An toàn trong siêu bão
Cơn bão số 3 Yagi đã đổ bộ vào miền Bắc nước ta sau những Bản tin khẩn dự báo thời tiết và các mức cảnh báo theo giờ, theo diễn biến của gió giật và sóng lớn. Nhiều người chủ quan nghĩ rằng, dự báo là một chuyện, khi bão vào Vịnh Bắc Bộ sẽ suy yếu như những cơn bão khác, nhưng tôi thì không. Vấn đề sống còn khi đang sinh sống ở vùng tâm bão đi qua là bản thân phải an toàn trong siêu bão. Lo lắng và sợ hãi đấy, vậy an toàn bằng cách nào?
Sinh ra và lớn lên ở miền núi, tôi chỉ quen với các trận giông, lốc và lũ quét diễn ra trong thời gian ngắn hoặc cùng lắm là mưa dai dẳng vài ngày. Làm việc tại gần cửa biển, tôi thường nghe tin tức và cảm nhận những ngày trước khi bão đến đợt này khác hẳn các cơn bão trước. Nắng gắt và oi bức. Trời đỏ lừ. Các đám mây hình thù kỳ quái trải dài trên phố trong khi ngoài khơi lại lặng sóng một cách bí hiểm. Chập tối, tôi lôi hết các cục sạc dự phòng, quạt tích điện, máy tính xách tay, đèn điện sạc, thứ nào cũng sạc đầy điện. Sau đó, tôi bơm nước đầy téc. Chị hàng xóm thấy tôi chuẩn bị cũng giục chồng bắc thang trèo lên mái trọ, lấy dây thừng cố định hai đầu vào nhà mái bằng kiên cố rồi buộc túi bóng loại to, bơm đầy nước tạo thành từng bao nước khổng lồ đè hai bên mái tôn. Sau đó, chị dồn số chậu cây cảnh vào góc sân rồi rủ tôi ra tạp hóa mua thùng mì tôm, sữa, một ít rau xanh và thịt, cá, trứng sữa. Hai chị em dự tính với số lượng vừa đủ ăn trong ba ngày. Tôi còn ghé qua hiệu thuốc mua một số thuốc như đau đầu, men tiêu hóa, trà gừng, dầu, bông băng y tế. Hai chị em lấy gạo nếp đồ lên làm xôi, thịt băm nhỏ ướp gia vị đầy đủ rồi rang chín, cho vào hũ thủy tinh. Số rau xanh và trứng, chị để vào tủ lạnh.
Sáng hôm dự báo bão sẽ đổ bộ, tôi dậy sớm hơn thường ngày. Trời một màu xám xịt và gió bắt đầu nổi lên. Đến tám giờ sáng, mưa lất phất. Tôi vào mạng xem trực tiếp diễn biến cơn bão của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài địa phương cơn bão sẽ đi qua. Có trường học giáp biển đã đổ ngổn ngang cây cổ thụ, cũng may các tỉnh có thông báo cho học sinh các cấp nghỉ học. Mé biển, vài chiếc thuyền neo đậu bị sóng đánh chìm. Công an, bộ đội lập chốt trên đường cao tốc, cầu vượt và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Chừng một giờ sau, gió nổi lên bốn phía, cây cối nghiêng ngả. Tôi gọi điện về quê báo cho người thân biết, mình đang ở nơi an toàn, có đủ đồ ăn và nước uống. Bão có thể gây mất điện cục bộ, cho nên, nếu không liên lạc được với tôi cũng đừng quá lo lắng. Tôi đóng kín cửa và tránh xa cửa sổ dù vẫn dõi mắt quan sát ngoài trời. Chị hàng xóm điện sang báo cáo tình hình và gửi tôi đường dây nóng của Cảnh sát khu vực và Đội Phòng cháy chữa cháy Cứu hộ cứu nạn. Tôi viết ra tờ giấy, dán lên cửa tủ sau đó đun sôi nước đổ vào hai phích to.
Khoảng chín giờ sáng, gió giật liên hồi. Cây cối quần đảo dữ dội, lá bị cắt thành nhiều mảnh bay tới tấp. Vạt mưa trút xuống không kịp chạm đất đã bị gió tạt sang bên kia đường như lớp bụi trắng. Các bụi chuối trong vườn tả tơi lá, rạp đi rồi gục xuống, tiếp đó là những cây xoài, phượng bật gốc. Cây sấu oằn mình theo tấm tôn cong lên rần rật và không thể chịu thêm được nữa, nứt toác cành, quật mạnh xuống góc sân làm đổ một mảng tường xây kiên cố. Gió cấp mười hai, giật cấp mười bốn rú lên như tiếng máy bay vừa cất cánh lên từng độ cao, cột điện phía sau tòa nhà gãy nửa, kéo theo cơ man là biển quảng cáo, phông bạt và tấm tôn, cửa kính như bị những ngón tay cấu ra, rơi vỡ loảng xoảng. Điện phụt tắt. Tôi đi cúp cầu giao và ra góc tường ngồi. Wifi không thể kết nối. Với lưu lượng 4G ít ỏi, tôi gửi những bức ảnh hiếm hoi về trận bão vào nhóm gia đình, nhắn người thân không được chủ quan dù bão, hoàn lưu bão chưa tới vùng trung du và miền núi, nhắc lại một lần nữa là tôi vẫn an toàn. Vì ở trong phòng nên tôi không thể nhìn sang nhà chị hàng xóm nữa, tôi bèn gọi điện sang nhưng không thể liên lạc được. Tôi biết, có khi cột viễn thông bị đổ nên sóng điện thoại cũng đã ngắt.
Để trấn an bản thân, tôi lấy xôi và thịt băm nấu sẵn hoàn thành bữa trưa đơn giản và gọn nhẹ. Trong cơn bão có những khoảng lặng gió, tôi không biết có phải tâm bão đang ở vị trí của mình hay không nhưng vẫn ở yên trong phòng, chỉ mon men ra gần cửa sổ coi nước hắt vào ướt nền nhà. Một số phòng trọ lợp tôn bị gió quật bay mất mái. Kho xưởng cơ khí, gara bảo dưỡng ô tô, cửa hàng ăn uống,... bị sập hoàn toàn. Tiếng còi xe cứu thương dội lại. Tôi đoán có người bị thương.
Chung cư cao tầng phía đối diện cửa kính vỡ từng ô đen ngòm, rèm bay ra ngoài như khăn vẫy. Tôi nghĩ, trước khi cơn bão đến, người ở khu chung cư cao tầng đã xuống cấp hoặc toàn cửa kính và đang trọ trong những căn phòng tạm bợ, ở cạnh cây to, cạnh cột điện, đường dây cao thế, trạm biến áp, công trường đang thi công,... nên liên hệ với chính quyền để tìm một khu trong trường học, bệnh viện hoặc cơ quan nhà nước tránh trú bão an toàn. Đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh nền, không may bị tàn tật hoặc đơn thân nuôi con nhỏ.
Dù công tác kêu gọi ngư dân neo đậu tàu thuyền đã được các cấp triển khai rất tốt nhưng ý thức tự giác của người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng, tuyệt đối không ra đường hay liều lĩnh đi tìm người thân trong bất an ở những khu vực nguy hiểm. Gió và mưa quần thảo những gì còn sót lại. Đến khi trời tối hẳn, tôi mới dám dùng đèn tích điện đi tắm. Quạt thông gió đã bị bung, rơi xuống nền cạnh bồn cầu, nước mưa được thể hắt vào ướt hết nền gạch men. Tôi đi dép chống trơn cho khỏi ngã. Trở về phòng, tôi lấy nước nóng trong phích pha mì tôm với ít rau mầm và trứng gà. Bữa tối ngày bão vẫn no bụng. Nghỉ ngơi chừng hai mươi phút, tôi đánh răng, rửa mặt, kiểm tra lại cửa sổ, buộc hai góc rèm vải vào song sắt để đến khuya, nếu gió có quật vỡ cửa kính cũng không bay mảnh nhọn đến giường ngủ.
Nằm trên giường, không khí oi nóng bao trùm bốn bề màu đen. Ngoài kia mưa vẫn táp vào cửa sổ sau những trận gió giật qua trần nhà ràn rạt. Tôi chợt nhớ những bài báo kể về cơn bão Linda năm 1997 đã đổ bộ vào Tây Nam Bộ cướp đi sinh mạng những người dân vùng sông nước. Ngày đó, miền Tây nhà lá đơn sơ, kinh nghiệm dự báo và chống chọi với bão chưa được cập nhật như bây giờ khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh tang tóc, có người bị sóng vùi cùng con thuyền ngoài khơi vô tăm tích. Giá như, bà con được thông tin trước và chủ động phòng chống bão thì sẽ giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở mức tối đa.
Mưa và gió giật cả đêm hôm đó khiến tôi không thể chợp mắt. Ngoài kia, nhiều người cũng một đêm không ngủ. Đó là lực lượng tìm kiếm cứu nạn, là bác sỹ ở khoa cấp cứu, là bộ đội, công an, là nhân viên điện lực, viễn thông... Đó là những người không may bị mắc kẹt trong căn nhà tốc mái, sập tường hoặc đã trải qua cơn đói khi bão đến mà chưa kịp chuẩn bị gì.
Bão đi sâu vào đất liền sẽ gây ra những trận mưa khủng khiếp. Việc khắc phục hậu quả chưa thể xong trong ngày một, ngày hai. Với sự chủ động để an toàn và đảm bảo sức khỏe của bản thân theo tôi là quan trọng nhất.
Sáng hôm sau, mưa tạnh, gió ngừng. Tiếng còi cứu thương, xe cảnh sát rúc từng hồi riết róng khắp thành phố. Có người rưng rức khóc trước khung cảnh tan hoang. Người bần thần thấy xác của con chim tội nghiệp nằm lẫn trong đống rác. Có người lặng lẽ cùng người thân chặt từng cành cây đổ, dọn dẹp cửa kính, mái tôn vỡ. Có người chèn lại cánh cửa cho hàng xóm đi trú bão hay trực bão chưa về. Vài nhóm thi nhau báo tin: khắp nơi cột điện gãy, đổ, cây cối bật gốc la liệt, đã có người chết và mất tích. Con số chưa được thống kê đầy đủ. Các tỉnh một đêm không thể ngủ để căng mình phòng chống thiên tai. Trời u ám, mây xám vẫn kéo nhau tìm nơi tụ lại. Mạng di động, internet, đường điện chưa được kết nối. Có người sang nhà tôi xin nước sạch về đun bếp củi pha mì tôm cho bọn trẻ ăn sáng. Tôi gửi chị một bình nước lọc đầy, thêm vài quả trứng và mớ rau xanh. Chị cảm ơn tôi rối rít và lát sau đã thấy chị bưng sang cho tôi một tô mì nóng hổi. Trời bắt đầu mưa, gió thổi nhẹ, mọi người trở vào nhà. Một siêu bão đã đi qua như thế!
Mấy ngày nay, các tỉnh phía Bắc lại oằn mình chống lụt sau bão số 3. Cầu mòng mọi người, mọi nhà được bình an nhiều nhất! Tôi cầu mong!
Ký. Hoàng Thị Hiền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...