Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
18:32 (GMT +7)

Về thể kí

VNTN - Thể kí tưởng là đơn giản nhưng lại là một thể loại tốn nhiều giấy bút tranh luận mà đến nay vẫn không thể ngã ngũ hoàn toàn. Dù khó khăn, truyện ngắn hay tiểu thuyết vẫn có thể đưa ra khá nhiều định nghĩa, khuôn khổ (tương đối) về thể loại nhưng thể kí thì không ít sự dè dặt của các nhà văn, các nhà lí luận. Nhà văn Tô Hoài từng viết: “Kí, cũng như truyện ngắn, truyện dài hoặc thơ, hình thù nó đấy, nhưng vóc dáng nó luôn luôn đổi mới, đòi hỏi sáng tạo và thích ứng. Cho nên càng chẳng nên trói nó vào một cái khuôn”. Nhà văn chuyên viết kí Đgiocđgiê cũng cho rằng: “Sự lí giải mĩ học về khái niệm kí là chưa có hoặc không đầy đủ, hoặc không đúng”.

Ngay như việc có phải kí được phân biệt thành hai loại: kí báo chí và kí văn học hay không, cũng còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Nếu chia thành hai loại thì loại nào có trước và sự xâm nhập của nó ra sao? Có người tuyên bố thể kí là của báo chí, kí văn học chỉ là sự vay mượn thể loại. Nhưng theo nhà lí luận Phương Lựu thì không nên xem các tác phẩm kí là kết quả sự xâm nhập của báo chí vào văn học. Ông lí giải Sử kí của Tư Mã Thiên ở Trung Quốc cách đây đã mấy ngàn năm, tức là trước khi có sự xuất hiện của báo chí một khoảng thời gian rất dài. Để phân biệt ranh giới của hai loại tác phẩm này, nhà văn kiêm nhà phê bình văn học Ilia Côchencô cũng có một phát biểu rất hay, có thể lấy ý kiến này để tham khảo khi thực hành sáng tác: “Kí là thể loại nằm trong cuộc kéo co giữa văn học và báo chí”.

Trong sáng tác, có một số người quan niệm nếu kí báo chí mà viết mượt mà, bay bổng thì trở thành kí văn học. Ngược lại, kí văn học mà viết khô khan thì chỉ là kí báo chí. Có nghĩa, coi kí báo chí là loại hai. Chắc vì vậy mà đã có những tác giả sau khi in những bài kí trên báo đã bổ sung vào bài của mình những từ ngữ hoa hòe hoa sói, những hình ảnh mây bay bướm lượn rồi cho rằng nó đã trở thành những bài kí văn học. Đó là những quan niệm không chính xác. Kí văn học và kí báo chí không chỉ phân biệt bằng những hình thức ngôn ngữ như vậy. Cho dù mọi sự đều rất tương đối, nhưng chúng có những tính chất và chức năng riêng. Về điều này, ý kiến của GS- TS Phương Lựu là một ý kiến đáng chú ý: “Kí văn học và kí báo chí giống nhau ở chỗ đều tôn trọng tính xác thực. Nhưng ở kí báo chí phải được bảo đảm ở mức tuyệt đối, và tính thời sự cũng mang tính chất thật cấp bách, có khi hàng ngày hàng giờ. Kí văn học không đòi hỏi như vậy, ngược lại nó đề ra yêu cầu cao hơn về chất suy nghĩ và tình cảm của chủ thể”. Như vậy, ta có thể hiểu rằng, ngoài những giá trị về thông tin, thời sự mà cả hai loại kí đều phải đề cập, thì kí văn học cần phải có những giá trị thẩm mĩ. Nếu thiếu điều này, bài viết không thể trở thành bài kí văn học thực sự. Nhưng cũng cần bàn thêm, có những tác phẩm mà khi viết, tác giả chỉ hướng về thông tin sự thật (không có ý định nhằm vào giá trị thẩm mĩ) nhưng đó lại là những tác phẩm đậm đà tính nghệ thuật. Trong Vân đài loại ngữ, Lê Quí Đôn đã nhận xét về Sử kí của Tư Mã Thiên như sau: “Chỉ thấy việc thì ghi, không hề để tâm vào làm văn, cho nên văn hay”. Trong văn chương, báo chí hiện đại cũng từng có những tác phẩm như vậy. Cái hay, cái giá trị thẩm mĩ nằm ngay trong các sự kiện có thật. Vì thực ra, ở một mức độ nào đó, bản thân sự thực đã mang ý nghĩa thẩm mĩ.

Về sự phân loại của kí cũng có nhiều tranh luận. Nhưng có lẽ ít nhiều đã có sự thống nhất hoặc đồng cảm khi các nhà lí luận chia kí thành hai loại:

1- Kí trữ tình gồm: tùy bút, nhật kí….

2- Kí tự sự gồm: phóng sự, kí sự, hồi kí, truyện kí, bút kí (có người xếp bút kí vào loại trung gian giữa tự sự và trữ tình).

Ngoài ra, các nhà lí luận còn đề cập đến loại kí chính luận. Cũng có nhiều người xếp các loại tản văn, tạp văn, tạp bút... sang thể kí. Tuy nhiên, cũng không nên băn khoăn quá nhiều về thể loại. Mọi sự phân chia chỉ là tương đối. Các yếu tố tự sự, trữ tình, chính luận không bao giờ là sự độc chiếm của bất cứ một thể loại nào, nó luôn có sự hòa trộn, kết hợp, lan tỏa, đan xen lẫn nhau. Dù vậy, sự phân biệt thể loại vẫn là sự cần thiết, nếu không, sẽ sinh ra những chuyện hiểu lầm, gây khó khăn trong nhận thức và sáng tác. Đã có một tòa soạn báo khi thông báo về một cuộc thi viết, trong thể lệ ghi: Thể loại cuộc thi gồm: bút kí, kí sự, kí, ghi chép, phóng sự…Vậy là thiếu chuẩn xác.

Trong khi viết thể kí, điều thường làm một số tác giả băn khoăn nhất có lẽ là vấn đề kí có được hư cấu hay không? Vấn đề này cũng đã nhiều tranh luận và chưa hề kết thúc. Có người quả quyết: “Không có quyền gán cho nhân vật những hành động mà họ không làm, những ý nghĩ mà họ không nghĩ, đặt họ vào cảnh ngộ mà họ không có. Sự bịa đặt, thêm thắt chỉ làm hại cho bài kí” - Thậm chí nhà báo nổi tiếng viết kí B.Pôlêvôi cũng nói: “Kí nhất thiết không được hư cấu. Cuộc sống chúng ta muôn hình muôn vẻ như thế, lí thú như thế, biết bao nhiêu sự việc xảy ra, thực ra cũng không cần thiết phải hư cấu thêm thắt tô vẽ gì hơn nữa”. Nhưng lại có không ít các ý kiến trái chiều: “Hiện thực cuộc sống trong tác phẩm phải phong phú hơn, điển hình hơn hiện thực tự nhiên của cuộc sống. Vì vậy kí cũng phải được sáng tạo, bù đắp thêm các nhân tố mới ngoài cái có thật trong cuộc sống. Vì vậy, hư cấu trong kí phải được đặt ra theo đặc trưng của thể loại kí”. Hoặc: “Viết kí không phải là sự ghi chép một cách máy móc và tự nhiên chủ nghĩa. Nhân vật trong kí tuy có thật nhưng không đồng nhất với nguyên mẫu. Có thể thay đổi chút ít hiện thực, có thể tưởng tượng thêm những biểu hiện nội tâm”.

Qua các ý kiến trên, có thể hiểu, kí vẫn được hư cấu. Nhưng như vậy, rõ ràng hư cấu trong kí không giống với hư cấu trong truyện ngắn, tiểu thuyết. Đã từng có người đưa ra ý kiến hư cấu theo tỉ lệ phần trăm. Nếu truyện ngắn được hư cấu chín mươi hoặc một trăm phần trăm chẳng hạn thì kí chỉ tối đa khoảng hai mươi đến ba mươi phần trăm. Có lẽ đó chỉ là cách nói tương đối, chứ việc chia phần trăm như vậy thật khó thực thi trong quá trình sáng tác.

Vậy, hư cấu trong kí nên thế nào cho đúng? Như ta đã biết, nguyên tắc lớn nhất của thể loại kí là tính xác thực (là người thật, việc thật, có tên tuổi, địa chỉ…). Hư cấu trong thể kí luôn phải tôn trọng nguyên tắc thể loại. Người viết, dù hư cấu theo phương cách nào cũng không được làm mất tính xác thực của bài viết, thậm chí ngay cả việc đơn giản là mô tả ngoại hình nhân vật. Từng có một bài học lớn: Nhà báo B. Pôlêvôi trong một bài kí đã viết nhân vật quản đốc có thói quen chải tóc, nhưng trong đời thực thì vị quản đốc nọ lại hói như trọc. Thế là khi bài báo được đăng, ông quản đốc bị cả xưởng trêu chọc. Nhà văn bị phản ứng. Chỉ vì một chi tiết nhỏ như vậy mà bài kí mất đi sự xác thực. Một sự bất tín, vạn sự bất tin. (Có lẽ bởi rút kinh nghiệm trong quá trình viết kí của mình mà B. Pôlêvôi đã từng cho rằng kí không được hư cấu như đã nói ở trên chăng?).

Các nhà lí luận chia đối tượng viết kí thành hai thành phần: Thành phần xác định (là những sự kiện lớn mang ý nghĩa nền tảng, những nhân vật chủ chốt…) và thành phần không xác định (là những sự việc và những nhân vật không quan trọng). Ở thành phần xác định nói chung không nên hư cấu. Đối với thành phần không xác định có thể hư cấu rộng rãi hơn. Ta nhận thấy rất rõ vấn đề này qua các tác phẩm Sống như anh của Trần Đình Vân, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Xung kích của Nguyễn Đình Thi và ở nhiều tác phẩm kí khác. Để tác phẩm kí sinh động, chiếm được cảm tình của độc giả thì việc gia giảm những tình tiết, tạo ra những nhân vật phụ, những bóng dáng phụ trong phạm vi thành phần không xác định là điều hết sức cần thiết, nhất là ở những tác phẩm kí dài. Tôn trọng tính xác thực không có nghĩa là không được thay đổi cấu trúc, sắp xếp, tổ chức lại hoặc đưa ra những phát kiến của chủ thể sáng tạo.

Có một thực tế là trong khi tiến hành lấy tài liệu, người viết kí luôn vấp phải những điểm trắng, điểm khuất. Đối với những cây bút có nhiều kinh nghiệm cũng khó tránh khỏi điều này. Điểm trắng, điểm khuất là những sự kiện, tình tiết ẩn, những vấn đề mà các nhân vật thường khó nói hoặc không thể nói, không thể diễn thành lời, có khi chỉ lấp ló trong tiềm thức. Đó thường là những tâm tư tình cảm, những khát vọng, những ước mơ, những ý tưởng của nhân vật rất cần đối với bài viết. Không biết cách xử lí những điểm trắng, điểm khuất thì khó hoàn thành bài viết một cách thành công. Người viết kí phải vượt qua những điểm trắng, điểm khuất bằng sự trải nghiệm của bản thân, bằng việc vận dụng qui luật phát triển tất yếu của cuộc sống, bằng ước đoán, tưởng tượng… Vậy là cần sự can thiệp của hư cấu. Về vấn đề này, xin được minh họa đôi nét qua bài kí “Phố xưa” của Minh Hằng, tác phẩm đoạt giải Nhì (cuộc thi không có giải nhất) trong Cuộc thi Sáng tác văn học trên báo Văn nghệ Thái Nguyên (2014 -2016). “Phố xưa” đã diễn tả khá thành công chủ đề về sự phát triển của đô thị đang đối mặt với những giá trị văn hóa. Nếu không thận trọng, không ai khác, mà chính con người trong thời hiện đại sẽ vô tình làm mất dần những giá trị của chính mình bởi sự thờ ơ vô cảm, thiếu hiểu biết. Trong bài, tác giả đã sáng tạo ra rất nhiều những chi tiết, những cảm xúc, những suy tưởng… làm nên “hương vị” riêng cho tác phẩm. Đặc biệt, hình ảnh “cây đa” cổ thụ và cái “giếng ngọc” được tác giả nhân hóa thành những nhân vật mang tính điển hình hóa, đã làm cho tác phẩm thấm đẫm chất dân gian. Đấy là một cách bù đắp những điểm trắng, điểm khuất.

Về cách lấy tài liệu, kí báo chí với kí văn học cũng có phần hơi khác nhau. Kí văn học ngoài những số liệu, những việc thật cần chú ý đến con người. Thông qua cảnh vật và sự kiện phải biết “nhìn, nghe” những tâm tư, tình cảm…của nhân vật. Một nhà văn có kể lại một chuyến đi thâm nhập thực tế của mình ở một làng khai hoang miền núi. Ở đó, ông nhận thấy trước cửa nhà của tất cả các gia đình trong làng đều trồng ba cây cau. Có thể cảnh tượng ấy sẽ là một chi tiết dễ dàng bỏ qua đối với người viết kí báo chí. Nhưng nhà văn này đã hình dung ra đó chính là nỗi hoài niệm cố hương da diết của những người dấn thân đi xây dựng kinh tế. Không chỉ là nỗi nhớ từ ý thức mà còn từ vô thức của những kẻ li hương ngàn năm vọng lại.

Các tác giả đoạt giải cuộc thi Sáng tác văn học năm 2014 - 2016 trên Báo VNTN.    Ảnh: Đ.T

Một điểm nữa, kí văn học cũng rất cần sự trau chuốt của ngôn ngữ. Tuy không sử dụng triệt để những hình thức tu từ như thơ, nhưng ngôn ngữ của kí văn học phải góp phần làm lay động tâm hồn con người, đặc biệt là với thể tùy bút. Ví như Cây tre Việt Nam của Thép Mới, Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành. Gần đây, bút kí Phố xưa của nhà báo Minh Hằng là một trong những bút kí có sự thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ trong viết kí văn học. Xin dẫn một đoạn: “Nhà tôi ngay cạnh nhà chị Mùi. Ngày ngày, cứ ba giờ sáng là góc bên chị sáng trưng. Bóng chị lui cui đi lên đi xuống, lục cục đồ xôi, hãm tích nước chè ủ trong giỏ cói. Tôi hé mắt thấy vùng sáng, biết chị đã dậy, rồi lại ngủ thiếp đi. Đến khi mùi xôi nếp từ nhà chị ngào ngạt tỏa sang là tôi thức dậy. Người ta thường dùng tiếng chuông để đánh thức giấc ngủ, nhưng chị Mùi lại “đánh thức” tôi bằng hương vị xôi như thế. Sáng sáng, mở cửa thấy bóng chị Mùi nghiêng trĩu bên vai gánh hàng đi qua, tôi có cảm giác chị gánh mùi hương ra phố”.

Đọc một số bài kí trên báo chí ở ta, thấy một điều rất rõ là phần lớn các tác giả thường chỉ cố công sao cho bài viết nêu được vấn đề, theo đó là những số liệu dồi dào, cách lập luận tương đối chặt chẽ, khúc chiết. Đương nhiên, đó là những điều cần thiết. Tình hình báo chí hiện nay có một thực tế là các bản thảo kí văn học tuy rất cần nhưng lại ít người viết hơn so với truyện ngắn nên khi xử lí bản thảo, các biên tập viên thường không có những yêu cầu quá khắt khe, việc duyệt in cũng được chiếu cố hơn so với các mảng khác. Vì thế thường gây một tâm lí trung bình cho người viết kí. Có phải vì lí do trên mà không ít các bài kí in báo hiện giờ trong cấu trúc thường có một kiểu, một màu nhạt nhẽo, xơ cứng. Thậm chí lối viết kí công thức cũ mòn theo cách tả cảnh một chút, tả tình một chút, địa lí, lịch sử, truyền thống một chút; rồi gặp gỡ nhân vật, trò chuyện, nêu khó khăn, thuận lợi, sự vượt lên, các thành tích, hướng phát triển… hầu như vẫn chiếm vị trí đa số trên mặt báo.

Muốn có độc giả thực sự, người viết kí rất cần sự đổi mới (nhất là kí văn học) cả về nội dung lẫn hình thức. Vào mấy thập kỉ trước của thế kỉ XX, kí sự của nhà văn Oveskin (Liên Xô cũ) rất hấp dẫn với những lời bàn sâu sắc về các vấn đề nóng của xã hội, những diễn biến bên trong của con người, đã từng cuốn hút mạnh mẽ các độc giả Việt Nam. Nói không hề ngoa, các kí sự của ông có sức hấp dẫn hơn các truyện ngắn bình thường rất nhiều. Hay những năm gần đây, tập ghi chép Những người thường gặp của nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng chiếm được cảm tình của người đọc nhờ lối viết đơn giản, bình dị, gần gũi mà đầy sáng tạo.

Ở Thái Nguyên đã xuất hiện một loạt các tác giả khá thành công trong thể kí văn học như Lê Thế Thành, Minh Hằng, Lưu Bạch Liễu, Phạm Ngọc Chuẩn…Tuy nhiên, phấn đấu để mỗi cây bút có thể tạo ra cho mình một lối viết riêng, một màu sắc riêng thì còn là con đường ở phía trước. Không bao giờ nên mặc “đồng phục” cho các thể loại văn học, và có lẽ cả trong các thể báo chí.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Đỗ Quang doqu****@gmail.com

    Bài viết khá tốt