Cao Thị Hồng: Nhà lý luận – phê bình dấn thân đi tìm mỹ cảm văn chương…
1. Không phải ngẫu nhiên trong “Lời thưa” ở tác phẩm Những vẻ đẹp văn chương (Tiểu luận - phê bình, Nxb. Hội Nhà văn, 2020), sau khi luận giải suy niệm về cái đẹp của Dostoyesky và Standhal, Cao Thị Hồng đã xác quyết: “Văn chương phải hướng đến cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, khẳng định sự hiện hữu của cái đẹp giữa cuộc đời. Thế mà đã có một thời không xa, trong sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học, chúng ta ít quan tâm đến cái đẹp của văn chương, thậm chí thờ ơ với nó, lạnh lùng với nó và xem các tác phẩm giàu tính mỹ cảm như những tác phẩm văn chương nằm bên lề cuộc sống, thuộc ngoại vi của đời sống văn học mà quên rằng văn chương, nếu không hướng đến cái đẹp, không dấn thân cho cái đẹp, không chiến đấu cho sự tồn sinh của cái đẹp, không tôn vinh cái đẹp thì không thể gọi là văn chương đích thực” (1). Bởi, trong suy niệm của Cao Thị Hồng: “Là một trong những phạm trù của mỹ học, cái đẹp luôn là một ẩn số, một khát vọng mà nhân loại hướng đến để khám phá, để cảm nhận. Không những thế cái đẹp còn là một hệ giá trị không thể không tồn sinh trong một xã hội luôn xem tính nhân bản như một phẩm tính không thể thiếu” (2). Và trong hành trình đến với văn chương, dù làm thơ hay viết lý luận - phê bình, Cao Thị Hồng luôn lao động hết mình, với tinh thần khát khao, dấn thân đi tìm những mỹ cảm văn chương như một ám ảnh của vô thức và tâm linh, làm nên những dự phóng sáng tạo để những công trình nghiên cứu của mình không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn. Bởi, là người cầm bút, Cao Thị Hồng luôn ý thức về vị thế của mình trên văn đàn với tư cách là một nhân vị chứ không phải là một phóng thể. Chị muốn mình phải là mình với một cá tính sáng tạo, một phong cách riêng, tạo cho mình một căn cước riêng trong đời sống văn học, để không trở thành cái bóng của bất kỳ ai ngoài sự hiện hữu cái bóng của chính mình.
Tiến sĩ Cao Thị Hồng
Đọc tác phẩm Cao Thị Hồng, cả về sáng tác và lý luận - phê bình, tôi có cảm giác, hình như số phận đã chọn chị như một thiên sứ của văn chương, cần mẫn, khám phá những lý thuyết tưởng chừng “khô cứng” để giải mã các hiện tượng văn học hầu đi tìm những mỹ cảm văn chương. Vì vậy, tôi nghĩ, sự chọn lựa con đường sáng tạo văn chương của Cao Thị Hồng, phải chăng là sự chọn lựa của định mệnh, là sự “đặt để của số phận” như chị đã từng chia sẻ. Và có lẽ, đây chính là khởi nguyên cho sự dấn thân của chị trên hành trình sáng tạo văn chương của mình với các công trình nghiên cứu giàu tính học thuật, liên tục xuất hiện trên văn đàn những năm qua như: Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 – 2011) (Chuyên luận, Nxb. Hội Nhà văn, 2011); Lý luận - phê bình văn học – Đổi mới và sáng tạo (Tiểu luận - phê bình, Nxb. Hội Nhà văn, 2013); Lý luận - phê bình văn học: một góc nhìn mới (Tiểu luận - phê bình, Nxb. Hội Nhà văn, 2017); Những vẻ đẹp văn chương (Tiểu luận - phê bình, Nxb. Hội Nhà văn, 2020), trong đó, hai tác phẩm Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 – 2011) (Chuyên luận, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2011); Lý luận - phê bình văn học – Đổi mới và sáng tạo (Tiểu luận - phê bình, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2013) đã đạt giải thưởng chính thức của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam về lý luận - phê bình trong năm 2011 và 2013. Bên cạnh các công trình lý luận phê bình chị còn có hai tập thơ Mùa Bánh Kiến (Nxb. Thanh niên, H, 2006) và Người đàn bà qua hai mùa tóc (Nxb. Hội Nhà văn, 2014). Riêng tập thơ Người đàn bà qua hai mùa tóc (Giải thưởng văn học 5 năm (2012-2016) tỉnh Thái Nguyên) đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong người tiếp nhận với một cái nhìn hiện thực đa diện, đa chiều như một sự ám ảnh của tâm thức hiện sinh, một “chủ nghĩa nhân bản” như Jean - paul Sartre đã xác quyết khi ông luận bàn về học thuyết này.
2. Đọc chuyên luận Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011) của Cao Thị Hồng, điều dễ nhận thấy là sự dấn thân khai phá những vấn đề không hề đơn giản của tư duy lý luận văn học thời kỳ đổi mới làm cơ sở lý thuyết cho việc đi tìm những mỹ cảm văn chương từ các hiện tượng văn học, nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm định giá trị của chúng như: “Đổi mới lý luận văn học Việt Nam sau 1986: Nguyên nhân và diện mạo”; “Vận động tư duy xung quanh một số vấn đề lý luận văn học cơ bản”; “Tiếp thu lý luận văn học hiện đại thế giới”. Đây là những vấn đề khá “gai góc” mà nếu người viết không có một tư duy tư biện sắc sảo, một khả năng lập luận chặt chẽ, tinh tế, đặc biệt là khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, một phẩm tính quan trọng của người nghiên cứu khoa học thì không dễ gì thực hiện được. Tuy nhiên, rất may, ở Cao Thị Hồng lại hội đủ những phẩm tính ấy nên công trình Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 – 2011) của chị đã có những đóng góp nhất định trong việc góp phần khai mở những chân trời mới cho đời sống lý luận văn học nước nhà. Đặc biệt, công trình đã khẳng định những đóng góp của lý luận - phê bình văn học dân tộc thời kỳ đổi mới mà theo tác giả “Đổi mới chính là điểm khởi đầu của một thời kỳ lớn - thời kỳ hội nhập với thế giới hiện đại trong thế kỷ XXI. Đổi mới lý luận chính là hiện đại hóa lý luận trên tinh thần nhận thức lại, phát triển, bổ sung và hoàn thiện nhiều vấn đề cho phù hợp với thời đại.” (3) Và trên cơ sở nhận thức mang tính khoa học và cách mạng, với tư duy lập luận chặt chẽ, tác giả đã có những kiến giải thấu tình, đạt lý về những vấn đề lý luận văn học đã và đang đặt ra trong đời sống văn học. Chẳng hạn, khi bàn về vấn đề đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, trên cơ sở phân tích những điểm nhìn mới về con người từ thực tiễn sáng tác ở các tác phẩm “vang bóng một thời” như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), Bến không chồng (Dương Hướng), Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai) và Đêm thánh nhân (Nguyễn Đình Chính), người viết đã đặt ra một vấn đề lý luận khá sắc sảo và lý thú, đó là: “Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người đòi hỏi lý luận phải cắt nghĩa vấn đề con người trong tác phẩm văn học từ phương diện tâm sinh lý ở tầm văn hóa cao và tầm mỹ học sâu sắc.” (4) Đây là một yêu cầu đúng đắn, phù hợp với xu thế của lý luận văn học hiện đại thế giới. Bởi, chính điều này sẽ giúp người sáng tác và người làm lý luận - phê bình “ly khai” với lối mô phỏng hiện thực theo kiểu giản đơn, công thức, một chiều cũng như lối phê bình xã hội học dung tục có thể giết chết những mỹ cảm văn chương đã làm cho nền lý luận - phê bình văn học nước nhà nghèo nàn, lạc hậu so với thế giới ở một thời chưa xa mà hôm nay có nguy cơ đang trở lại trên văn đàn. Với tinh thần nhận thức sâu sắc về sự đổi mới lý luận văn học, người viết đã khẳng định giá trị của lý luận văn học thời kỳ đổi mới là một nền lý luận: “Đề cao tinh thần biện giải, xới lật, mạnh mẽ phê phán các giáo điều lý luận xơ cứng phiến diện. (...) Tinh thần biện giải, xới lật đó là sự tự phê phán, tự phản tỉnh đối với những mô thức hóa của lý luận văn học, không còn thích ứng với nhu cầu phát triển của sáng tác văn học nghệ thuật, định giá lại một số giá trị bị coi là nhất thời thậm chí là giá trị ảo, những phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu đã từng được coi là khoa học, là tối ưu giờ bộc lộ những bất cập, thậm chí chính nó là nguyên nhân gây nên sự trì trệ của nền văn học” (5). Mặt khác, từ sự đổi mới phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu lý luận văn học cũng như những khác biệt khi bàn về vấn đề phản ánh hiện thực của văn học trước và sau thời kỳ đổi mới, Cao Thị Hồng đã nêu ra yêu cầu đối với văn học trong việc phản ánh hiện thực hướng đến những giá trị chân thiện mỹ, đó là “Khi cái nhìn về hiện thực trong văn học nghệ thuật khách quan hơn, vai trò của người sáng tác được nâng lên một tầm cao mới thì cũng là lúc xã hội kỳ vọng cao hơn về người nghệ sĩ: Nghệ sĩ phải là người luôn chủ động và có bản lĩnh đi đến cùng để tìm kiếm và kiến tạo nên một thế giới hiện thực luôn luôn mới mẻ và hấp dẫn” (6).
Văn chương bao giờ cũng là sự “vẫy gọi”!? Và tiếng gọi thao thiết từ cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi ở nhà văn sự “dấn thân” (Jean - Paul Sartre), sự “xuống thuyền” (Albert Camus) thì mới thấu cảm được số phận của con người, từ đó mới sáng tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị nhân bản. Và nói như đại thi hào Nguyễn Du, một nhà nho với tư tưởng thấm đẫm triết lý phương Đông thì văn chương đích thực phải là sự kết tinh từ “nỗi đau đớn lòng” trước “những điều trông thấy”. Xem ra, giá trị nhân bản làm nên mỹ cảm văn chương từ cái nhìn triết mỹ của Đông - Tây cũng không có những khác biệt lớn. Bởi, nếu không “dấn thân”, không “xuống thuyền”, không trải lòng, không lăn lộn cùng cuộc sống, nhà văn sẽ không thể nào phản ánh được chiều sâu nhân bản của số phận con người. Văn chương đích thực không bao giờ là thứ văn chương hời hợt, viết theo đơn đặt hàng hay cổ xúy cho một phong trào nào đó mà phải là thứ văn chương “lặn sâu” vào cuộc sống con người, khám phá cái đẹp, để từ đó bật lên những thanh âm vang vọng từ các vấn đề của thế sự và nhân sinh. Đó mới là văn chương đích thực, văn chương của muôn đời chứ không phải là thứ văn chương của một thời.
Một vấn đề khác cũng cần nói đến trong chuyên luận Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011) đó là vấn đề “nhận thức mới xung quanh khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa sau 1986” mà theo Cao Thị Hồng đây là một trong những vấn đề căn bản của việc đổi mới tư duy lý luận văn học thời kỳ đổi mới. Bởi, từ lâu phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đã trở thành “độc tôn” trong sáng tác và phê bình văn học ở nước ta. Mặc dù, phương pháp này đã có những đóng góp nhưng cũng không tránh khỏi những giới hạn trong việc tạo ra các sáng tác văn học mang tính minh họa, khi nhà văn viết theo quán tính, chỉ phản ánh cái “hiện thực phải có” chứ không phản ánh cái “hiện thực vốn có”. Vì vậy, nó đã làm hạn chế cái nhìn của nhà văn khi phản ánh hiện thực vào tác phẩm cũng như cái nhìn của nhà phê bình khi đánh giá các hiện tượng văn học mà theo Cao Thị Hồng “Khi đặt lại vấn đề chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa các nhà lý luận đổi mới không phủ nhận việc chính trị hóa văn học khi nó mang tính “hợp lý lịch sử”, nhưng cũng đúc kết bài học: nếu chính trị hóa văn học trở thành công thức, kéo dài nguyên tắc giáo điều thì sẽ là một vật cản lớn đối với con đường phát triển của văn học nghệ thuật”. (7) Tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm này của Cao Thị Hồng. Bởi lẽ, văn học và chính trị đều là những thành tố của hình thái ý thức xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng nên có quan hệ đồng đẳng với nhau. Song, xét trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, văn học có thể phục vụ cho một thể chế chính trị nhất định nhưng phục vụ theo đặc trưng riêng của văn học. Đây là điều cần phải được thức nhận để hiểu đúng hơn về vai trò của văn nghệ đối với xã hội.
Xuất phát từ nhận thức có ý nghĩa khoa học và thực tiễn như đã phân tích ở trên, trong chuyên luận này, Cao Thị Hồng đã dành một phần trí tuệ và tâm huyết của mình để nghiên cứu về việc tiếp thu lý luận văn học hiện đại thế giới trong thời kỳ đổi mới. Có thể nói, đây là phần viết khá sâu sắc và có những đóng góp đáng kể của tác giả vào việc khắc họa chân dung của lý luận - phê bình văn học dân tộc thời đổi mới trên nhiều bình diện như: mở rộng biên độ giao lưu tiếp thu tư tưởng học thuật; tác động của lý luận văn học hiện đại thế giới đối với lý luận nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam; Bổ sung thay đổi một số khái niệm lý luận văn học; trong đó đặc biệt hơn cả là việc hình thành các phương pháp nghiên cứu phê bình văn học mới mà trước đổi mới chưa có như thi pháp học, phân tâm học, tự sự học. Và từ việc phân tích những thành tựu của lý luận văn học thời kỳ đổi mới, người viết đã khẳng định việc “tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng lý luận văn học hiện đại của nhân loại (chủ yếu là tư tưởng của phương Tây) cùng tư tưởng lý luận văn học cổ điển phương Đông, di sản văn học dân tộc và thực tiễn sáng tạo nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận - phê bình ở nước ta đã nỗ lực xây dựng một hệ thống lý thuyết mới (...) hệ thống lý thuyết này chính là nền tảng, là công cụ để giải quyết các vấn đề nghiên cứu phê bình văn học đang đặt ra hết sức cấp bách trong thời đại nền văn hóa và văn học nước nhà bước vào hội nhập toàn cầu” (8). Vì vậy, có thể nói chuyên luận này là một đóng góp không nhỏ của Cao Thị Hồng trong việc phác họa chân dung khá hoàn chỉnh về diện mạo của lý luận - phê bình văn học thời đổi mới. Đây cũng là dấu ấn quan trọng của Cao Thị Hồng trong tác phẩm đầu tay, đánh dấu hành trình đi vào “khung trời” lý luận - phê bình văn học, trên con đường dấn thân đi tìm mỹ cảm văn chương.
3. Song, đọc các tác phẩm của Cao Thị Hồng về lý luận - phê bình, chúng ta không chỉ thấy khả năng của chị trong lĩnh vực lý luận văn học mà còn thấy sự sáng tạo của chị trong phê bình văn học và điều đó đã hiển lộ trong tác phẩm Lý luận - phê bình văn học, đổi mới và sáng tạo. Nhìn tên sách ta thấy Cao Thị Hồng là người rất thủy chung với lý luận - phê bình văn học thời đổi mới mà chị đã chọn lựa như một sự dấn thân vào hành trình đi tìm mỹ cảm văn chương của mình. Tác phẩm này là sự tiếp nối những suy tư, trăn trở của người viết về những điều đã đặt ra trong tác phẩm Một Chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011) trước đó. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, tác giả đặt tiêu đề cho hai phần chính trong tác phẩm này là “Từ đổi mới lý luận văn học... Đến sáng tạo trong phê bình văn học”. Và, có lẽ phần ấn tượng đối với độc giả trong tác phẩm này là những trang viết tài hoa, tinh tế của một nhà phê bình văn học thông minh, sắc sảo nhưng cũng không kém phần lãng mạn của một thi sĩ khi viết phê bình. Đây là một phẩm tính hỗ trợ cần thiết mà không phải nhà phê bình nào cũng có cơ may chiếm lĩnh nó!?
Tôi rất ấn tượng với tên gọi của những bài phê bình như: “Hồ Xuân Hương cọ tình vào đá - cộng hưởng của những thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật”; “Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm - cuộc tìm kiếm đầy ham muốn”; “Ngôn ngữ thơ Hiền Mặc Chất - cuộc hôn phối diệu kỳ giữa thơ ca và âm nhạc”... Nhìn vào cách đặt tiêu đề các bài viết đã cho thấy người viết trân quý đối tượng nghiên cứu của mình như thế nào!? Cách đặt tên này đã đem đến cho người đọc những mỹ cảm sâu sắc, điều rất cần cho các bài lý luận - phê bình văn học vốn được xem là khô khan và khó hấp dẫn người đọc. Song, chất lượng ở các bài phê bình của Cao Thị Hồng không chỉ hấp dẫn ở tên gọi của các tiêu đề luôn có sức ám gợi mà còn lôi cuốn người đọc bởi những trang văn giàu tính triết mỹ và đậm chất nhân văn của chị khi cảm thụ các tác phẩm văn học dù ở bất cứ thể loại nào.
Luận bàn về “Nghệ thuật xây dựng kiểu nhân vật tha hóa trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975”, trên cơ sở phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa của con người trong xã hội Việt Nam sau chiến tranh, Cao Thị Hồng cho rằng: “Hiểu, thấm thía và đau đớn chân thành cùng dân tộc với những vết thương nhức nhối khó lành sau chiến tranh, nên mặc dù viết về những con người biến chất xấu xa, thậm chí đến quái gở giữa cuộc đời, Lê Minh Khuê vẫn chắt chiu và nâng niu những mầm thiện nhỏ bé, những đốm lửa kỳ diệu của thiên lương còn ẩn náu trong họ. (...) Đặt nhân vật trong nhiều quan hệ khác nhau, nhà văn soi ngắm số phận cá nhân để từ đó khái quát những vấn đề nhân thế. Xuất phát từ tấm lòng nhân đạo, từ niềm cảm thông sâu sắc với số phận con người trong bao biến thiên của cuộc sống, từ ý thức kỳ vọng về sự bền vững của cái đẹp, cái thiện chế ngự cái xấu, cái ác, những trang văn của Lê Minh Khuê bên cạnh sự lạnh lùng, khách quan còn thấm đượm niềm trắc ẩn, xót xa và nỗi buồn. Đọc hiểu những ẩn ngữ trong văn chương của chị, chúng ta có quyền hy vọng: Ngày mỗi ngày rồi con người sẽ sống tốt đẹp hơn” (9). Hoặc, khi cảm nhận về ngôn ngữ thơ Hiền Mặc Chất, tác giả viết: “Sức hấp dẫn muôn đời của thi ca là ở khả năng khơi gợi, đem đến cho người tiếp nhận cảm giác về sự vật trong toàn thể tính sống động của nó thay vì chỉ biết về sự vật đó như là một ý niệm, địa hạt hoạt động chính của ngôn từ thi ca phải là địa hạt của hình dung. Những câu thơ hay không bắt người ta hiểu rồi mới yêu, âm nhạc của nó đi vào tâm hồn con người ta trước khi kịp hiểu cặn kẽ nó là cái gì. Với tinh thần tiếp thu văn hóa dân gian nghiêm túc, sáng tạo, thiết nghĩ rằng ngôn từ thơ Hiền Mặc Chất đã cảm hóa lòng người từ mạch nguồn tươi mát nhưng đầy triết lý nhân sinh” (10). Có thể nói, từ những ví dụ nêu trên cũng cho thấy thiên năng và phẩm tính của nhà lý luận - phê bình Cao Thị Hồng trong cảm thụ văn học. Sự tinh tế giàu cá tính sáng tạo ấy đã bước đầu khẳng định năng lực của chị trong lĩnh vực lý luận - phê bình mà với tư cách là một nữ nhà văn ít ai dám dấn thân và chọn lựa.
4. Tác phẩm Lý luận phê bình văn học: một góc nhìn mới, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2017, tập tiểu luận - phê bình thứ 3 của Cao Thị Hồng là cảm hứng khẳng định sự tồn sinh của cái mới không chỉ trong sáng tác mà cả trong lý luận - phê bình văn học. Khát vọng hướng đến cái mới của nhà phê bình đã được Cao Thị Hồng cụ thể hóa trong những bài viết mang tinh thần đổi mới, một xu hướng tất yếu trong sáng tạo văn học đã được khẳng định ở những bài viết như: “Quan niệm về văn học nghệ thuật của Phạm Văn Đồng trong cái nhìn đối sánh với tư duy lý luận văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới”; “Những tiếp cận xung quanh vấn đề “mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ” trong lý luận - phê bình văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới”; “Diễn ngôn thế sự, đời tư trong truyện ngắn Lê Minh Khuê thời kỳ đổi mới”… Không những thế, tinh thần dấn thân khám phá vẻ đẹp văn chương trong tác phẩm nầy còn được Cao Thị Hồng thể hiện khá sâu sắc trong những bài viết mang đậm tính chất: “Dân tộc - Nhân bản - Khai phóng” và cảm hứng sáng tạo ở những bài viết là sự gợi mở từ những vẻ đẹp văn chương đậm tính nhân văn mà khi tiếp nhận người đọc sẽ thấy chạm đến những phần sâu thẳm của phẩm tính người trong mỗi chúng ta. Đó là những bài viết: “Tinh thần dân chủ một phẩm tính trong Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn”; “Tình yêu trong truyện Kiều của Nguyễn Du từ góc nhìn nữ quyền luận”; “Cảm thức về người đẹp trong thơ chữ Hán Nguyễn Du”; “Thời gian: Một triết lý nhân sinh” (Đọc Thời gian của Văn Cao); “Triết lý “Yêu” trong thơ Xuân Diệu”; “Tâm thức văn hóa Việt trong Một thời tôi từng có của Nguyễn Huy Hoàng”…
Đọc những bài lý luận - phê bình của Cao Thị Hồng trong tác phẩm này, tôi rất ấn tượng với những biện giải của chị về những vấn đề đặt ra trong phẩm tính sáng tạo văn chương mà cảm nhận của chị về sứ mệnh của nhà lý luận - phê bình văn học qua những bài viết của Thiếu Sơn là một minh chứng. Theo Cao Thị Hồng: “Nhà phê bình phải luôn có ý thức sáng tạo với một tinh thần dân chủ tự do trong học thuật, nhà phê bình không được biến mình thành một thứ “công cụ” tầm thường phục vụ cho những ý đồ ngoài văn học rồi biến mình thành một kẻ “ăn theo nói leo” như người đời thường nghĩ, phê bình văn học không thể là chốn dung thân của những kẻ bất tài…” (11). Bởi, nói như Nam Cao: ''Sự cẩu thả trong bất cứ một nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện'' (12).
5. Đúng vậy, phê bình văn học là một “nghề”, hiểu theo nghĩa người viết phê bình phải có những phẩm tính chuyên môn cao, phải có kiến văn sâu rộng trên nhiều phương diện, nhất là phương diện mỹ học, triết học, văn hóa học… mà các bài viết trong tác phẩm Những vẻ đẹp văn chương (tiểu luận - phê bình, Nxb. Hội Nhà văn, 2020) như: “Chức năng văn học với việc giáo dục giá trị nhân văn trong nhà trường”; “Phân tâm học trong nghiên cứu, phê bình văn học ở Việt Nam (1986-2016)”; “Nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa nhìn từ lý thuyết hiện sinh”; “Phê bình văn học Việt Nam thời kỳ hội nhập và phát triển nhìn từ đội ngũ phê bình”; “Quan niệm phê bình văn học của Nguyễn Minh Châu nhìn từ xu hướng phê bình văn học thời kỳ đổi mới” như một sự xác tín cho những phẩm tính cần thiết của người hoạt động trong lĩnh vực lý luận - phê bình. Có như vậy, nhà phê bình mới đủ năng lực để giải mã những vấn đề đặt ra trong văn học và đời sống. Đây cũng chính là căn tố tạo nên những cảm nhận tinh tế của Cao Thị Hồng khi luận giải “Cảm thức về người đẹp trong thơ chữ Hán Nguyễn Du” và cho rằng: “Nguyễn Du là một trong không nhiều thi sĩ nước ta sớm có tiếng nói đấu tranh cho sự bình đẳng của người phụ nữ. Chính điều này đã khẳng định tính cách mạng trong tư tưởng của Nguyễn Du khi ông đã dám vượt lên những rào cản của thời đại mình một cách đầy thách thức để khẳng định nhân vị của mình như một lựa chọn của tâm thức hiện sinh” (13).
Mỹ cảm văn chương trong suy niệm của Cao Thị Hồng là sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và tâm hồn, giữa lý trí và tình cảm của nhà văn mà lời phẩm bình của chị về Triết lý yêu trong thơ Xuân Diệu đã là một minh chứng đầy thuyết phục đối với người tiếp nhận khi chị xác quyết: “Triết lý yêu trong thơ tình Xuân Diệu thế hiện một tư tưởng lớn, nó khác lạ và vượt lên những lối suy ngẫm tầm thường “cao đạo”, giả dối thiếu thành thực mà người ta vẫn cứ “tụng ca” như những “giá trị đạo đức” nhưng đó là những thứ đạo đức hoàn toàn xa lạ với bản chất Người. Vì vậy, những bình diện của triết lý yêu trong thơ Xuân Diệu suy cho cùng đó chính là những tư tưởng mang tinh thần nhân bản, nhân văn sâu sắc mà nhân loại luôn hướng đến” (14). Phải chăng, vì ý thức được thiên chức của người cầm bút nên việc Cao Thị Hồng dấn thân đi tìm mỹ cảm văn chương trong tư cách của một nhà phê bình với chị không chỉ là niềm đam mê mà còn là một “nghiệp chướng” để xác tín sự hiện hữu của mình giữa cuộc đời mà sự tiếp nối các công trình nghiên cứu lý luận - phê bình của chị trong hàng chục năm qua đã là một câu trả lời khá thuyết phục. Vì thế, tập tiểu luận - phê bình Những vẻ đẹp văn chương (Nxb. Hội Nhà văn, H, 2020) là sự tìm tòi, khám phá mỹ cảm văn chương từ các tác phẩm văn học mà ở đó đã hiện lên khát khao vươn đến những cái đẹp thấm đẫm chất nhân sinh trong thi phẩm của các nhà thơ tiền chiến. Đó là những mỹ cảm đầy “huyền thoại về phái đẹp từ thân xác đến tâm hồn trong thơ Hàn Mặc Tử”; “Cái đẹp tinh khôi trong tình yêu của những người thiếu nữ trong thơ Nguyễn Bính”; “Cái đẹp của cảm thức cô đơn trong thơ Huy Cận”; Cái đẹp trong “triết lý yêu” đậm chất đời thường của thơ tình Xuân Diệu; “Cái đẹp nhân bản trong thơ Nguyễn Vỹ” khi viết về thân phận con người. Hay những mỹ cảm mang chiều sâu tâm thức, đậm chất nhân văn được chưng cất từ cảm thức hiện sinh trong thơ Việt hiện đại ở các bài viết như: “Chabbi nỗi khắc khoải phận người” (thơ Quang Dũng); “Thân phận con người trong thơ Lưu Quang Vũ”; “Nỗi cô đơn bản thể trong thơ Hoàng Việt Hằng”; “Cảm thức làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh”; “Nỗi đau trần thế trong Hai phía phù sinh của Nguyễn Thúy Quỳnh… Có thể nói, ở các bài viết này, Cao Thị Hồng đã có những luận bàn chạm đến chân tâm mỹ cảm của người tiếp nhận mà rõ nhất là khi chị chia sẻ những cảm nhận của mình về nỗi cô đơn phận người trong thơ Lưu Quang Vũ: “Thông thường, khi nỗi cô đơn đã chạm đến bên bờ của tuyệt vọng thì mọi hiện hữu cũng trở thành vô nghĩa. Song, ở Lưu Quang Vũ, ngay trong sự tuyệt vọng nhất của thi nhân người đọc vẫn thấy thơ ông tha thiết hướng về tình yêu thương con người và cuộc sống. Bởi vì, khi tuyệt vọng được chưng cất thành thơ đồng nghĩa với việc nhà thơ đã bất tử hóa cuộc sống, truyền vào nó một giá trị mỹ cảm, mang lại niềm tin cho con người” (15). Hay xúc cảm trong sáng tác của các nhà văn tuy tác phẩm của họ gắn với khí quyển văn hóa của mỗi vùng đất khác nhau nhưng đều có mẫu số chung là cảm thức hướng về cái đẹp của cuộc sống và con người đã mang đến cho người đọc những mỹ cảm giàu tính nhân bản đã được Cao Thị Hồng luận giải khá sâu sắc. Đó là cái đẹp của sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long trong Lớp lớp phù sa của Kiệt Tấn, cái đẹp của Mỹ nhân nơi đồng cỏ trong tiểu thuyết của Lê Hoài Nam, nhà văn của phù sa sông Hồng; “Nỗi khắc khoải kiếm tìm bản thể” trong truyện của Nguyên Minh, nhà văn của cội nguồn sông Hương xứ Huế và cái đẹp của “Cõi người” trong truyện của Elena Pucillo Trương -người con gái của nước Ý xa xôi mà theo Cao Thị Hồng: “Đằng sau những câu chuyện về những điều tưởng chừng rất nhỏ của mỗi thân phận là những thông điệp về Cõi Người muôn màu muôn vẻ, vừa quen vừa lạ. Thông điệp đó có lúc là lời cảnh báo, có khi là sự ngợi ca, phê phán đồng tình, lúc lại là nỗi ưu tư, niềm trắc ẩn, mong ước, tin yêu, hy vọng… và trên hết là tinh thần trân trọng những giá trị nhân văn, nhân bản với khát khao tha thiết hướng về những gì tốt đẹp nhất cho con người và vì con người” (16).
6. Sáng tạo văn chương bao giờ cũng là một hành trình dấn thân đầy nhọc nhằn mà nếu không có niềm đam mê, ý chí, và sự nỗ lực rèn luyện của người cầm bút, không thể gặt hái những “mùa vàng”. Vì theo Huỳnh Phan Anh "Nhà văn nào không dấn thân trong tác phẩm mình. Và tác phẩm nào không dấn thân trong xã hội" (17). Còn Nguyễn Văn Trung thì cho rằng: “Nhà văn không thể lãnh đạm trước thời cuộc, (…), vì chính sự có mặt của văn chương, chính sự hiện hữu của tác phẩm đã là một thái độ bày tỏ trước cuộc đời, nghĩa là đã dấn thân” (18). Thành tựu của nhà văn Cao Thị Hồng những năm qua không chỉ là sự kết tinh của thiên năng với sự rèn luyện không ngừng trong việc tích lũy tri thức cần thiết của một nhà lý luận - phê bình mà còn là sự dấn thân của nhà văn trong hành trình sáng tạo văn học trên con đường đi tìm mỹ cảm văn chương. Bởi, “sáng tạo văn chương là một sự thôi thúc từ bên trong... Chính tình cảm, niềm thiết tha đó là động cơ thúc đẩy nhà văn viết. Nhà văn viết vì không thể chịu đựng được những bức rức trong lòng đè nặng tâm hồn” (19). Và, người nghệ sĩ chỉ có thể sáng tạo khi họ thật sự trở về “với thế giới nội tâm” (20) để nghiền ngẫm, kiếm tìm ý nghĩa mới. Bởi, theo Nguyễn Văn Trung “vấn đề sáng tạo không phải là phản ảnh những ý nghĩa đã có mà là tìm kiếm những ý nghĩa mới” (21). Đây mới chính là chân giá trị trong hành trình sáng tạo của nhà văn, trong đó có các nhà lý luận - phê bình, cũng là một căn tố thể hiện cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn. Và những phẩm tính này người đọc có thể cảm nhận được trong hành trình sáng tạo văn chương của Cao Thị Hồng khi tiếp nhận các công trình lý luận - phê bình cũng như các thi phẩm của chị đã hiện diện trong đời sống văn học nước nhà. Song, lý luận - phê bình đòi hỏi người cầm bút không chỉ có kiến văn uyên bác mà còn có một bản lĩnh khoa học, một cảm quan tinh tế, nhạy bén trước cõi nhân gian vốn luôn bất ổn. Vì vậy, những gì Cao Thị Hồng “gặt hái” được những năm qua trong hành trình dấn thân đi tìm mỹ cảm văn chương cũng chỉ là những thành công bước đầu, hành trình sáng tạo văn chương của chị hãy còn ở phía trước. Nhưng dẫu sao, những thành công ấy cũng đủ để khẳng định nhân vị của chị trên văn đàn nói chung và trong lĩnh vực lý luận - phê bình nói riêng. Bởi, tương lai văn học của chị cũng như của nền văn học nước nhà, trong đó có lĩnh vực lý luận - phê bình đang rất cần sự góp sức của nhiều nhà văn, trong đó có nữ nhà văn Cao Thị Hồng.
Dấn thân vào lĩnh vực lý luận - phê bình là dấn thân vào chân trời sâu rộng của triết học và mỹ học, một lĩnh vực mà không dễ ngày một ngày hai chúng ta chiếm lĩnh được. Với Cao Thị Hồng đây cũng là một thử thách trên hành trình sáng tạo. Vượt qua được thử thách, chắc chắn Cao Thị Hồng sẽ có một chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn nói chung và trong nền lý luận - phê bình văn học nói riêng. Ý thức được điều này trong hành trình sáng tạo văn chương của mình, Cao Thị Hồng sẽ là một trong những nữ nhà văn tiểu biểu của nền lý luận - phê bình văn học không chỉ của Thái Nguyên mà còn là của nước nhà hiện tại và tương lai... Tôi tin và tôi đang chờ đợi điều kỳ diệu đó ở chị, một nữ nhà thơ - nhà lý luận phê bình đang lặng lẽ “đốt cháy” mình để dấn thân đi tìm cái đẹp cho đời trong hành trình khám phá những mỹ cảm văn chương mà tôi nghĩ rằng chị sẽ mãi đam mê. Bởi, chỉ có tác phẩm văn chương mới xác tín cho sự hiện hữu của nhân vị nhà văn trước cuộc đời. Một nhà văn không sáng tạo ra tác phẩm văn chương mang dấu ấn riêng của mình, nghĩa là, nhà văn đó đã tự đưa mình ra khỏi “thánh đường” văn chương để đến với “nghĩa trang” văn học, cho dù họ có mang trên mình những danh hiệu “hào nhoáng”.
Khi luận bàn về hành trình sáng tạo của các nhà văn nữ miền Nam 1954 -1975, Mai Thảo đã đặt vấn đề “Tại sao, bởi đâu mà có được sự có mặt rực rỡ của các nữ nhà văn Việt Nam? Theo tôi để trả lời câu hỏi này, ta có thể nói rằng quả thật những nhà văn nữ hiện nay đã làm trái lại những gì mà hoàn cảnh lịch sử xã hội, thân phận đàn bà trước kia đã cấm đoán họ. Sự phá vỡ và làm nỗ tung những ràng buộc cũ của họ để đạt đến cái biên giới mới này, chính là văn chương (…) Làm văn chương ở người đàn bà bây giờ đồng nghĩa với lên tiếng đòi quyền được sống, bình đẳng và tự do như đời sống đàn ông. Viết bởi vậy là một phản ứng, một thái độ” (22).
Phải chăng, hành trình đi tìm mỹ cảm văn chương của nhà lý luận - phê bình, nhà thơ Cao Thị Hồng cũng là sự bày tỏ một thái độ sống, một cách nhìn cuộc đời theo cách riêng của chị đối thoại với mai sau…
Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 6/7/2022
Chú thích:
(1) Cao Thị Hồng, Những vẻ đẹp văn chương (tiểu luận - phê bình), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2020, tr.5, 6
(2) Cao Thị Hồng, Những vẻ đẹp văn chương (tiểu luận - phê bình), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2020, tr.5
(3) Cao Thị Hồng, Một Chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2011, tr. 295
(4) Cao Thị Hồng, Một Chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2011, tr. 24
(5) Cao Thị Hồng, Một Chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2011, tr. 42
(6) Cao Thị Hồng, Một Chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2011, tr.105
(7) Cao Thị Hồng, Một Chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2011, tr.128
(8) Cao Thị Hồng, Một Chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2011, tr. 298
(9) Cao Thị Hồng, Lý luận - phê bình văn học - Đổi mới và sáng tạo, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2013, tr. 252 - 253
(10) Cao Thị Hồng, Lý luận - phê bình văn học - Đổi mới và sáng tạo, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2013, tr. 257, 258
(11) Cao Thị Hồng, Lý luận phê bình văn học: một góc nhìn mới, (tiểu luận phê bình), Nxb. Hội Nhà văn, H, 2017, tr.148
(12) Tuyển tập Nam Cao, Tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002, tr.9
(13) Cao Thị Hồng, Lý luận phê bình văn học: một góc nhìn mới, tập tiểu luận phê bình, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2017, tr.179
(14) Cao Thị Hồng, Lý luận phê bình văn học: một góc nhìn mới, tập tiểu luận phê bình, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2017, tr.199
(15) Cao Thị Hồng, Những vẻ đẹp văn chương, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2020, tr.251
(16) Cao Thị Hồng, Những vẻ đẹp văn chương, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2020, tr.303
(17) Huỳnh Phan Anh, Duyên Anh tuổi trẻ mộng và thực, Nxb Vàng Son, SG, 1972, tr.37
(18) Nguyễn Văn Trung, Nhà văn, người là ai? Với ai?, Nxb Nam Sơn, SG, 1965, tr.19
(19) Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học tập 1, Nxb Nam Sơn, SG, 1963, tr.152
(20) Nguyên Sa, Quan điểm văn học và triết học, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn 1960, tr. 64
(21) Nguyễn Văn Trung, Nhà văn, người là ai? Với ai?, Nxb Nam Sơn, SG, 1965, tr. 33
(22) Mai Thảo, Văn số 206 ra ngày 15/7/1972, tr.2
PGS. TS. Trần Hoài Anh
(Trường Đại học Văn hóa TP. HCM)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...