi các nhà thơ, nhà văn: Khánh Kiểm, Trần Văn Loa, Vi Hồng, Hồ Thủy Giang, Ba Luận, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Đình Ẩm... Tôi vẫn nhớ, cùng dịp đó, ông Hồ Thủy Giang đoạt giải với truyện ngắn “Chiếc séc măng thay thế”, ông Nguyễn Minh Sơn đoạt giải với bài thơ “Đôi mắt”... và nhiều tác giả nữa .

Sau khi đoạt giải thưởng, tôi làm quen với các văn nghệ sĩ: Ba Luận, Hồ Thủy Giang, Nguyễn Minh Sơn, Trần Văn Loa, Khánh Kiểm, Nông Phúc Tước... Thỉnh thoảng tôi đạp xe vào nhà ông Trần Văn Loa (ở khu Trường Trung cấp Sư phạm ngày xưa) rồi đến nhà ông Khánh Kiểm ở Tân Long, thăm anh Ba Luận khi ấy hai vợ chồng còn ở nhờ khu nhà lá cọ không biết của đơn vị nào, gần đối diện khu nhà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Nhớ một lần tôi và ông Ba Luận, Nông Phúc Tước, Nguyễn Minh Sơn, bốn anh em, cưỡi bốn “con ngựa sắt” - đạp xe từ thành phố lên xã Hà Thượng huyện Đại Từ thăm vợ chồng ông Hồ Thủy Giang. Ngày ấy bốn chúng tôi vẫn ở nhà tập thể, còn ông Hồ Thủy Giang,  hai vợ chồng là giáo viên, có căn nhà trên đất của bố mẹ, vách trát đất, mái lợp cỏ tranh..., như thế cũng hơn hẳn chúng tôi rồi. Mấy anh em ở lại ăn cơm với vợ chồng ông Hồ Thủy Giang. Cơm ngày ấy vẫn còn độn sắn, nhưng bữa cơm thật thân tình, ấm áp của những người đam mê viết lách.   

Kể từ ngày ấy, năm anh em chúng tôi vẫn xe đạp lách cách đi đây đi đó. Nhớ ngày đầu vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, năm anh em chúng tôi cũng đến chỗ này chỗ nọ xin ý kiến của nhiều người. Khi thì tôi vào văn phòng UBND tỉnh gặp ông Ba Luận (lúc ấy ông Luận làm ở UBND tỉnh), lúc thì cùng ông Hồ Thủy Giang đạp xe đến nhà ông Hoàng Thể ở sau chợ Đồng Quang. Rồi anh em chúng tôi cùng nhau đi xin liên kết mở các cuộc sáng tác về ngành Lâm nghiệp, về Kiểm lâm để anh em trong Hội được tham gia, rồi ra sách phục vụ cho ngành Lâm nghiệp và Kiểm lâm.

Vui nhất là những chuyến đi thực tế tại ngành Lâm nghiệp. Bốn anh em (tôi, Hồ Thủy Giang, Ba Luận, Nguyễn Minh Sơn) lên Lâm trường Bạch Thông rồi vào các đội sản xuất. Ông Hồ Thủy Giang sáng tác bài thơ “Đến Quan Nưa”; ông Ba Luận có bài “Em gái lâm trường”... rất hay. Hai ông đọc cho đơn vị nghe, các cô gái của Lâm trường còn rất trẻ, nhiều người khóc thút thít (công nhân lâm trường ngày ấy chủ yếu là nữ ở vùng xuôi lên). Sau đợt thực tế, chúng tôi chia tay nhau thật bịn rịn.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, ông Hồ Thủy Giang đã trở thành nhà văn, ông Nông Phúc Tước thành nhà nghiên cứu văn học dân gian, ông Ba Luận thành người lãnh đạo của một ngành, chỉ riêng tôi và ông Nguyễn Minh Sơn viết ít, nghỉ hưu trước tuổi và cũng không thành nhà văn nhà thơ gì cả, mặc dầu những ngày đầu vận động thành lập Hội, anh em chúng tôi hăng hái và tích cực.

Tác giả xem lại một bài viết của mình mới đăng trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Ảnh: V.T
Tác giả xem lại một bài viết của mình mới đăng trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Ảnh: V.T

Bốn mươi nhăm năm đã qua, “vật đổi sao dời”, bây giờ lớp văn nghệ sĩ chúng tôi đã vào tuổi xưa nay hiếm. Nhiều người thành danh, nhiều người tuổi cao nhưng vẫn đam mê sáng tác. Chúng tôi lấy Hội Văn học nghệ thuật làm mái nhà chung để hội tụ, gặp gỡ, hàn huyên. Tuy điều kiện đi lại thăm nhau ít hơn (bởi sức khỏe và bởi cả năm người đều không biết lái xe và không có xe ô tô riêng, đi đâu toàn đi tắc xi hoặc nhờ con cái), nhưng chúng tôi vẫn liên hệ với nhau. Ông Ba Luận mỗi khi có công việc từ Hà Nội lên Thái Nguyên đều đến thăm tôi và mấy anh em, thân tình và ấm áp. Những người bạn văn chương ngày xưa của chúng tôi bây giờ vẫn vậy.

Thái Nguyên, mảnh đất đã tạo cho tôi sinh cơ lập nghiệp. Các con tôi cũng đã trưởng thành trên mảnh đất này. Văn chương và bạn văn chương cũng là nguồn động viên và tạo cho tôi cảm hứng sáng tác. Tôi cũng đã xuất bản được bốn tập thơ, hai tập truyện ngắn…  

Nhớ lắm một thời anh em văn nghệ với nhau. Ngôi nhà Văn nghệ Thái Nguyên đã quy tụ và cho anh em chúng tôi đến với nhau bằng những tấm lòng nhân ái, đầy ắp tình người, không dễ gì có được. Cuộc sống văn chương thật đẹp đẽ vô cùng! 

Nguyễn Anh Đào

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy