Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:27 (GMT +7)

“YÊN HÀ” là “KHÓI SÔNG”?

(Trao đổi với tác giả Nguyễn Xuân Hưng về bàiNguyễn Trãi – ông nông dân trồng rau muống? (Hay là một cách hiểu khác về bài Thuật hứng 24)”, trên Văn nghệ Thái Nguyên, số 33- 14.8.2018)

VNTN - Bài viết của Nguyễn Xuân Hưng có những ý kiến “phản biện” thích đáng, đồng thời cũng đưa ra kiến giải mới về bài thơ Nôm “Thuật hứng số 24” của Nguyễn Trãi. Về cơ bản tôi đồng tình với cách thức lý giải và chiều hướng hiểu nội dung nghệ thuật, tư tưởng thẩm mỹ trong bài thơ của Nguyễn Trãi. Chỉ xin nêu mấy ý nhỏ về các từ và chữ dùng trong bài thơ “Thuật hứng 24”

  1. Chữ “THU”

Tác giả Nguyễn Xuân Hưng khi trao đổi về cách hiểu chữ “thu” trong câu thơ “Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc”, do hiểu nghĩa “thu” là “thu thập”, đã cho rằng: “Tác giả Vũ Bình Lục có chỗ nhầm lẫn, ở đây không hề là “gió trăng mùa thu”, mà chữ “thu” đối với chữ “chở” xem nguyên bản chữ Nôm là chữ thu thập, thu về, chứ không phải chữ thu mùa”. Như thế là, cái kho thu về gió trăng đầy qua nóc, con thuyền chở khói sông nặng “vạy then”. Hình ảnh ở đây rất ảo diệu. Kho là hữu hạn, thu vào gió trăng vô hạn. Thuyền là hữu hạn, chở khói sông là vô hạn. Gió trăng dĩ nhiên đầy vượt qua nóc. Còn khói sông tưởng nhẹ mà nặng vạy cả then thuyền. Điều tất nhiên đối với điều huyền ảo.”

 

Không hiểu Nguyễn Xuân Hưng “xem nguyên bản chữ Nôm” nào mà cho đấy là chữ “thu” với nghĩa “thu thập”? Lẽ ra, người viết phải chú rõ tự dạng của chữ “thu”, hơn nữa, phải “chua” cả nguồn văn bản !

Theo tôi biết, bài thơ này là ở Quốc âm thi tập, các văn bản đều lấy từ “Ức Trai tập, Phúc Khê nguyên bản”. Trong “Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển” của Trần Trọng Dương ( Nxb Từ điển bách khoa, Hà nội, 2014) ghi là : “Thu 秋 dt .mùa thu” ( tr 344). Trong Quốc âm thi tập, có 254 bài thì 40 bài có chữ “thu” 秋, (bộ “hòa”)! Không có bài nào có chữ “thu” với nghĩa “thu thập” (thu 收, bộ “phộc”; thu thập 收拾:  nhặt nhạnh ). Những chữ “thu” này đều mượn chữ Hán , là từ Hán Việt.

Cũng cần nói rộng thêm, về chữ “KHO”: Kho 庫, âm Hán Việt là “khố”; dịch từ chữ thiên phủ 天府 ( kho nẫm thiên nhiên, sản vật phong nhiêu). Tam quốc chí phần Gia Cát Lượng truyện có câu: “đất của kho trời”( 天府之土   thiên phủ chi thổ) ( tr 175)

Như vậy   “Kho thu phong nguyệt” là “một kho nẫm thiên nhiên chứa đầy trăng gió”.

 

  1. Chữ “YÊN HÀ”

Trong câu thơ “Thuyền chở yên hà nặng vạy then

Tác giả Nguyễn Xuân Hưng cho rằng: “Câu này còn có vấn đề ở từ “yên hà”. Đề thi ở Nam Định trên đây, chú thích cho học sinh, cả cụm 2 chữ “yên hà” là “khói, ráng” thì học sinh bình ra cái gì không biết. “Phong nguyệt” và “yên hà” tuy là từ gốc Hán, nhưng dùng trong thể Nôm, phải hiểu là gió trăng khói sông.”

Không hiểu Nguyễn Xuân Hưng dựa vào qui tắc “thể Nôm” nào mà bảo: “ “Phong nguyệt” và “yên hà” tuy là từ gốc Hán, nhưng dùng trong thể Nôm. Phải hiểu là gió trăngkhói sông”? Nếu Nguyễn Xuân Hưng đưa ra bản thơ mà chữ “yên hà” có tự dạng 煙 河 ( : bộ “thủy”), thì mới có nghĩa “khói sông”!?

Trong văn bản bài thơ, “yên hà” có tự dạng 煙霞( thuộc bộ “vũ”), là danh từ “khói và ráng”( Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển, sđd, tr 412 ). Sách “Đại Nam quốc ngữ” của Hải Châu Tử Nguyễn Văn San ( 1808 – 1883) ghi “Hà” 霞 là “ráng” ( xem “Khảo cứu từ điển song ngữ Hán – Việt Đại Nam quốc ngữ”, Lã Minh Hằng (khảo, phiên dịch, chú, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2013, tr 66 và 550, 7b). Từ này vẫn mượn chữ Hán. Theo Đào Duy Anh: “yên hà”. Mây và khói – chỗ sơn lâm tịch lậu, nơi ở ẩn (Hán Việt từ điển, Nxb KHXH, 1992, tr 413, quyển thượng). Long Điền Nguyễn Văn Minh nói rõ hơn “Yên hà: - YÊN: khói; HÀ: ráng mây. Nghĩa bóng là chỗ ở ẩn, có ý nói ra ngoài trần tục, không màng đến sự đời. ( Từ điển văn liệu, Nxb Hà Nội, 1999, tr 494).

Trong Quốc âm thi tập, 4 lần Nguyễn Trãi dùng từ “yên hà”: “Thị phi nào đến cõi yên hà”( Ngôn chí, 3); “Lòng còn chạnh có thú yên hà”( Tự thuật, 7); “Chạnh yên hà, chái một gian đình”( Tức sự, 1); “Thuyền chở yên hà nặng vạy then”( Thuật hứng ,24). Bốn chỗ từ “yên hà” đều chỉ một nghĩa “khói , ráng”! “Thuyền chở yên hà”- con thuyền chở khói và ráng chiều sao lại không “ảo diệu” hơn là chở “khói sông”? Khói và ráng là thứ khó định hình định lượng, lại ở trên cao bất định, thế mà thuyền lại thu về, chở được ! Câu thơ hình tượng hóa, trĩu một sức nặng, chất chứa tâm sự người ở ẩn: “Thuyền chở yên hà nặng vạy then”. Thơ là biểu hiện chứ không thuần túy mô tả.

Xin trao đổi với tác giả Nguyễn Xuân Hưng cách tra cứu để hiểu mấy chữ trong bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi. Chỉ khi hiểu đúng chữnghĩa của từ, thì mới có cơ sở để cảm nhận, phân tích và bình phẩm đầy đủ ý tứ nghệ thuật bài thơ!

Đỗ Tiến Bảng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy