Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
02:25 (GMT +7)

Vì sao phải đọc tác giả đương thời?

Tim ParksNhà văn Anh sinh năm 1954 tại Manchester, nhận học vấn ở hai trường đại học danh giá Cambridge và Harvard, lấy vợ người Italy nên chuyển sang đó sống tại Verona giảng dạy văn học Anh, là phó giáo sư Văn học và Dịch thuật tại Đại học IULM, Milan, đồng thời dịch văn học hiện đại Italy và sáng tác. Sau tiểu thuyết đầu tay Ngôn ngữ của ngọn lửa (1985, giải thưởng Somerset Maugham) đã xuất bản gần ba chục tác phẩm văn xuôi hư cấu và tư liệu, trong đó bộ tiểu thuyết hai tập Massimina yêu quý - Bóng ma Mimi (được dựng ngay thành phim Kẻ vô thần bị cấm chiếu ở Mỹ) và tập truyện Châu Âu (lọt vào danh sách ngắn Booker Prize năm 1997). Ông được coi là một trong số nhà văn Anh hiện đại thú vị nhất và là dịch giả văn học Italy hàng đầu.

VNTN - Chẳng lẽ người trước chúng ta đã làm xong hết, và có thể người trước đã làm tốt hơn chúng ta làm hiện nay? Nếu quả là như vậy thì hà cớ gì phải đọc tiểu thuyết đương thời cho phức tạp, nếu như một lượng lớn tác phẩm cổ điển đều có thể mua theo giá hạ hoặc truy cập hoàn toàn miễn phí từ internet?

Là người giới thiệu sách thường gắt giọng phê phán những cuốn mới ra, Virginia Woolf (1882-1941, nữ văn sĩ Anh) coi một trong những cảm hứng khi đọc tác giả đương thời là ta buộc phải luyện cách bình xét. Có những cuốn của tác giả đương thời còn chưa nhận được ý kiến thống nhất, thì chính bạn có thể xác định nó hay, hay dở. Khi bạn bắt đầu nghĩ về điều đó, nảy sinh một bài toán hóc búa: nếu vừa đọc xong bạn thấy mãn nguyện, có nghĩa đây chắc là cuốn sách hay, ít ra là đối với cá nhân bạn. Nếu như bạn còn phải cân nhắc xem sách ấy liệu có hay, có thích hay không, điều bạn nhận được có phải khoái cảm, có là phản xạ phù hợp với cuốn sách đó hay không, và sự lưỡng lự của bạn có nghĩa gì? Tình thế ấy quả là lạ lùng!

Tất cả những lý giải ấy đều có vẻ khá phức tạp, hơn nữa, bạn cũng hiểu điều Woolf nói. Những cuốn sách mới có thể mang lại cho ta khoái cảm chưa từng gặp trước đây và cũng có thể tước đi niềm vui ta hằng mong đợi. Chúng đề xuất với ta những phương cách khác, thay vì thích ứng với những khuôn thước lâu nay ta đã quen. Khi ta đụng chạm một cái gì đó mới mẻ, ta thường đòi phải có thêm thời gian để nêu lên một ý kiến nào đó. Tiểu thuyết Ulysses của James Joyce (1882-1941, nhà văn Ireland) có một trong những đặc sắc đáng tò mò là khá nhiều nhà phê bình và bậc trí giả đã thay đổi thái độ của mình đối với nó trong thập niên đầu tiên kể từ khi cuốn sách xuất bản. Nhiều vị trộn lẫn cả căm ghét, cả khâm phục. Nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung (1875-1961) thì như sực tỉnh, còn nhà phê bình thanh thế của Pháp Louis Gillet (1876-1943) lúc đầu coi nó viết “chưa được nhuyễn”, “vô nghĩa lý”, nhưng về sau lại chúc mừng Joyce đã tạo nên kiệt tác kỳ vĩ nhất của thời đại mình. Tuy nhiên, nhiều lời khen dần dần bị thay thế bởi nỗi nghi hoặc. Samuel Beckett (1906-1989, nhà văn, nhà viết kịch Ireland, giải Nobel Văn học 1969) lúc đầu thì tin Joyce đã trả lại ngôn ngữ Anh cho đời sống, song về sau lại thắc mắc: liệu Joyce có lặp lại sai lầm cũ - Beckett coi là sai lầm nếu cứ nghĩ ngôn ngữ có khả năng khơi dậy những cảm xúc sống động.

Nỗi phân vân ấy thường xuất hiện khi ta tiếp xúc lần đầu tiên với sách của Orhan Pamuk (tiểu thuyết gia Thổ Nhĩ Kỳ sinh năm 1952, Nobel Văn học 2006), của Elfriede Jelinek (nữ văn sĩ Áo sinh năm 1946, Nobel Văn học 2004), của Philip Roth nữa - đọc xong những tác phẩm đầu của tiểu thuyết gia Mỹ gốc Do Thái sinh năm 1933 này, rồi hãy chuyển sang những tác phẩm sau, đấy là một trong những thành tố tạo nên khoái cảm. Khoái cảm đó đến khi ta dần quen với một cái gì đó mới mẻ - vừa muốn đoán xem cuốn sách mới này mình thích hay chán, nó có lôi cuốn được ta hay là chỉ tương đối hấp dẫn, chỉ mang lại sự thích thú ta từng nhận được khi thấy thêm một cuốn sách nhang nhác những cuốn khác ta đã đọc từ trước.

Không tùy thuộc chuyện một tiểu thuyết của tác giả đương thời có làm ta thích hay không, ta dẫu sao cũng có thể nhận được khoái cảm từ chính những suy ngẫm trên những điều ta đang đòi hỏi. Đấy chính là trải nghiệm của tôi khi đọc những Elfriede Jelinek, Haruki Murakami (nhà văn Nhật Bản sinh năm 1949) và José Saramago (1922-2010, nhà văn Bồ Đào Nha, Nobel Văn học 1998). Sách của ba nhà văn ấy không mấy ấn tượng đối với tôi, nhưng tôi lại nhận được khoái cảm rất lớn khi để tâm tìm hiểu chúng. Cho nên, như Woolf đã viết, “có cơ sở để tin rằng, kỳ thực, chúng ta nhận được từ người đang sống nhiều hơn từ người đã chết, mặc dầu mới đầu ta cứ tưởng rằng người đang sống thua người đã chết rất nhiều”.

Nhưng chẳng lẽ ta không đụng đến cái mới - hay chí ít, đến một số thứ chưa quen thuộc - khi ta cầm trong tay cuốn tiểu thuyết hoặc cuốn sách của tác giả nước ngoài viết theo những truyền thống mà ta chưa quen? Ví dụ: Truyện kể Genji của nữ sĩ cung đình Nhật Bản Murasaki Shikibu, hoặc Nỗi đau của chàng Werther của thi hào Đức Goethe? Chúng ta đụng chạm liền một lúc với hai tiên liệu. Những cuốn như Truyện kể Genji trải qua nhiều thế kỷ đã thuyết phục được hàng triệu độc giả về giá trị của mình. Có ai muốn đánh liều lên tiếng chê nó, thì phải tự hỏi: tại sao cuốn sách đó lại chinh phục được rất đông người đọc qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, có một sự thực là ta chẳng biết gì về nước Nhật Bản thế kỷ XI thì sẽ rất khó khăn khi tìm hiểu xem cuốn truyện đó liệu có phải là phản ứng thích hợp của tác giả trước thế giới mà mình đang sống. Nếu như Truyện kể Genji khiến ta chỉ thấy lạ, chắc sẽ là như thế, bởi vì ta lạ cái thế giới ấy - nhưng ta không dám tự tin khẳng định điều đó, bởi lẽ bản thân ta có sống trong thế giới ấy đâu.

 Khoái cảm do đọc một tiểu thuyết mới, kể về cuộc sống đương thời bao giờ cũng xuất phát từ những câu hỏi sau đây: chuyện xảy ra như thế nào để cho một người sống trong thế giới đó và cả mình nữa có thể viết nên một cuốn sách khiến mình thấy lạ lùng hoặc phức tạp? Điều gì mình muốn kể về cuốn sách, về cảm nhận của mình? Sự rắc rối của cuốn sách liệu mang lại lợi ích gì cho cá nhân mình? Chắc chắn độc giả sẽ nêu những câu hỏi đó khi cầm sách trong tay.

Thế giới luôn luôn thay đổi, con người luôn luôn thay đổi, và chính những điều tác giả cảm nhận thế giới xung quanh trong một thời điểm cụ thể gợi lên trong ta mối quan tâm đến văn học đương thời.

Kỳ thực, những hoài nghi chỉ gợn lên ở những cuốn tiểu thuyết mới mà tác giả đơn thuần cóp nhặt các hiệu ứng của tiểu thuyết thời trước, nghĩa là khi họ đưa ta về quãng quá khứ mà họ chỉ biết qua sách vở để lại mang đến ta chính những khoái cảm ta từng nhận được từ những cuốn sách viết từ thời trước. Nhưng sao có thể mang đến những khoái cảm như cũ được.

Tim Parks

Đăng Bẩy (Dịch theo The New York Review of Books, USA).

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy