height=
Giữa những biến động của đời sống hiện đại, khi nhịp sống gấp gáp cuốn con người ta vào vòng xoáy của công nghệ và hội nhập, khiến nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều cộng đồng đang dần bị nhạt phai theo năm tháng. Thế nhưng, vẫn có những con người âm thầm nuôi dưỡng, chắt chiu từng câu hát, từng lời nói, chữ viết, từng mũi thêu, điệu múa… của tổ tiên để truyền lại cho thế hệ mai sau. Họ như những ngọn lửa bền bỉ, âm thầm cháy trong gió sương, mong giữ ấm cho một nền văn hóa đang phải đối mặt trước những thách thức của thời đại.

 

Chị Dương Thị Kim Cảnh, người phụ nữ Dao ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chính là một trong những ngọn lửa như thế. Không phải là một nhà nghiên cứu văn hóa, không có trong tay học hàm, học vị, nhưng chị lại sở hữu thứ tài sản vô giá: Đó là tình yêu với văn hóa dân tộc mình.

Nhiều năm qua, chị miệt mài trên hành trình của chính mình để lan tỏa những giá trị văn hóa Dao, từ tiếng nói, trang phục đến những nghi lễ, phong tục cổ truyền. Một hành trình không được trải hoa hồng, nhưng ở đó, dấu chân chị in đậm sự bền bỉ và tâm huyết.

Tôi biết đến chị không chỉ qua những câu chuyện truyền miệng về một người phụ nữ nặng lòng với văn hóa dân tộc, mà còn qua những lần được nghe ý kiến xác đáng, đầy căn cứ của chị góp ý cho màn trình diễn nghệ thuật của người Dao hay các màn tái hiện phong tục của đồng bào mình tại một sự kiện văn hóa nào đó trên khắp mọi miền đất nước.

Mỗi lời chị nói đều chắt lọc từ trải nghiệm thực tế, từ sự hiểu biết tường tận và nỗi trăn trở trở khôn nguôi trước nguy cơ mai một nhiều giá trị văn hóa gốc của tổ tiên.

Nhiều năm trở lại đây, chị Dương Thị Kim Cảnh là người đồng hành, hỗ trợ các sinh viên người Dao học tập tại Thái NguyênNhiều năm trở lại đây, chị Dương Thị Kim Cảnh là người đồng hành, hỗ trợ các sinh viên người Dao học tập tại Thái Nguyên

Mỗi ngày, trong căn nhà nhỏ, cạnh một ao nước lớn, tranh thủ lúc rảnh rỗi chị Cảnh vẫn miệt mài thêu từng hoa văn rực rỡ trên tấm vải chàm. Bàn tay chị thoăn thoắt đưa từng sợi chỉ, khéo léo tạo nên những hoa văn tinh xảo mang đậm dấu ấn của người Dao.

Với chị, từng đường kim, mũi chỉ không chỉ đơn thuần là công việc thêu thùa, may vá mà còn là sợi dây kết nối với tổ tiên, là niềm kiêu hãnh của dân tộc. Trong nhà chị Cảnh còn ngập tràn những thang thuốc nam, một phần không thể thiếu trong đời sống của người Dao.

Những bó lá thuốc được phơi khô, cất gọn trên giá, tỏa ra mùi thơm ngai ngái đặc trưng. Chị học từ bố mẹ để lưu giữ các bài thuốc gia truyền, mong rằng tri thức quý báu này không bị mai một theo thời gian.

Sinh năm 1985, từ khi còn nhỏ, chị đã ý thức sâu sắc về cội nguồn của mình. Trong khi những người cùng thế hệ dần mất đi khả năng sử dụng tiếng Dao, chị vẫn giữ vững tiếng mẹ đẻ như một phần tất yếu trong cuộc sống.

Xuất phát điểm là một giáo viên tiểu học, chị dành mười năm gắn bó với những lớp học bên chân núi Tam Đảo, tại xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ.

Chị kể “lúc mới ra trường, đi xin việc, tôi đều tìm hiểu và chủ động xin được dạy tại các trường ở vùng có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống”. Nhưng như thế chưa đủ, càng ngày, chị càng nhận ra nỗi lo lắng của mình khi chứng kiến bản sắc văn hóa của dân tộc ngày một mai một.

Đến tuổi trưởng thành, cô giáo Dương Thị Kim Cảnh nên duyên cùng một chàng trai người thành phố nhưng hạnh phúc không trọn vẹn. Hôn nhân đổ vỡ, chị quay về quê sống cùng bố mẹ ở quê.

Chị kể: Suốt thời gian sống tại địa phương, trong các cuộc họp xóm mình đều bày tỏ lo ngại khi nhiều giá trị văn hóa của dân tộc mình dần biến mất trong đời sống, đồng thời đề xuất ý kiến, tổ chức, cộng đồng cần phải hành động để ngăn chặn sự mai một đó. Nhưng mọi ý kiến của mình khi ấy đều như rơi vào không trung, dường như không ai để tâm đến lời mình nói.

Khi thấy xung quanh mình những đặc trưng riêng có của dân tộc Dao cứ ít dần, thậm chí là biến mất, lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến trang phục truyền thống, nhiều người rời cộng đồng đi làm ăn xa, dần quên mất phong tục tập quán, mình lo lắng, tiếc nuối và sục sôi mong muốn bảo tồn nét đặc trưng trong văn hóa dân tộc mình.

Chị Dương Thị Kim Cảnh mong muốn có thể cùng bà con trong xóm xây dựng thành công thương hiệu chè người Dao 
Chị Dương Thị Kim Cảnh mong muốn có thể cùng bà con trong xóm xây dựng thành công thương hiệu chè người Dao 

"Năm 2020, tôi sinh con. Từ hát ru đến nói chuyện với con, tôi đều dùng tiếng Dao. Nhưng tôi biết rằng, chỉ gia đình tôi nói tiếng Dao là chưa đủ. Tôi cần có cả cộng đồng đồng hành" - Chị Cảnh chia sẻ.

Năm 2022, với khát vọng mãnh liệt, chị Cảnh ấp ủ ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Dao tại xóm Tân Lập. Thế nhưng, ngay khi chia sẻ mong muốn ấy, chị vấp phải ánh mắt ngờ vực, thậm chí cả những lời chế giễu. Không nản lòng, chị kiên trì gõ cửa từng nhà, từng bước thuyết phục mọi người.

Những buổi tối của chị không còn là khoảng thời gian nghỉ ngơi mà trở thành những cuộc trò chuyện dài, chị tận tình phân tích, động viên để bà con hiểu được giá trị của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Khi được hỏi về hành trình vận động đầy gian nan ấy, chị Cảnh chỉ cười: Sau này có người hỏi tôi đã làm thế nào để thuyết phục bà con. Tôi đáp, “vận động” nghĩa là gì, thì tôi đã làm đúng nghĩa như thế. Mỗi buổi tối, nhiều nhất tôi chỉ đến được hai nhà, có hôm chỉ kịp ngồi lại với một gia đình, lắng nghe, chia sẻ, rồi lại tiếp tục vào ngày hôm sau.

Chị Cảnh không nhớ đã trải qua bao nhiêu buổi vận động, nhưng cuối cùng, 14 người đầu tiên đã hưởng ứng và tham gia Ban Vận động. Có nền tảng ban đầu, chị Cảnh tổ chức họp các thành viên, thống nhất chương trình hành động.

Không dừng lại ở lý thuyết, chị cùng mọi người tự đóng góp kinh phí, đi thăm các cộng đồng người Dao khác để học hỏi cách gìn giữ văn hóa. Dần dần, số lượng thành viên tăng lên hơn 40 người, và Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Dao xóm Tân Lập (xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ) chính thức ra đời. Những lớp học tiếng Dao đầu tiên cũng được mở, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng.

Chị Cảnh tin rằng, muốn bảo tồn văn hóa, trước tiên phải khơi dậy tình yêu với bản sắc dân tộc. Khi đã yêu, con người ta sẽ tự nhiên có mong muốn gìn giữ. Chính vì thế, ngoài dạy tiếng Dao, câu lạc bộ đã lên kế hoạch tổ chức các lớp học thêu trang phục truyền thống, hát dân ca và đặc biệt là bảo tồn các vũ điệu nghi lễ. Chị Cảnh trăn trở: "Nhiều thanh niên bây giờ nhảy múa mà không còn đúng tinh thần của điệu múa truyền thống. Nhìn mà lắm khi tôi “sôi máu”. Chúng tôi phải làm gì đó để chấn chỉnh lại”.

Tới nay, lớp học tiếng Dao miễn phí dành cho trẻ em đã duy trì được hai tháng. Những đứa trẻ đã có thể chào hỏi, trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Lớp học diễn ra vào các buổi tối cuối tuần và sẽ tăng số buổi khi các em được nghỉ hè. Niềm vui lớn nhất của chị Cảnh là khi thấy cả phụ huynh cũng ngồi lại học cùng con, chung tay gìn giữ tiếng nói của cha ông.

Dù bên ngoài lớp học, chị vẫn là một người mẹ đơn thân, bận rộn với công việc kinh doanh online để nuôi sống gia đình, nhưng chị chưa từng chùn bước. Với chị, bảo tồn văn hóa không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sứ mệnh và niềm tự hào của người Dao như chị.

Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn văn hóa tại quê nhà, chị Dương Thị Kim Cảnh còn nuôi dưỡng tình yêu văn hóa Dao trong chính gia đình nhỏ của mình. Từ khi con trai Giàng mới 18 tháng tuổi, chị đã đưa con đi khám phá nhiều nơi, chinh phục các tỉnh thành khắp cả nước, vừa du lịch trải nghiệm, vừa khơi dậy trong con niềm tự hào về văn hóa dân tộc Dao.

Trên chiếc xe Wave màu xanh nhạt, hai mẹ con đã cùng nhau khám phá hầu hết các tỉnh thành Việt Nam, trải nghiệm những điều thú vị từ miền núi Tây Bắc đến vùng đồng bằng. Với chị, mỗi hành trình không chỉ là cơ hội để con mở mang kiến thức mà còn là dịp để cậu bé học cách yêu thương, trân trọng văn hóa dân tộc mình.

Bé Giàng con trai chị Cảnh trong một chuyến đi cùng mẹ
Bé Giàng con trai chị Cảnh trong một chuyến đi cùng mẹ

Trong những chuyến đi, chị luôn ưu tiên ghé thăm những bản làng người Dao để chị và con trai có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với đồng bào mình. Những câu chuyện cổ, những làn điệu dân ca, những bộ trang phục thổ cẩm mà hai mẹ con bắt gặp trên đường đi đều trở thành những bài học sinh động, giúp cậu bé thấm nhuần tình yêu với quê hương, dân tộc.

Ngoài thuê khách sạn, phòng trọ hay homestay, chị cũng chủ động cho con trải nghiệm cắm trại, ngủ lều trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Chị tin rằng, những trải nghiệm thực tế sẽ giúp con trai trở nên mạnh mẽ, độc lập và hiểu hơn về giá trị của thiên nhiên, văn hóa và con người ở từng vùng đất đi qua.

Đến nay bên cạnh việc giảng dạy tiếng Dao cho lớp đào tạo cán bộ miền núi của một số trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên, chị Cảnh còn là người đồng hành trực tiếp của các sinh viên người Dao tại Thái Nguyên.

Chị Dương Thị Kim Cảnh luôn là thành viên tích cực trong các sự kiện tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc mình
Chị Dương Thị Kim Cảnh luôn là thành viên tích cực trong các sự kiện tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc mình

Khát vọng bảo tồn, sẵn sàng vượt qua khó khăn để hành động nhằm bảo tồn văn hóa của dân tộc của chị Cảnh suốt thời gian qua là nguồn cảm hứng để nhiều người khác cùng chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu mà cha ông để lại.

Trên con đường bảo tồn văn hóa dân tộc, chị Cảnh vẫn ngày ngày cần mẫn truyền dạy từng con chữ, điệu hát, đường thêu và lan tỏa tình yêu quê hương qua từng chuyến hành trình. Những việc làm của chị lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa, để một ngày nào đó, tiếng nói, phong tục và bản sắc của người Dao sẽ vẫn còn mãi vang vọng giữa đại ngàn và từ đó, đời sống của bà con sẽ ngày càng no ấm.

Dù hành trình ấy còn không ít gian nan nhưng những nỗ lực của chị Cảnh đã được đền đáp, chị không còn đơn độc. Người dân trong xóm đã dần ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc. Những bộ trang phục truyền thống được mặc nhiều hơn trong các dịp lễ hội, tiếng Dao vang lên rộn ràng hơn.

Nhìn những đứa trẻ háo hức học tiếng Dao, những người phụ nữ trẻ say sưa bên khung thêu, chị Cảnh càng vững tin vào con đường mình đã chọn. Trong đôi mắt chị ánh lên niềm tin và hy vọng, rằng dù cuộc sống có đổi thay, những giá trị văn hóa của dân tộc Dao vẫn sẽ mãi trường tồn, như chính ngọn lửa mà chị đã dày công thắp sáng.

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục