Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
10:38 (GMT +7)

Viết cho thiếu nhi là trả nợ cho tuổi thơ của mình

VNTN - Sáng tác cho thiếu nhi luôn là một thách thức không dễ vượt qua đối với tuyệt đại đa số người cầm bút, ngoại trừ một số người có tài năng xuất chúng.

Có một điều dễ nhận thấy là càng lớn lên, chúng ta càng mất đi dần một khả năng đáng yêu là sự tưởng tượng phong phú, đa chiều. Khi còn nhỏ, chúng ta có thể dành cả ngày, thậm chí cả tuần để mơ về thế giới huyền ảo bên ngoài cửa sổ, nơi mà một lúc nào đó một ngôi sao sẽ sà xuống và nói chuyện cùng ta. Khi còn nhỏ, chúng ta có thể gấp trang sách lại và tự mình làm một cuộc thám hiểm cùng với nhân vật chỉ có trong trang sách. Khi một cậu bé thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, thì cậu sẽ là anh hùng trong thế giới của riêng mình. Và nhiều cô bé con rất muốn một ngày nào đó, mình sẽ thành cô bé Lọ Lem, thành một công chúa xinh xắn và đáng yêu. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta thường lo lắng cho con mèo ốm, cho con gà không có bạn chơi. Chúng ta có hàng vạn câu hỏi mà chẳng ai có thể trả lời cho chúng ta, hoặc chẳng ai thèm trả lời cho chúng ta.

Ảnh minh họa      Nguồn: Internet

Thế giới của trẻ con luôn lung linh, huyền ảo, và thật đáng buồn biết bao khi ai đó không có tuổi thơ.

Chính vì thế, khi chúng ta bắt đầu ngồi trước máy vi tính hay đặt những nét bút đầu tiên, chúng ta đã gặp quá nhiều trở ngại. Đầu tiên, cái thế giới lung linh khi còn nhỏ đã dần bị thu hẹp lại bởi cơm áo gạo tiền. Chúng ta khó lòng đăng nhập vào thế giới màu nhiệm của tuổi thơ khi mà đầu óc vẫn lấn bấn chuyện cổ phiếu hôm nay lên hay xuống, giá xăng tăng kéo theo giá sinh hoạt. Thật khó khăn khi gạt bỏ những lo toan thường ngày để đắm mình, dù chỉ trong một thời gian ngắn, vào trong cái thế giới tưởng tượng, màu nhiệm và lí thú. Đầu óc chúng ta, nói một cách nôm na, đã bị thế giới thực tế chi phối đến từng netron thần kinh. Vậy thì làm cách nào để hòa mình vào thế giới huyền ảo của tuổi thơ đây?

Có lẽ là lại phải quên đi rằng ta đang là người lớn, lao vào học lại cách làm trẻ con. Thật khó thay cái thời gian ban đầu. Nào, giá xăng, giá cố phiếu, tranh giành, thóc mách ở cơ quan, tất cả các người đi đâu cho tôi nhờ một lúc. Rồi dần dần, những cô tiên, những thằng gù biết bay, những con gà làm thi sĩ …và rất nhiều nhân vật chỉ trẻ con mới biết, mới quen cũng sẽ trở lại. Đầu tiên, chúng nhìn người lớn với con mắt nghi ngờ, e dè. Sau khi chúng hiểu mục đích của chúng ta, chúng trở nên cởi mở và kể cho chúng ta câu chuyện của mình. Con rối mang hình tên lính sẽ kể cho chúng ta nỗi đau của mình khi nàng rối công chúa bị đứa trẻ hư vặt chân, thằng gù biết bay thì kể cho chúng ta chuyện nó đã lừa một ngôi sao xinh đẹp như thế nào. Nhiều chuyện hay lắm, và nếu không nhớ được hết, tốt nhất là chúng ta ghi lại. Trong lúc này, chúng ta nhận ra một điều, làm trẻ con thích thật.

Thế mà, khi sắp xếp tất cả những câu chuyện đó thành kịch bản, chúng ta lại gặp những phiền toái khác. Chúng ta phải đặt nhiều câu hỏi nghiêm túc và dường như chẳng liên quan gì đến việc chúng ta đang làm. Nào là, câu chuyện này có mang ý nghĩa giáo dục gì không, nào là thế này có tầm thường quá không, hay viết cho trẻ con thì chỉ nên đơn giản thế này thôi, phức tạp quá chắc các em không hiểu được v.v và v.v... Nhưng chính lúc đó, chúng ta quên đặt cho mình nhiều câu hỏi, hoặc giả cũng chưa tìm ra lời giải đáp thích đáng cho những câu hỏi đó. Chúng ta quên mất rằng trẻ con thích được nghe, được xem những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn, đa dạng về cách kể chuyện, phức tạp về bối cảnh. Những câu chuyện đơn giản, chưa đọc chưa xem đã biết nói cái gì, có thể chúng ta hài lòng, nhưng trẻ em thì bĩu môi, xì, cái này ngày nào mà chả đọc trên lớp. Hoặc giả khi chúng ta chuyển thể một chuyện cổ tích, một tiểu thuyết quen thuộc cho trẻ em, chúng ta đang đương đầu với một gian nan thật sự. Chúng ta có thể tưởng tượng ra bộ mặt chán nản của một cậu bé cộng với một cái nhún vai, tưởng thế nào, chứ chẳng khác gì chuyện, hoặc một cô bé thì nhẹ nhàng hơn, sao lời nói của các nhân vật già thế cơ chứ, chẳng giống trẻ con tẹo nào.

Chúng ta bắt đầu đi vào ngõ cụt, bắt đầu tự trách mình sao lại dại dột đâm đầu vào một việc khó khăn đến thế. Nhưng rồi, nhớ lại lúc còn nhỏ, chúng ta hay tự hỏi tại sao chẳng ai nói hộ mình những lời gửi cho ngôi sao băng, chẳng ai hướng dẫn cho chúng ta phải làm thế nào để thành người hùng, chẳng ai kể tiếp cho chúng ta rằng sau khi cưới được công chúa, Thạch Sanh sẽ làm gì, sinh con đẻ cái và sống an nhàn đến già, hay suốt ngày cãi nhau với công chúa vì toàn ngồi đánh đàn và cứ than phiền là dạo này anh chẳng được đốn củi nữa. Thế là chúng ta lại hăm hở viết. Chúng ta lại cho thằng gù biết bay đi cứu công chúa, lại cho con gà làm những bài thơ kỳ quặc mà vui nhộn, đám rối thì từ múa cổ điển có thể quay sang nhảy Hip Hop. Và để những trò vui nhộn đó không trở thành mớ bòng bong, chúng ta mới cần đến cái gọi là kỹ năng viết kịch bản. Chúng ta xây dựng một câu chuyện, dung dị từ ý tưởng, nhưng lại rất phức tạp về diễn biến, luôn khiến trẻ con phải dõi mắt theo. Chúng sẽ ồ lên sung sướng khi thằng gù bay đánh được con quạ có phép thuật, chúng sẽ la ó đến chết thì thôi bà phù thủy răng vẩu lại tưởng mình xinh đẹp. Và nếu cứ khoảng một trang giấy, chúng ta không có chuyện gì mới, chuyện gì hay để kể, thì hãy cứ tưởng tượng rằng, dưới hàng ghế khán giả, một cậu bé sẽ len lén, hoặc chẳng cần len lén, sẽ đàng hoàng rút một máy trò chơi điện tử ra bấm, hoặc hai cậu bé ngồi cạnh nhau sẽ rủ nhau ra ngoài chơi bắn bi, một bé gái sẽ khóc vì nhớ con búp bê ở nhà, từ khi đi đến giờ chưa kịp cho búp bê ăn, chưa kịp nói chuyện với búp bê. Vậy thì thằng gù bay ơi, thay vì đứng nói linh tinh những câu chẳng ra đâu vào đâu, mày bay lên cho tao, uốn lượn nhiều lần vào, hay mày hát một bài nào cũng được, miễn là mày đừng đứng đực ra như thế. Đám rối kia, các ngươi hãy nói cái gì mà trẻ con thích đi, đừng giả làm người lớn nữa.

Chính từ lúc đó, chúng ta mới nhận ra nhiều điều. Rằng mình phải huyền thoại hóa những chuyện đơn giản nhất, làm cho nó li kỳ, hấp dẫn, để trẻ con được vui sướng khi đắm mình vào huyền thoại. Rằng chính chúng ta phải sáng tác những bài đồng dao mới, thật ngộ nghĩnh và phi lí với chúng ta nhưng lại rất hợp lý với trẻ con. Rằng chính chúng ta phải viết những ca khúc mới, lời văn giản dị và hài hước, bởi đôi khi chỉ sự hài hước mới đủ khỏe để vác trên lưng một ông già đạo lý nào đó rất nặng ký và ít chịu di chuyển.

Cũng chính từ lúc đó, chúng ta lại một lần nữa tự nhủ, viết cho trẻ con khó thật. Nhưng nếu chúng ta không viết, thì có lẽ chính chúng ta vẫn còn mắc nợ với tuổi thơ của mình.

Nguyễn Toàn Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy