
Góc biếm họa số 6 (2025)

Khi gió xuân còn lẩn khuất trên những triền núi, những bông hoa lê hoa lê khẽ bung nở, trắng muốt như những bông tuyết vô thanh đậu xuống những cành khẳng khiu. Núi rừng như khoác lên tấm áo trắng tinh khôi, mềm mại mà căng tràn sức sống, như một bức tranh vừa được vẽ nên bởi bàn tay của mùa xuân. Hoa lê không rực rỡ như đào, chẳng kiêu sa như mai, nhưng lại có một vẻ đẹp riêng, thuần khiết và hoang sơ, như tâm hồn người vùng cao mộc mạc mà chân thành.
Tôi nhớ lần đầu tiên đặt chân đến một bản làng ven sườn núi, giữa mùa hoa lê nở rộ. Đó là chuyến đi thực tế cuối cùng của lớp Báo ảnh chúng tôi trước khi ra trường, một chuyến đi vừa háo hức vừa mang theo chút bâng khuâng của những ngày tháng cuối cùng còn là sinh viên. Con đường mòn như dải lụa mềm vắt hờ hững qua sườn núi, dẫn lối giữa những gốc lê già trầm mặc, rêu phong cùng năm tháng. Thân cây xù xì, in hằn dấu vết của thời gian, nhưng cành lá vẫn vươn mình mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Những cánh hoa nhỏ mỏng manh xoay xoay trong gió, như những ngọn đèn lồng bé xíu chao nghiêng trước khi nhẹ nhàng đáp xuống, trải lên lối đi một tấm thảm trắng mong manh, mờ ảo như sương. Tôi ngẩng đầu, để những cánh hoa chạm khẽ vào mái tóc, vào bờ vai, cảm giác ấy dịu dàng đến lạ, như thể cả đất trời đang thì thầm một bản nhạc du dương chỉ dành riêng cho những kẻ lữ hành biết lắng nghe.
Xa xa, những mái nhà trình tường vàng nâu e ấp dưới những tán lê trắng muốt, ẩn hiện trong làn sương mỏng như nét chấm phá dịu dàng trên bức tranh mùa xuân. Những thửa ruộng bậc thang trập trùng nối tiếp nhau, như những nấc thang dẫn lên tận trời xanh. Tiếng suối róc rách hòa cùng tiếng cười nói của lũ trẻ chân trần chạy nhảy trên bãi cỏ, tạo nên một bản giao hưởng vừa yên bình, vừa sinh động. Tôi đứng lặng giữa khung cảnh ấy, lòng ngập tràn một thứ cảm xúc khó gọi tên, vừa bâng khuâng trước vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, vừa thấy lòng dịu lại như được vỗ về bởi sự thanh khiết của đất trời.
Trong bản, những đứa trẻ má đỏ au nô đùa dưới tán lê trắng xóa, tiếng cười giòn tan như chuỗi chuông nhỏ ngân vang trong gió núi, lấp đầy không gian tĩnh lặng. Chúng chơi đùa với những cánh hoa rơi, đứa nhặt lên cẩn thận ép vào lòng bàn tay, đứa lại tinh nghịch hứng từng bông hoa nhẹ nhàng đáp xuống mái tóc rối bù của bạn mình. Nhìn cảnh ấy, tôi chợt thấy lòng mình nhẹ bẫng, như thể thời gian đã ngừng trôi, trả tôi về với những tháng ngày tuổi thơ vô tư lự.
Ở góc sân nhà sàn, người lớn quây quần bên bếp lửa, nhấp chén trà nóng, hơi khói bốc lên vấn vít trong không khí lành lạnh của miền cao. Đôi mắt họ hằn sâu những dấu vết của thời gian, những nếp nhăn in dấu bao mùa mưa nắng, nhưng vẫn ánh lên sự bình yên, như những gốc lê già sừng sững trước gió sương. Bên bếp lửa hồng, một bà cụ móm mém, đôi tay gầy guộc lật từng bắp ngô hong khô, khói bếp quẩn quanh làm ánh mắt bà thêm mơ màng. Chợt, bà nhìn tôi, giọng chậm rãi mà ấm áp: “Hoa lê nở là dấu hiệu của mùa xuân tròn đầy, là lời nhắc nhở đất đã sẵn sàng đón những mầm xanh”.
Tôi lặng nghe, lòng bỗng dậy lên một cảm giác khó tả. Với người miền xuôi, xuân đến khi mai vàng khoe sắc, khi tiếng pháo hoa rộn ràng báo hiệu thời khắc chuyển giao năm mới. Nhưng với bà, với những con người nơi đây, mùa xuân bắt đầu khi những chùm hoa lê bung nở trên những triền núi cao, khi đất trời đổi thay bằng những tín hiệu tinh tế mà chỉ những ai gắn bó sâu sắc với thiên nhiên mới nhận ra.
Người vùng cao yêu hoa lê không chỉ vì vẻ đẹp của nó, mà còn bởi nó tượng trưng cho sự khởi đầu, cho những điều may mắn và an lành. Mỗi cánh hoa nở ra như một niềm hy vọng, một lời chúc tốt lành mà thiên nhiên gửi đến con người. Tôi nhìn những bông hoa trắng muốt đang run rẩy trong gió, chợt nhận ra rằng, đôi khi hạnh phúc đơn giản chỉ là được sống giữa đất trời rộng lớn, thấu hiểu và trân trọng từng khoảnh khắc nhỏ bé mà thiên nhiên ban tặng.
Rời bản làng, tôi mang theo một nhành lê nhỏ, ép vào trang sổ cũ như một kỷ niệm của mùa xuân nơi đại ngàn. Có lẽ, những mùa hoa lê sau này, tôi vẫn sẽ nhớ như in khoảnh khắc ấy khi tôi, với chiếc máy ảnh trong tay, đã kịp lưu giữ một phần của thiên nhiên, của tuổi trẻ, và của một giấc mơ chưa từng phai nhạt.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...