Việc tái bản tác phẩm Bốn mươi năm nói láo: chuyện bây giờ mới kể
VNTN - Bốn mươi năm nói láo là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Vũ Bằng, cùng với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội v.v.. Từ năm 2007, cố nhà văn Vũ Bằng được tôn vinh, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, nhưng trước đó, Bốn mươi năm nói láo khi tái bản tháng 5/1992 đã bị cấm, bị thu hồi sau năm ngày phát hành, sau đó hai năm bị tiêu hủy!
Chuyện này gắn với người bạn vong niên, bạn đồng nghiệp yêu mến của tôi: cố nhà thơ Quang Huy.
Cố nhà thơ Quang Huy (05/06/1936 - 19/02/2015), nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, quê Cẩm Giàng, Hải Dương, là người đồng nghiệp, đồng hương quý mến với tôi! Năm 1991, biết tôi là nhà văn, nhà báo rất yêu văn tài của Vũ Bằng, có nhiều tư liệu về Vũ Bằng, Quang Huy từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, đến Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tìm gặp tôi. Anh đề nghị tôi biên tập để tái bản tác phẩm Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng.
Nhà văn Vũ Bằng, vì hoạt động trong đường dây tình báo quân đội, sau năm 1954, vào Nam; từng chịu nhiều tiếng oan trong suốt mấy chục năm trường… Ông sinh năm 1914 tại Hà Nội, mất lúc 4h30 ngày 8/4/1984 tại Sài Gòn. Khi nhà thơ Quang Huy đề nghị tôi tái bản Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng đã đi xa đúng 7 năm… Bốn mươi năm nói láo xuất bản lần đầu năm 1969 tại Sài Gòn, là cuốn hồi ký vô cùng chân thực, sinh động, rất có giá trị văn học, sử học về một giai đoạn văn chương, báo chí Việt Nam. Tôi đồng ý. Thế rồi anh thảo Hợp đồng liên kết xuất bản, ủy quyền cho tôi biên tập, in ấn, phát hành tác phẩm này. Hồi đó, danh phận cố nhà văn Vũ Bằng chưa được làm sáng tỏ. Tôi được ông thượng sỹ Nguyễn Đức Long, bạn thân, tri kỷ của Vũ Bằng, động viên, giúp đỡ nhiều về tư liệu để góp phần làm sáng tỏ công tích của nhà văn Vũ Bằng trong cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Tôi đánh máy, biên tập rất kỹ, nhận Giấy phép xuất bản từ Quang Huy và in lần đầu 3000 bản. Hồi đó, một cái nền nhà 4 x 30m (120 mét vuông), ở đường Cộng Hòa quận Tân Bình, cách Dinh Độc Lập (nay là Thống Nhất) chưa đầy 15 phút xe gắn máy, giá 3 chỉ vàng; tôi đã đầu tư đúng một cây vàng - hơn ba cái nền nhà ấy - để tái bản cuốn Bốn mươi năm nói láo.
Tháng 5/1992, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin cùng tôi phát hành tác phẩm này. Sách bán rất chạy, sau 5 ngày bán được hơn 500 bản. Mới phát hành 5 ngày mà nhiều tờ báo lớn đưa nhiều tin, bài về việc tái bản Bốn mươi năm nói láo. Đang vui thì… ngày 06/5/1992, Quang Huy gọi cho tôi: “Triệu Xuân ơi! Sách bị cấm phát hành, phải thu hồi gấp”!
Nhà văn Hoàng Lại Giang viết bài về Bốn mươi năm nói láo, thốt lên: “Cụ Vũ Bằng bị chết lần thứ hai rồi! Hương hồn nhà văn Vũ Bằng nơi chín suối có biết chăng chuyện trớ trêu này?”.
Người ta gom sách về, để trong kho đến hai năm, rồi tiêu hủy!
Tôi hỏi: Vì sao cấm phát hành? Quang Huy bưng mặt, mãi mới nói: “Có một nhà văn tên T, đi B làm phóng viên chiến trường cùng Triệu Xuân, kiện lên Bộ Văn hóa Thông tin: “bìa sách màu đỏ, chữ vàng, tên sách là Bốn mươi năm nói láo, ám chỉ 40 năm qua Đảng nói láo”!
Quang Huy không làm gì được, chỉ biết nói với tôi: “Triệu Xuân ơi, tôi bó tay, chỉ mong đồng hương thông cảm, đừng giận tôi!”.
Tội cho anh, chỉ vì chuyện ấy mà sau đó anh ngượng, tránh mặt tôi. Mấy lần Đại hội toàn quốc Hội Nhà văn tại Hà Nội, tôi luôn chủ động gặp anh, bảo: Thôi, chuyện ấy có đáng gì mà làm tổn hại đến tình nghĩa quý trọng văn tài của anh em ta với cụ Vũ Bằng!
Đến năm 1999, sau 7 năm Bốn mươi năm nói láo bị cấm, Nhà xuất bản Văn học đề nghị tôi làm Tuyển tập Vũ Bằng. Tôi dồn tâm sức làm Tuyển tập cho cụ Vũ Bằng ngót 3000 trang, phát hành năm 2000. Tuyển tập Vũ Bằng 3 tập, với Lời tựa “Nhà văn Vũ Bằng, người lữ hành đơn côi” do tôi viết, báo Văn nghệ và nhiều báo khác in lại. Hàng năm, cứ đến ngày 21/6, các báo lại trích in Bốn mươi năm nói láo, theo Tuyển tập Vũ Bằng.
Sau khi Tuyển tập ra đời, cố nhà văn Vũ Bằng được minh oan, được truy tặng Huân chương, được Hội Nhà văn Việt Nam đưa vào danh sách Nhà văn của Nhà nước Việt Nam thống nhất. Quang Huy nhiệt liệt chúc mừng tôi, anh nói: “Tôi có chết cũng mỉm cười vì Triệu Xuân đã làm được việc mà hai chúng ta cùng muốn: quảng bá, bảo tồn tác phẩm của các nhà văn tài năng đi trước”.
Hai mươi ba năm sau ngày ra đi trong rất nhiều u uẩn, năm 2007, cố nhà văn Vũ Bằng được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với Thương nhớ mười hai và Tuyển tập Vũ Bằng. Đó là một sự ghi nhận, tôn vinh xứng đáng đối với một nhà văn có chân tài, tha thiết với dân tộc, với nhân dân, với Tổ quốc nhưng bấy lâu nay bị chính kiến và bụi thời gian làm lu mờ...
Năm 2005, tôi đã hoàn tất bộ Vũ Bằng toàn tập, bốn quyển, khổ lớn 16 x 24cm, gần 4000 trang. Cuốn sách được Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2006. Đến năm 2016, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản bộ sách Tuyển tập Vũ Bằng theo bản in của Nhà xuất bản Văn học năm 2000; trong dự án Sách được Giải thưởng Nhà nước.
Tôi kể lại câu chuyện này, không phải vì tiếc ba cái nền nhà với diện tích 360 mét vuông ở đường Cộng Hòa, lẽ ra tôi mua rồi, nhưng để tiền làm sách Bốn mươi năm nói láo, mà chỉ cốt nói một điều: người trí thức trọng tài năng, nghĩa hiệp, đam mê nghề nghiệp, dũng cảm bảo vệ chân lý, thì cuộc đời mong manh lắm. Chỉ cần một kẻ tiểu nhân cũng có thể hãm hại được! Tuy nhiên, biết vậy mà những người trí thức chân chính, không ai bỏ cuộc!
Triệu Xuân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...