Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
18:31 (GMT +7)

Vốn sống của người viết tiểu thuyết

VNTN - Tôi viết tiểu thuyết chưa nhiều, nhưng có một số bạn văn hỏi về việc huy động vốn sống ra sao khi viết mấy cuốn tiểu thuyết gần đây. Có lẽ các bạn nghi ngờ về vốn sống của tôi “không có gì” mà sao lại viết liền mấy cuốn sách dày dặn như vậy chăng? Trả lời các bạn bằng vài lời thật khó, nên mới nảy ra ý tưởng viết những lời tâm sự này. Là việc riêng nhưng có thể nó cũng là câu chuyện chung của người cầm bút.

Bạn nào đó tỏ ra nghi ngờ tôi thì cũng hoàn toàn có lí. Vì rằng, nội dung mấy cuốn tiểu thuyết gần đây của tôi hình như khá xa lạ với cái vốn sống mà tôi hiện có.

Có vẻ đúng là vậy, nhưng trước hết rất cần thống nhất với nhau trên bình diện lí thuyết. Chúng ta đều hiểu, trong các tư chất mà nhà văn cần có như: năng lực trí tuệ sắc bén, trí tưởng tượng sáng tạo, phông văn hóa, kĩ thuật nghề nghiệp, khả năng quan sát tinh tế, thì sự cần thiết của vốn sống nổi lên như một điều kiện quan trọng hàng đầu. Nhưng để hiểu một cách đầy đủ và chính xác về vốn sống không phải ai cũng có quan niệm đúng hoàn toàn. Hơn nữa, vốn sống của mỗi nhà văn cũng có những điểm khác nhau. Có phải cứ sống lâu, chứng kiến, lăn lộn, trải nghiệm gian nan trắc trở nhiều thì có vốn sống phong phú? Có thể, đó cũng là những điều kiện cần thiết. Nhưng đã từng có những nhà văn cuộc sống của họ đầy những phức tạp, chìm nổi nhưng tác phẩm lại nhạt nhẽo. Ngược lại, có những nhà văn tưởng như chẳng hề trải nghiệm nhiều trong cuộc sống nhưng những trang viết của họ lại vô cùng đằm thắm, đầy giá trị nhân văn. Có nhà văn phải đi nhiều, tìm hiểu kĩ, ghi chép thật tỉ mỉ thì mới có tác phẩm. Lại có nhà văn chỉ ngồi tại chỗ để viết mà tác phẩm vẫn vô cùng hấp dẫn. Khi được phóng viên phỏng vấn về vấn đề đi thực tế, nhà văn Trần Hoài Dương trả lời rằng ông “đi thực tế từ năm lên… sáu tuổi”.

Chắc sẽ có bạn hỏi, vậy vốn sống là gì mà có vẻ phức tạp đến thế? Tất nhiên, hiểu một cách đơn giản và đúng nghĩa, vốn sống chính là sự trải nghiệm của nhà văn từ cuộc sống của bản thân mình và những người xung quanh.

Một số bạn thường rất hăm hở trong việc tổ chức các “chuyến đi” do hội văn nghệ tổ chức, coi đó là cứu cánh trong sáng tác. Họ ghi chép không sót một chi tiết, hiện tượng, mỗi diễn biến của các sự kiện, dù nhỏ nhất. Nhưng ngược lại, họ lại rất thờ ơ trước cuộc sống thường nhật với những quan hệ đầy phức tạp ở ngay xung quanh mình. Các nhà văn này quên rằng, dưới mỗi mái nhà, mỗi ngõ phố, trong hàng rào mỗi cơ quan… cùng tình bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng, cha con, vợ chồng… chính là một biển vốn sống vô tận. Một nhà lí luận phương Tây từng nói: “Vốn sống của nhà văn đôi khi nằm ngay trong cốc nước hàng ngày”. Có vẻ hơi quá chăng, nhưng rõ ràng không phải là không ít nhiều có lí. Đối với nhà văn đích thực thì từ cốc nước ấy cũng có thể “sinh ra chuyện” lắm chứ. Cái cách nói của một vài nhà phê bình văn học trước đây, rằng “Anh đã từng là nông dân hoặc đã sống cùng với họ nhiều chưa mà dám viết về họ?” là một cách phê phán có phần bất công và chưa hiểu hết công việc sáng tạo của nhà văn.

Nghệ thuật không tách rời hiện thực nhưng sao chép hiện thực thì là một việc làm vô nghĩa. Quan điểm duy vật của mĩ học Marx-Lenin về nghệ thuật đã nêu rõ: “Nghệ thuật là tái hiện một cách sáng tạo thực tại” (TG nhấn mạnh). Lenin đã từng đề cao luận đề của Feuerbach trong “Bút kí triết học”: “Nghệ thuật không đòi hỏi các tác phẩm của nó phải như hiện thực”. Các nhà lí luận hiện đại cũng có chung một quan niệm, có điều cách nói hơi khác nhau: “Nghệ thuật không trùng khít với cuộc sống”, “Nghệ thuật là ảo giác về cuộc sống”…

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

S. Freud, người sáng lập ra Phân tâm học đã chia vốn sống của nhà văn làm hai loại. Một loại dựa vào “việc thu thập tài liệu hiện có”, một loại “sáng tạo ra tài liệu cho chính mình”. Trong quá trình “sáng tạo ra tài liệu”, có phần liên quan đến vô thức. Một nhà Phân tâm học khác là K. Jung cũng từng cho rằng não bộ của nhà văn chẳng qua là nơi “gửi gắm” của vô thức tập thể (vô thức cộng đồng), nghĩa là có mối quan hệ đến tiền sử nhân loại. Như vậy, ta thấy vốn sống không đơn thuần và duy nhất từ những gì ở trước mắt ta.

Người đọc không cần ở tác phẩm văn học những điều họ đã được chứng kiến mà hướng về những khát vọng, những điều họ muốn nhìn thấy, cảm thấy. Bằng sự tưởng tượng của mình, nhà văn phải giúp họ đi đến những chân trời mới.

Thống nhất với nhau về mối quan hệ giữa vốn sống và sáng tác như ở trên thì khi bàn về mối quan hệ giữa vốn sống và nội dung những cuốn tiểu thuyết của tôi gần đây sẽ có phần dễ cảm thông hơn.

Hai cuốn “Tể tướng Lưu Nhân Chú” và “Những người mở đường” của tôi cùng viết về đề tài lịch sử nên tôi chỉ xin nói về cuốn thứ hai.

Trước hết, các nhà lí luận cho rằng, viết về đề tài lịch sử có hai khuynh hướng: Lịch sử hóa tiểu thuyết và Tiểu thuyết hóa lịch sử. Tiểu thuyết “Những người mở đường” của tôi viết theo khuynh hướng thứ hai. Khuynh hướng này đề cao tính hư cấu, tính sáng tạo chủ quan của người viết. Nghĩa là, các sự kiện lịch sử chỉ là chất liệu, phương tiện cho người viết. Nhà văn Alexandre Dumas (cha) đã nói một câu mang ý nghĩa kinh điển về vấn đề này: “Lịch sử là cái gì? Nó là một cái đinh, ở đó tôi treo móc những bức tranh của tôi”. Khi viết “Những người mở đường”, tôi dựa vào sự kiện 61 thanh niên xung phong hi sinh ở ga Lưu Xá vào đêm 24/12/1972, khi B52 của Mỹ trải thảm. Có thể người chưa nghiên cứu về sáng tác sẽ thắc mắc với tác giả, rằng trong tiểu thuyết “Những người mở đường” có rất nhiều tình tiết về đời sống và sự kiện lịch sử không có thật hoặc được biến hóa đi rất nhiều. Như tôi đã nói ở trên, tôi không coi cuốn tiểu thuyết đó là tiểu thuyết lịch sử mà là cuốn sách viết theo khuynh hướng tiểu thuyết hóa lịch sử. Nhưng vấn đề này có lẽ nên trao đổi kĩ ở một bài viết khác. Tôi xin được quay lại chủ đề của bài viết này là mối quan hệ giữa vốn sống và sáng tác. Viết về đề tài lịch sử, tất nhiên là tác giả không có chuyện “chứng kiến”, “mục sở thị”. Vậy vốn sống nằm ở đâu? Với các nhà văn khác tôi không thật rõ, còn với tôi, khi viết tiểu thuyết “Những người mở đường” thì ngoài việc đi gặp một số nhân vật còn sống sót trong trận bom đêm hôm ấy cùng một vài người có liên quan thì những cuốn sách lịch sử thanh niên xung của tỉnh, của toàn quốc và tất cả những bài viết về sự kiện này đăng ở các báo trung ương và địa phương đều được tôi sử dụng khá triệt để. Nhưng điều đáng nói là cái “vốn sống” thông qua sách báo ấy dù rất quan trọng nhưng nó sẽ không là gì nếu người viết thiếu đi sự suy đoán và tưởng tượng. Trước và trong khi viết cuốn “Những người mở đường”, đầu óc tôi dường như lúc nào cũng “sống” cùng các chiến sĩ thanh niên xung phong đại đội 915, trong khi tôi không quen bất cứ một đội viên nào. Một điều lạ là trong thời gian sáng tác ấy, rất nhiều lần trong óc tôi luôn như có một “bộ phim” về trận đánh bom lịch sử ấy với đầy đủ hình ảnh và âm thanh lướt qua. Có vẻ như tôi chỉ cầm bút ghi lại.

Về chuyện này cũng xin mở rộng một chút khi tôi viết tiểu thuyết lịch sử “Tiếng súng bên sông Cầu”. Ngày ấy, những lúc đi qua công viên Sông Cầu, là địa điểm trại lính khố xanh ngày trước, tôi không nhìn thấy những hàng xà cừ, những hàng ghế đá, những hàng quán xanh đỏ mà trước mắt chỉ thấy hiện lên hình thù trại lính khố xanh xù xì năm xưa với những sân tập, “nhà giấy”, những hàng me, vọng gác cùng những chàng lính đội nón chóp, vai khoác súng mut-cơ-tông đi đi lại lại với vẻ mặt tha hương đầy khắc khổ. Vốn sống là cần thiết, nhưng tôi luôn tin rằng chính sự tưởng tượng sáng tạo mới làm nên tác phẩm. Maksim Gorky đã nói một câu bất hủ: “Sáng tạo là kết hợp một mớ yếu tố vụn vặt lại thành một tổng thể lớn duy nhất có một hình thức hoàn chỉnh”.

Về tiểu thuyết “Mắt rừng” lại có phần hơi khác. Đó là tiểu thuyết viết về đề tài quản lí và bảo vệ rừng. Tuy tôi đã có ít nhiều những chuyến thực tế ở các lâm trường và hạt kiểm lâm nhưng rất sơ sài và cũng đã từ mấy chục năm rồi. Nói thẳng ra, vốn sống về rừng của tôi rất hạn chế. Năm 2014, được sự giúp đỡ của anh Đinh Xuân Hòa, nguyên chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Thái và một hạt phó Hạt Kiểm lâm Đồng Hỷ tạo điều kiện giúp đỡ, tôi và một vài nhà văn được đi tìm hiểu thực tế về rừng. Vì “rỗng không” vốn sống và kiến thức về rừng nên đến khi bước lên xe, tôi vẫn không dám nghĩ mình sẽ viết nổi, dù chỉ một truyện ngắn về đề tài này. Nhưng run rủi sao, trong lúc ngồi ăn sáng tại một cái quán ven đường, anh chàng hạt phó kiêm lái xe hay nói, ít cười bỗng nói một câu mà đối với tôi như kim chỉ nam cho chuyến đi. Bằng vẻ mặt buồn buồn, anh ta bảo: “Nếu chỉ để lực lượng kiểm lâm quản lí và bảo vệ rừng thì rừng chẳng mấy lúc mà thành đồi trọc”. Có vẻ như rất trái khoáy, tôi vội bắt lời: “Vậy ai sẽ quản lí rừng hiệu quả hơn?”. “Phải là chính người dân xung quanh rừng bảo vệ rừng chứ không ai khác!”. Anh Đinh Xuân Hòa ngồi kế bên, cũng góp chuyện “Cách đây mấy chục năm, Phó Thủ tướng có chỉ đạo: phải đổ gạo cho người dân xung quanh rừng để họ bảo vệ rừng. Tiếc là ngày ấy không hiểu sao câu nói ấy đã rơi vào quên lãng”. Các anh cho biết thêm, bây giờ đã nhiều người thấm nhuần quan điểm ấy, nhưng do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện vẫn chưa thật tốt.

Lúc ấy, trong đầu tôi bỗng “bùng nổ” một ý tưởng bao trùm lên toàn bộ cuốn tiểu thuyết: Chỉ có người dân mới là người giữ rừng hiệu quả nhất. Thế là từ đó, tất cả những câu chuyện, những tình tiết, những sự kiện, những nhân vật, những cảnh đời, những tính cách… thu nhặt được trong 4 - 5 chuyến đi tìm hiểu về rừng sau đó, tôi đều hướng tới và vun đắp cho tư tưởng ấy. Và không hiểu sao, cùng lúc, những thực tế vốn có từ nhiều năm trước cũng vụt hiện về và hướng theo cảm hứng đã được định ra này. Có người nói “Mắt rừng” là cuốn tiểu thuyết luận đề có lẽ là bởi vậy. Hóa ra, vốn sống của nhà văn đôi khi còn được khơi gợi, hình thành và phát triển từ chính nội dung tư tưởng của tác phẩm. Tiểu thuyết “Mắt rừng” của tôi là một cuốn sách như thế.

Có lẽ sự ngờ vực của một số bạn văn về vốn sống của tôi tập trung nhiều nhất ở cuốn “Con đường cát bụi”. Điều này hoàn toàn có lí do. Trong “Con đường cát bụi” có những nhân vật là dân xã hội đen, những “bưởng”, những “cửu” trên bãi đào vàng, các phạm nhân trong trại giam và nhiều cảnh diễn ra trong nhà chứa của gái mãi dâm…Các bạn cho rằng tôi chưa bao giờ bén mảng đến những nơi đó nên lấy đâu ra vốn sống để viết. Nhưng về chuyện này thì nhất định tôi phải “cãi” lại. Còn nhớ, Vũ Trọng Phụng là nhà văn xuất sắc khi viết về những chuyện nghiện hút, đĩ điếm, hiếp dâm…Thế là về sau có người qui luôn cho ông là một nhà văn đàng điếm, ăn chơi sa đọa. Vậy mà, theo như nhiều người cùng thời nói lại, Vũ Trọng Phụng là một người hơi nhút nhát, sống rất mẫu mực, không bao giờ sa đà vào các nhà thổ. Một ví dụ khác về nhà văn Thổ Nhĩ Kì Azit Nexin. Khi được nhà báo phỏng vấn về sự hấp dẫn của tác phẩm ông viết về bóng đá, Azit Nexin đã nói một cách thật thà và hùng hồn rằng ông chưa một lần vào bãi để xem thi đấu loại bóng này. Và còn không ít các ví dụ khác nữa. Tôi không dám so sánh với các tiền nhân danh tiếng, mà chỉ nêu ra như một ví dụ về vốn sống. Không phải cứ viết về chuyện gì thì bắt buộc phải trải qua chuyện đó mới là có vốn sống. Nếu viết về tai nạn giao thông thì nhà văn phải chạy ra đường để ô tô đâm thử vào người hay sao? Vốn sống của nhà văn là phải tưởng tượng và phán đoán. Điều này hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất. Có người cho rằng những nhà văn không biết uống rượu mà viết về người say thì sẽ nông cạn. Cũng không đúng. Không biết uống rượu nhưng họ nhìn thấy người say một cách rất… tỉnh táo. Khi viết về bãi vàng trong tiểu thuyết “Con đường cát bụi” tôi phải lân la đến nhiều người đã từng quăng thân trên Thần Sa, Khau Âu. Phải tìm hiểu về phong cảnh, nơi ăn chốn ở, cách đào đãi và các thiết bị trên bãi vàng… Còn các hộp đêm, thì báo chí, phim ảnh, các trang mạng chẳng đã nói, đã viết đầy rẫy đó thôi. Nhà văn biết một, phải suy diễn ra mười, thậm chí một trăm. Chính trong “Con đường cát bụi” cũng có một đối thoại của các nhân vật nói đến điều này: “Người viết lách nhìn một chiếc lá rụng phải cảm nhận thấy cả mùa thu, nghe một lời ru phải hình dung ra tình mẫu tử, nhìn con chim hóa thạch phải nghe được tiếng vỗ cánh của triệu năm lịch sử”. Đó cũng là một trong những tư chất hàng đầu của nhà văn.

Khi đọc “Con đường cát bụi”, một vài độc giả tỏ ý không đồng tình với nhân vật Sách - một tướng cướp, vì nhân vật này có một số tính cách khó có trong đời thực. Có lẽ đây là một vấn đề cần tranh luận và soi chiếu thêm bằng lí thuyết. Tôi không phủ nhận là khi xây dựng nhân vật Sách, tôi có ít nhiều ảnh hưởng lối xây dựng nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn (tiến bộ) Pháp. Những nhân vật của phương pháp lãng mạn thường là những nhân vật mang màu sắc không tưởng, hiếm gặp trong đời. Nó được nhà văn lí tưởng hóa. Các nhà văn thời ấy (như Victor Hugo chẳng hạn) luôn có ảo tưởng thông qua những nhân vật của mình (như Giăng Vangiăng chẳng hạn) để cải huấn xã hội, làm cho con người nhân văn, tiến bộ hơn. Có thể lối viết ấy đến nay đã lỗi thời rồi chăng? Tuy nhiên, trong sáng tác thì sự ảnh hưởng truyền thống luôn là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, tôi lại muốn nghĩ rằng, văn chương cũng ít nhiều gần gũi với tôn giáo. Làm cho con người xúc động để rồi tin, cũng là một con đường đó sao? Vì thế, tôi chẳng câu nệ nhân vật cứ phải trùng khít với đời thường.

Vốn sống vốn là như vậy. Tôi thấy một vài bạn viết trẻ thường lo lắng về việc mình chưa từng trải, vốn sống còn nghèo nàn nên chưa dám viết tiểu thuyết. Điều này nếu là đúng thì tôi nghĩ, cũng chỉ đúng vài phần. Nguyên Hồng viết “Bỉ vỏ” năm 16 tuổi, Sholokhov viết “Sông Đông êm đềm” năm 19 tuổi, được trải nghiệm chiến tranh khoảng vài năm thôi mà các tác phẩm của ông rất đồ sộ, vĩ đại.

Câu chuyện vốn sống của nhà văn, nhất là những nhà văn viết tiểu thuyết hẳn còn là câu chuyện dài dài. Tuy nhiên có một điều cần khẳng định, là hãy cứ viết đi, đừng quá đắn đo về vốn sống. Ở Pháp, đã từng có lối viết mà người ta gọi là “tiểu thuyết xuất phát từ câu đầu tiên”. Tức là khi viết câu đầu tiên, nhà văn chưa hình dung được gì ở phía sau. Vốn sống, nội dung cuốn sách sẽ được hình thành dần, nối nhau xuất hiện trong khi viết.

Chúc các bạn viết nhiều, viết hay, ngay cả khi các bạn nghĩ rằng mình đang còn thiếu vốn sống.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy