Đọc thơ ông, khi gặp những hình tượng như “hoa linh”, “đức linh”, “linh thảo”…, tôi bất giác nghĩ đến cái tên của tác giả, Nguyễn Linh Khiếu. Và tôi đi đến câu hỏi rằng, có mối liên hệ nào đó trong câu chuyện này chăng?

 

- Vâng, hình như tôi bị ám ảnh bởi chữ “linh” trong cái tên của mình. Thực ra, tôi không hiểu chữ “linh” trong tên mình nghĩa là gì. Tại sao lại là “Linh Khiếu”. Người đặt tên cho tôi có thể đơn giản chỉ là đặt một tên để gọi, hay do một mách bảo nào đó. Có phải vì cái tên này mà một cậu bé nhà quê đến với triết học và thi ca không.

Với tôi, nhà thơ xét đến cùng chỉ là khám phá chính bản thân mình. Bởi mỗi con người trong cõi nhân sinh này đều là một kho báu. Hãy mở kho báu của mình, anh sẽ biết mình là ai và may mắn có thể gặp mọi người. Thơ tôi đi tìm cái “linh” ẩn chứa trong tôi và có thể đã gặp được/ sẽ gặp được ai đó. Và, nhờ trời, có thể gặp được người đọc của mình. Có thể chả gặp được ai cả. Biết đâu chữ “linh” đã làm thơ tôi có gì đó khác biệt.

 

Sự khác biệt dường như thường được bắt đầu một cách đặc biệt, phải không thưa ông. Như chia sẻ của nhà thơ ở lời tựa các tác phẩm, có thể thấy ông thường bắt đầu từ một cảnh huống đặc biệt, có sức vẫy gọi để mở ra cảm hứng, suy tư. Những khởi đầu như vậy, nó đến với nhà thơ một cách tự nhiên hay nhà thơ có sự chủ động?

 

- Đúng là cảm hứng sáng tạo thường đến với tôi một cách bất chợt, tự nhiên trong những thời không cụ thể. Đó quả là những “cảnh huống đặc biệt, có sức vẫy gọi”. Không có những “cảnh huống” này thì sẽ không có bài thơ nào cả. Tuy nhiên, cái quyết định tạo nên cảm hứng thơ không phải do cảnh huống. Cảnh huống chỉ là tác nhân bên ngoài kích hoạt sự bùng nổ năng lượng bên trong nhà thơ. Những năng lượng ấy phần nhiều chất chứa trong tiềm thức hàng nhiều ngàn năm của loài (người) chứ không đơn thuần chỉ là một chút kiến thức ít ỏi mà mỗi người học hỏi được. Thật đấy, sự học hỏi của mỗi con người nhỏ bé với một cuộc đời ngắn ngủi chả thấm tháp gì đâu. Nói thế, không có nghĩa tôi phủ nhận sự trau dồi kiến thức của các nhà thơ. Chỉ là tôi không cho rằng đó là nhân tố quyết định. Dĩ nhiên, những tri thức mà anh tiếp nhận được ở cấp độ nào thì sẽ kích hoạt những năng lượng ẩn chứa trong anh ở cấp độ ấy bùng nổ. Người tiếp nhận được những tri thức cao thâm, khác thường sẽ rất khác người tiếp nhận được những tri thức đại chúng, thông thường. Những nhà thơ kích hoạt được vỉa tầng năng lượng đại chúng rất dễ nổi tiếng. Họ gặt hái được rất nhiều thành công. Bởi thơ họ, không chỉ vừa tầm đón đợi của đông đảo đại chúng, mà còn đa phần là rất phù hợp với ý chí chính trị đương thời. Những nhà thơ kích hoạt được vỉa tầng năng lượng khác thường phần nhiều rất ít người đọc. Họ hầu như bị xa lánh, không được thừa nhận, bị kỳ thị, thậm chí, bị nghi ngờ, ngăn chặn. Tại sao vậy? Chẳng có gì cả. Chỉ vì người ta thấy khó hiểu thôi. Những nhà thơ này, dĩ nhiên, trong mắt đông đảo bạn đọc là họ không thành công.

Nhân nói về cảnh huống tạo cảm hứng. Xin nói thêm một điều băn khoăn là, không hiểu sao những tác phẩm tôi viết nhiều năm qua các “cảnh huống đặc biệt” như anh đề cập ấy, đều đến từ những khi tôi ở nước ngoài. Điều này là thế nào nhỉ.

 

Sự trăn trở, thổn thức này của nhà thơ đã là một câu trả lời rồi, còn việc đi tận cùng lý giải để tìm câu trả lời thì hẳn sẽ lại đặt ra những câu hỏi khác…

Ông đã có một hành trình từ thơ đến trường ca rồi tới tùy văn. Con người thơ Nguyễn Linh Khiếu ở những hình thức ấy khác nhau như thế nào, thưa ông?

 

- Xưa nay thơ ca có một mạch ngầm xuyên suốt. Đó là tiến trình từ thơ cách luật đến thơ tự do rồi đến trường ca và đến thơ văn xuôi. Người làm thơ nào nếu thật sự đi hết con đường sáng tạo thơ của mình cũng cơ bản diễn ra theo tiến trình đó. Dĩ nhiên, không phải ai cũng tuân theo logic này nhưng phần nhiều đều trải qua thơ có vần, thơ tự do, trường ca và thơ văn xuôi.

Thực ra trong quá trình sáng tác, các nhà thơ đều đồng thời sáng tác các thể loại một cách đan xen do nhu cầu nội tại và cảm hứng sáng tác qui định. Có điều, ở trường ca thường tích hợp trong đó các thể thơ, thậm chí có cả văn xuôi. Trường ca đối với người làm thơ cũng giống như tiểu thuyết đối với người viết văn xuôi. Chỉ với trường ca nhà thơ mới hiện nguyên hình chân dung văn chương của mình. Tôi có nhiều bài viết ngắn. Tôi gọi là tùy văn. Tùy văn vừa là thơ, vừa là văn, vừa là triết và có thể một vài thứ nữa. Tùy văn không phải là thơ, tùy bút, tạp văn, truyện ngắn, hay triết luận… mà là một thể phức hợp giữa chúng. Tùy văn là tùy văn.  

Ở thơ, trường ca, tùy văn vẫn chỉ là một tôi. Đó là những sắc thái khác nhau của một khuôn mặt. Khi anh đọc tác phẩm triết học, khoa học của tôi, nếu anh không nhìn tên tác giả, anh sẽ không tin chúng do tôi viết. Ở đó tôi là nhà khoa học, một người nghiên cứu triết học, vì thế tư cách tác giả của tôi hoàn toàn khác. Nhưng ở văn chương, dù dưới thể loại nào, hình thức nào thì vẫn hiển lộ tư cách của một nhà thơ. Không chỉ nhất quán về cảm xúc, phong cách, ngôn ngữ mà cả tư tưởng thẩm mĩ. Các tác phẩm văn chương của tôi bằng cách này hay cách khác đều thấm nhuần triết học phồn sinh.   

Mỗi nhà thơ có con đường thơ của mình. Có người chọn cùng nhau đi chung một đại lộ. Đi chung đại lộ thì một bước đã ra đường lớn. Mọi thứ đã có sẵn. Nó nhàn hạ, an toàn, vui vẻ và sẽ tạo ra dàn đồng ca đông đảo. Ở đó, có người thành công nhiều, người thành công ít và không có ai thất bại. Nhưng tất cả cơ bản na ná nhau. Khó phân biệt thơ người này với thơ người khác. Khuôn mặt thơ họ vì thế đôi khi lẫn với nhau. Có người chọn khai phá con đường riêng của mình. Đó có thể là con đường chưa từng có. Hoặc, đó là con đường hẹp rất ít người đi. Phải vừa mở đường vừa đi. Nó nhiều chông gai, rất mạo hiểm, nhọc nhằn và đa số thất bại. Ngay cả ai đó may mắn đi được tới đích thì cũng chỉ có một mình. Thơ ấy thường không được ghi nhận. Kết quả không được coi là thành tựu. Nhưng thơ họ hiện diện vì thơ họ không lẫn với thơ mọi người. Thơ ấy là một sự khác biệt. Trong thơ không biết sự khác biệt có giá trị gì không.

 

Khác biệt thì độc đáo, độc đáo thì sẽ tiến đến phổ quát, đó là tinh thần quan trọng của thơ. Ở góc độ bạn đọc, tôi cho rằng trường ca “Phồn sinh” là một khác biệt độc đáo nhất của thơ Nguyễn Linh Khiếu. Mọi nỗi niềm, mọi rung động, mọi thăng hoa, mọi khai mở, mọi sáng tạo, mọi lộng lẫy, mọi tiềm năng chữ nghĩa của Nguyễn Linh Khiếu, tụ hội và bung nở ở trường ca “Phồn sinh”. Nhưng chính tác giả, ở đoạn kết trường ca này, lại đặc biệt nhấn mạnh đến sự “thay đổi”, sự “bắt đầu”?

 

- Tôi hoàn toàn đồng tình với anh. Phồn Sinh là bản hoan ca sự sống. Phồn Sinh, dù được viết ở Malaysia, nhưng tôi chủ yếu nói về sự sống ở châu thổ sông Hồng và sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam. Khi ta cổ vũ, ca ngợi sự sống nghĩa là ta gián tiếp đề cập tới sự chết. Khi nói về sinh sôi nảy nở cũng có nghĩa là ta đang nói về héo úa lụi tàn. Sinh và tử không bao giờ tách rời nhau. Vì vậy, để sự sống trường tồn, để sức sống bất diệt, để đời sống phong nhiêu thì tất cả phải sống, phải phồn sinh. Mà  sống, phồn sinh nghĩa là luôn “thay đổi”, luôn “bắt đầu”, luôn “khởi sinh”. Những chuyển động sinh diệt ấy là thường hằng, vi tế. Phồn sinh, dĩ nhiên, khao khát một sự “thay đổi”, một sự “bắt đầu” thật sự lớn lao, toàn diện với một “khởi sinh” hoàn toàn mới mẻ. Phồn sinh với cốt yếu là sự thay đổi, sự bắt đầu. Cũng bởi điều này, những dấu câu tự nó đã biến mất trong thơ tôi. Đọc Phồn Sinh anh có cảm giác như bắt gặp sông Hồng đang mùa lũ không. Tất cả rực đỏ cuồn cuộn cuốn phăng vô tận không ngừng nghỉ.

 

Vâng, đó là những cảm giác về một miền sống phong nhiêu, bất tận. Ông hình dung thế nào về con đường sáng tạo tiếp theo của mình sau sự “thay đổi”, sự “bắt đầu” ấy?

 

- Đây là một câu hỏi ngoài tầm hiểu biết của tôi. Thực tình tôi không hình dung sắp tới tôi sẽ viết cái gì. Có nên tiếp tục khai triển tư tưởng phồn sinh hay phải khởi sinh một tư tưởng khác. Tuy nhiên, là một người nghiên cứu triết học, tôi luôn bằng lòng với sự hiện sinh trong thời không của mình. Với tôi, chỉ thực tại, chỉ khoảnh khắc này, chỉ lúc này mới là của mình, thuộc về mình. Quá khứ là chuyện đã qua. Mọi thứ không còn của mình nữa. Tương lai là chuyện chưa tới. Mọi thứ chưa phải của mình. Tôi luôn tin, tác phẩm quan trọng nhất của mình, tôi đã viết rồi. Khi tin tác phẩm tốt nhất, mình ta đã viết rồi, thì thật hoan hỉ, an nhiên. Cái gì đã viết đều đã kết thúc. Kết thúc bao giờ cũng là khởi điểm của bắt đầu. Nếu cầm bút nghĩa là tôi phải bắt đầu từ khoảnh khắc này. Và, tôi luôn chờ đợi và nghe ngóng “một cảnh huống đặc biệt, có sức vẫy gọi để mở ra cảm hứng, suy tư” (như anh đã nói) cho sự viết của mình. Không biết nó có xuất hiện nữa không. Khi nào thì nó xuất hiện. Quả là thật khó hình dung.

Đọc ông, tôi thấy thi ca dung dị mà linh thiêng, đầy công phu nhưng lại vẫn tự nhiên. Hình như đây là câu chuyện khi nhà nghệ sĩ và nhà triết học ngồi lại với nhau?  

 

- Khi là học sinh tôi có làm thơ và thơ ấy đã được in báo. Có thể, tôi có một chút năng khiếu thơ nào đó. Nhưng rồi, tôi lại được đào tạo về triết học và cả đời làm nghề nghiên cứu và giảng dạy triết học. Thơ chưa bao giờ là mối bận tâm lớn nhất của tôi. Dù thơ chưa bao giờ xa rời tôi. Mỗi khi viết thơ bao giờ tôi cũng tìm cách xóa bỏ mọi dấu vết triết học. Tôi muốn thơ mình thật tự nhiên, gần gũi, giản dị, trong sáng, thật gần đời sống. Đó là lý do trong thơ tôi có nhiều ngôn ngữ và chi tiết của đời sống. Đời sống sinh động mới là sự sống thật. Cảm xúc thơ ca, hay suy tư triết học đều là thế giới tinh thần ảo ảnh, hão huyền.

Tư duy thơ và tư duy triết học là hai dạng tư duy có vẻ hoàn toàn khác nhau. Khác nhau nhưng cơ bản đều phát lộ từ tiềm thức, vô thức cộng đồng ẩn trú trong mỗi chúng ta. Nó là hai nhưng thực ra lại chỉ là một. Vâng, chỉ từ một chủ thể sáng tạo. Tri thức mà tôi học hỏi, tiếp nhận được đa phần là tri thức triết học, tôn giáo, khoa học. Có thể nó đã đánh thức những năng lượng tương đồng ấy trong tôi thức dậy. Những năng lượng ấy bằng cách nào đó đã lẩn khuất trong những câu chữ của tôi. Nếu có điều này thì là ngoài ý muốn chủ quan của tôi. Thực tình tôi chỉ muốn thơ là thơ, thật hồn nhiên, trong sáng. Thế nhưng, thơ đến một thiên không nào đó thì thơ không chỉ là thơ mà thơ là nhiều hơn thế. Thơ bao giờ cũng hé lộ thế giới tinh thần tích hợp hài hòa của con người. Nhà thơ luôn cảm nhận thế giới trong tính tổng thể và hợp nhất của nó. Các nhà thơ rất khác nhau trong cảm nhận nhân sinh. Họ cảm nhận nhân sinh ở cảnh giới nào thì thơ của họ sẽ ở cảnh giới đó. Hình như, sáng tạo thơ có rất nhiều bí ẩn. Không nhà thơ nào có thể nói rành rẽ được.   

 

Nhiều người vẫn nói rằng, văn xuôi cần khối óc nhà tư tưởng, thơ cần trái tim một con người. Là một thi sĩ có chuyên môn sâu về triết học, ông nghĩ thế nào về chuyện này?

 

- Điều này vốn được xem là chân lý. Đôi khi tôi cũng tin như thế. Nhưng để định danh một sự vật hay một hiện tượng không phải chỉ có một tên gọi, một chân lý mà có rất nhiều tên gọi, nhiều chân lý. Không hẳn chỉ tùy theo cách tiếp cận, tiếp nhận của mỗi người, mà còn tùy vào thời không mà sự vật, hiện tượng đó hiện hữu. Một hữu thể ở một khoảnh khắc nhất định bao giờ cũng vừa là nó, lại vừa không phải là nó. Không biết có phải tư tưởng đến từ khối óc và cảm xúc đến từ trái tim không. Bởi các cụ ta nói “tôi nghĩ bụng” thế này, và tôi “đau lòng” thế kia. Cũng là chỉ “cảm xúc” và “tư duy” đấy nhưng lại không nói gì đến “óc” và “tim” cả. Nó không ở đầu, không ở ngực mà mọi thứ lại ở bụng. Các cụ nhà mình hay nhỉ. Biết đâu cả văn xuôi và thơ cùng khởi phát từ một nơi nào đó trong ta mà ta chưa biết.

Có phải văn xuôi thì cần nhiều tư tưởng và thơ thì cần nhiều cảm xúc hơn không? Nhưng rõ ràng, làm thơ, viết văn thì đều phải có tư duy tỉnh táo và cảm xúc thăng hoa. Nếu chỉ có tư duy tỉnh táo thì hẳn là văn sẽ gần với cát sỏi. Nếu chỉ có cảm xúc thăng hoa thì hẳn là thơ sẽ gần với sương khói. Ngay sự phân chia thể loại cũng chỉ là một cách tiếp cận văn chương. Cái quan trọng hơn trong sáng tạo văn chương là năng lượng tiềm ẩn và trữ lượng văn hóa của chủ thể sáng tạo. Năng lượng và trữ lượng ấy sẽ qui định hàm lượng tư tưởng và cảm xúc một tác phẩm văn chương. Chính nó không chỉ tạo dựng nên tác phẩm, quyết định tầm cỡ của tác phẩm, mà còn hàm chứa các bí ẩn cùng với các mật mã trong một tác phẩm văn chương. Một tác phẩm văn chương nếu không ẩn chứa những bí ẩn trong đó thì sẽ sớm bị lãng quên dù nó từng rất nổi tiếng và được tôn vinh.

 

Thơ dừng lại ở mức có nỗi niềm suy tư và thơ tiến đến vấn đề triết luận/triết học, nó khác nhau ở điều gì, thưa ông?

 

- Thơ thể hiện “nỗi niềm suy tư” và thơ “tiến đến vấn đề triết luận/ triết học” là hai dạng thơ khác nhau và do hai “tạng” nhà thơ hoàn toàn khác nhau sáng tạo. Những bài thơ được coi là thơ hay hiện nay đa phần đều mang/ chứa “nỗi niềm suy tư”. Nó gần gũi với đời sống, với đông đảo mọi người. Một bài thơ hay có thể đọc thành tấu, có thể ngâm, có thể hát (chèo, chầu văn hoặc phổ nhạc), có thể diễn như kịch. Nghĩa là nó phù hợp với tầm đón đợi của đại chúng. Thơ hàm chưa vấn đề triết luận/ triết học không hợp với đại chúng, kén bạn đọc, nó dành cho số ít, đặc tuyển. Ai cầm bút cũng đều có nỗi niềm tâm tư, vì vậy, bao giờ những điều thầm kín, những nghiền ngẫm cá nhân ấy đều được thổ lộ trong thơ. Đó là những trải nghiệm cá nhân, những ẩn ức cuộc đời, nghiền ngẫm đời sống, triết lý dân gian rất gần gũi và vô cùng sống động, sâu sắc. Thơ này rất quen thuộc, phổ biến, ai cũng có thể viết được và được đại đa số bạn đọc yêu thích.

 

 

Thơ hàm chứa vấn đề triết luận/ triết học nghĩa là đề cấp đến những khía cạnh phổ quát, lớn lao, cốt tủy, những vấn đề rốt ráo xét đến cùng của sự sống, nhân sinh hay vũ trụ. Thơ ấy thường được viết bởi những chủ thể sáng tạo có một tiềm năng sáng tạo đột phá, có năng lượng dồi dào và một hàm lượng tri thức phong phú phổ quát. Tuy nhiên, dạng thơ này cũng có nhiều loại khác nhau bởi các nhà thơ khác nhau. Có thể thấy ba loại chủ yếu. Thứ nhất, những nhà thơ làm thơ triết luận/ triết học dựa trên những quan điểm triết luận, triết học có sẵn. Thơ họ là sự thể hiện, thông diễn, “phổ thơ” những tư tưởng triết luận/ triết học đã có sẵn của các nhà triết học nào đó. Loại nhà thơ này khá phổ biến, nhất là ở nước ngoài. Thứ hai, những nhà thơ viết rất triết luận/ triết học, rất kiểu cách nhưng lỗ mỗ, tù mù, rất khó hiểu. Đề cập đến những vấn đề lớn lao, hình thức rất cao siêu, ngôn ngữ tối giản, tân hình thức, hậu hiện đại…, nhưng đọc thì chả thấy tư tưởng triết luận/ triết học nào cả. Thứ ba, những nhà thơ tạo dựng được tư tưởng triết luận/ triết học của riêng mình. Thơ họ thấm nhuần tư tưởng ấy một cách nhất quán, tự nhiên, giản dị. Loại này khá hiếm, chưa thấy ở ta. Nhưng trên thế giới thì không ít. Các nhà thơ được coi là nhà thơ triết luận/ triết học ở nước ta xưa nay đều là vay mượn các tư tưởng triết luận/ triết học đã có sẵn của người ta. Tìm hiểu lịch sử tư tưởng Việt Nam sẽ có cảm giác, nước mình không có truyền thống tư duy triết học.  

 

Dường như đó là một thiệt thòi truyền thống, và việc tạo nên truyền thống mới ở ta thì vô cùng khó. Nếu ai đó cho rằng đây chính là vấn đề cốt yếu của thơ Việt Nam, thì ông nghĩ thế nào?

 

- Theo tôi đây có lẽ chưa phải là vấn đề cốt yếu của thơ Việt Nam hôm nay. Bởi vì hình như đây đang là thời của thơ đại chúng. Thơ đại chúng mặc dù được chủ trương mấy chục năm nay. Nhưng cơ bản thơ hiện nay vẫn là thơ đại chúng phù hợp với đông đảo bạn đọc đại chúng. Cứ nhìn vào những bài thơ được giải các cuộc thi, các tập thơ được giải, thơ được đưa vào sách giáo khoa, được tôn vinh trên các diễn đàn, những tập thơ được đầu tư kinh phí, những bài thơ được khẳng định là hay sẽ thấy thơ của chúng ta hiện nay không chỉ đúng tầm đón đợi của người đọc, mà còn đáp ứng được những mong muốn của các nhà quản trị văn nghệ. Đó chủ yếu là thơ thể hiện “nỗi niềm suy tư” như anh đã nói. Đó là thơ của số đông. Phải chăng đây chính là dòng chủ lưu của thơ Việt Nam hiện nay. Nhưng chả nhẽ thơ Việt Nam cứ tiếp tục phục vụ và vuốt ve bạn đọc đại chúng mãi sao.

Thơ hàm chứa/ mang tinh thần/ theo phong cách triết luận/ triết học với đúng nghĩa của nó dù lúc đôi khi có xuất hiện tác giả này tác giả kia, nhưng rõ ràng, đó chỉ là sự thông diễn, phỏng theo những tư tưởng triết học/ triết luận của người khác, hoặc là sự cắt ghép, pha tạp tạo ra những triết lý vụn vặt, tù mù… Dẫu vậy, như đã nói, các tác giả viết thơ theo phong cách triết luận/ triết học lâu nay không chỉ không được khuyến khích, cổ vũ mà còn không có bạn đọc. Một tác phẩm được viết ra nếu không có bạn đọc thì sẽ không bao giờ trở thành tác phẩm văn chương. Nhưng bạn đọc nào thì văn chương ấy, và ngược lại, văn chương nào thì bạn đọc ấy. Vấn đề là không chỉ bạn đọc làm ra nhà văn, mà nhà văn cũng phải làm ra bạn đọc. Các nhà thơ bình dân đã làm ra bạn đọc đại chúng của họ, và ngược lại, bạn đọc đại chúng đã sinh ra nhà thơ bình dân của họ. Không biết đến bao giờ thì nhà thơ triết luận/ triết học làm ra bạn đọc của mình và ngược lại, bạn đọc cảm thụ thơ triết luận/ triết học làm ra nhà thơ của mình.

 

 

Từ mặt bằng thơ bình dân để đi đến một nền thơ trên bình dân là một quá trình không hề đơn giản. Không chỉ cần sự cố gắng quyết liệt ở người sáng tạo, người thụ hưởng, người quản lý văn chương, mà hơn thế, ở cả những “nhà tư tưởng” của cả một nền văn nghệ. Nhà thơ với tư cách là chủ thể sáng tạo thơ có đủ bản lĩnh, năng lượng, tri thức và dũng khí để tạo ra bạn đọc của mình hay không? Và bạn đọc, có đủ dũng cảm và đam mê để nâng tầm đón đợi của mình hay không?  

 

Nhà thơ Việt Nam nào là người ông cảm thấy đồng điệu trong quan điểm cũng như thực hành sáng tạo?

 

- Đây quả là một câu hỏi thú vị. Nhưng bài đã dài tôi xin phép được quay lại vấn đề này vào một dịp khác phù hợp hơn. Xin được cảm ơn anh.

 

Trân trọng cảm ơn nhà thơ. Xin chúc ông nhiều cảm hứng, năng lượng để thơ Nguyễn Linh Khiếu tiếp tục khởi sinh.

 

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Lời mẹ ru

Thơ 43 phút trước

Đón bạn về quê

Thơ 5 giờ trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 11 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 20 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 21 giờ trước